VanVN.Net - Tính tới năm 2014 này, năm Hà Nội 60 tuổi giải phóng và 1014 tuổi hình thành, phát triển thì trên “mặt gương Tây Hồ” rộng hơn 500 ha, từng hiển hiện trong bài lục bát tuyệt bút “gió đưa cành trúc la đà…” không chỉ in bóng ngôi cổ tự Trấn Vũ, huyện lỵ Thọ Xương, làng giấy cổ truyền Yên Thái trong tổng thể 61 đình, chùa, đền, phủ nơi này, mà còn in bóng Bảo tàng văn học Việt Nam rộng 3.600 mét vuông thuộc phường Quảng Bá, Tây Hồ được chính thức thành lập vào năm 2011. Để tồn tại mà ghi chép và bảo tồn lịch sử văn học Việt Nam, tưởng không vị trí nào đẹp hơn cho bảo tàng bằng vị trí này, vì từ mặt gương Tây Hồ, hiện lên một chân dung văn học Việt Nam sinh động nhất, đầy đủ nhất.
1. Hồ Tây - truyền thuyết và giai thoại
Hồ Tây còn các tên gọi khác: Kim Ngưu, Xác Cáo, Dâm Đàm, Lãng Bạc… mỗi tên gọi gắn với một truyền thuết.
Chuyện rằng, đời nhà Lý, danh y Nguyễn Minh Không của ta sang Trung Quốc chữa bệnh cho con vua Tống. Khi hoàng tử khỏi bệnh, vua Tống trả ơn bằng cách cho phép Minh Không vào kho báu lựa đồ theo ý thích và muốn lấy bao nhiêu cũng được. Minh Không chỉ lấy đồng đen, dồn bao mang về dâng vua Lý. Vì đồng đen được coi là "mẹ" của vàng, vua sai đem đồng đen đúc thành chuông vàng. Chuông đúc xong mang ra đánh thử, tiếng vang đến tận Trung Quốc. Nghe tiếng chuông ngân, trâu vàng ở bên ấy lồng sang bên này, chạy về nơi thỉnh chuông. Đến khu rừng phía bắc thành Thăng Long thì tiếng chuông im bặt, trâu vàng mất hướng đi, lồng lên khiến đất rừng thành hồ sâu. (Những nơi trâu đi thành sông, nay là dòng Kim Ngưu). Thấy vậy nhà vua sai ném cả chuông lẫn trâu xuống hồ để trấn áp. Mặt nước nhốt trâu ngày ấy nay là Hồ Tây. Trên đường vào phủ Tây Hồ này còn đền Kim Ngưu là ngôi đền liên quan tới truyền thuyết này.
Một chuyện khác, xưa kia trên Tản Viên sơn, có hang con hồ tinh (cáo) chín đuôi hay lên quậy phá làm hại nhân dân. Thấy vậy Thượng Đế sai Long Vương dâng nước phá hang của cáo. Cáo chín đuôi bỏ chạy. Quân thủy của Long Vương đuổi theo bắt cáo. Nơi cáo bị giết thịt trở thành cái đầm sâu gọi là đầm Xác Cáo nay là Hồ Tây. Ở vùng Xuân Đỉnh đến nay vẫn còn có làng Cáo.
Cùng với các truyền thuyết trên là giai thoại về các tên tuổi văn học lớn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…
Tương truyền, vào thời Hậu Lê, chính “mặt gương Tây Hồ” là nơi chuyện tình của của người anh hùng, vị quan hành khiển Nguyễn Trãi và nàng Thị Lộ xinh đẹp soi bóng. Câu chuyện tình tứ này đã thành khúc dạo đầu có tính phục bút, để chuyện tình dù kết thúc trong vườn vải nơi Côn Sơn, Hải Dương với nhiều máu và nước mắt, thì vẫn là nỗi đau của người Hà Nội. Giai thoại này cũng là một thi thoại, tương truyền một hôm đi chầu về, trời đã xẩm tối Nguyễn Trãi gặp một người con gái bán chiếu, nhan sắc tuyệt trần, ông liền đọc:
Ả ở đâu ta bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi
Đã có chồng chưa có mấy con?
