Nguyễn Hữu Quý quê Quảng Bình. Anh là nhà thơ trưởng thành sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, hiện vẫn công tác ở Tạp chí VNQĐ. Sau nhiều năm sáng tác, Nguyễn Hữu Quý dần ổn định một phong cách thơ đằm thắm, nhiều suy tư. Anh viết say mê, cả thơ và văn xuôi. Viết phê bình cũng để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Hơn tất cả, Nguyễn Hữu Quý là một nhà văn tử tế cả ngoài đời lẫn trong văn. Vũ Bình Lục xin giới thiệu cùng bạn đọc một trong những bài thơ hay của Nguyễn Hữu Quý để bạn đọc thưởng lãm!
NGUYỄN HỮU QUÝ THẮP HƯƠNG MỘ MẸ
(Về bài thơ “Thắp hương mộ mẹ” của Nguyễn Hữu Quý)
Vậy thôi, nấm cát là là
bia khắc tên mẹ, chữ nhoà mắt con
ở đâu mẹ, giữa mất còn
tìm đâu mẹ giữa chon von đất trời?
Cái buồn ở với mồ côi
ai che lối gió, ai bồi nẻo mưa…
ba mươi năm, bấy nhiêu mùa
giờ nghe cát cháy quặn trưa gió Lào
Cuộc đời ngắn ngủi làm sao
bom rơi
cát đổ
máu trào
mẹ ơi!
Đớn đau thay một kiếp người
tóc còn xanh
đã
xuống lời trối trăng!
Đau buồn con vẫn còn mang
cỏ chưa xanh cát đã vàng tháng ba
đội trời ngồi với mẹ ta
thương xưa áo vá, khoai cà Ô Châu(*)
Cúi đầu thắp mấy nén đau
ngậm ngùi thấm cõi dày sâu mấy tầng?
chiều sang
bóng ngã âm thầm
trắng hời gió cát dấu chân mẹ về…
Thanh Trạch 3.1998
Tác giả chú: Khi còn sống, mẹ tôi thường đọc:
“Quảng Bình là đất Ô Châu
Ai đi đến đó quảy bầu về không”
(Ca dao xưa)
LỜI BÌNH CỦA VŨ BÌNH LỤC:
Các nhà thơ Việt Nam không mấy ai là không viết về mẹ. Người mẹ đã sinh ra ta, dưỡng dục ta lên người. Cũng có thể là người mẹ đã sinh ra người bạn đời của ta, hoặc như người mẹ được nhìn ở những góc tâm cảm khác nhau, những cảnh huống khác nhau. Thậm chí, hình ảnh người mẹ còn được nâng lên ngang tầm Tổ quốc thiêng liêng…Thật là phong phú muôn hình nhiều vẻ.
Tuy nhiên, mức độ thành công ở những thi phẩm viết về người mẹ, dưới góc độ một đề tài văn học, cũng rất khác nhau. Có bài hay, hay ở bài, nhưng không có câu thật hay để găm vào trí nhớ người đọc. Có bài tứ hay, nhưng bài thơ lại không bứt lên khỏi mức trung bình. Cũng có bài thường thường bậc trung, nhưng lại đột nhiên có câu hay. Cũng có bài viết khéo, nhưng tình thơ nhạt và sáo…Cái sự hay và chưa hay ở những bài thơ viết về mẹ, đương nhiên thể hiện ở tài thơ tác giả, ở sự thăng hoa cảm hứng trời cho, ở tình nồng nghĩa đậm. Đây là câu chuyện dài dài, xin chỉ nói đại khái thế thôi!
Nguyễn Hữu Quý là nhà thơ mặc áo lính, lại sinh ra ở miền quê gió Lào cát trắng Quảng Bình. Cái đất Ô Châu ấy tạo hóa cho nhiều cảnh đẹp, nhưng thiên nhiên đỏng đảnh, quá nhiều cát, quá thừa thãi cái nắng cái gió, không mấy thuận lợi cho công việc cấy cày, nên cuộc sống người dân phần nhiều quẩn quanh trong nghèo khó.
Thế nhưng, ở vùng đất nhiều gian khổ như Quảng Bình, lại chính là nơi đã sinh ra những con người ưu tú, dũng cảm bền gan trong thời chiến cũng như thời bình, lại giàu lòng nhân hậu trung trinh. Nguyễn Hữu Quý có người mẹ bị bom Mỹ giết hại, khi anh mới mười hai tuổi, tức năm 1968. Bài thơ “Thắp hương mộ mẹ” tác giả viết năm 1998, khi người mẹ quý yêu của anh mất vừa tròn ba mươi năm.
Ba mươi năm, với một đời người là khoảng thời gian khá dài, có thể đã diễn ra biết bao sự kiện quan trọng và có thể là cả những biến cố lớn lao. Cậu bé Quý mồ côi mẹ ngơ ngác trước cuộc đời, dần lớn lên trong gió Lào cát trắng, với khoai sắn Ô Châu, rồi thành anh lính binh nhì, thành chồng, thành cha, thành sỹ quan cao cấp trong quân đội. Và lại thành cả… thi sỹ nữa!
Về thắp hương mộ mẹ, Nguyễn Hữu Quý viết những câu mở đầu thật cảm động.
“Vậy thôi, nấm cát là là / bia khắc tên mẹ, chữ nhoà mắt con / ở đâu mẹ giữa mất còn / tìm đâu mẹ giữa chon von đất trời?”…
Đấy là những rung động trực cảm, trực quan, khi anh lần ra bãi cát mênh mông, nhấp nhô như sóng những “nấm cát là là”, thế giới của những linh hồn “thập loại chúng sinh”. Ba mươi năm, mẹ nằm đây, dưới “nấm cát là là”, giữa mênh mông gió nắng, giữa “chon von đất trời”, sao cầm được nước mắt? Nên chi, “bia khắc tên mẹ / chữ nhoà mắt con”, cũng là cảm xúc thông thường của tình mẫu tử.
