Theo kế hoạch sáng tác năm 2014 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên phê duyệt, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đã tiến hành mở Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật ngay tại tỉnh nhà, thời gian từ 18/9/2014 đến 24/9/2014.Tham gia Trại sáng này có 38 anh chị em văn nghệ sĩ, bao gồm các chuyên ngành: Văn học – Âm nhạc – Nhiếp ảnh và Hội hoạ.
Sáng 18/9 sau phần khai mạc Trại viết (Có sự tham dự của Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, cùng các vị lãnh đạo các cơ quan ban ngành và phóng viên đài, báo chí) – Nhạc sĩ, nghệ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đã trình bày công trình nghiên cứu của mình dày 80 trang A 4 về âm nhạc và văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số miền Tây tỉnh Phú Yên. Đây là một công trình nghiên cứu âm nhạc dân gian rất công phu, có kèm theo nhiều hình ảnh và video nhạc minh hoạ rất sinh động.
Sau khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang báo cáo khái quát về công trình nghiên cứu của mình, anh chị em văn nghệ sĩ đã phần nào lĩnh hội được những nét đặc sắc cơ bản về phong tục tập quán và văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên, để rồi từ sẽ có những cảm hứng sáng tạo mới về mảng đề tài này.
Trại sáng tác kỳ này được tiến hành với chủ đề: Chung tay xây dựng nông thôn mới.
Chúng ta đã biết tỉnh Phú Yên, ngoài các huyện ở duyên hải, đồng bằng, còn có ba huyện miền núi phía Tây là: Sông Hinh , Sơn Hoà và Đồng Xuân.
Trưởng Ban tổ chức Trại sáng tác VHNT phú Yên năm 2014 này là nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó chủ tịch Hội.
Ngày 19/9/2014 Đoàn văn nghệ sĩ của Trại sáng tác khởi hành lên huyện miền núi Sông Hinh để thâm nhập thực tế. Đêm ấy Đoàn tham gia giao lưu hội cồng chiêng với dân làng Buôn Lê Diêm và chung tay nhảy múa quanh đống lửa bập bùng. Thật là sôi động và ấm áp nghĩa tình.
Sáng hôm sau tham quan thắng cảnh hồ Trung Tâm ở thị trấn Sông Hinh, rồi tạt qua Sơn Định, Sơn Hoà thăm Nhà thờ Bác Hồ. Chiều 20/9 Đoàn đã trở lại thành phố Tuy Hoà với nhiều cảm xúc chứa chan và dự cảm mới cho những tác phẩm VHNT ra đời…
Đêm 21/9 Trại sáng tác tổ chức Giao lưu và giới thiệu tác phẩm đã phát hành trong hai năm 2013 – 2014. Tại buổi giao lưu này Triệu Lam Châu đã được mời đọc bài viết của mình trước công chúng, với tựa đề là: Chất phiêu bồng lãng du trong thơ Nguyễn Tường Văn.
Chiều ngày 24/9/2014 bế mạc Trại sáng tác VHNT Phú Yên. Tại lễ tổng kêt này Triệu Lam Châu cũng lại vinh dự được mời trình bày bài thơ mới của mình vừa sáng tác phục vụ chủ đề Chung tay xây dựng nông thôn mới. Bài thơ đã được tán thưởng nồng nhiệt của bạn bè văn nghệ sĩ hôm ấy.
Triệu Lam Châu xin trân trọng gửi tới bạn bè gần xa hai tác phẩm mới của mình, đó là bài thơ Mình anh bên hồ đêm nay và bài phê bình thơ Chât phiêu bồng lãng du trong thơ Nguyễn Tường Văn
Triệu Lam Châu
MÌNH ANH BÊN HỒ ĐÊM NAY…
Một mình anh bên hồ Trung Tâm đêm nay
Chỉ có ánh sao trời như mắt em long lanh thuở ấy
Gió núi mơ hồ nhẹ thoảng về vẫn nồng nàn là vậy
Buôn Lê Diêm nghiêng ngả chiếc thuyền Giàng…
Không gian mênh mang, cả ánh sao ngời cũng mênh mang
Cứ từng đôi bơi về phía cuối trời xa lắc
Chỉ mình anh lẻ đôi bên hồ đêm nay lặng phắc
Em ở xa thẳm muôn trùng có thấy nóng tai không?
