Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Nguyễn Huy Hoàng: Không đi, không biết Berlin Nguyễn Huy Hoàng: Không đi, không biết Berlin , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Tiếp theo)

Phần 1:
Nguyễn Huy Hoàng: Chưa đi, chưa biết Berlin

http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_323_361_76245.html


Căn cơ như người Đức

Khu phố anh Việt ở là phố nhà vườn, mỗi nhà rộng khoảng 1000 hoặc vài ba ngàn mét vuông xanh rờn cây cối. Nhà nào cũng trồng đầy hoa. Hoa trong vườn, hoa trước ngõ, hoa trên ban công, hoa treo đầy cửa sổ. Những ngôi nhà một tầng, hoặc hai tầng xinh xắn, chủ yếu là lợp mái xanh như hòa vào màu chủ đạo của khung cảnh thiên nhiên.

Nhiều buổi sáng và buổi tối đi dọc hàng cây, hy hữu lắm, tôi mới thấy một vài ông bà già người Đức dắt chó đi dạo, hoặc thi thoảng một chiếc ô tô chạy chậm tìm chỗ đỗ. Thanh bình và lặng lẽ ngự trị suốt không gian. Kỳ lạ nhất là những dãy hàng rào gỗ hoặc hàng rào sắt trước các khu nhà, thẳng và đều tăm tắp. Chỉ cần nhún chân một cái là có thể nhảy tót vào bên trong, vì hàng rào chỉ cao mỗi 1,2 mét. Làm cao hơn là phạm luật. Thế mà an ninh cực kỳ đảm bảo, không có trộm vặt, cũng không có đám bụi đời bén mảng tới. Chẳng bù cho những khu biệt thự to đùng đùng bên Nga được che chắn bởi những dãy hàng rào cao chí ít cũng ba mét, camera chĩa khắp bốn phía xoi mói khách vãng lai. Thế nhưng thỉnh thoảng trên ti vi lại thấy chiếu các vụ hình sự xẩy ra trong những khu kín cổng, cao tường đó, nào đâm chém, mua bán ma túy, nào là các vụ bắt cóc con tin…. Hóa ra an ninh tốt nhất là con người, là ý thức tôn trọng pháp luật.

Ngay bên cạnh ngôi nhà bình dị của anh Việt là một biệt thự ba tầng lừng lững của một doanh gia đồng hương. Tường nhà phối màu lòe loẹt và cũng như các biệt thự khác, có rất nhiều hoa đủ màu sắc. Hình như cô chủ nhà chỉ ở với hai đứa con tầng một, còn hai tầng mênh mông còn lại thì bỏ trống. Nghe đâu đã mấy đợt có người đến thuê, nhưng sau đó, họ lại bỏ đi, không phải vì giá cả, hoặc tính khí chủ nhà chập cheng hay đồng bóng. Cái chính là khu nhà quá rộng mà diện tích cây xanh quá ít, tường xây sát hàng rào, bức tử không gian! Hóa ra không phải nhà to, nhà rộng, nhiều màu xanh đỏ là người Đức thích, mà chính thiên nhiên mới là điều họ quý.

 

 



Rừng giữa thành phố


Trừ một số nhà xây từ thời Đông Đức cao chót vót, còn lại, các phố trung tâm Berlin và phía Tây, nhà cửa đều hai, ba tầng nằm lọt thỏm giữa những hàng cây xanh ngắt. Nó phản ánh lý tưởng thẩm mỹ văn minh của người Đức, không phải cao là đẹp, nhiều là sang, hào nhoáng là văn minh. Chính vì vậy, đường phố lúc nào cũng thông thoáng, kể cả giờ tan tầm. Ra đường, người Đức lái xe rất từ tốn, không rú ga, không bóp còi chí chát và tuân thủ luật giao thông một cách nguyên tắc tự giác từ hạn chế tốc độ, giữ khoảng cách vạch, đỗ xe đúng chỗ, mặc dù chẳng bao giờ thấy bóng công an lục lộ.

