Quang Huỳnh đã từng là thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng thời chống Mỹ cứu nước. Do vậy: tuy không trực tiếp cầm súng nhưng Quang Huỳnh cũng đã từng dưới làn mưa bom bão đạn để phục vụ chiến đấu cùng cả nước một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”
Ảnh nguồn - Internet
Bài thơ: “Nhớ mãi tên anh” của Quang Huỳnh là một bài trong chùm thơ viết về người lính. Mà thơ Quang Huỳnh viết về người lính thì thật là có duyên. Như là sự hàm chứa về nguồn cảm xúc đã cất giấu để bây giờ về nghỉ hưu cùng con cháu mới có dịp bật ra, trỗi dậy với tiếng lòng thiết tha mời gọi …
Hồn vía của bài thơ “Nhớ mãi tên anh” được chưng cất như là men rượu nồng nàn. Mạch thơ mộc mạc, chân chất như bản thể người lính bộ đội Cụ Hồ.
Bài thơ gặt hái được do một chuyến hành hương về với Đất Thép Củ Chi thăm đền Bến Dược.
Nơi đất Thép ấy đã ôm trọn vào lòng gần 50 nghìn liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc. Gần năm mươi nghìn người con đã có tên, còn bao những người con nữa chưa nhận rõ được tên?.
Đọc “Nhớ mãi tên anh” của Quang Huỳnh nhân kỷ niệm 62 năm ngày thương binh liệt sỹ (27-7-1947—27-7-2009) trên mảnh đất miền Nam, nơi mà Bác Hồ lúc sinh thời đã nói “Miền Nam trong trái tim tôi!”.
Bài thơ “Nhớ mãi tên anh” Quang Huỳnh viết theo thể thơ tự do. Một thể thơ phóng khoáng, dễ biểu đạt tình cảm nhất. Bởi nó không gò ép khuôn phép của luật bằng trắc hoặc niêm luật như các loại thơ khác.
Với 28 câu thơ, tác giả đã kết cấu trên một cấu từ logic 4 đoạn. Mỗi đoạn thơ hàm chứa một bổn phận riêng. Để rồi có những liên đới khéo léo bởi hai câu cuối nối đoạn, đã tạo cho bài thơ đi vào liền mạch như một tráng khúc.
Tráng khúc tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ. Tráng khúc trả về cho một thời trận mạc oanh liệt sáng chói sử vàng của dân tộc.
Đoạn 1:
Bốn mươi tư nghìn liệt sỹ
Đền Bến Dược bia đá ghi công
Bốn mươi tư nghìn linh hồn
Những người con trung hiếu
Bốn câu vào bài, tác giả giới thiệu địa danh nơi các anh hùng liệt sỹ đã và đang yên nghỉ. Hai câu đầu là giới thiệu xuất xứ địa danh. Hai câu sau là hồn vía của toàn bài “Bốn mươi tư nghìn linh hồn. Những người con trung hiếu”
Đúng vậy, các liệt sỹ những người con của mẹ Việt Nam đứt ruột đẻ ra. Cũng có người con mới chỉ 17, 18 tuổi đời… đã phải vĩnh biệt mẹ và mãi mãi làm “những người con trung hiếu”
Các anh về với thế giới bên kia chỉ còn “linh hồn” ở lại .
Còn trong lòng mẹ và toàn dân tộc thì các anh sống mãi “Những người con trung hiếu” đúng nghĩa bóng và nghĩa đen.
Đoạn 2:
Các anh từ đất mẹ thân yêu
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc
Ba lô lên đường hội tụ về đây
Qua bao năm đánh Tây và đánh Mỹ
Trên chiến trường quyết chí lập công
Đánh giặc Mỹ giành lại núi sông
Thân đâu quản vượt đèo cao qua suối
Mái đầu xanh sức anh còn trẻ
Trên chiến trường lửa đạn xung phong
Một người ngã vạn người sau xốc tới
Không tiếc mình vì Tổ Quốc hy sinh.
Đây là thân bài “Nhớ mãi tên anh”. Tác giả đã sử dụng bút pháp thơ bằng nhiều tượng hình để đặc tả toàn bộ không khí rực lửa hờn căm của toàn dân tộc trong thời kỳ nước sôi lửa bỏng nhất, ca khúc quân hành bài ca cả nước ra trận …
“Các anh từ quê mẹ thân yêu…
Ba lô lên đường hội tụ về đây”
Vâng! Đúng như có một nhà thơ đã nói “Đi chiến đấu là niềm vui bất tận”. Biết sự hy sinh gian khổ ở phía trước nhưng mỗi tấc đất Tổ Quốc còn đau thương, thì tuổi trẻ quyết xông lên phía trước. Từ những “quê mẹ” họ đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của “Mẹ Tổ Quốc”.
