(Hội văn học nghệ thuật Nghệ An 1999)
Nhìn ở góc độ văn hóa địa phương, “Thơ nữ Nghệ An” do HVHNT Nghệ An cho in năm 1999 là tập thơ chọn lọc gây được sự chú ý của người đọc.
Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Xuân Hương được đặt ở vị trí hàng đầu, trang trọng nhất của cuốn sách. Bởi vì Bà là “Bà chúa thơ Nôm” (Lời của nhà thơ Xuân Diệu). Bà không chỉ làm thơ mà còn là người thầy dạy người khác làm thơ: “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/Lại đây cho chị dạy làm thơ”. Tập hợp xung quanh Bà là những cây bút nữ Nghệ An thuộc nhiều thế hệ khác nhau,từ thời chống Pháp, chống Mỹ, cả thời đổi mới nữa.Trong số họ nhiều gương mặt đã trở nên quen thuộc đối với độc giả cả nước như Thúy Bắc Tuyết Nga, Vân Anh, Giáng Vân, Nguyễn Thị Phước… Bên cạnh đó là những gương mặt còn rất trẻ, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn cho người đọc như Thái Dương Liễu, Đinh Thu Hiền, Lê Thị Thu Thủy,Chu Thị Khánh Ly,Cao Hồ Mỹ Giang, Hoàng Thiên Kim…Có thể nói đội ngũ tác giả nữ Nghệ An thật hùng hậu, đông đảo. Tương lai còn ở phía trước, chắc chắn họ còn tiến xa hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho thơ ca của Nghệ An và thơ ca của dân tộc.
“Thơ nữ Nghệ An” ngay từ khi mới ra đời đã được người đọc đón nhận một cách nồng nhiệt. Dư âm của nó để lại trong lòng người đọc là nỗi ám ảnh, suy tư. Ám ảnh về chiến tranh luôn là nỗi ám ảnh nhức nhối. Chiến tranh đã cướp đi tuổi thanh xuân, cái phần đẹp nhất của một đời người:
Chiến tranh qua đi tiếng bom vẫn rền
Tuổi xuân trôi đi lúc nào chẳng biết
Thời con gái là thời yêu mãnh liệt
Nụ hôn tôi còn ở trong tim!
Nói đến Nghệ An là nói đến vùng đất phong cảnh hữu tình, “non xanh nước biếc”. “Thơ nữ Nghệ An” lại ám ảnh người đọc ở phía khác ở phía thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, cảnh vật xơ xác, phượng khóc, ve gào:
Cánh đồng xác xơ khô lép
Tháng năm vãi ngọn gió Lào
Phượng khóc một trời máu đỏ
Râm ran vòm lá ve gào
(Ký ức tháng năm-Lưu Lam Thi)
Thời tiết vùng quê ấy khắc nghiệt đến nỗi, con dâu của xứ Nghệ ở những vùng quê khác sợ không muốn về, con gái xứ Nghệ thì ước mơ một chân trời khác:
Da của nắng và tóc của gió
Ta- con gái miền trung
Yêu được ta không- Hà Nội
Hồ Tây loang trong chiều thương
(Vọng miền Trung- Lê Thị Thu Thủy)
Lịch sử xã hội có nhiều chuyển biến.Thơ ca cũng vậy.Trước năm 1975, các nhà thơ nói nhiều hơn đến đời sống chính trị, con người công dân với những tình cảm lớn, niềm vui lớn, lẽ sống lớn.Sau 1975, nhất là sau Đại hội Đảng lần thứ VI(1986) bỏ kinh tế tập trung bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, văn nghệ sỹ dần dần được cởi trói, thơ ca đã nắm lấy cơ hội đó để tự đổi mới về mình. Bắt đầu từ đây thơ ca nói nhiều hơn đến cuộc sống đời thường, những mất mát của chiến tranh, những số phận éo le của cá nhân.Thơ ca khởi sắc hẳn lên. Có khá nhiều bài thơ đã thu hút được sự chú ý của người đọc. Trong bối cảnh ấy “Thơ nữ Nghệ An”cũng không phải là một ngoại lệ.
