Ảnh nguồn Intrnet
Tuổi thơ tôi hầu như sống trọn trong thời chiến tranh phá hoại của Mỹ ở vùng đất tuyến lửa Quảng Bình. Thời chiến, nhiều kỉ niệm lắm; hồn nhiên có, buồn đau có, cái gì còn lưu lại trong hồi ức đều sắc nét cả. Tết! Gần chục cái Tết thời chiến mà tôi đã trải qua bây giờ nhắc lại còn rưng rưng trong lòng.
Quê tôi những năm ấy, ngày thường ít khi vắng tiếng bom rơi đạn nổ. Máy bay Mỹ từ Hạm đội 7 bay vào, ầm ầm ù ù trên trời như giông như sấm. Đêm đến, ở các tuyến đường huyết mạch, cầu phà bom đạn nổ nhiều hơn. Bọn giặc trời biết rằng, đấy là lúc chúng ta mượn màn đêm ngụy trang cho những chuyến xe chở hàng, chở quân ra tiền tuyến. Từ cửa hầm chữ A ngóng lên, tôi thấy ánh chớp bom nhoang nhoáng phía phà Gianh, quốc lộ 1, đường Ba Trại…Không ít lần, bọn Mỹ còn thả bom sát thương, bom bi vào làng mạc của thường dân. Xóm Nại, nơi nhà tôi sơ tán cũng bị dính bom đạn Mỹ mấy bận. Chưa hết, tàu chiến Mỹ từ biển đêm nào cũng câu pháo vào đất liền. Tiếng pháo tầm xa xé gió rít trên đầu.
Dưới tầm bom đạn cuộc sống vẫn diễn ra. Trong tiếng bom rơi đạn nổ chúng tôi vẫn đến lớp học hành, vẫn nghịch ngợm trêu đùa, vẫn hát hò kể chuyện, vẫn mơ những giấc mơ con nít. Giấc mơ về bãi cỏ xanh không có những trái bom bi chưa nổ màu vàng tung tăng bước chân trẻ nhỏ, về bầu trời vắng bóng những chiếc máy bay chở bom lao qua, về cái Tết tưng bừng như hồi Mỹ chưa ra đánh phá miền Bắc…
Chiến tranh đến cỡ nào thì cũng chẳng ngăn được mùa xuân đến. Thấp thoáng trên bầu trời tháng Chạp những cánh én liệng bay vào hôm trời hưng hửng. Mây chưa nõn nà đâu nhưng hình như đã bớt đi những xám xịt âm u của mùa đông. Và mưa bụi rụt rè bay bay, lấm tấm li ti đây đó. Lòng tôi rung lên một âm tiết quen thân: Tết!
Ba tôi bảo: “Tết ni không biết được ngừng bắn mấy ngày đây?”. Tôi nghênh mặt: “Càng nhiều ngày càng thích ba nhỉ. Bọn con được đi chơi thoải mái, không sợ thằng Mỹ ném bom”. Thằng em kề tôi cũng hớn hở ra mặt: “Tết, con được ăn thịt, ăn xôi ba hỉ?”. Mẹ tôi thở dài. Tiếng thở dài như nỗi xa xót của những người mẹ khi con mình đang thèm ăn.
Thông thường, vào dịp Tết nguyên đán hai phe ngừng bắn. Lịch ngừng bắn do ba tôi thông báo chúng tôi nắm chắc lắm, đó là các ngày 30 tháng Chạp, mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết. Tôi bấm đốt ngón tay đếm, bốn ngày tất cả. Bốn ngày hòa bình trong chiến tranh khốc liệt, không có tiếng máy bay rú rít, không có bom rơi đạn nổ, không có ánh đèn dù lấp lóa hằng đêm. Chỉ bốn ngày thôi mà vô cùng quý giá với người dân tuyến lửa.
Tôi nhớ, thời chiến tranh, chỉ có căn hầm kèo là vững chãi chắc chắn thôi còn nhà cửa rất tềnh toàng, tạm bợ. Gọi là nhà cho oai, chứ nơi sơ tán nép dưới chân núi Đùng Sầm, cả gia đình tôi sống trong căn lều tranh. Tuy vậy, khi Tết đến, bàn thờ ông bà, thực ra chỉ là tấm ván nhỏ đặt một bát hương treo trên vách đất vẫn được lau chùi sạch sẽ và có bình hoa vạn thọ vàng thắm. Hoa vạn thọ do bà tôi trồng trước sân, giữa Chạp đã trổ bông. Màu hoa tươi sáng dường như đã làm cho không gian bừng lên sắc xuân cùng với mùi hương trầm thơm ngan ngát dẫn mọi người vào giao thừa lâng lâng. Ba tôi vốn khéo tay, lấy phấn trắng viết lên tờ giấy màu dòng chữ Chúc mừng năm mới rất bay bướm rồi treo lên vách chỗ dưới bàn thờ. Lũ con nít đến chơi, tôi khoe: “Ba tau viết đó, khéo không?”. Cả bọn trầm trồ: “Khéo hè! Khéo hè! Ba mi giỏi hi”
Mấy anh em tôi nhổ cỏ, quét sân, bà tôi gom lá khô lại đốt. Mùi khói tỏa ra hong hong, ấm áp. Những ngày thường, khi màn đêm buông xuống, xóm làng chìm ngập trong bóng tối. Đèn chỉ được thắp ở dưới hầm thôi. Ai có việc đi vào buổi tối chỉ biết cậy nhờ vào ánh sao trời và thật may mắn khi đúng dịp sáng trăng. Tết, nhờ ngừng bắn, mới được thắp đèn trên nhà, ngoài sân. Những cây đèn dầu nhỏ bé, hoe hoe sáng, tỏa mùi khen khét không cần phải che chắn, không phải chui xuống hầm là dấu hiệu bình yên trong chiến tranh. Đến bây giờ, tôi vẫn nao nao thương nhớ những ngọn đèn dầu thời bom đạn ấy. Thấp thoáng, mờ tỏ trong vầng sáng ký ức xa xăm là những gương mặt tôi vô cùng yêu dấu. Bà nội. Ba mẹ. Những đứa em. Bạn bè. Người còn, kẻ mất. Cõi thực. Cõi hư vô. Tất cả đang trở về đoàn tụ, quây quần trong Tết.
