Mũi Cà Mau - Ảnh nguồn - Internet
Có những câu thơ tuy không hay lắm nhưng tôi cứ nhớ mãi. Những câu thơ này tôi đã được nghe, được học từ thời niên thiếu. Ta đi tới, không thể gì chia cắt / Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau / Trời ta chỉ một trên đầu / Bắc Nam liền một biển của Tố Hữu. Sau này, làm thơ làm báo, tôi được đi tới nhiều nơi trong đó có chóp nón Lũng Cú ở Cực Bắc Hà Giang, bãi biển Trà Cổ ở địa đầu Móng Cái - Quảng Ninh và cả quần đảo Trường Sa trùng trùng sóng nước nữa. Mới rõ thêm, chiều-dài-đất-liền của giang sơn này nếu tính theo vĩ độ thì phải bắt đầu từ Lũng Cú, tính bằng bờ biển thì bắt đầu từ Trà Cổ còn tính theo đường thiên lý quốc lộ 1A thì bắt đầu từ Mục Nam Quan. Điểm bắt đầu có thể khác nhau nhưng mốc cuối cùng của dải đất cong cong hình chữ S vẫn chỉ là Đất Mũi Cà Mau. Cái mũi thuyền của Tổ quốc như cách ví von của Xuân Diệu và ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm theo sự liên tưởng rất tài hoa của Nguyễn Tuân ấy tôi chưa từng một lần đến, chưa từng một lần được đứng trên bãi đất yêu dấu này để im lặng nghe mây bay cuối trời như trưa nay.
Như một giấc mơ đẹp, sau 2 giờ đồng hồ vượt 120 cây số đường sông khởi đầu từ thành phố Cà Mau bằng xuồng cao tốc, qua những Năm Căn, Cái Lớn…chúng tôi đã có một buổi trưa xúc động cùng Đất Mũi.
Lần đầu tiên chúng tôi được thong thả dạo bước trong bóng cây rừng ngập mặn. Có lẽ, đước và mắm là những người lính chủ lực của vùng đất Cực Nam ẩm ướt này. Đước và mắm mọc san sát bên nhau, thế hệ này qua thế hệ khác, đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng là trấn giữ - mở mang bờ cõi. Những cây đước, cây mắm không cao lớn, hình như chưa bao giờ là cổ thụ kỳ vĩ cả mà muôn thuở là dân đen, dân binh sinh ra và lớn lên cùng bùn đất, lam lũ cùng bùn đất, là đội quân điệp trùng mang sắc phục phù sa giữ cho vùng sình lầy chằng chịt kênh rạch này không bị lở lói sụp đổ. Người ta nói rằng bãi bồi Đất Mũi là vùng giao lưu của triều biển Đông và triều biển Tây, như một hiện tượng tự nhiên mở ra biển hàng trăm héc ta đất hàng năm. Biển có công bồi đất nhưng nếu không có đội quân mắm đước với những chùm rễ bám sâu vào bùn lầy thì e rằng bể cả cho bao nhiêu thì rồi lại lấy đi bấy nhiêu thôi.
Sóng, từng con sóng màu nâu vỗ oàm oạp vào bờ ngay dưới chân chúng tôi. Ngày đẹp trời nên nhịp sóng cũng hiền hòa thư thái làm sao. Nhưng vào lúc phong ba giông gió thì sức công phá của sóng quả là không nhỏ. Có kè đập nào sánh bằng thành lũy xanh mắm đước. Những cây đước, cây mắm khiêm nhường này an phận và tự nguyện làm lá chắn cho đất nước ở cuối trời Nam với sự can trường giống như sự can trường của lớp người khai khẩn Cà Mau cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Một hành trình dựng nước và giữ nước dầm dề mồ hôi và máu như ta thường nói. Người Cà Mau, người Đất Mũi phải trải qua bao thăng trầm biến động, bao cuộc đối mặt khốc liệt với những kẻ thù bốn chân và kẻ thù hai chân. Nhớ lại, khi xuồng cao tốc lao vun vút trên sông Cái Lớn mênh mang, Nguyễn Ngọc Tư nói với chúng tôi rằng sóng gió đã dìm không ít thuyền bè ở đây. Trên đường xuống Đất Mũi, tôi thấy hai bên bờ có khá nhiều đền chùa am miếu. Con người ta, dù ở thời đại nào, thể chế nào cũng mong cầu sự bình an thành đạt. Thế giới tâm linh huyền ảo đang tồn tại ở đây như một phần không thể thiếu được của văn hóa các dân tộc Việt – Khơ Me – Hoa đã bên nhau tồn tại trong hằng 3 thế kỷ qua.
Trước khi về thăm Đất Mũi tôi từng nghe có người nói rằng ở đấy chẳng có gì đáng xem cả. Quả là một sự vô tâm hồn nhiên. Phải chăng, Cà Mau - Đất Mũi phải là chốn ăn chơi xã láng, giải trí xô bồ mới là nơi đáng để về thăm? Khách sạn nhiều sao, các món ăn đặc sản, gái đẹp mới là giá trị thời thượng của du lịch ư? Chúng tôi háo hức đến Đất Mũi Cà Mau trong cảm hứng được đứng trên bãi đất liền cuối cùng của Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Tại tọa độ quốc gia: 8 độ 37 phút 30 giây độ vĩ bắc và 104 độ 43 phút độ kinh đông này tôi được hít căng lồng ngực biển trời phương Nam, được cảm nhận cái mùi đất non đang còn bấy bớt ẩm ướt, được tận mắt thấy những quả đước từ độ cao chín, mười mét xòe cánh lao xuống bùn để từ đấy sẽ bật lên một thế hệ cây mới với chùm rễ như chiếc nơm úp xuống. Khác với cây đước, cây mắm con lại hoàn toàn sinh ra và trưởng thành từ bùn. Cách thức gieo mầm khác nhau, một đằng từ trên trời lao xuống, một đằng từ dưới bùn đâm lên nhưng cùng đều vì sự phồn sinh màu mỡ cho dải đất thiêng liêng này. Dù cách thức gì cũng đều là sự giao hoan với bùn lầy. Trong tâm thức của tôi đước và mắm đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho bùn lầy Đất Mũi, cho Tổ quốc thân yêu.
Có lẽ vì thế, mà khi đứng bên mốc tọa độ quốc gia hay đứng trên đài quan sát được cách điệu theo hình dáng cây đước, nhìn ra biển Đông, biển Tây dạt dào sóng vỗ, thu vào mắt mình những đồng rừng ngập mặn mênh mang, ở đâu đó còn có những tràm chim, tràm cò đông đúc ồn ĩ nữa và thấp thoáng trong những kênh rạch mấy chiếc áo bà ba ôm khít tấm lưng ong… tôi nghe lòng mình rưng rưng vang lên đôi câu thơ thổn thức của Huỳnh Văn Nghệ:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Vâng, Thăng Long xưa, Hà Nội nay đã hơn 1000 năm rồi đó, từ sông Hồng đỏ nặng phù sa tôi đã về đây - Đất Mũi Cà Mau - im lặng nghe mây bay cuối trời…
Nhà thơ Nuyễn Hữu Quý - Hội nhà văn Việt Nam
|