Năm 1986, sau chuyến đi Trung Lào tôi ghé về thăm quê, các anh công tác ở thị trấn Đô Lương mời tôi tham gia viết lịch sử của thị trấn, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo hướng dẫn, tôi được gặp một điển hình thời chống Mỹ, một trung đội nữ dân quân nổi tiếng gan dạ, bất chấp bom đạn, lãnh đạo một trung đội nữ dân quân trên ba mươi người làm nhiệm vụ tiếp đạn tải thương và ban đêm làm “cọc tiêu sống” cho xe quân sự ra vào qua vùng Đô Lương. Khi chưa gặp, tôi hình dung đây là một người đàn bà to khoẻ, nước da ngăm đen, vẻ mặt kiên quyết…Nhưng khi gặp, hai điều làm tôi ngạc nhiên. Thứ nhất, vể hình thức, chị Bùi Thị Vấn ngược lại những gì tôi đã hình dung: một người đàn bà tầm thước, nước da trắng mịn, nói năng nhỏ nhẹ, ý tứ. Năm đó chị đã 38 tuổi rồi nhưng trong vẫn khá trẻ, mà lại còn…xinh nữa. Điều ngạc nhiên thứ hai là chị sống độc thân trong một căn nhà rộng, giữa một khu vườn rộng, nhà của bố mẹ chị để lại. Chị Vấn lục những tấm ảnh chụp hồi chiến tranh của chị để cho tôi có thêm tư liệu. Trong số ảnh này, tôi đặc biệt chú ý tới bức ảnh chị chụp cùng Thiếu tướng Lê Quang Hoà, tư lệnh Quân khu 4, cùng một số đại biểu về dự đại hội chiến sĩ thi đua. Trong ảnh đó, chị mặc bộ quần áo đen, làm cho nước da càng thêm trắng nổi bật so với những gương mặt xung quanh. Tôi không giải thích nổi, ở vùng quê gió lào khắc nghiệt, lại dầm mưa dãi nắng trong bom đạn chiến tranh, mà nước da kia vẫn trắng mịn thế kia? Nội dung chính của câu hỏi phỏng vấn là công việc của trung đội dân quân nữ trong thời kỳ đó…Khi chuyện chung xong rồi, mới sang chuyện đời riêng, tôi tìm hiểu tại sao một con người nhan sắc như chị mà đến nay vẫn sống một mình. Lúc đầu chị còn đùa trêu tôi: “ Tại thời ấy anh không về công tác tại Đô Lương! Giá như ngày ấy anh về gặp em, thì em đâu còn cô đơn như thế này”! Rồi sau đó chị tâm sự thật hoàn cảnh của mình.Thì ra hồi chiến tranh chị từng yêu một chàng trai cùng quê. Hai người đã hẹn ước, thề thốt với nhau khi anh lên đường nhập ngũ. Và chị chờ đợi. Chờ đợi hết cả cuộc chiến tranh vẫn không có tin tức gì về anh. Chị đợi tiếp hơn chục năm sau khi nước nhà thống nhất mà anh vẫn ‘bặt vô âm tín”. Và chị vẫn đợi, vẫn đợi…
Có một tối tôi đang ngồi nói chuyện với chị trong ngôi nhà trống trải ấy, bỗng nhiên nghe mấy tiếng “Tắc- kè, Tắc- kè”!. Thấy tôi ngạc nhiên quay tìm nơi phát ta tiếng kêu, chị giải thích: “Con tắc kè nó đến ở với em đấy mà. Mọi hôm giờ này em thường bắt dán cho nó ăn, nên hôm nay, nó nhắc đấy”! Lời nói của chị làm cho tôi càng thấm thêm nỗi cô đơn và thầm nghĩ: Khi cuộc chiến tranh đi qua, đất nước ta có biết bao người âm thầm gánh chịu nỗi cô đơn như chị Bùi Thị Vấn, nào đâu đã được chờ chồng, mà đằng đẵng đợi chờ người ra cùng một lời hẹn ước!
