Ngày ấy, trên sông Lam chưa có một chiếc cầu nào. Ô tô từ Vinh về các vùng quê đều phải qua phà và trườn trên những con đường lầy lội, lắm “ổ trâu, ổ voi”; nhiều khi mắc kẹt hàng buổi dưới rãnh sâu ngập bánh; mấy chục km mà có khi đi hết nửa ngày. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết là mưa phùn, gió rét, đường trơn. Quốc lộ đã thế, đường làng, ngõ xóm lại còn tệ hơn, nhà nào cũng phải mua ủng, để tết về có cái mà đi. Quê hương khó khăn là thế, nhưng người Nghệ xa quê vẫn trông chờ dịp tết, để về quê sum họp với gia đình…
Bến sông quê – nơi tiễn đưa và gặp lại của bao người. Những ngày cuối năm, nơi đây rộn ràng tấp nập người đi chợ, người về, chật ních những chuyến đò ngang. Đò ngày ấy, được chèo bằng sức người, sau này mới chạy bằng sức máy, khách đông, nước ngấp nghé mạn thuyền, người trên bờ lo hơn cả người giữa sông. Từ sáng sớm cho tới đêm khuya, người chờ trên bến sông, luôn hồi hộp trông đợi từng chuyến đò cập bến để tìm kiếm người thân. Trẻ em đi đón người nhà, vui mừng hớn hở hơn, vì không chỉ được gặp lại anh trai, chị gái, mà còn được tặng những bộ đồ mới để tung tăng với bạn bè trong ba ngày tết. Quần áo mới là niềm mong đợi của các em, có quà anh chị về cho, mẹ không còn phải dắt tay luồn lách giữa chợ đông, đi thử quần áo tết.
Ngày ấy, pháo chưa cấm, từ 20 tết trở đi, chợ quê đì đùng tiếng pháo. Chợ nào cũng có hẳn một hàng pháo, thỉnh thoảng người bán lại đốt một quả pháo đùng, hoặc đốt trọn một phong để “kiểm tra chất lượng”. Trên giàn bếp mỗi nhà, thường gác một vài phong pháo màu hồng, hong giòn, đón tết. Cuối năm, nhà nào chưa có pháo là trẻ con trong nhà phải “rẹo” cha mẹ mua cho kỳ được. Đêm giao thừa, khắp mọi nơi, tiếng pháo đồng loạt nổ vang, xen lẫn một vài tiếng mìn rung chuyển. Có pháo, hình như tết náo động hơn, nhưng đi kèm với nó là những hiểm hoạ, những câu chuyện đau buồn về cháy nổ, thương vong. Mỗi dịp tết, nhớ mãi hình ảnh những đàn “chó sợ pháo”, nằm im lìm trong nơi ẩn nấp, mấy ngày không dám về nhà.
Tết đến, nhà nào cũng gói bánh nhiều. Gạo nếp được chuẩn bị trước tết cả tháng, phần vì lo lắng, phần vì quá trình bóc tách lúa thành gạo không nhanh như bây giờ. Lúa nếp được xay trong những cái cối xay làm bằng tre, đất và gỗ. Một thúng lúa phải xay mấy tiếng đồng hồ, sau đó đem giã trong cối đá cũng bằng chừng ấy thời gian, cho thật trắng, rồi mới dần, sàng, gấm sảy. Ngày đó, các gia đình thường đông con, tết đến làm rất nhiều bánh, mỗi nhà gói 13 – 15 kg gạo nếp là chuyện bình thường. Ngày nào gói bánh là ngày đó rộn rã hẳn lên, anh chị em trong gia đình mỗi người một việc: rọc lá dong, làm nhân, chẻ lạt, gói, ràng... Trẻ em tung tăng chờ đợi bánh con, nhà nào cũng gói vài chiếc bánh bé xíu cho con nhà mình và tặng con nhà khác. Nấu bánh là một mối lo, lo nhất là không có nồi to để nấu. Trước tết, nhiều nhà đã phải “hợp đồng” với nhau trong việc mượn và nấu chung nồi, vì cả làng chỉ có vài cái chảo và nồi “quân dụng”. Lịch nấu bánh được nhà có nồi phân chia cụ thể, sít sao cho tới sáng 30, nhà ai đến lịch cứ thế mà làm.
Những ngày giáp tết, mẹ thường bảo “lấy cau tết đi con”. Tôi lại dùng dây chuối cột chân, thoăn thoắt như con mèo trèo lên đỉnh ngọn. Cau nhà khi mới ra quả, các bà, các mẹ đã chọn buồng đẹp, để tết rồi. Những năm nhuận âm lịch, cau hiếm nên thường đắt đỏ, nhà có nhiều cau, không những khỏi phải mua mà còn kiếm được bội tiền. Trèo cau lắm thành quen, nhưng không phải là trèo được mãi. Cau vẫn thế nhưng người thì thêm lớn, trèo lên cao là cây đảo vòng quanh, đành tụt xuống: “con không trèo cau được nữa rồi”.
Tết đến, nhà nhà treo câu đối. Không phân biệt gia cảnh, tường xây hay vách đất, trên bàn thờ mỗi nhà đều có câu đối đỏ. Chợ quê ngày tết cũng bán rất nhiều câu đối, dẫu bánh thịt trong nhà chẳng biết là bao, nhưng có câu đối dán trên bàn thờ như có thêm không khí tết. Cha thường bảo tôi đi mua câu đối ở hiệu sách quen, tuy bé xíu, chỉ biết đọc chữ, chưa hiểu ý nghĩa ra sao, nhưng vẫn thích mua về trang trí. Sắp tết, cả làng còn náo nức làm kẹo cà, kẹo bi, từ những sản vật đồng quê mộc mạc như mật mía, cốm nếp, lạc rang… Bên nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, còn bắc cả một nồi kẹo thơm nồng. Dẫu “kẹo quê” bình dị nhưng vẫn là món ngon để mọi nhà cúng tết và tiếp khách trong những ngày xuân.
Tết không chỉ lắm bánh mà còn nhiều thịt. Trước tết mấy tháng, mọi người trong làng đã “hè” nhau cùng làm một con lợn nào đấy, chia chác để ăn, chứ không đi mua ở chợ. Lợn thường được mổ tại nhà có lợn. Những ngày sát tết, làng nào cũng nghe tiếng lợn kêu eng éc. Cảnh làm thịt lợn, chia thịt, ăn uống, diễn ra rộn rịp vui tươi. Mỗi nhà nhận về cả yến chứ không phải chỉ vài ba cân thịt. “Ngày 30 tết thịt treo đầy nhà”, hết làm chả, bó giò, nấu đông, đến sẻ bung kho mặn. Nhiều nhà, sau tết, tới rằm vẫn chưa hết thịt…
Tết lại về trên quê hương, rạng rỡ cờ, hoa, từng xóm làng, góc phố. Dẫu cuộc sống vật chất bây giờ, đã ê hề no đủ, nhưng lòng người vẫn không nguôi hoài niệm, luyến lưu về những tết xưa…
Huy Thư (Nghệ An)
|