(Nhân đọc tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng” NXB Văn Học 2013 của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng)
“Canh ngọn đèn đợi sáng” là tập thơ thứ 10 của Nguyễn Huy Hoàng do NXB Văn Học ấn hành năm 2013. Thế là, từ năm 1995 đến 2013, trong vòng 18 năm, anh cho ra đời 10 tập thơ. Tập thơ đầu tiên của anh mà tôi được đọc là “Giữa thanh thiên bạch nhật” do NXB Văn Học cấp giấy phép, in năm 2009. Đọc một trong mười tập thơ, tôi chỉ mới chạm đến một phần rất nhỏ trong chuỗi sáng tác của anh. Nhưng cũng từ đó tôi biết thêm, ngoài một Nguyễn Huy Hoàng TS ngữ văn, nhà nghiên cứu văn học, giảng dạy văn học tại các trường Đại Học, viết giáo trình “Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX”, còn là một Nguyễn Huy Hoàng nhà thơ giàu tiềm năng, giàu cảm xúc. Anh sáng tác thơ, văn, nghiên cứu văn học, sáng tạo nghệ thuật không hề biết mệt mỏi.
Tình cờ, tôi gặp anh trên mảnh đất Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Cùng dạy và học một trường, nên anh có biết đến tôi ngay từ hồi tôi còn công tác tại trường cấp III Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sau hơn 40 năm gặp lại, anh vẫn nhận ra tôi và chúng tôi có cơ hội liên lạc với nhau. Tôi viết thư cho anh và anh viết thư cho tôi qua địa chỉ mail. Thư của anh viết “Thưa Thầy, hôm nay ra Hà Nội, em mở máy và nhận được thư của Thầy. Em rất vui vì Thầy vẫn mạnh khỏe và dành cho em những tình cảm chân thành. Em xa nhà 30 năm rồi Thầy ạ. Trong suốt những năm tháng đó cũng gánh chịu bao nhiêu khổ nạn và cũng phải gồng mình để sống. Trong suốt những năm tháng đó em cũng chưa hề sao nhãng chuyên môn, vẫn viết và giảng dạy. Em sẽ lần lượt gửi Thầy những quyển sách của em. Hy vọng sẽ được gặp Thầy. Kính chúc Thầy mạnh khỏe. Em Nguyễn Huy Hoàng”
Thế là sau tập thơ thứ nhất “Giữa thanh thiên bạch nhật”, anh gửi tiếp cho tôi tập thơ thứ hai “Canh ngọn đèn đợi sáng”. Với tập thơ thứ nhất, tôi say sưa đọc và viết bài cảm nhận “Điều không thực chỉ là giấc mơ thôi” đã giới thiệu trên trang Web “Người Xứ Nghệ Kiev” tại Ucraina. Với tập thơ thứ hai này, tôi còn lưỡng lự chưa biết xử lý ra sao. Nhưng càng đọc càng thấy ám ảnh. Tôi không thể không ghi lại điều ám ảnh ấy. Phải chăng đây cũng là cách trò chuyện gián tiếp với anh, biểu lộ sự đồng cảm chia sẻ của một bạn đọc như tôi với chủ thể sáng tạo của tập thơ .
Đại thi hào Nguyễn Du có hai câu thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn, lạc quan:
“Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Là người đã từng chuyển ngữ truyện Kiều sang tiếng Nga chắc anh không thể không chịu ảnh hưởng ít nhiều. “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” là câu thơ đẹp có hình ảnh tươi tắn sáng sủa, nó thể hiện niềm tin yêu đối với con người và cuộc sống dù bất kể trong hoàn cảnh nào. Sống, lẽ sống của con người là không được phép buông xuôi, tuyệt vọng. Nguyễn Huy Hoàng hiểu rõ hơn ai hết điều đó. Dù phải gánh chịu bao nhiêu khổ nạn và dù phải gồng mình lên để sống cũng không được buông lơi vẫn phải thức trắng đêm để đợi ánh bình minh ở phía chân trời. Tôi cho rằng tiêu đề tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng” mang ý nghĩa triết học như vậy. Nó cũng bật mí cho chúng ta về một nhân vật trữ tình, về chủ thể sáng tạo của tập thơ là một con người từng trải, giàu suy tư, trăn trở và có nỗi niềm trắc ẩn riêng tư không bao giờ có chút thanh thản “Đầy ắp những lo toan” (Thiếu).