Thuở ấy ta quen nhau trong Đại hội mừng công
Em là cô thành niên xung phong mở đường giữa miền đất đỏ
Những ngả đường cao nguyên phập phồng, mềm như hơi thở
Chở tình ai tới các buôn làng
Rừng núi hoang vu đan bao mạch đường mòn
Mỗi dịp lũ về, suối cắt ngang lối bước
Cả cao nguyên hồng lên từng gương mặt
Mỗi buôn làng mong ngóng lối thông thương…
Thế rồi bao mùa dãi nắng, dầm sương
Mỗi sớm mai theo tiếng hót chim rừng thức dậy
Mỗi mùa cà phê như nụ môi em nồng đỏ ấy
Em lại nối dài thêm những nẻo đường hồng…
Thuở ấy anh là chàng trai rong ruổi khắp công trường
Của lũng núi sẽ thành hồ thuỷ điện
Một vùng hoang vu, mái rừng như sóng biển
Nhưng lòng chúng mình đâu có thấy hoang vu?
Bởi vì theo con đường em mới mở, là những đoàn xe
Chở sắt thép, xi măng tới công trường náo động
Hình như có lửa tình em nung ngời thêm độ nóng
Mà bao mối hàn đêm như bật sáng ánh mai lên!
Giữa bộn bề công trường mênh mông, anh cứ thấy nụ cười hiền
Thơm như nụ hoa ngàn mùa hương về ngây ngất
Điện sẽ sáng bừng như nụ cười em soi rõ từng trang sách
Soi phập phồng những bức thư tình ta sẽ gửi cho nhau…
Ôi thời gian vèo bay như hạt mưa rơi mau
Như chiều nắng cà phê, bỗng nhiên mờ sương khói
Như tiếng chiêng bỗng chốc lặng im bên ngọn lửa nồng vời vợi
Nghe lòng ai thổn thức phía canh dài…
Mách bảo lòng anh, chỉ có ánh sao mai
Bên hồ Trung Tâm này bồng bềnh sương núi
Đường ta đã đến trọn buôn làng, điện đã sáng rừng ngời ngợi
Ngỡ tình ta ngấp nghé ánh môi thơm
Vậy mà chúng mình cứ như sao mai sao hôm
Anh bên này, nụ cười em bên ấy
Em là Vầng trăng tiên của lòng anh, lộng lẫy
Đi suốt đời… chưa với tới trăng em…
Chiều 23 tháng 9 năm 2014
Triệu Lam Châu
CHẤT PHIÊU BỒNG LÃNG DU TRONG THƠ NGUYỄN TƯỜNG VĂN
Đầu năm 1980 tôi được Tổng cục Địa chất điều động vào làm công tác giảng dạy tại Trường trung học chuyên nghiệp Địa chất 2 (Nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp) thị xã Tuy Hoà. Vậy là có dịp đến đọc sách ở thư viện Hải Phú. Tại đây tôi được làm quen với anh Dương Thái Nhơn, cán bộ thư viện, người khởi xướng Đêm thơ Nguyên tiêu Tuy Hoà năm 1981 xa xưa. Cũng nhờ anh Nhơn mà tôi được gia nhập Hội những người yêu đọc sách. Sau khi gia nhập Hội này, tôi mới được làm quen với nhà thơ Nguyễn Tường Văn – một con người giàu nhuệ khí, yêu thơ văn say đắm và có giọng đọc thơ sang sảng, giàu ấn tượng, chinh phục người nghe.