Họ gác lại tất cả: ruộng vườn, nhà cửa, mẹ già và người yêu… Hoặc có người đành phải xa con thơ vợ yếu để lên đường… tất cả vì ngày mai, vì ngày thống nhất non sông.
Họ đã “Hội tụ về đây”. Đúng là chỉ có con người Việt Nam đi chiến đấu bảo vệ quê hương cảm thấy như đi trẩy hội, nên tác giả dùng từ “hội tụ” thật lạc quan cách mạng, thật tự hào cho thế hệ Hồ Chí Minh quang vinh.
Và
“Trên chiến trường quyết chí lập công
Đánh giặc Mỹ giành lại núi sông”
Thế đấy cả một dân tộc đã sản sinh ra một thế hệ biết kế thừa truyền thống “Thà chết chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”
Giờ đây đã gần bốn mươi năm nước nhà được giải phóng, nhưng bản anh hùng ca bất tận ấy vẫn còn vọng mãi ngàn năm. Các thế hệ cháu con sau này sẽ mãi mãi tự hào và ghi ơn công lao của các chiến sỹ đồng bào. Có thể nói trong huyền thoại thế kỷ 20 đã để lại tấm gương chói ngời:
“Một người ngã vạn người xốc tới
Không tiếc mình vì Tổ Quốc hy sinh”
Câu thơ dùng phép tỷ đối: “Một người ngã --Vạn người xốc tới” “Một” đối với “vạn”: Tác giả đã cho ta thấy khí thế xông lên như vũ bão bất chấp hiểm nguy của quân và dân ta “không tiếc mình” Vâng! Thưa quý độc giả: Thân mình, sự sống là vô giá! Nhưng, khi Tổ Quốc cần: chiến sỹ và đồng bào ta sẵn sàng xả thân để đổi lấy “Độc lập tự do cho Tổ Quốc”
Đoạn 3:
“Tên các anh khắc vào sông núi
Với quê hương làng xóm rặng dừa
Các anh vào trang sách các em thơ
Anh sống mãi muôn đời bất diệt
Anh hoá thân vào trong lòng đất
Bao năm kiếm tìm không thấy mộ anh”
Đây là đoạn thơ tác giả muốn nêu bật sự ghi ân công lao to lớn và vô giá của chúng ta đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ
“Tên các anh khắc vào sông núi”
Tác giả nhấn một điểm nhấn ở từ “khắc”. Mà “khắc” vào sông núi có niềm ghi ân nào lớn lao hơn thế nữa. Khi mỗi dòng sông, mỗi ngọn núi bốn mùa xanh chảy giữa thanh bình vẫn mang mãi bóng dáng của các anh: các hồn thiêng bất tử.
Và sự hy sinh anh dũng của các anh được đền đáp cho những ngày của thế hệ tương lai “Các anh vào trang sách các em thơ” Nghĩa là trong từng ngày trên giảng đường của học trò hôm nay vẫn có bóng dáng của các anh. Các anh đã thành bài ca, nốt nhạc. Các anh đã “Hoá thân vào lòng đất” Đúng vậy “Hoá thân “ một sự hoá thân như là sự tự nguyện diệu kỳ cho đất nước này, Tổ Quốc này mãi mãi xanh tươi.
Đoạn 4:
“Đất nước mình đang độ tiến nhanh
Hoà nhịp sống cùng năm châu bốn biển
Ngày 27 tháng 7 chúng tôi tưởng niệm
Thắp nén nhang kính cẩn nghiêng mình
Trước vong linh bao đồng đội hy sinh
Công các anh trường tồn theo năm tháng
Sống mãi trong lòng muôn triệu con tim”
Từ công lao của đồng bào và chiến sỹ đã không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, hiến trọn đời mình cho dân tộc được hoà bình thống nhất.
Giờ đây mỗi làng quê, mỗi ngõ phố ta đã dựng xây đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Tác giả Quang Huỳnh đã thay lời độc giả chưa được may mắn về Bến Dược Củ Chi “Thắp nén nhang kính cẩn nghiêng mình” để báo với gần 50 nghìn linh hồn liệt sỹ rằng:
“Đất nước mình đang độ tiến nhanh
Hoà nhịp sống cùng năm châu bốn biển”
Và câu kết của bài thơ: như một lời cầu nguyện trước các anh linh, một đảm bảo chắc chắn như hàng triệu trái tim của người dân Việt Nam hành hương về với địa linh nhân kiệt thành đồng Đất thép Củ Chi
“Công các anh trường tồn theo năm tháng
Sống mãi trong lòng muôn triệu con tim”
Lời bình Thái Giang, Dĩ An, Bình Dương
|