Cô gái bán chiếu tên là Nguyễn Thị Lộ vốn xuất thân con nhà gia thế, nên văn chương chữ nghĩa vốn không xoàng, ứng tác đáp lại:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Xuân thu mới tuổi trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con.
Chẳng bao lâu sau, cô hàng chiếu thành thiếp yêu của Nguyễn Trãi và được phong làm Lễ nghi nữ học sĩ trong triều.
Bên Hồ Tây từng có Cổ Nguyệt Đường, thư phòng của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Một hôm Hồ Xuân Hương trượt chân ngã giữa sân, các nho sinh cười châm chọc, Hồ Xuân Hương ứng khẩu:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.
Có thể nói bằng giai thoại này, Hồ Xuân Hương như đã viết vào lịch sử văn học Việt Nam, kích tấc trời đất Hồ Tây theo thước đo phong cách văn học của mình.
2. Hồ Tây dấu ấn lịch sử trong các tuyệt tác văn chương
Năm 1802, Thăng Long mất địa vị đầu não của đất nước sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Phú Xuân. Từ đó, chẳng những triều chính biến cải mà địa danh cũng đổi thay. Chữ “Long” với nghĩ rồng bay đây khí thế bị thay bằng chữ “long” chỉ còn nghĩa là “thịnh” trong “hưng thịnh”, bệ vệ nhưng lạnh lùng. Sự xuống cấp trong chữ nghĩa như thế cũng làm Bà Huyện Thanh Quan, người Thăng Long chính gốc, chạnh lòng. Với tâm sự hoài Lê, một lần, qua Trấn Bắc, một một hành cung ở bờ phía đông Hồ Tây, nữ thi sĩ tức cảnh sinh tình, buồn đến bạc tóc:
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau
Một tòa sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi như rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá?
Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu.
Không buồn sao được, một hành cung cũ đời Hậu Lê, văn võ bá quan, cung tần mỹ nữ, thưởng ngoạn cảnh Hồ Tây và bày những trò vui nhộn. Vậy mà nay đã trở nên tiêu điều, vắng vẻ, hoang sơ. Tâm sự u hoài khiến người làm thơ bắt sen hồ, mây trời cũng ủ dột để tham gia hồi cố, phục hưng một thể chế đã lụi tàn.
Nhưng, khi tranh chấp trong với ngoài, vua với chúa, đang diễn ra thì bên người buồn thất thế, có kẻ vui được thời. Đây là nhịp thơ vui bên Hồ Tây của ông vua thanh niên Nguyễn Quang Toản nhà Tây Sơn:
Đây vui thực lạ cảnh Tây Hồ
Trước tự trời kia khéo vẽ đồ
Mây lẫn nước xanh màu tỏ ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu
Cây đa tán rợp từng cao thấp
Sóng gợn cầm tâu nhịp nhỏ to
Bày khéo thú vui non nước đủ
Tây Hồ giá ấy dễ đâu so
Tịnh không một điển tích nào, thơ cứ nhẹ tênh, bồng bềnh. Nhẹ mới nổi được chứ, thơ viết lên tờ Hồ Tây thắng cảnh đệ nhất Hà Thành tức là Việt Nam đệ nhất hạng. Vì thế nó có xinh xinh so với Ngũ Hồ bên tây, hay nhìn sang hướng khác, nó có xinh xinh so với anh bạn cùng tên, nhưng ngược họ thì, Tây Hồ giá ấy dễ đâu so!