Nhưng mà ở đây vẫn có điều đặc biệt, chưa dám nói là đặc tả, ấy là nấm mộ mẹ anh. Tác giả viết “nấm cát là là”, chứ không phải là “nấm đất” (xè xè nấm đất bên đường - Truyện Kiều) như ở những vùng quê khác. Nghĩa trang ở vùng cát, mộ đắp bằng cát, gió lớn thổi miên man gặm vẹt dần đi, nên những nấm mộ ở đây cũng chỉ “là là”vậy thôi. Thật là tinh tế và chính xác. Không ở vùng quê ấy, sao hiểu rõ được chữ nghĩa của người thơ vùng ấy! Lại còn chữ “chon von” (tìm đâu mẹ giữa chon von đất trời?). Hoá ra mẹ nằm dưới “nấm cát là là” thâm thấp này đây, nhưng linh hồn mẹ đang lơ lửng trong mênh mông trời đất. Chữ “chon von” gợi được nhiều liên tưởng, gợi sự lơ lửng của những linh hồn, khi cao vút, khi chập chờn giữa khoảng mênh mông…Khổ thơ mở đầu đã gợi một niềm xót thương, một nỗi trống vắng, một cảm giác cô đơn khi tác giả ngồi bên nấm mồ nhỏ nhoi của người mẹ, thật gần, mà như xa thăm thẳm.
Đoạn thơ tiếp đó là những cảm thức ở chiều sâu: “Cái buồn ở với mồ côi / ai che lối gió, ai bồi nẻo mưa / ba mươi năm, bấy nhiêu mùa / giờ nghe cát cháy quặn trưa gió Lào”
Cũng vẫn là những giãi bày tình con với mẹ. Không còn mẹ, con thành mồ côi. Không còn mẹ, thì lấy “ai che lối gió, ai bồi nẻo mưa” khi con bé bỏng bơ vơ giữa cuộc đời muôn nỗi chông chênh? Câu “Nỗi buồn ở với mồ côi / ai che lối gió, ai bồi nẻo mưa” là một câu lục bát hay, vừa cụ thể, lại vừa khái quát hàm ẩn, diễn đạt rất chính xác sự thiếu vắng, sự hẫng hụt không sao bù đắp nổi khi con không còn mẹ chở che nuôi dưỡng. Ba mươi năm vắng bóng mẹ, giờ đây chỉ còn “nghe cát cháy quặn trưa gió Lào”…
Khổ thơ thứ ba, gợi một thoáng hình ảnh mẹ, cùng nỗi tiếc thương vô hạn của con. Tác giả viết: “Cuộc đời ngắn ngủi làm sao / bom rơi cát đỏ máu trào mẹ ơi! / đớn đau thay một kiếp nguời / tóc còn xanh đã xuống lời trối trăng!”…
Những câu lục bát được ngắt ra, đứng riêng ra từng ý ở đây, đương nhiên không phải là một sự làm mới theo thời. Nó là một hình thức nhấn mạnh ý, nhấn mạnh từng cung bậc cảm xúc, như thể những nghẹn ngào đứt quãng, như thể những thổn thức của tiếng lòng hoang hoải đầy vơi…
Trong khổ thơ xúc tích này, chỉ có một chữ tôi ngờ rằng hình như chưa thật đắt, ấy là chữ “xuống” (tóc còn xanh / đã / xuống lời trối trăng!). Ví thử Nguyễn Hữu Quý dùng chữ “Rụng” chẳng hạn ( tóc còn xanh đã rụng lời trối trăng!), vừa chuyển tải được ý rụng xuống, trút xuống, lại vừa ngầm hàm chứa sự tiếp nối mạch nguồn xa xưa “lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời”, lại như thể một nốt trầm xao xuyến…Đấy chỉ là một kiểu chọn chữ theo giả định của kẻ viết bài này, để tham khảo cái vẻ đẹp của hồn chữ mà thôi!
Một người mẹ trẻ, mất khi mới ngoài ba mươi tuổi, cuộc đời đang tươi xanh, bỗng vôị vã ra đi, bỗng rụng xuống như một chiếc lá còn xanh. Đoạn thơ thể hiện nỗi xót thương mẹ, còn ngầm lên án tội ác giặc Mỹ xâm lược đã gieo biết mấy đau thương trên mảnh đất này!
Hai khổ thơ cuối, lại trở về với thực tại, với ngậm ngùi thương tiếc. Có những câu thơ đã đạt tới sự chuẩn mực, có thể ở lâu trong lòng người đọc: “đội trời ngồi với mẹ ta / thương xưa áo vá khoai cà Ô Châu”; hoặc như “Cúi đầu thắp mấy nén đau / ngậm ngùi thấm nỗi dày sâu mấy tầng?”…
“Thắp hương mộ mẹ” của Nguyễn Hữu Quý là bài thơ hay về đề tài người mẹ, về tình mẫu tử muôn đời không bao giờ cũ. Một bài thơ lục bát nhuần nhuyễn, tự nhiên, lại rất cá thể ở những chi tiết. Nhưng điều quan trọng hơn là tình thơ mặn mà chân thật. Thơ có thể làm rơi nước mắt người đọc, trước hết là ở tình thơ chân thật. Mọi sự gia công chỉ có thể bồi đắp thêm, làm rực rỡ thêm cho tác phẩm mà thôi!
Hà Nội 2-3-2011
Nhà thơ Vũ Bình Lục - Hội nhà văn Hà Nội
|