“Tiếng còi tàu, vâng chỉ một tiếng còi tàu thôi đã gây biết bao cảm xúc, gợi về một quá khứ xa xăm, tội nghiệp: “Những chuyến đi chỉ tay ra sân ga, từ ngày nén khóc đến ngày thèm khóc được”. Đó là nỗi nhớ bạn bè: “Hai mươi năm chẳng bao giờ về đủ/Đứa tự làm ra gạo mà ăn, đứa bán bớt phổi miền Tây Nam bộ, đứa lầm lụi kiếm tiền tuyết mưa xa xứ… nhắc nhau những ngày lớn nhờ rau và khoai sắn, rằng mồ hôi là nước mắt của vai và lưng” (Tiếng còi tàu- Nguyễn Thị Phước)
Viết về tình cảm gia đình, đặc biệt là viết về tình mẹ con luôn được các cây bút nữ nâng niu,trân trọng, có khá nhiều câu thơ xúc động:
Con hình dung biết mấy đêm đông
Mẹ chèo chống với mênh mông khô khát
Lòng góa bụa rưng rưng theo câu hát
(Hình dung về mẹ- Vân Anh)
Lần giở từng trang thơ, có khi bất chợt ta bắt gặp một thân phận, một cuộc đời, một tuổi thơ hãi hùng:
Tuổi thơ tôi lội nước mót khoai
Dẫm lên gốc rạ nghe lời của đất
Thiếu tấm áo hoa thiếu từng trang sách
Chỉ không gian nắng gió là thừa…
(Con nhà nông- Nguyễn Thị Phước)
Như một điểm nhấn, tình yêu nam nữ được đề cập nhiều nhất, đa dạng nhất, và hấp dẫn nhất. Điều đó cũng dễ hiểu, vì đây là thơ, là xúc cảm, là rung động trái tim của phái đẹp. Tình yêu nam nữ với những sắc điệu khác nhau, những cung bậc khác nhau lần lượt xuất hiện trong những vần thơ dịu dàng, rất nữ tính nhưng không kém phần quyết liệt, dữ dội với những quan niệm, những tư duy thật mới mẻ:
Bên cạnh những nét ngây thơ, trong trẻo: “Chỉ một lần gặp gỡ/mười tám về ngẩn ngơ/Chỉ nửa lời thổ lộ/Mười tám về làm thơ”. (Dại khờ- Bùi Thị Hồng Giang) là cái tôi già dặn, từng trải, lạnh lùng và có phần kiêu kỳ nữa:
Lấy đam mê làm tín ngưỡng
Anh quỳ trước tôi như quỳ trước thánh đường
Đừng sùng kính thế là hơn
Nhân danh kẻ được yêu tôi sẽ lạnh lùng lắm đấy!
(Kẻ được yêu- Lê Thị Thu Thủy)
Không ai muốn nhìn cảnh “lá rụng rơi và cơn mơ chiều chìm đắm”, là người con gái có bản lĩnh, họ biết phải làm thế nào để củng cố tình yêu, bảo vệ hạnh phúc của mình: “Em muốn làm một điều gì đó ở cõi thế gian này”:
Vì thế em đã đợi anh
Bằng tự do mà anh hằng khao khát
Cái vô hạn trong cái hữu hạn
Nỗi đa cảm trái tim đàn bà
(Khát vọng- Nguyễn Thị Giáng Vân)
Làm thơ về tình yêu, nhà thơ Thúy Bắc không chỉ dùng thể thơ lục bát đằm thắm, ngọt ngào mà còn cả thể thơ tự do giàu chất nhạc: “Rút sợi thương/Chằm mái lợp/Rút sợi nhớ/Đan vòm xanh/Nghiêng sườn đông/Che mưa anh/Nghiêng sườn tây/Xòe bóng mát”. Còn Trần Kim Hoa thì khá táo bạo khi dám đề xuất một quan niệm mới mẻ mang tính đột phá:
Em từng đã băn khoăn
Không biết ngoài cánh cửa kia, ngoài anh còn ai nữa
Không biết hạnh phúc này, còn hạnh phúc nào khác nữa
Khi ta chỉ một đời cứ lẩn khuất vào nhau
Tình yêu luôn luôn là sự tìm kiếm, bứt phá để vượt ra ngoài khuôn khổ, giới hạn, vươn tới sự phóng khoáng tự do và không phải không được trái tim nhân hậu, chia sẻ, đón nhận:
Dù số phận bắt anh thương yêu người con gái khác
Em vẫn đợi, vẫn chờ...