Với “nguyên mẫu” Bùi Thị Vấn, tôi đã sáng tác hai bài thơ, trong đó có một bài lục bát từng được giải nhất của cuộc thi thơ do bộ Giao thông Vận tải tổ chức, và một bài khác cũng được nhiều bạn đọc nhắc đến khi nói về lòng chung thuỷ chờ đợi của phụ nữ Việt Nam.
CHỊ
Hẹn một lần, chờ đợi mấy ngàn ngày
Anh đi biệt phương trời không trở lại
Căn nhà rộng, ngày lẻ loi mình chị
Đêm thắp đèn cho bóng nữa thành đôi.
Cũng cơm canh, cũng bếp núc, xoong nồi
Mà vắng vẻ, mà âm thầm lặng lẽ
Nhà hàng xóm thừa ồn ào tiếng trẻ
Chị thiếu từng tiếng bát đũa va nhau.
Bưởi chín vàng rụng xuống hiên sau
Chua lắm vậy, chẳng thể nào ăn được
Chị bóc múi, một mình ngồi đếm hạt
Xâu thành vòng như cái thuở xa xôi.
Con tắc kè thương chị đơn côi
Về chung sống dưới mái nhà tre nứa
Tắc kè ơi đừng kêu lẻ nữa
Nắng mưa chi, cũng kêu chẵn, đỡ buồn!
Mùa đông ơi, sao chẳng thấu nguồn cơn
Cứ dằng dặc những đêm dài rét buốt
Đợi le lói chút nắng mềm cuối chạp
Mắt chị nhìn hoa cải vàng hoe
Người đi xa, cuối năm những ai về
Mà lối xóm râm ran lời chào hỏi
Sao chẳng được làm người đón đợi
Cổng mở hoài, chỉ có gió và sân…
Có cách gì cắt ngắn được thời gian
Gói cất kỹ hai mươi năm chờ đợi
Để chị được trở về mười tám tuổi
Để trai làng có nơi hẹn mùa xuân?
Đô Lương, 1986
Vương Trọng
GIÁ NHƯ NGÀY ẤY
Bài lục bát thật vần (vần tuyệt đối) tặng chị Bùi Thị Vấn
và trung đội dân quân thị trấn Đô Lương.
- Giá như ngày ấy anh về
Hẳn là hiểu được người quê hương mình!
Giữa chừng câu chuyện, lặng thinh
Chị nhìn ánh nắng lung linh ngoài trời
Là khi hồi tưởng, chị ơi?
Cái thời đạn xối, cái thời bom rung
Bao đêm bóng tối mịt mùng
Xe đi vang động một vùng quê hương
Ngọn đèn thị trấn Đô Lương
Cùng người thức suốt chặng đường chiến tranh
Ba mươi cô gái hiền lành
Tấm áo gụ, tấm áo xanh dịu dàng
Mà gan dạ, mà hiên ngang
Đội bom đứng giữa mênh mang đêm dài
Dáng người hay dáng tượng đài
Vươn cao, nòng súng nhô vai lặng thầm
Sương đêm mái tóc ướt đầm
Mắt như sao sáng thấu tầm gần xa
Đón quân vào, đợi quân ra
Ngọn đèn - ánh lửa quê ta dõi nhìn.
Tuổi đôi mươi với niềm tin
Qua trăm ác liệt, vượt nghìn khó khăn
Nắm mì luộc, cũng bữa ăn
Ngủ đêm trận địa chiếu chăn cần gì
Bất ngờ gọi dậy là đi
Tiếng cười con gái có khi sáng đường
Sau ca tiếp đạn tải thương
Khoả chân xuống nước sông Lường thảnh thơi!
- Làm sao gặp được chị ơi
Ba mươi cô gái của thời chiến tranh
Người thì con đã trưởng thành
Người thì lỡ bước chưa đành sang ngang?
Ngoài trời nắng vẫn chang chang
Tiếng ve đầu hạ đổ vàng vườn quê
Chị nhìn, ánh mắt say mê:
- Giá như ngày ấy anh về Đô Lương!
Đô Lương, 1986
Nhà thơ Vương Trọng - Hội nhà văn Việt Nam
|