Thế rồi tình cờ trên Tạp chí Văn nghệ Phú Khánh hồi ấy, tôi đọc được bài thơ Nghĩ về mẹ của anh. Một bài thơ tràn trề tình cảm của một người con đối với mẹ già - làm cho độc giả là tôi khi đó cảm tình ngay với hồn thơ anh:
Khi con về đường xóm nhỏ lên đèn
Mẹ tựa cửa mong những lần con vắng
Trời vào đông sao chiều nay gió lặng
Giúp con về bên mẹ đêm nay…
Vậy là con đi công tác xa và trở về nhà với mẹ trong một buổi chiều đông. Trời thì buốt lạnh – mà lòng con lại ấm áp vô ngần bởi được sưởi ấm tình mẹ nồng nàn bấy năm qua.
Tiếp sau đấy là những năm tháng dài dặc hàng ba chục năm ròng chúng tôi sinh hoạt với nhau trong Hội văn học nghệ thuật thị xã Tuy Hoà, Hội văn nghệ Phú Khánh, rồi Hội văn nghệ Phú Yên sau này. Tôi chỉ được đọc thơ anh ở những bài thơ lẻ. Chính vì vậy tôi chưa lẩy ra được chất thơ chủ yếu trong hồn anh là gì, dẫu ngoài đời chúng tôi đã là bạn của nhau từ năm 1980 xa xăm.
Và một buổi chiều thu tháng 9 năm 2013 này, sau khi anh phản hồi rằng, anh thích bài hát Mùa trăng núi Nhạn của Triệu Lam Châu trên mạng – anh nhắn thêm tin “Mời Châu đến nhà mình chơi, sẽ có quà cho bạn”. Tôi tò mò quá,
và sáng hôm sau tôi liền đến nhà anh ngay. À, hoá ra là anh vừa phát hành
tập thơ Mênh mông trước biển*, dày gần hai trăm trang. Tôi đã đọc kỹ tập thơ này và mới lẩy ra được Chất phiêu bồng lãng du trong thơ Nguyễn Tường Văn đó. Dĩ nhiên trong tập thơ này có nhiều bài nói về nhiều chủ đề khác nhau. Song theo cảm nhận của Triệu Lam Châu, khi thơ anh chạm vào vỉa phiêu bồng lãng du vốn sẵn có trong lòng mình – thì câu chữ như có hồn nhập vào một cách say đắm sảng khoái và phóng khoáng hẳn lên ngay. Thế rồi tôi trộm nghĩ: Có lẽ mình là dân địa chất, quen với chất phiêu bồng lãng du đây đó khắp từ bắc chí nam để tìm quặng mỏ - mà dễ đồng cảm với thơ Nguyễn Tường Văn ở khía cạnh này chăng?
Thì đây, mời bạn đọc cùng tôi đi vào vỉa tầng đặc sắc này của thơ anh:
Giã biệt quê nhà Hề viễn xứ
Cuối trời mây trắng toả rừng thu
Tóc mẹ già búi tròn nỗi nhớ
Sông chiều trôi mãi kiếp lãng du…
Ngẫm sâu bài thơ bốn câu này ta thấy: Tấm lòng hừng hực của chủ thể bài thơ này, như muốn tràn ra làm ướt cả trang thơ đây rồi. Một câu thốt ra tự lòng mình thật sảng khoái Giã biệt quê nhà Hề viễn xứ - một sự lâng lâng háo hức dẫn anh lên đường - Bởi vì một Vầng bí ẩn rất đỗi diệu kỳ đầy quyến rũ đang chờ phía trước… Cuối trời mây trắng toả rừng thu… Câu đầu đang ở mạch chở hồn anh bay vút đi nơi xa, lại có thêm một chữ HỀ, thật sảng khoái, thật đắc ý, như thể một câu hát đệm KHOAN KHOAN HÒ KHOAN trong bài Quảng Bình quê ta ơi (Của nhạc sĩ Hoàng Vân) – để đưa hồn bay vút cao đến tận trời, nơi long lanh nhất và toàn bích nhất của sự tưởng tượng.