Xin được nói rõ, trong lễ đón mừng Cảnh Thịnh hoàng đế Nguyễn Quang Toản từ Phú Xuân chuyển giá ra Thăng Long, một kẻ sĩ đất Tràng An là Nguyễn Huy Lượng theo lệnh vua ngẫu tác bài Tụng Tây Hồ phú. Chính sóng thơ trong bài phú danh tác kia khiến ngài ngự bút, để lại cho chúng ta bài “sóng gợn cầm tâu” lay động tâm hồn của biết bao độc giả các thời đại. Mời bạn đọc, tham chiếu bài tụng nổi tiếng với rất nhiều từ lấp láy trong lối văn biền ngẫu nhịp nhàng như con thuyền xuôi chèo mát mái:
...Chày Yên Thái nện trong sương chuyểnh choảng,
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm,
Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò...
Nhưng, những va đập trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam chưa hết, và Hồ Tây đã có lúc thành trang giấy điệp để Phạm Thái viết những dòng bút chiến “Phản tụng Tây Hồ phú” như là cách khuấy động đời sống văn học, đưa các các trang văn vào cuốn sách đời. Tạo những con sóng lừng, xứng với mặt hồ mênh mông kia.
3. Hồ Tây thành tựu nhiều mặt của văn học hiện đại
Trong văn học hiện đại Việt Nam, Hồ Tây tiếp tục là đề tài để các nhà văn cách tân thời 1930-1945 và các nhà văn cách mạng thể hiện tài năng văn chương của mình. Một cách tân rất thành công của nhà thơ Huy Cận là bài:
BUỔI SÁNG HÔM NAY
Anh tặng em buổi sáng hôm nay
Có hoa sen nở hồ tây trắng hồng
Tặng em trời mát như sông
Trong veo chảy giữa hai dòng cây xanh.
Anh tặng em buổi sáng lòng anh
Có mây có nước có cành có hoa
Có mình và lại có ta
Trong hương sen ngát nở xòa lòng sen.
Anh tặng em cả những ưu phiền
Trong câu hát cũ nghe bên chợ cầu
Còn hằn trong chữ trong câu
Nỗi đau ngày trước cày sâu mặt người
Anh tặng em buổi sáng mai đời
Bước chân quen thuộc, tiếng người lại qua
Mây phồng buồm bạc xa xa
Ngày lên gió mới, lòng ta tặng mình
Đây là một bài lục bát lạ trong thơ Việt Nam, tất cả các dòng thơ đầu khổ đều 7 âm tiết chứ không chịu là 6 như luật định. Nhờ sự khăng khăng trái luật như thế bài thơ được hòa âm, trở thành một lục bát hai bè trong mỗi đoạn. Bè dưới - lục bát âm - đầy đặn với thiên nhiên trời cao thành sông dài chảy theo dòng cây xanh vào hồ mát thơm hương sen; với cuộc đời có gió ngày mới thổi dịu nỗi đau xưa. Bè trên lảnh lót, trẻ trung một giọng nam cao, dẫn bè dưới theo mình và dâng tặng tất cả mát thơm trong bè hòa ca ấy, cho người mình yêu. Không biết đã có nhạc sĩ nào phổ nhạc bài thơ này, chỉ biết cứ mỗi lần cầm vào bài thơ là tôi lại muốn hát lên!