Hãy lắng nghe nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tâm sự: “Tôi đã bỏ mọi thứ dành cho mình ở phía trước để ở lại nước Nga với một niềm hy vọng gặp lại đứa con gái đầu lòng thất lạc của mình. Tôi đã gắng hết sức, đã đi khắp bốn phương, đã ngửa mặt cầu xin khắp chốn, đã chấp nhận một cuộc sống chật vật, đã chịu biết bao điều dắng cay mà bút giấy không thể nào tả xiết. Khi mọi thứ đã không ở trong tay mình, tôi chỉ biết phó mặc cho mệnh số và treo mảnh lòng xót thương của mình vào chiếc đinh hy vọng. Và những đêm dài canh đèn đợi sáng, tôi thấp thỏm đợi một dòng tin, một lời nhắn gửi tốt lành mà tôi đã mỏi mòn chờ suốt hơn hai chục năm đằng đẵng.”
Với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng thơ với đời là một. Nỗi đau của đời cũng chính là nỗi đau trong thơ. Nỗi đau ấy đã hằn lên người anh đầy những vết sẹo mà vết nhức nhối hơn cả chính là “Vết ân hận suốt đời /Những đêm dài rỉ máu”. Đó là vết sẹo cũng là vết thương lòng hơn hai chục năm đằng đẵng chưa lúc nào cảm thấy nguôi ngoai:
Một năm là bao ngày
Hai chục năm đêm trắng
Nước mắt rơi bao lần
Giữa canh trường quạnh vắng
Con ơi đêm dài lắm
Trái đất rộng vô cùng
Chỉ có đêm mới tỏ
Lòng ba dành cho con. (Một năm là bao ngày)
Ở xứ người lạnh lắm. Mùa đông tuyết phủ đầy mặt đất, kéo dài sáu tháng liền. Khi tuổi tác đã cao, lòng đã mỏi, bắt đầu cảm thấy lẻ mọn, cô đơn. Ngồi một mình trong nhà trùm chăn kín, nhìn qua cửa sổ: “Mù mịt cánh đồng hoang/Gió hú gào tuyệt vọng”, “Từng khoảng tối rợn người/Canh ngọn đèn đợi sáng” (Canh ngọn đèn đợi sáng)
Nhưng niềm tin còn trong anh… Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng trong cơn đau tột cùng đã tìm cho mình nguồn an ủi từ thế giới tâm linh và chưa bao giờ nguội tắt hy vọng. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ này: “Một mình một bóng đêm đêm”:
Bạn ba giờ đã ông bà
Bạn con giờ đã cửa nhà chồng con
Vắng con hai chục năm tròn
Tóc vương bên gối như còn hôm qua
Ba không tị với người ta
Nhà mình phúc mỏng mới ra thế này
Ai mơ viên mãn đủ đầy
Ba cam phận bạc, trông ngày gặp con
Mẹ thì gầy guộc, héo hon
Cầu xin, vái mỏi, vái mòn tứ phương.
Gió mây sương nắng khôn lường
Xót con thân gái dặm trường bơ vơ
Vận sao vận đến không ngờ
Hạn sao hạn mãi bây giờ chưa yên
Một mình, một bóng đêm đêm
Tay mơ tìm mái tóc mềm phương con.
Thể thơ, lời thơ giản dị, mộc mạc, man mác, cổ kính như truyện Kiều của cụ Nguyễn Du như ca dao của người làm ruộng. Không chút màu mè, nhưng có sức hấp dẫn riêng của nó. Điều đáng nói ở đây là nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng dám nhìn thẳng vào nỗi đau, chấp nhận nó chứ không hề né tránh “Ba không tị với người ta/Nhà mình phúc mỏng mới ra thế này” Đúng là “Bình tâm trước cả bốn bề sóng xô!” Một cây bút thiếu bản lĩnh rất dễ buông xuôi, còn nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng thì vẫn nuôi hy vọng tạo nguồn cảm hứng lãng mạn cho những vần thơ cất cánh bay lên:
Ai mơ viên mãn đủ đầy
Ba cam phận bạc, trông ngày gặp con.