Dẫu khi ngoái nhìn lại quê nhà, người lãng tử có một chút se lòng… Tóc mẹ già búi tròn nỗi nhớ… Nhưng chất lãng du cứ lại cuốn anh đi, đi mãi. Đó là tư chất của đời anh mất rồi, làm sao mà cưỡng lại được cơ chứ … Sông chiều trôi mãi kiếp lãng du…
Sẽ có bạn đọc phân vân rằng: Thực tế địa bàn hoạt động của nhà thơ – phóng viên Nguyễn Tường Văn, không rộng lắm: Tuy Hoà – Đà Lạt – Nam Bộ - Hà nội… Một địa bàn nhỏ hẹp như Việt Nam mình như vậy, thì chất lãng du của thơ Nguyễn Tường Văn sẽ như thế nào đây, có bị bó hẹp theo ranh giới địa lý không?
Triệu Lam Châu nghĩ rằng: Chất lãng du ở bên trong tâm hồn mới quan trọng và quyết định chất lượng thơ, chứ đâu phải cứ đi nhiều là thơ lãng du sẽ hay đâu. Tất nhiên nếu địa bàn hoạt động của Nguyễn Tường Văn rộng ra cả ngoài biên giới quốc gia, với tâm hồn nhạy cảm như anh – thì hẳn thơ anh sẽ có thêm những chất lượng mới.
Một trong những nét điển hình của tâm hồn người lãng tử là thích khám phá những điều mới lạ. Cái lạ như hớp hồn anh, làm cho anh bần thần, ngơ ngẩn…mà chiêm nghiệm … và hạnh phúc. Điều này thể hiện rõ nhất trong bài Ngơ ngẩn Thăng Long. Người lãng tử trong bài thơ này, hẳn đã lâu từ bao năm nay Lãng du bằng tâm tưởng đến Thăng Long rồi – nên giờ đây khi trực tiếp đặt chân đến mảnh đất của hồn mình – anh ta vồ vập…Qua miền Quan Họ trói hồn anh. Và cứ thế mà cứ mặc sức tưởng tượng, càng tưởng tượng càng cảm thấy hạnh phúc dâng trào. Bởi vì theo mạch tưởng tượng thần diệu ấy – là cả một lớp lớp hào quang của quê nhà và của lịch sử như hẹn nhau dồn dập tụ về:
Ta nơi tháp Nhạn về tháp Bút
Hồ Gươm soi bóng ngỡ sông Ba
Dời đô, trăn trở lòng Công Uẩn
Nguyễn Huệ quân reo đêm Đống Đa
Nếu không đến Thăng Long trước bằng tưởng tượng say đắm bấy năm ròng trong khao khát vô ngần của sự gặp mặt – thì khó lòng mà có những vần thơ, tưởng như nhẹ như không - mà chứa chan sức nặng của lịch sử ông cha thấm đẫm ánh tự hào như vậy:
Một chiều rảo bước qua Giảng Võ
Chừng như cung kiếm áo hoàng bào
Tiền nhân đuổi giặc vương đâu đó
Trên vòm cây, con phố lao xao
Ta có cảm tưởng bài thơ như bột phát ra từ một tấm lòng đã được ủ chín những vỉa tầng lấp lánh ấy từ lâu – nên bài thơ tuôn chảy, lôi cuốn lòng người như một bài hát say nồng. Như thể qua một ánh mắt ngỡ như mơ hồ - mà đã phải lòng ngay rồi đó. Một giọng gái ngọt sông Hồng, một chút rét nàng Bân – vốn là những nét lạ so với miền Nam Trung bộ quê anh – và hình như đã thành một phần hồn của chàng lãng tử rồi:
Mai về phương Nam đường xa lắc
Dư âm giọng gái ngọt sông Hồng
Chút rét nàng Bân nơi xứ Bắc
Nghe lòng ngơ ngẩn chốn Thăng Long
Tôi cứ đinh ninh rằng cái ngơ ngẩn rất nặng ký về phương diện thi ca ấy của lãng tử thi sĩ Nguyễn Tường Văn – là điểm nút của sự giao hoà giữa hiện thực cuộc sống và cảm xúc thơ nhiệt thành say đắm nhất. Và đó chính là sự thăng hoa tột cùng của lượng đời chan chứa trong lòng anh vậy. Tôi gọi đó là sự thành công trong thơ anh!
