Tác giả HUY PHƯƠNG
Tên thật Phạm Viết Phương
Bút danh: Huy Phương
Sinh ngày 15/6/1944 tại làng Dương Xuân Xã Lĩnh Sơn Anh Sơn Nghệ An.
Tốt nghiệp ĐHSP Vinh Khóa 1963 - 1966
Học tiếp năm thứ 4 (Khóa thí điểm) tại ĐHSP Hà Nội 1967.
Giáo viên dạy văn THPT, Sư Phạm 10+3 ở Hà Tĩnh và Nghệ An.
Nguyên là giáo viên Trương Phan Bội Châu trước khi nghỉ hưu.
Đã xuất bản 4 đầu sách:
-Hương Quê (Thơ) NXB Nghệ An 2004
-Thơ lục bát xứ Nghệ (Giới thiệu và biên soạn) NXB Nghệ An 2011.
-Những mảnh ký ức (Truyện ký) NXB Đại Học Vinh 2014.
-Viết cho em Ngày ấy - Bây giờ (Truyện ký và Thơ) NXB Đại Học Vinh 2015.
BBT nguoixunghekiev.vn trân trọng giới thiệu tác giả HUY PHƯƠNG và tác phẩm:
Thư của các liệt sỹ thuộc xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu
Cầm cuốn sách: “Cùng quê hương sống mãi”, bạn không thể không đọc những bức thư của các liệt sỹ thuộc xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở địa phương này có 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 124 liệt sỹ. Cờ Tổ Quốc đỏ rực hơn bởi có thêm dòng máu của các anh. Các anh “chẳng để lại gì trước lúc lên đường”, chỉ để lại niềm tự hào và lòng xót thương vô hạn. Chiến tranh thật tàn khốc, xa gia đình, xa quê hương, muốn viết thư thăm hỏi cũng đành chịu, giấy bút ở đâu? Tem ở đâu? Chỗ gửi ở đâu? Thành thử trong số 124 người con xa gia đình, quê hương mà chúng ta chỉ gom được 8lá thư của 7 liệt sỹ. Bởi vậy ai cũng nâng niu nó, lưu giữ nó hơn cả báu vật. Chúng ta hãy lần lượt đến với những dòng lưu bút này để cảm nhận, để suy ngẫm và tự rút ra cho mình một điều gì đó.
Hoàng Văn Phiên, sinh năm 1949, 17 tuổi nhập ngũ, hy sinh tại mặt trận phía Nam lúc 19 tuổi. Anh để lại hai lá thư. Thư đề ngày 27/12/1966, anh viết: “Nhờ thầy mua cho một đôi dép và 3 bộ quai dép”, bởi “không có dép rành rày rà, đi nhiều lúc thối chân ra”.Thư đề ngày 28/1/1968, anh viết “Hiện giờ đã đi chiến đấu, không ở miền Bắc nữa, mà ăn tết dọc đường. Tiêu chuẩn tết cao hơn ở Đơn vị: 1đ1/ngày, còn ở Đơn vị: 6hào8/ngày”.
Nguyễn Bá Hương, sinh năm 1949, 18 tuổi nhập ngũ, hy sinh tại Quảng Trị lúc 19 tuổi. Anh để lại một lá thư đề ngày 27/4/1968, anh viết: “Dù có vất vả gian khổ đến mức nào, con cũng quyết chiến đấu giỏi, hoàn thành xuất sắc mọi công tác để xứng đáng là người con yêu quý của bố mẹ, người em đáng mến của anh chị.”
Nguyễn Trọng Hạ, sinh năm 1952, 18 tuổi nhập ngũ, hy sinh tại chiến trường phía Nam lúc 19 tuổi. Anh để lại một lá thư đề ngày 22/11/1970, sau khi dặn em đủ thứ, anh viết: “Anh tin tưởng ở em. Anh mong em làm tốt những điều anh nói”. Nguyễn Trọng Hồng- em trai anh hiện còn giữ bức thư đó và cho biết: “Thỉnh thoảng em đọc lại như để răn mình”
Nguyễn Công Trường, sinh năm1949, 17 tuổi nhập ngũ, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị lúc 19 tuổi. Anh mồ côi cha mẹ lúc còn bé, bốn chị em nuôi nhau. Anh để lai một lá thư đề ngày13/1/1966, anh tâm sự với chị: “Ai đã nuôi em ăn học 8, 9 năm trời? Ai đã dạy dỗ em khôn lớn? Chính là chị. Người chị hay cũng là người mẹ. Trời ơi! Em thương chị lắm.”
