Ảnh minh họa - Internet
Giở trang sách xưa, trên xứ người, lại nhớ
Thưở bát gạo vơi cõng khoai sắn đáy nồi,
Nhớ Thầy giáo trường làng giảng bài Địa lý
Đồng Bắc Bộ phì nhiêu, bát ngát ruộng Tháp Mười
Mỏ vàng Bồng Miêu, than đen Hồng Quảng
Sản vật đầy rừng, cá quẫy đặc sông
"Và các em, một ngày không xa nữa
Xã hội phồn vinh, thế giới sẽ đại đồng!"
Như giữa quảng trường, giọng Thầy sang sảng
Tay giơ cao, mắt sáng, ngẩng cao đầu
" Rồi mai đây nước nhà công nghiệp hoá
Không còn giàu nghèo, sẽ bình đẳng như nhau..."
Thầy nghỉ hưu, ra đi trong túng thiếu
Những năm tám mươi, đói gõ cửa từng nhà
"Tam xuân tích bệnh, bần vô dược"*
Câu thơ vận vào đời, xưa Thầy vẫn ngâm nga
Thầy chưa từng một lần ra khỏi huyện
Nhưng trên tấm bản đồ, Thầy đi khắp thế gian
Cây thước gỗ, bảng đen, đã ngàn lần xuyên Việt
Từ vịnh biển thẳm sâu đến chót vót đại ngàn
Con đã đến những nơi Thầy chỉ giáo
Cao nguyên Di Linh, Bồng Miêu, Hồng Quảng, Tháp Mười...
Cả những nơi cổ thư chưa từng viết
Bạch Hổ, Yên Tử, Vũng Tàu... rốn dầu tận ngoài khơi
Con đã gặp những người dân rời nhà đi lạc xứ
Nghe khúc hát ly quê thắt ruột ở đất người
Con đã qua những cánh rừng cháy trụi
Dù hết bom đạn chiến tranh, lửa tắt lịm lâu rồi
Mâm cơm vẫn thế thôi, những người dân vỡ ruộng
Quanh năm lo đói ăn, lo thất bát mùa màng
Những đưa trẻ giống con xưa, ngồi lưng trâu lại đọc
"Nước ta giàu tài nguyên, có biển bạc, rừng vàng..."
----------
* Thơ chữ Hán, Nguyễn Du:" Ba năm mang bệnh, nghèo không thuốc"
Tập thơ CANH NGỌN ĐÈN ĐỢI SÁNG
NXB Văn học - TT Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây
|