Nguyễn Tường Văn là một con người từng trải, lãng du phiêu bạt nhiều nơi cả trong thực tế và trong tưởng tượng với sự chiêm nghiệm sâu xa về thế sự, lịch sử cha ông và cuộc đời – bằng sự run rẩy tinh tế của người nghệ sĩ – nên thơ anh dễ dàng đi đến trái tim người đọc bấy năm ròng.
Tâm hồn anh trải dài và đắm mình vào hiện thực từ những ngày trước giải phóng năm 1975 đến nay. Mảng thơ trước năm 1975 của anh, đã có nhiều người bàn luận và đánh giá. Tôi chỉ muốn nói thêm một điều rằng: Thơ anh ở giai đoạn ấy để lại ấn tượng nhất là hai tác phẩm điển hình Tình ca cho tự do và Viết từ trung tâm nhập ngũ.
Anh lãng du cùng cuộc đời, cùng với thơ – với một tâm thế của một người yêu quê hương đất nước nồng nàn và thấm đẫm một niềm tự hào về lịch sử hào quang của dân tộc.
Nhà văn Nga nổi tiếng Rứt Khêu đã từng nói đại ý: Càng đi xa, càng nhìn thấy rõ ngọn núi. Đó là một câu nói giản dị mà giàu hình tượng, hay cà nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điều này chính Triệu Lam Châu đã từng trải nghiệm suốt mấy chục năm ròng sống xa quê. Do đó tôi thấy điều ấy vận rất đúng vào vào thơ Nguyễn Tường Văn. Mỗi lần đi xa trở về quê, anh đều có những bài thơ dạt dào cảm xúc với một cái nhìn mới mẻ:
Hôm nay anh trở về qua đường làng cũ
Tiếng hát nào hoà sóng biển xôn xao…
Đi xa trở về với một túi khôn muôn nẻo dần đầy lên trong lòng, anh bồi hồi nhìn cảnh cũ với một ánh nhìn mới tinh khôi:
Ở biển này anh bao lần ngồi nghe sóng vỗ
Sao hôm nay quá đỗi diệu kỳ
Sóng biển rạt rào hay tình yêu nồng cháy
Giữa bình minh thuần khiết đắm say
Và anh nghe ở bề sâu của tâm hồn mình đầy rung động về lịch sử và văn hoá rực ngời của nước nhà:
Anh nghe âm vang điệu Kiều trong tiếng sóng
Lòng bỗng dạt dào khúc hát thuở Hùng Vương
Chính vì hôm nay – Cha phải đổ máu xương
Chính vì hôm nay – Mẹ suốt đời tất bật…
Nhiều khi tôi cứ nghĩ lẩn thẩn rằng: Nếu nhà thơ Nguyễn Tường Văn không có - Chuỗi đời dài anh sống lãng du – thì liệu anh có được những bài say đắm như Gửi thành phố quê nhà và đặc biệt nhất là tác phẩm Quê mẹ không? Chắc chắn là không, tôi xin khẳng định như vậy.
Một kiểu thơ phiêu bồng lãng du rất điển hình, có một điều gì đó vừa như phong sương vừa liêu trai mà lại hiện thực đậm đà chất nghệ sĩ:
Chuỗi đời dài anh sống lãng du
Đâu nhớ nổi một tên làng tên đất
Mãi nghêu ngao “người từ trăm năm về nghe tình động”
Điệu u hoài “nhìn những mùa thu đi”
Mắt xa vời trông “mùa đông Pa ri”
Tổ quốc quê hương ngỡ chừng rất lạ…
Từ những nguồn năng lượng lãng du ấy trong tâm hồn, anh trở về quê mà nhìn hiện thực thấy ánh lên những sắc màu mới của tình quê hương xứ sở.
Hôm nay lòng anh như biển cả
Theo triều lên tim rào rạt tháng ngày
Muốn dâng trọn ngọn sóng kia tiếp nối đợt sóng này
Thêm sức nước nâng thuyền về nặng cá…
Tôi đặc biệt thích bài thơ Quê mẹ của Nguyễn Tường Văn. Có thể đây là một bài thơ thành công điển hình nhất của anh sau giải phóng năm 1975. Một bài ca sáng láng ca ngợi quê hương Hoà An với những kỷ niệm máu thịt của tác giả thời thơ ấu còn chìm đắm dưới gót giày của quân xâm lược – và ngày hôm nay có bình minh tươi sáng đang đến làm rạng rỡ lòng người và cuộc đời.
