Ảnh nguồn - Internet
Những ngày tháng mùa đông, ở quê tôi (vùng miền núi đồi Anh Sơn, xứ Nghệ) thường làm những món ăn dân dã mang đậm hương vị quê nhà. Một trong những món ăn ngày đông mà tôi nhớ mãi là món chẻo đậm đà.
Làm món chẻo khá đơn giản, có thể nói lúc nào cũng làm được. Nhưng làm vào những ngày đông vì đây là thời điểm giáp hạt, thức ăn khó tìm nên món chẻo trở thành món “trụ cột” trong bữa ăn gia đình thưở ấy. Nguyên liệu chủ yếu là lạc nhân (đậu phộng), vừng (mè) rang chín vàng, đem giã nhỏ. Những tép sả xắt nhỏ, rang lên. Thịt ba rọi (ba chỉ) xắt miếng nhỏ, dài rang lên cho săn. Tất cả cho vào nồi đất (vì nồi đất giữ được hương thơm lâu), đảo trộn chung cùng mật mía (sau này hiện đại hơn là cho đường cát vào) và bắc lên bếp với lửa liu riu. Trong quá trình đun nấu, cần đảo đều nồi chẻo và nêm một chút bột ngọt, muối. Một mùi thơm ngào ngạt dậy lên, mới thoảng qua đã thèm chảy nước miếng, muốn “thử” ngay một miếng tức thì. Mùi thơm của lạc, của vừng quyện cùng mùi sả, của thịt ba chỉ sao mà hấp dẫn thế ! Đến khi nào chất hỗn hợp trong nồi trở nên sền sệt, sánh lại là lúc chẻo chín.
Chẻo để nguội càng thơm. Bữa cơm ngày đông, gió lạnh hun hút thổi, ngồi bên mâm cơm, cả nhà quây quần. Chẻo ăn kèm với rau kinh giới thì tuyệt vời! Vị thơm của kinh giới, của món chẻo hòa hợp cùng nhau, ngon đến lạ kỳ! Chắc trên đời sinh ra thứ rau kinh giới là chỉ dành riêng cho kèm món chẻo! Hoặc chuối xanh xắt miếng, chấm chẻo thì cũng ăn cơm no lúc nào không biết!
Cùng với những thứ nguyên liệu trên, sau này người ta làm chẻo để chấm món bún thịt nướng.
Thật không đâu bằng hương vị quê nhà, dẫu đi xa hàng chục năm nhưng hương vị của món chẻo ngày đông không thể nào phai mờ trong nỗi nhớ… Có phải thế mà Trần Trung Ngạn (thế kỷ XIII) khi đi sứ sang đất khách, vẫn mong ngóng ngày trở về quê nhà trong mùa lúa chín:
“ Dâu già, lá rụng, tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê !
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về”.
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(Sóc Trăng)
|