Nguyễn Đình Thảo, sinh năm 1954, 17 tuổi nhập ngũ, hy sinh tại chiến trường Thừa Thiên- Huế lúc 18 tuổi. Anh để lại một lá thư đề ngày 18/6/1972, sau khi hỏi thăm tình hình gia đình, ở phần cuối thư anh viết: “Cho con gửi lời hỏi thăm chú Nghi và các cô sinh viên ở trong nhà”.
Phan Thanh Tâm, sinh năm 1947, 23 tuổi nhập ngũ, hy sinh tại Bình Dương lúc 25 tuổi. Anh để lại một lá thư quên đề ngày. Anh kể: “Tàu dừng ở Cầu Giát ngày rưỡi. Đơn vị cho về một buổi. anh nghĩ “không muốn nhìn cảnh chia tay một lần nữa. Sợ mẹ khóc nhiều.” Vì nằm lại ở ga, nên “con nhớ nhà vô cùng. Nước mắt cứ trào ra”. Anh lại dằn vặt “con đã đánh mất những giờ phút quý giá ấy” Rồi anh nói với bạn: “Liệu ta còn trở lại ga Cầu Giát nữa không?”. Cả đêm ấy anh không sao ngủ được.
Phan Đình Khoa, sinh năm1954, 16 tuổi nhập ngũ, hy sinh tại Lộc Ninh lúc 18 tuổi. Anh để lại một lá thư đề ngày 26/2/1972. Anh chưa đủ tuổi đã đành, cũng chưa đủ cân để trúng tuyển. Anh nói với mọi người trong gia đình: “Nhà ta hiện chưa có ai vào bộ đội. Con xin đi, hòa bình về học tiếp.” Vì muốn được đi quá, anh đã khai thêm tuổi và bỏ thêm đá vào túi mới trúng tuyển. Vào dịp tết, anh đang ở tận Căm pu chia, anh viết thư về cho gia đình: “Ngồi trên võng giữa đất nước Căm pu chia, bồi hồi nhớ lại những mùa xuân đã qua, thấy cảm động vô cùng, hai hàng nước mắt ứa lệ”. Thế nhưng anh rất tự hào khi anh nhẩm đọc hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Đêm nay pháo nổ giao thừa
Mà người chiến sỹ không nhà còn đi
Anh còn non nớt quá bé bỏng quá khi anh kể: “Còn tết nay, chẳng có gì cả, được mỗi người hai cái kẹo, một điếu thuốc lá, rứa là sang rồi!”
Bạn hãy đọc đi đọc lại nhiều lần những lá thư ấy, đúng hơn là những dòng lưu bút ấy của những người vĩnh viễn ra đi vì sự nghiệp giải phóng Dân tộc chắc bạn sẽ rút ra được một điều gì đó cho bản thân.
Vinh, tháng 7/ 2013, Huy Phương
Bắc cầu nhớ quê
Tặng BN
Em đi… để lại dáng hình
Bên bờ ao…thưở chúng mình gần nhau.
Em ra tận ngõ đón đầu
Anh thì lưỡng lự nói câu hẹn thề
Chim cu nấp gáy lùm tre
Én gọi xuân về… đào thắm, mận tươi.
Bến xưa con nước đầy vơi
Mỏi mòn con mắt đợi người xa xăm
Trời Âu lạnh buốt tháng năm
Thương thân bồ liễu chịu dầm gió sương!
Ngó lìa sen vẫn tơ vương
Tình quê: trăm nhớ, ngàn thương dạt dào
Dẫu em ở tận phương nao
Miếng trầu thắm đỏ nhờ vào chụm cau
Bây giờ, biền biệt xa nhau
Vẫn còn nối mạng bắc cầu nhớ quê!
Huy Phương
Theo bản của tác giả gửi tặng
BBT nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 5/9/2015
|