Hoà An! Hoà An!
Hai mươi năm con lại gọi tên Người
Như chính tên thật của mình giờ đây ghi vào lý lịch
Mỗi truông làng còn khắc ghi kỳ tích
Từ luỹ tre vang vọng rì rào
Thuở cha lên đường nắng ngập ánh vàng sao…
Đọc đoạn thơ trên ta thấy một niềm thiêng liêng sâu lắng, một sự nghẹn ngào chan chứa trong lòng khó nói lên lời. Đúng là tâm thế của một người con đi xa trở về quê cũ, hết sức bùi ngùi lắng đọng sâu xa. Không đắm mình sâu xa vào những sự vật tưởng như bình dị mà thần diệu của quê nhà, làm sao mà nghe được trong tiếng vọng rì rào của ngàn lá tre làng - mà thấy được hình ảnh ngày xưa cha lên đường nắng ngập ánh vàng sao…
Thế rồi theo tiếng vọng thần diệu rì rào của luỹ tre làng kia, mà thấy lại kỷ niệm rực ngời của một thời tuổi thơ yếu dấu ấy:
Mía Ân Niên còn ngọt giọng bài chòi
Chợ Quán – Phú Ân rộn rã chào mời
Bánh tráng Đông Bình dẻo thơm mùi gạo
Ruộng Đông Phước hai mùa vang tiếng hát
Ngỏ lời ái ngại xa xưa:
- Muốn về Vĩnh Phú ăn dưa
Sợ e Vĩnh Phú đãi đưa nhiều lời…
Khi đọc những vần thơ say đắm như vậy của Nguyễn Tường Văn, Triệu Lam Châu cứ muốn thốt lên rằng: Chao ôi, tôi ghen với các bạn đấy. Các bạn là công dân của Hoà An, Tuy Hoà, công dân của những Vần thơ quốc vương Hoà An đó nhé. Tự hào biết chừng nào. Tôi cũng là công dân của Hoà An đây – nhưng là Hoà An của Cao Bằng biên cương xa ngái ấy.
Thế rồi những vần thơ như chắt ra từ gan ruột mình, làm lay động người đọc:
Ơi Hoà An, nơi cắt rốn chôn nhau
Hai mốt năm mẹ rứt ruột vay nuôi con từng lon gạo
Ngày giáp hạt vây quanh nồi cháo
Áo vá chằm không che nổi rét vào đông
Những đêm trời đổ mưa giông
Chiếc chõng tre luôn đổi chiều tránh dột
Nhà mẹ đấy giặc càn vẫn đốt
Khóm cau gầy xơ xác đứng bơ vơ…
Đúng thế, nhắc đến mẹ già là nhắc đến Vầng sáng thiêng liêng nhất của lòng mình. Và càng thấm thía những ngày xưa cơ cực bao nhiêu – thì ngày nay anh càng thấy sáng láng bấy nhiêu khi quê hương hết bóng giặc thù và đang vươn mình lên trong hạnh phúc.
Hoà An! Hoà An!
Người thức dậy sau bao năm dài chờ đợi
Như chuyện ngày xưa công chúa ngủ trong rừng
Theo mùa xuân hoàng tử về lay gọi
Nỗi vui trào lên mắt mẹ rưng rưng…
Tôi đồ rằng: Nếu tâm hồn Nguyễn Tường Văn không từng một lần phiêu du vào những tác phẩm cổ tích của phương tây – thì làm sao anh có những vần thơ tự nhiên và nhuyễn như vậy khi nói đến hình tượng nàng công chúa ngủ trong rừng…trong văn cảnh đang phản ánh về một miền quê lam lũ phương đông Hoà An – Phú Yên của Việt Nam xa thẳm này.