Nó giống như tiêu đề tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng”. Lòng thương con đã làm nảy sinh ở người cha đức tính nhẫn nại, kiên trì, chịu đựng. Người đọc không chỉ xót thương mà còn cảm phục một nhân cách sống như thế khi đọc hai câu thơ đã trở thành ám ảnh:
Một mình, một bóng đêm đêm
Tay mơ tìm mái tóc mềm phương con.
Ám ảnh, cái điều lởn vởn trong trí óc, khiến cho người ta phải suy nghĩ, phải thổn thức là điều có thật trong thơ của Nguyễn Huy Hoàng. Đó không chỉ là “Vết ân hận suốt đời/ Những đêm dài rỉ máu” khi đứa con thất lạc chưa biết ở phương trời nào, mà còn là những nỗi niềm, những suy tư trăn trở trước cuộc đời. Từ nơi xa vạn dặm, anh luôn hướng tâm hồn mình trở về nguồn cội. Có khi anh thổn thức trước tiếng gọi của lòng mình hay tiếng của quê hương nhắn nhủ. Tôi bị ám ảnh bởi những câu thơ: “Xanh gì bằng cỏ trên nương/Thơm gì bằng bưởi đưa hương sau nhà”. Ngọt ngào quá, thân thương quá! Tôi cứ đọc đi đọc lại những vần thơ ấy như không hề biết chán. Chính nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã nói hộ cho tôi và cho bao nhiêu người khác:
Bỗng trong mưa bụi trắng trời
Tiếng ai nhắn gọi hay lời tháng năm?
Dặm về nẻo vắng xa xăm
Chiều đông thấm mỏi bước chân độc hành
Đâu rồi bếp rạ, mái tranh
Đâu rồi, lối ngõ uốn quanh xóm nghèo?
Sân đình bến nước trong veo
Cây đa đêm hội, trăng treo. Đâu rồi?
Tìm đâu ra giữa quê người
Cỏ xanh đầu bãi, chiều phơi nắng vàng
Rặng tre nghiêng xuống giếng làng
Bóng ai tóc xõa, trăng loang vai mềm
Chập chờn nhớ giữa trời quên
Lòng quê lãng đãng trên miền mộng mơ.
Hoặc:
Ở nơi ấy một thời tôi đã sống
Mảnh áo nâu, cơm độn sắn, dép mòn
Gió đông thổi lạnh buốt mùa sơ tán
Lối sang trường vương mảnh pháo đạn bom
Ở nơi ấy những Thầy, Cô đáng kính
Dìu dắt ta cất bước buổi đầu đời
Đêm xứ lạnh nằm mơ nghe tiếng kẻng
Lại giật mình nhớ lớp buổi xa xôi
Nơi xa cách cuộc mưu sinh cơm náo
Cũng đắng cay cũng nghiệt ngã vô cùng
Nhưng mỗi lúc tưởng chừng như gục xuống
Thấy Cô, Thầy bè bạn đỡ sau lưng…
Không biết có điều gì nơi âm thanh tiếng kẻng mà ám ảnh người đọc làm vậy, đọc lên nghe thổn thức, nôn nao lạ thường. Đó là một chi tiết, một hình ảnh thơ rất hiện đại. Đẹp biết bao hình ảnh “Thấy Cô, Thầy, bè bạn đỡ sau lưng”.
Nhà thơ còn ám ảnh cả những thứ chưa thuộc về mình chỉ thoáng qua đời mình thôi nhưng biết bao day dứt tiếc nuối: “Chưa kịp gần đã quá đỗi xa xôi/Tôi đánh mất điều mình chưa kịp có/Còn da diết xốn xang lòng một thuở/Khi sáng nay như sớm ấy đang về”. Một chút liên tưởng về thời gian mà quá khứ trong hoài niệm ùa vào cảm xúc. Vẻ đẹp tươi ròng của một vùng quê sơn cước như “kho báu vật” trở thành ám ảnh, tạo thành những câu thơ có sức lay động lòng người:
Tôi hiểu rằng, tôi đã bỏ ra đi
Với tuổi trẻ không một lời tiễn biệt
Nếu gặp lại con bê, chùm lục lạc
Con suối trong, luống cải chớm hoa vàng
Đường ven đồi lau xao xác trên nương
Chắc chẳng thể như tôi từng thổn thức
Kho báu vật tôi vô tình đánh mất
Những ngày xanh không trở lại bao giờ. (Những ngày xanh không trở lại bao giờ)
Thì ra, đó là vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng cũng là vẻ đẹp của tuổi thanh xuân của “những ngày xanh không trở lại bao giờ”. Lời thơ ở đây không gấp gáp, vội vàng như thơ Xuân Diệu nhưng vẫn có tác dụng như một tiếng chuông thức tỉnh, đừng để tuổi trẻ qua đi một cách uổng phí.
