SỐ 8/2014 - NHÀ VĂN & TÁC PHẨM -Y Ban
1/ Paju Bookcity thuộc tỉnh Gyeonggi-do tập trung hơn nửa các nhà xuất bản của Hàn Quốc, vì vậy nó mới có tên gọi là thành phố sách. Từ năm 2001 đến nay cứ vào mùa thu ở đây lại diễn ra festivalsách với các chủ đề khác nhau. Năm nay festival được diễn ra từ ngày 3-12/10/2014 với rất nhiều hoạt động. Trong đó có một cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề Thần thoại châu Á, các nhà thơ, nhà văn Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc và Ấn Độ đã được mời tham dự. Để thu hút trẻ em đến festivalsách, ban tổ chức còn mời các diễn viên múa của Ấn Độ, Indonesia, Malaysia đến biểu diễn và dạy cho các em bé đến xem những động tác múa dân gian. Người kể chuyện đến từ Mông Cổ, Nhật Bản đến để kể các câu chuyện cổ tích. Từ các thành phố khác những người yêu sách Hàn Quốc đã đến đây, không chỉ là những người trẻ mà cả những người già và các em bé. Họ vui vẻ và hạnh phúc trong không gian ngập tràn sách và nắng.
Tôi đã đi bộ để tham quan thành phố Paju, tôi bỗng nhận ra ở đây có nhiều trại lính. Ngày cuối tuần những chú lính được trở về nhà trên các xe quân sự. Tôi còn nhìn thấy nhiều người mẹ trẻ đến tận cửa doanh trại để đón con.Vậy là sự ngẫu nhiên hay là cố ý sắp đặt? Sách và người lính? Chiến tranh và Hòa bình? Rất đơn giản tỉnh Gyeonggido là tỉnh biên giới và có một ngôi làng rất nổi tiếng là Bàn Môn Điếm.
Tại Paju Bookcity tôi đã gặp dịch giả Ha Jae Hong, người đã dịch Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh... ra tiếng Hàn Quốc. Sự đặc biệt là con trai nhỏ trong lòng anh, cháu bé mới chưa đầy 4 tuổi mà đã biết đọc thông thạo. Cháu bé ăn, chơi, phát triển như những cháu bé cùng tuổi, chỉ có điều khác biệt là thú vui nhất của bé là tự đọc sách. Bé ngủ ngon lành trong nôi mặc cho mọi người nói chuyện. Chờ mãi cháu mới tỉnh. Bố bảo bé: Chào cô (tiếng Việt Nam). Bé nói lại không ngọng chút nào: Chào cô. Bố chỉ dòng chữ trên băng rôn cho bé, vừa ngái ngủ bé vừa đọc: Paju book so ri. Tôi mê đắm nhìn bé và mơ ước, giá như tất cả trẻ em đều như em bé này thì các nhà văn đều thành tỉ phú. Chưa mơ xong giấc mơ tôi đã bỗng toát mồ hôi. Một nỗi sợ vô hình xâm chiếm. Xã hội chúng ta, phàm ai viết gì cũng là nhà văn? Thôi các em bé ơi, các em hãy cứ là những đứa trẻ ham chơi nhé. Cuộc đời tươi đẹp lắm. Thiên nhiên tươi đẹp lắm. Phía ngoài các bức tường sách kia nắng rờ rỡ. Nắng lung linh trên các tán lá và trên mũi chú người gỗ Pinocchio*, trước bảo tàng Pinocchio. Và Pinocchio là ai? Là chú người gỗ mà cha đẻ là nhà văn Ý Carlo Collodi đã sáng tạo nên. Sao suy nghĩ của tôi lại lộn xộn thế này?Thì ra tôi đang tự lượng giá cái mác nhà văn mà tôi đang khoác lên mình.
Rất nhiều du khách đến đây đã ngưỡng mộ sự trang trí sách trong các khách sạn, trong quán cà phê... với các ô vuông đầy ấn tượng. Nhà văn Kim Namil, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hàn Quốc thì lại hài hước nói: Đây là nấm mộ chôn sách khổng lồ, mặc dù trong một ô tò vò kia có các cuốn sách của anh.
Tôi đã cười ngất về cách anh ví von. Rồi tôi ra ngắm lại bức tường sách. Ồ thì ra rất đúng. Các ô vuông kia rất giống với các ô đựng tro cốt. Với các nhà thiết kế một ô vuông phải giống như một tế bào để nó có thể xây cất lên đền đài và cả hầm mộ. Cũng giống như nhà văn, khi anh ta viết ra một cuốn sách thì nó chỉ của riêng anh ta mà thôi. Và khi nó được xuất bản thì hoặc nó sẽ thành tri thức của nhân loại. Hoặc nó chui tọt vào nấm mồ. Ở ta cũng có một nấm mồ khổng lồ: Lưu chiểu.