Nhưng thành công nhất với các nhà văn Việt Nam hiện đại trong để tài Hồ Tây thuộc về Tô Hoài. Theo nhà lí luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến: “Dế mèn phiêu lưu ký quá nổi tiếng là một thiệt thòi của Tô Hoài. Thật ra, Giăng thề của Tô Hoài là một kiệt tác”. Giăng thề là vừng trăng mọc lên từ, đất quê của Tô Hoài nơi ông được sinh ra và lớn lên. Đó là vừng trăng mọc trên đồng đất vùng Bưởi ven Hồ Tây:
“Đằng cuối cánh đồng vừng trăng tròn vành vạnh, nhô lên. Hôm nay mười sáu. Bấy giờ ngày cùng chưa hết hẳn. Mặt trăng tròn, trăng nhạt. Tuy vậy, ánh trăng cũng đã lan mờ mờ mặt đất. Và bóng hai người ngả xuống cỏ bên gò.... Cái bâng khuâng như nằm mê bắt được cô tiên trên cung trăng sa xuống. Bấy lâu, giận Câu, cũng chỉ vì quá yêu mà thôi. Bây giờ cơn hờn giận đã tan và như cái nồm nam mát vừa thoảng qua. Ánh trăng láy vào trong mắt. Đôi mắt Miến ngời lên, bởi một chút nước mắt khóc ban nãy còn ánh lại hai bên khóe. Miến mỉm cười liếc Câu. Trên cánh đồng bát ngát, ông trăng như tủm tỉm với hai người...". (Trích Giăng thề - Tô Hoài). Chính Tô Hoài nói về nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết có tính tự thuật này “Lúc ấy hai đứa tôi sàn sàn nhau, 15-17 tuổi. Thích nhau, yêu nhau, ông bố cô ấy biết chuyện, đánh cô ấy dữ lắm và cấm không cho đi lại. Rồi cô ấy phải chuyển ra sống ở Hà Nội, sau lấy chồng ở đó, được vài năm thì mất. Cô ấy mất trẻ lắm, mới khoảng 20 tuổi. Khi đó tôi đã có chút tiếng tăm với "Dế mèn phiêu lưu ký" và một số truyện khác đăng rải rác trên nhiều báo. Cô ấy mất, tôi và các nhà thơ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính có đến viếng ở tận Thanh Xuân. Mối tình này tôi đã viết thành chuyện "Giăng thề". Có thể nói trăng Tây Hồ đã soi sáng đường văn Tô Hoài. Là người sinh ra, lớn lên bên Hồ Tây, với sở trường miêu tả Tô Hoài có một Hồ Tây rất thật và rất đẹp trong văn mình:
“Hương sen thơm suốt quãng đường hai bên hồ. Những chiếc lá sen tròn đồng tiền, mơn mởn nghển lên khỏi mặt nước. Chúng tôi lội xuống hái những nụ mới nhú bằng ngón tay. Nụ sen ăn ngòn ngọt. Rồi trải lá sen lên bờ cỏ, chúng tôi nằm ngủ dưới gốc đa, trong gió hồ buổi trưa hây hẩy bát ngát”.
“Chặp tối, trăng lên sớm. Trên bóng nước hiện ra những đoàn thuyền nối nhau chèo đi suốt đêm trên mặt hồ. Đây là những thuyền đất thó thợ đấu đào từ cánh đồng bên Quán La… chở sang bán cho nhà máy gạch Satic của Tây… Đoàn thuyền hàng chục chiếc, chặp tối thì bắt đầu nhổ sào. Trăng lên, lửa thổi cơm nhập nhèm giăng dài trên mặt sóng xôn xao bóng nước, nhấp nhô cái lưng nhễ nhại ánh trăng và mồ hôi. Cả đêm, những đoàn thuyền qua lại mặt hồ… Kíp thuyền ấy từ đồng Quán La bơi suốt sáng đã sang bờ sen trước đền Quan Thánh khi ngoài hồ vang tiếng gõ cá trong sương… Đàn vịt trời đen xì bay qua, đậu xuống mặt hồ phía sau lưng đình Yên Phụ…”.
Đàn vịt trời kia chính là những chú sâm cầm trong kịch “Chim sâm cầm đã chết” của Lưu Quang Vũ, chính là “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay mờ xa mời gọi! Màu sương thương nhớ, bày sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” của Trịnh Công Sơn, những người tiếp nối Huy Cận, Tô Hoài viết tiếp về một mặt gương sáng của văn học Việt Nam. Riêng người viết bài này trong lần tham gia một trại viết đặt ngay trong Bảo tàng văn học Việt Nam cũng đã soi gương mặt hồ mà viết: Mải sáng chợ hoa xem sương cúc vàng/ Sương nhài thơm, sương loa kèn vang/ Mải chiều Hồ Tây đắm vào đêm trăng…/ Không một dấu mực đen trên tờ thơ trắng trang…
Theo Hội nhà văn Việt Nam
|