(Không đề- Thúy Bắc)
Là tình yêu đích thực, nó có sức mạnh vượt lên mọi thứ rào cản, mọi thách thức.Về phương diện này, Đinh Thu Hiền- một cây bút trẻ được xem là một hiện tương của thơ ca. Ở bài: “day dứt”, Thu Hiền đặt tình yêu vào một tình huống hết sức khó xử. Yêu một người và cưới một người khác. Đám cưới đi qua lối hẹn xưa. Cô bé người yêu “nép trong ngõ rụt rè xem đám cưới”. Bộ mặt thật hay chân dung tinh thần của chàng rể lộ ra:
Mắt anh lặng nhưng mà… tim bối rối
Đập nghẹn ngào để rơi cánh hoa
Ở bài: “Ảo ảnh”, Thu Hiền tiến xa thêm một bước. Ranh giới âm - dương vẫn không ngăn nổi tình yêu. Với Thu Hiền, tình yêu có thể vượt lên trên cả cái chết:
Tôi đã chôn sao anh cứ hiện về
Nấm mồ ấy không một lần hương khói
Vùi sâu anh trong quãng đời nông nổi
Tôi bồi hồi, tôi bối rối, tôi yêu…
Ảo ảnh mãi thôi, ảo ảnh đến cùng
Mồ anh đó tôi chôn bằng nước mắt
Hồn chìm nổi, lênh đênh, hồn phiêu bạt
Để lại về sống khắc khoải trong tôi
Có phải do điên, do cuồng si mới sinh ra thế? Không đâu. Bởi khi tỉnh, khi biết mình rơi vào một cuộc tình vô vọng thì vẫn thế. Dẫu có đi lấy chồng, dẫu đã có con với người khác thì tình yêu vẫn tồn tại, vẫn âm ỉ cháy ở trong lòng:
Dừng lại nhé, tới một ngày làm mẹ
Sẽ gọi tên anh nhiều trong câu hát em ru…
Bi kịch tình yêu là điều có thật. “Thơ nữ Nghệ An” có nhiều bài thật hay như: Nếu có thật, Vầng mây bất hạnh, Điều không thể biết, Tháng ba, Muộn…
Muộn màng rồi phải không anh
Thôi thì hãy giữ yên lành cho nhau
Nào ai dám trách ai đâu
Đừng nhìn em thế mà đau đớn lòng
Anh về đi kẻo người mong
Chắc là con trẻ cũng trông ngóng nhiều
Mình em trở lại vườn yêu
Dạ hương rụng trắng ngõ chiều lối trưa
Quá mùa nên cải thành dưa
Trầu không héo lá mà chưa kịp vàng
Muốn sang mà chẳng được sang
Dẫu là một chuyến đò ngang cuối ngày.
(Muộn- Thái Dương Liễu)
Tóm lại, thơ là nguyên khí, là linh hồn của con người. Làm thơ là nhu cầu tự nhiên muốn được bộc lộ cái tôi. Khi cái tôi được giải phóng, thơ càng có điều kiện nẩy nở và phát triển mạnh mẽ. Người thơ muốn được chia sẻ cảnh ngộ riêng, thân phận riêng. Nếu biết chọn cho mình một cách thể hiện, không lặp lại người khác, không lặp lại cả chính mình thì nhất định sẽ có thơ hay. Những bài thơ hay trong cuốn: “Thơ nữ Nghệ An” ít nhiều đã vươn tới phẩm chất ấy. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, công chúng thơ đặt nhiều kỳ vọng ở đội ngũ làm thơ trẻ. Ở họ, nhiều bài thơ đã xuất hiện những quan niệm, những cách nhìn mới mẻ, những tứ thơ táo bạo, nhũng cách diễn đạt lạ độc đáo. Đó là những dấu hiệu đáng mừng. Hy vọng họ sẽ có những đóng góp đáng kể cho nền thơ ca của dân tộc nói chung và thơ ca của Nghệ An nói riêng.
Thành phố Vinh, mùa thu 2013, Huy Phương
|