Tôi có cảm tưởng trên đầu mỗi người Đức luôn mang hai vòng kim cô là pháp luật của quốc gia và ý thức kỷ luật của chính mình.

Tôi có đọc đâu đó một bài báo, nói rằng, thủ phạm tắc đường là nhà cao tầng, nó đẩy mật độ xe hơi lên chóng mặt, sang đến Đức mới thấy điều đó được chứng minh bằng thực tế. Họ không hề tự sướng “tầm nhìn năm chục năm, sáu chục năm” mà mấy anh thích nói chữ hay tụng, nhưng sự thực tư duy xây dựng của họ thì đi trước cả trăm năm.

Tuy vậy, cái đã to thì lẫm liệt. Ví dụ như nhà ga Trung tâm to như một trái núi, tầng một là các tuyến tàu hỏa; tầng hai là tàu cao tốc, tầng ba cũng là tàu cao tốc, tầng tư, tầng năm cũng thế, tầng bảy mới là tàu điện và ô tô buyt. Dường như không có sự ách tắc, trễ giờ và mất trật tự trong cái thành phố- nhà ga khổng lồ này. Hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn quầy hàng trong nhà ga phục vụ cho một lượng khách khổng lồ đi, đến và chờ đợi. Hàng loạt thang máy, thang cuốn làm việc hết công suất suốt ngày đêm; các loại hình dịch vụ phong phú san sát mà vẫn ngăn nắp, gọn gàng. Thường các nhà ga nơi nào cũng vậy, đều có một loại mùi lưu cữu đặc biệt mà người ra gọi là mùi bến bãi; nhưng ở Đức thì sự sạch sẽ được xếp hạng ưu tiên số một trong các tiêu chuẩn sống, nên đâu đâu cũng sạch, phong quang như lau, như li.

Cứ mỗi lần tôi sang bên này, anh em bè bạn lại có dịp tụ họp và dĩ nhiên lại kéo nhau ra quán. Những quán bia Đức cực kỳ hấp dẫn đối với dân nghiền bia rượu, nhưng đối với tôi dù chay tịnh với alkogon, nhưng đến đó tôi có nhiều dịp quan sát và thưởng thức phong vị và tính cách người Đức. Họ đến từng dôi hoặc theo nhóm, gọi bia và lặng lẽ nhâm nhi. Các câu chuyện đổi trao của họ thầm thì, đủ nghe, không quấy rầy ai. Đặc biệt, khi họ rời bàn, hầu như không có gì sót lại, họ ăn hết, uống hết và cho rằng việc để thừa mứa là không thể chấp nhận được, là hành vi thiếu văn hóa.

Tôi nhớ lần đầu tiên khi tôi vào trường MGU, hồi đó mọi thức còn rẻ lắm, vào nhà ăn sờ trong túi có 50 kopek là đầy đủ lòng tự tin để dũng cảm nhặt thức ăn vào khay không cần suy nghĩ. Tôi đã nhặt các món mình thích và mặc dù chén thoải mái vẫn còn thừa mấy thứ. Tôi bưng khay đưa đến dây chuyền rửa bát và tay đút túi đi ra cửa. Thốt nhiên, một giọng gay gắt gọi tôi quay lại, đó là bà trực quầy:

-Cậu kia, mang khay lại đây!
Tôi thấy cực kỳ vô lý, nhưng vẫn mang chiếc khay ăn dở của tôi đến trước mặt bà
-Cái gì đây – bà chỉ vào các món thừa
-Bánh mỳ, giò và xalat
-Đồ ngốc! Đấy là lao động! Gói lại mang về!

Đó là bài học vỡ lòng của tôi khi đến các nhà ăn và khách sạn, và từ bấy đến nay, tôi cạch, không dám quá tay khi gọi món và không dám để thừa.