Hài hước – trữ tình là một giọng điệu rất riêng cứ lặp đi lặp lại trong thơ của Nguyễn Huy Hoàng từ tập thơ này sang tập thơ khác. Những bài thơ có giọng điệu như thế thường đem đến cho người đọc những cảm giác thú vị. “Giá mà nghèo được như xưa” (viết cho một người đang giàu) là một trong những bài thơ như thế. Ở đây, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng có cái nhìn lạc quan của người lao động “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Ở đây, cái nghèo được coi như một điều mơ ước, hãy chớp lấy cơ hội này để giải bày một tình yêu thuần khiết vượt lên mọi rào cản về vật chất tầm thường:
Giá mà nghèo được như xưa
Giá mà trở lại thuở chưa biết giàu
Thời vai sờn, áo dãi dầu
Lo toan trĩu gánh hai đầu sớm hôm
Rau dưa che khuất mâm cơm
Nụ cười tỏa rạng, vợ con quây quần
Rào thưa nên láng giềng gần
Rượu quê, đĩa lạc, thơ ngâm dưới đèn
Cái thời chẳng thể nào quên
Tỉnh ra như giấc mộng tiên xa vời.
“Rào thưa nên láng giềng gần” là một phát hiện của óc quan sát tinh tế, hình ảnh ấy vừa rất cụ thể, lại vừa khái quát cao để ngợi ca nét văn hóa làng xã của một thời vang bóng! Trong khi những người nghèo có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc thì trái lại những kẻ giàu chỉ biết “dở khóc dở cười”. Thật là hài hước phải không?
Giọng điệu hài hước còn được sử dụng để ghi lại những cảm xúc “bi uất” trước thế sự trái ngang. “Sống chết mặc bay” thì cụ Phạm Duy Tốn đã viết rồi. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng còn viết tiếp “Quan xưa” để kính dâng hương hồn cụ. Phải chăng hai tác giả của hai thời đại đã gặp nhau ở một góc nhìn nào đấy về bọn quan lại:
Mặc năm thất bát sắn khoai
Dân đen rã họng, giêng hai ăn mày
Nông phu bỏ ruộng không cày
Lìa quê tan tác, chân mây cuối trời
Mặc nơi biên ải xa xôi
Ngoại bang dòm ngó chờ thời tràn sang
Còn đây ngay giữa phủ quan
Ăn chơi, hát xướng, ngày tàn, canh khuya
Mỹ nhân muôn nẻo cống về
Bạt ngàn vật lạ, ê chề của ngon
Trên là vàng, dưới là son
Dân có còn, nước có còn mặc bay!
Khi đọc bài thơ “Thầy giáo làng”, tôi bị ám ảnh bởi hai câu thơ: “Những đứa trẻ giống con xưa, ngồi lưng trâu lại đọc/”Nước ta giàu tài nguyên, có biển bac rừng vàng”. Thế mà:
Chỉ có cái nghèo là không đổi
Mái tranh vách đất, trát rạ rơm
Bao cuộc chuyển vần đâu vẫn đấy
Già vẫn đói cơm, trẻ áo sờn.
Một người từng trải, hay suy tư, trăn trở “đầy ắp những lo toan” thì không mấy khi thanh thản, mà lại hay giật mình:
Lạ kỳ đã mấy tháng nay
Nửa đêm trở chứng lại hay giật mình
… Năm tàn, tiếc những ngày xanh
Lá rơi ngồi tiếc thân cành trụi trơ
Mỏi tay vẫy bến xa mờ
Giật mình, vực thẳm xói bờ thời gian.
Thơ của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng là vây. Đa thanh, đa nghĩa, đa giọng điệu. Nhưng xuyên suốt tập thơ này cũng như ở những tập thơ khác chính là giọng trữ tình, đằm thắm của một tâm hồn đa sầu, đa cảm, có thủy, có chung, luôn trăn trở, nghĩ suy, “đầy ắp lo toan” trước những biến động của cuộc sống của con người trong thế giới phẳng.
Thành phố Vinh, Ngày Noel 25/12/2015