2/ Năm 2004, lần đầu tiên đến đất nước Hàn Quốc, đoàn nhà văn Việt Nam đã đến thăm Bàn Môn Điếm, một ngôi làng ở tỉnh Gyeonggi, là giới tuyến phân cách Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên. Tại đây, vào năm 1953, Hiệp định ngừng Chiến tranh Triều Tiên được ký kết. Tòa nhà nơi Hiệp định được ký kết vẫn còn tồn tại đến ngày nay, mặc dù nó nằm ở phía bắc giới tuyến, nằm giữa Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ). Khi đó chúng tôi đã đứng trên cây cầu nhỏ được được ngăn đôi bằng hàng rào kẽm gai. Trên hàng rào kẽm gai phơi những tấm áo của ai đó mang đến để như gửi hơi ấm cho người phía bên kia hàng rào. Tôi đã đeo kính đen để cho người bên cạnh không nhìn thấy giọt nước mắt của tôi. Giọt nước mắt chạnh lòng. Khi ấy gần 30 năm đã trôi qua nhưng cây cầu Hiền Lương vẫn sống động trong tôi là vì cha tôi. Năm 1972, là y sỹ ông đã đi B qua cây cầu đó để vào chảo lửa Quảng Trị. Thực ra chính tôi cũng không nhớ ông có qua cầu Hiền Lương để vào Nam hay qua đoạn nào đó mãi trên thượng nguồn sông Bến Hải - Sebanghieng, nhưng năm 1975 ông trở về, trong câu chuyện với các con là những kỷ niệm sống động của ông với cây cầu khi ông không chỉ qua cây cầu lượt đi và lượt về như bao đồng đội khác của ông. Tôi khi ấy 11 tuổi nhưng tôi đã trải qua 2 lần đi sơ tán. Tôi đã chứng kiến đám tang chung của cả làng khi mười người đàn ông của làng chết chung một hầm khi được thuê về thành phố chuyển đồ đạc. Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của người đàn bà bụng mang dạ chửa tiễn chồng vào chiến trường chính là mẹ tôi. Tôi đã an ủi mẹ bằng một giọng điệu của bà cụ non, mẹ lo lắng làm gì, bà nội xem bói cho bố bảo hơn 60 tuổi bố mới chết cơ.
Tôi đã vục mặt vào một tấm áo phơi trên dây kẽm gai để thử xem nó có còn hơi người không? Chỉ còn mùisương gió. Tôi đã nhìn thật xa về phía bên kia hàng rào kẽm gai xem đất có khác gì đất không? Núi có khác gì núi không? Và mây có khác gì mây không? Vẫn là mây đấy đất đấy và chung một dải núi đấy. Và trong lòng tôi có một sự hạnh phúc trọn vẹn. Tôi được sống ở một dải đất không bị chia cắt. Tôi hãnh diện và biết ơn bố tôi, các đồng đội của ông và cả chính tôi nữa, một cô bé còm nhom đã cùng với mẹ vượt qua những ngày khó khăn nhất chờ bố trở về.
Mười năm sau tôi quay lại nơi đây, không chỉ ở Bàn Môn Điếm, chúng tôi được đi tham quan thêm 3 địa điểm khác nữa trong Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ) là Nhà ga cuối cùng, Đường hầm và ThônThống Nhất. Mưa tầm tã. Vì là nơi nhạy cảm nên khách nước ngoài phải đưa hộ chiếu mới được mua vé tham quan và khi vào khu vực quân sự kiểm soát lại phải trình hộ chiếu lần nữa.Trong khi chờ đến lượt của mình tôi ngồi nhấm nháp trà nóng ở quán cà phê trên sân thượng. Ở đó khá gần với hàng rào kẽm gai. Hai thửa ruộng đều đang chín vàng,sắp đến vụ gặt. Người nông dân nào sẽ gặt ở hai thửa ruộng này? Trước khi đi một người bạn vong niên dặn tôi, chị chớ có lớ rớ đến gần hàng rào kẽm gai nhé, mìn gài đầy đấy, tan xác. Tôi đã có kinh nghiệm của một người dân trải qua hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Tôi chỉ đứng từ xa và quan sát.
Hơn 60 năm chia cắt, một đứa trẻ bây giờ cũng đã thành một người già, hơi ấm đã bay hết, tấm áo cũng đã tiêu hủy xong. Còn lại cái gì? Trong đoàn khách tham quan hôm ấy có rất đông trẻ em. Chúng ở một trường THCS. Không biết thầy cô giáo đã dạy cho chúng những gì, chúng hăm hở bước dưới trời mưa tầm tã. Chúng chen nhau bên những ống nhòm. Mưa mịt mùng, tầm nhìn xa chỉ vài mét, có qua ống nhòm cũng chỉ mịt mù mưa giăng. Tôi không biết bên kia giới tuyến có đặt các đài quan sát như bên này? Và những người có chung huyết thống ở hai phía kẽm gai có đến đây để hướng về nhau không? Hay chỉ toàn là những người khách phương xa như tôi, tò mò là chính và các em bé đến đây học để không quên quá khứ?