Chính vì thế, khi dự các buổi giao lưu, nghe những tiếng Dzô! Dzô! thất thanh, nghe các giọng nói oang oang hể hả, thấy các bộ mặt đỏ phừng phừng và các bàn ăn đầy các món ế thừa một cách trọc phú và phi lý, tôi càng thấy quý trọng nếp ăn văn minh của người Đức.

 

 



Lễ hội bia ở Đức


Lại nói thêm về cái sự tiết kiệm. Trước đây, trong một bài viết, tôi có nhắc đến một vị giáo sư đã quá cố, sống ở Xaliut 2, một Thương xá của người Việt ở Matxcơva. Hàng ngày, vào buổi trưa và tối muộn, ông thường lọ mọ đi đến các bếp của người Việt trong ký túc xá, tắt vòi nước mà bà con ta cứ mở chảy xối xả vô tư, tắt bếp ga mà mấy chị nội trợ tranh phần xí chỗ rồi quên đóng lại. Có lần, ông góp ý cho một chị đỏm dáng tuổi chưa đầy bốn chục, là cháu đừng để vòi nước chảy như thế, lãng phí lắm. Cô ta trừng mắt nhìn vị giáo sư đáng kính từ đầu đến chân và rít lên: - Ông đừng có mà tinh tướng. Nước, ga, điện của ông đấy à? Già rồi thì biết yên thân, yên phận! Ông như bị dội một thùng nước lạnh, im lặng lủi thủi đi về phòng mình. Sau lần ăn chửi nhớ đời đó, vị giáo sư không hề lai vãng một lần nào đến bếp nữa.

Người Đức ghét nhất là thói vô trách nhiệm và thiếu ý thức. Họ mở vòi nước, không dùng là khóa lại; ra khỏi nhà là tắt đèn ngay; mua hàng thừa một xu cũng lấy lại và trước khi cho tiền vào ví phải vuốt mép ngay ngắn, không vò một cục đút túi quần như cánh mujik Nga vẫn quen làm.

Sang Đức, tôi được mục sở thị mấy trại tỵ nạn. Hồi trước ở Nga, nghe nói đến trại tỵ nạn, tôi cứ hình dung như là một khu quản chế, có hàng rào sắt, có lính canh và bên trong là những người bị giam giữ. Nhưng thực ra không phải là thế, các trại tỵ nạn trông bên ngoài giống như một ký túc xá của sinh viên, có các ngôi nhà ba, bốn tầng; có sân bóng, có hồ bơi và có các ghế đá nghỉ ngơi. Trong các phòng có tivi, máy tính, nhà ăn và câu lạc bộ.NHững người trong trại hàng tháng được lĩnh trợ cấp hậu hĩnh, được học tiếng, được chơi thể thao miễn phí và tự do ra phố.

Tôi ghé qua một trại ở khu mà dân ta quen gọi là Cối xay gió, vì ở gần đó có một chiếc cối xay lừng lững giống như minh hoạ cho tác phẩm Đôn Kisot của Xecvantec, gần ngã tư đường. Hai khu nhà ba tầng sơn màu hồng rất đẹp nằm sát một công viên rừng đang được sửa chữa, sắp đưa vào sử dụng. Tôi đưa máy ảnh lên chụp. Một anh bảo vệ nghiêm nghị bước từ phòng trực ra giơ tay ra hiệu cấm! Anh bạn cùng đi với tôi hỏi:

-Tại sao cấm!
-Theo nội quy, cấm chụp!
-Nội quy đâu?

Anh bảo vệ lịch sự dẫn chúng tôi đến tấm biển cắm ngoài góc phố và chỉ dòng chữ: Cấm chụp ảnh!. Chúng tôi xin lỗi và chào! Cái cung cách đầy trách nhiệm đó nó thấm vào tư duy của người Đức một cách tự nhiên trong ứng xử.

(Còn tiếp)



  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65166468

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July