Với trẻ con, tấm áo mới, tiền lì xì có lẽ là những hình ảnh để lại dấu ấn lâu nhất. Tôi cũng vậy, càng gần Tết càng khấp khởi mong chờ phút giây được mẹ cho mặc áo mới và nhận tiền lì xì. Quanh năm suốt tháng mặc áo cũ, áo vá nên được mang áo mới vào dịp Tết là niềm vui không nói hết của chúng tôi. Thời ấy, thực hiện chế độ tem phiếu rất ngặt nghèo nên để anh em tôi có áo quần mới đón xuân lắm khi ba mẹ phải nhịn mặc đấy. Vải may quần áo màu sẫm, thường là xanh, nâu hay cỏ úa. Áo quần may về, mẹ cất kỹ trong rương chỉ đến sáng mồng một Tết mới lấy ra cho anh em tôi mặc. Mặc vào, tôi cứ đưa vạt áo lên mũi, hít hà ngửi mùi thơm của vải. Hai đứa em gái tôi còn đưa mũi ngửi áo của nhau. Vừa chun chun mũi em tôi vừa kêu lên thích thú: “Ui chao, thơm hè, thơm hè!”. Dù nghèo khó, nhưng sáng mồng một bao giờ bà nội cũng mừng tuổi cho mỗi đứa 5 xu, ba và mẹ lì xì cho 1 hào. Đồng 5 xu bằng bạc lấp lánh sáng, tờ 1 hào đỏ tươi như một lá cờ nhỏ xíu phấp phới hoài trong hồi ức về tuổi thơ tôi.
Chiều 30. Bữa cơm tất niên vô cùng đạm bạc nhưng không có gì ấm áp bằng. Đây là bữa ăn hiếm hoi trong năm có thịt gà, thịt lợn và xôi. Những miếng thịt lợn mỏng dính, những miếng thịt gà chặt nhỏ được anh em chúng tôi rứt ra từng mẩu nhỏ cho vào miệng, ăn dần. Không ăn kiểu ấy thì lấy đâu ra thịt để ăn trọn bữa. Nên nhớ, đây là thời tem phiếu, ba ngày Tết mỗi người chỉ được lạng thịt, lạng nếp thôi. Ngày thường, chúng tôi phải ăn cơm độn khoai sắn đấy nhé. Có khi khoai sắn cũng chẳng có mà ăn, chúng tôi phải ăn cháo cám, rau má trừ bữa.
Dẫu vậy, Tết vẫn vui. Vui như Tết mà. Riêng cái khoản được thỏa thuê đùa nghịch không sợ máy bay máy bò là đã khoái lắm rồi. Con trai túm tụm lại chơi bi, đánh đáo, đánh bài tam cúc. Con gái đánh thẻ, chơi trò ù mọi. Tiếng cười trong vắt bay lên. Tiếng cười trẻ con hồn nhiên như chưa hề trải qua những tháng ngày bom đạn lẫn vào mưa bụi lây phây, đọng trên những chồi non vừa hé, bay liệng cùng cánh én vào xuân.
Chao ôi, Tết thời chiến! Tôi không bao giờ quên những ngày nhẹ nhõm, ấm cúng như thế. Tết trôi qua như một giấc mơ đẹp, rất đẹp. Những tấm áo mới đã lấm láp và nó sẽ ở cùng các đứa trẻ suốt những ngày còn lại trong năm. Bẩn thì giặt, rách thì vá, những tấm áo màu sẫm như là cách ngụy trang thời chiến còn in mãi trong tôi. Bữa ăn trở về “chế độ” độn sắn khoai. Không còn những ngày ngừng bắn nữa. Bầu trời quê tôi lại ầm ì tiếng máy bay Mỹ. Bom lại rơi. Đạn lại nổ. Những ngọn đèn dầu lại chui xuống hầm soi sáng từng trang sách của chúng tôi…
(Bài in báo Văn nghệ Thái Nguyên & tạp chí Nhật Lệ số Tết Ất Mùi)
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - Hội nhà văn Việt Nam
|