Và sao lại Xin lỗi Việt Nam? Giáo sư Lee Jung Woo người đã có mặt trong triển lãm đã phát biểu suy nghĩ: Không thể nào có một lời biện minh cho việc giết hại người vô tội, giết hại dân tộc khác để lấy tiền xây dựng hay phát triển đất nước. Hơn 80% người dân Hàn Quốc không biết về điều này. Không thể để cho ai đó thay mặt người dân Hàn Quốc khép lại quá khứ. Nếu không băn khoăn về quá khứ thì sao mở ra tương lai tốt đẹp?3/ .Ở tỉnh Deagu, quê hương của Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hye đang diễn ra cuộc triển lãm ảnh Xin lỗi Việt Nam. Rất may mắn tôi đã được xem triển lãm này. Căn phòng để triển lãm ảnh khá nhỏ và những bức ảnh cũng không lớn. Triển lãm chỉ gồm gần 100 bức ảnh cỡ 20x30 cm của hai tay máy không chuyên. Song Phil Kyung là bác sỹ nha khoa và Park Jin kwan là nhà báo. Khách đến xem khá đông. Trong những người khách đến xem có hai nhà nhiếp ảnh gia. Khi xem những bức ảnh họ đã òa khóc. Họ khóc vì những ánh mắt của mẹ già cụt chân và nụ cười của người mù đang cầm đàn ghi ta hát. Họ nói họ chưa đến Việt Nam. Cuộc triển lãm này đã kể chuyện một câu chuyện sống động về đất nước con người Việt nam, cả quá khứ và hiện tại. Đó là mẹ Phạm Thị Hoa, người đã mất cả đôi bàn chân trong vụ thảm sát của Lữ đoàn Rồng Xanh gây ra ở Hà Mi, xã Điện Dương, huyện ĐiệnBàn tỉnh Quảng Nam. Đó là Đoàn Nghĩa, nạn nhân sống sót ởBình Hòa, Quảng Ngãi, khi đó mới 6 tháng tuổi nhưng đã bị mất cả hai mắt. Đó là nụ cười của các thiếu nữ ngồi ăn quà vặt trên phố. Đó là khoảng trời trong xanh bình yên đến ngây lòng...
Chúng tôi đã và sẽ làm mọi việc để người dân Hàn Quốc hiểu ra vấn đề, là cách họ sẽ lựa chọn người lãnh đạo biết nhìn nhận đúng lại vấn đề.
Bác sỹ nha khoa Song Phil Kyung, Chủ tịch Hội y tế Hàn Quốc vì hòa bình Việt Nam, là một trong hai chủ nhân của cuộc triển lãm đã chia sẻ: Tôi đã đến Việt Nam từ năm 2001. Tôi đã đi qua các tỉnh Hà Nội, Phú Yên, Huế, Điện Biên Phủ, Ninh Bình, QuyNhơn, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sài Gòn, Cao Bằng, Nghệ An..Khi đến đó chúng tôi đã khám chữa bệnh và phát thuốc cho những người dân ở đây. Chúng tôi góp tiền để xây dựng quỹ học bổng cho trẻ em ở xã Bình Hòa, Quảng Ngãi… Ngoài thời gian khám chữa bệnh tôi đã chụp ảnh con người và đất nước Việt Nam. Đất nước Việt Nam rất đẹp. Con người Việt Nam thân thiện, chỉ cần tôi đưa máy ảnh nên đã nhận được một nụ cười. Chúng tôi sẽ còn làm nhiều việc khác nữa để nhiều người dân Hàn Quốc biết, trong quá khứ Hàn Quốc đã giết hại nhiều người dân vô tội của Việt Nam. Chúng tôi phải xin lỗi Việt Nam. Đành rằng quá khứ phải khép lại nhưng không thể khép lại mà không có lời xin lỗi. Đó chính là cộirễ của vấn đề. Nếu chưa đưa được ra lời xin lỗi chính thức Việt Nam thì cũng chưa thể mở ra một tương lai tốt đẹp. Vì vậy theo tôi hãy phải đưa ra lời xin lỗi Việt Nam trước khi khép lại quá khứ. Chính vì điều này mà chúng tôi mở triển lãm Xin lỗi Việt Nam.
Tôi ám ảnh bởi lời của GS Lee Jung Woo khi ông cho rằng, không cho phép ai đó thay mặt người dân Hàn Quốc để khép lại quá khứ, khi chưa đưa ra một lời xin lỗi chính thức. Điều này đồng nghĩa với việc hãy để cho người dân Việt Nam được biết đến một lời xin lỗi, chứ không thể vội vàng khép lại quá khứ.
* Bạn đọc lớn tuổi biết đến nhân vật này qua Chiếc chìa khóa vàng hay Truyện ly kỳ của Buratinô của nhà văn Nga A.Tôn-xtôi phóng tác từ nhân vật Pinocchio (BT)
Nguồn
SỐ 8/2014 - NHÀ VĂN & TÁC PHẨM
|