(Trích đoạn)
Với 3254 dòng thơ, Nguyễn Du viết theo một cốt truyện có kết cấu trục thẳng, diễn biến theo chiều dọc thời gian xuyên qua số phận, theo từng bước chân lưu lạc của nàng Kiều. Về mặt thể loại, các nhà phê bình xếp nó vào dạng Tiểu thuyết bằng thơ như “Evghenhi Onheghin” của Puskin, hoặc “Don Juan” của Byron.
Từ lâu, Truyện Kiều đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa Việt Nam. Nhiều nhân vật trong Truyện Kiều trở thành điển hình cho những mẫu người trong xã hội, mang những tính cách tiêu biểu như Sở Khanh, Hoạn Thư, Từ Hải, và đều trở thành thành ngữ Việt Nam. Khả năng khái quát của nhiều tình huống, sự kiện trong tác phẩm khiến cho người đọc tìm đến Truyện Kiều, như tìm đến một sự sẻ chia, một niềm an ủi và gửi gắm. Người ta coi Truyện Kiều như là một tác phẩm Kinh Dịch của Việt Nam, nó bao quát nhiều mặt đa dạng của cuộc sống, phù hợp với nhiều bước ngoặt của mỗi cuộc đời, nên người Việt vẫn dựa vào Truyện Kiều để bói.
Ca nhạc dân gian Việt Nam có dạng vịnh Kiều; sân khấu dân gian có diễn các tích Kiều; hội họa có nhiều tranh vẽ minh họa Kiều. Nhiều vở Tuồng viết về đề tài Kiều; cải lương Kiều, phim Kiều cũng lần lượt ra đời và công diễn suốt từ Nam chí Bắc. Nhiều câu, nhiều đoạn trong Truyện Kiều hòa lẫn vào kho tàng ca dao, tục ngữ đến mức khó phân biệt được.
Trong văn học Việt Nam cận đại và hiện đại, Truyện Kiều đã là đề tài cho nhiều công trình khảo cứu, nghiên cứu, bình luận và những cuộc bút chiến kéo dài. Suốt hơn hai thế kỷ ra đời, Truyện Kiều được đánh giá là tác phẩm văn học vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam, bởi tính dân tộc sâu sắc, bởi sự cách tân, hiện đại hóa ngôn ngữ và góp phần làm trong sáng tiếng Việt Nam.
Truyện Kiều lần đầu tiên được dịch ra tiếng Pháp, in ở Paris năm 1884, được dịch ra tiếng Nhật từ năm 1949, tiếng Sec 1957, tiếng Trung Quốc năm 1949… và từ bấy đến nay đã có tới 15 bản dịch ra các tiếng Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, tiếng Balan, tiếng Mông Cổ…. Nó là sứ giả Văn học, mang theo những giá trị tinh thần to lớn, giúp cho bạn đọc trên thế giới hiểu biết về cuộc sống, phong tục, đạo đức và tâm hồn người Việt Nam.
Ở Liên Xô, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được giới thiệu và nghiên cứu và giảng dạy tại các Viện Phương Đông, Viện Các nước Á Phi thuộc MGU, Trung tâm Việt Nam học, Trường Đại học Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Tổng hợp X. Peterburg, Trường Đại học Tổng hợp Vladivoxtok…
Các công trình nghiên cứu, chuyên khảo của Giáo sư Tiến sĩ Nikulin N.I; Tkatrov M.N, Marina Kovaleva…, các tạp chí Văn hóa, tạp chí Văn học, tạp chí Nghệ thuật, tạp chí Ngôn ngữ và nổi bật là Giáo trình lịch sử Văn học Thế giới (Chủ biên Бердникова Г.П. - Москва 1988) đã đánh giá rất cao Truyện Kiều của Nguyễn Du về phương diện nội dung và nghệ thuật.
Các đoạn trích dịch tiêu biểu, tóm tắt nội dung Truyện Kiều được đưa vào trong chương trình giảng dạy tại các khoa tiếng Việt Nam tại Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay. Đã có nhiều luận án tốt nghiệp Đại học của sinh viên các khoa Ngữ Văn lấy đề tài Truyện Kiều và Văn học Việt Nam.
Hai bản dịch Truyện Kiều nổi tiếng nhất, được các dịch giả dày công sức và tâm huyết để thực hiện là bản dịch của Larin V.P. từ tiếng Việt và tham khảo tiếng Anh theo bản của Mikhael Kaunxel. Dù chưa dịch hết, nhưng bản dịch đã được giới nghiên cứu và bạn đọc hào hứng đón nhận. Nó được đăng tải rải rác trên tạp chí văn học, được trích dẫn trong các tham luận, các bài nghiên cứu về Nguyễn Du và được Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Bản dịch Truyện Kiều công phu hơn cả là của nhà thơ, dịch giả Arkadi Steinberg được công bố trên tạp chí “Việt Nam” số 5-1988 (журнал "Вьетнам", №5, 1988) và đồng thời trong Tuyển tập «Thơ ca cổ điển Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản” đã in gần 20 trang bản dịch của ông. (“Классическая поэзия Индии, Китая, Кореи, Вьетнама, Японии”, изд. “Художественная литература”, Москва, 1977 г., стр. 576-584).
Tuy nhiên, cho đến thời trước ngày kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du, vẫn chưa có một bản dịch đầy đủ để giới thiệu tác phẩm Truyện Kiều ra tiếng Nga, giúp bạn đọc Nga và giới nghiên cứu văn học hiểu được tầm vóc một tác phẩm vĩ đại trên hai trăm năm năm qua đã đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam, gắn bó với nhân dân Việt Nam trong công cuộc vệ quốc và kiến quốc lâu dài và anh dũng.
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới; nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ Hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam, lần đầu tiên, Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch ra tiếng Nga trọn vẹn, là món quà tinh thần dành cho nhân dân Nga anh em.
Do yêu cầu dịch thuật, số câu thơ trong nguyên bản và số câu thơ trong bản dịch không phải tương đồng và song song với nhau. Cách đánh dấu số câu là để bạn đọc tiện việc theo dõi, chứ không phải để so sánh nguyên bản và bản dịch.
Nhóm dịch giả và nhà tài trợ trong buổi gặp mặt đầu tiên bàn ý tưởng. Từ phải sang: TS Nguyễn Huy Hoàng, dịch giả Vũ Thế Khôi, dịch giả Đoàn Tử Huyến, TS Xocolov, TS Lê Văn Nhân, ông Hoàng Văn Vinh-nhà tài trợ
Tin chắc rằng, sự kiện này sẽ là nhịp cầu nối đôi bờ văn hóa Nga- Việt Nam, góp phần vào việc củng cố tình hữu nghị hai dân tộc; thực hiện ước mơ mà nhiều nhà nghiên cứu, nhiều độc giả Nga trong nhiều năm qua từng mong muốn, là có một bản Truyện Kiều được dịch trực tiếp từ tiếng Việt Nam ra tiếng Nga. Kết quả của bản dịch hiện nay, nó được ví như một câu thơ trong Truyện Kiều Nguyễn Du đã viết:
Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai. (dòng 2282)
Nhà thơ - Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng
|