Và chất phiêu bồng lãng du của một công dân chân chính yêu quê hương đất nước đã cho anh một vần thơ phóng khoáng lay động lòng người:
Hoà An! Hoà An!
Con xin làm loài chim bay về cất cao tiếng hót
Giữa bầu trời quê mẹ buổi bình minh…
Thời nhà thơ Nguyễn Tường Văn còn trai trẻ - thì hành trình phiêu du của anh nhắm đến những miền đất lạ của hiện thực và tưởng tượng – để tích luỹ năng luợng của sự hiểu biết – để truyền lửa lòng cho bao thế hệ trẻ vùng lên đánh giặc thù:
Bút ta cầm là gươm là giáo
Mực ta dùng – máu của nhân dân
Bút vung lên tan quân cường bạo
Mực xuống đường đất cũng bâng khuâng…
Nhà thơ Nguyễn Tường Văn phiêu bồng lãng du, không phải chỉ là một cuộc du ngoạn bình thường cho cá nhân mình – mà còn là một sự dấn thân vào hiện thực cuộc sống, tích luỹ vốn sống, chiêm nghiệm về những gì xảy trong đời sống của nhân dân – từ đó làm nảy sinh những vần thơ giàu cảm xúc, cống hiến cho cuộc đời này. Đó là một nhà thơ giàu bản lĩnh và giàu ý thức công dân. Thơ anh là một loại thơ độc đáo có ích cho đời.
Và mấy chục năm sau, khi đã lớn tuổi rồi – thì anh lại làm một cuộc hành trình trở về với dĩ vãng. Cuộc hành trình này không sôi trào hừng hực như thời còn trẻ trung, mà nó đằm sâu trong trải nghiệm và suy ngẫm sâu xa.
Những bài thơ tiêu biểu cho cuộc phiêu du trở về với dĩ vãng là: Với sông Mường – Thăm bạn – Nhớ chị - Trở về với thanh tân…
Biết bạn chờ ta nơi dòng nước
Bốn mươi năm chưa trở lại sông Mường
Phương xa bạn gọi chân chùn bước
Vẳng nghe như sóng dội Tiền Đường
Bạn đọc thấy rồi đó. Lời thơ rất giản dị mà chứa chan cả một trữ lượng tình cảm dồi dào nén chặt những bốn muơi năm rồi, chưa gặp lại nhau. Một niềm khao khát vô bờ. Có thể nói tình bạn là một phần rất không thể thiếu được trong tâm hồn của Nguyễn Tường Văn. Tôi mạo muội lý giải điều này như sau: Những người lãng tử gặp nhau ở chí hướng phiêu bồng thời trẻ trung, hẳn là có rất nhiều kỷ niệm máu thịt – Do đó khi đã lớn tuổi rồi (mà người lớn tuổi lại chỉ sống bằng tình cảm hoài niệm là chủ yếu) nên nhà thơ có một nhu cầu rất mãnh liệt về tình bạn bè, nhất là những người bạn cùng chí hướng thuở thanh xuân xa xăm…
Ai về phương ấy vin khúc hát
Lều cũ rêu phong có đợi chờ
Một thuở vắt ngang tầm đại bác
“Đì đoàng”… đạn nổ vẫn đọc thơ…
Tôi cho rằng khổ thơ trên đây đã thể hiện một tình bạn vào loại độc đáo nhất của thi ca Việt Nam thời hiện đại…“Đì đoàng”… đạn nổ vẫn đọc thơ…Một câu thơ hay đến bất ngờ. Tôi, Triệu Lam Châu, cũng là dân làm thơ – nên tôi đồng cảm tuyệt đối với vần thơ này của Nguyễn Tường Văn. Phần lớn những người làm thơ chân chính, họ coi việc làm thơ là lý tưởng lồng lộng như ngọn núi Chô Mô Lung Ma của đời mình, là lý do họ sống trên cõi đời này. Cho nên họ sẵn sàng xả thân vì thơ như vậy đó. Và như người ta thường nói THƠ ĐÃ CHỌN HỌ ĐỂ PHẢN ÁNH CUỘC ĐỜI NÀY VẬY.
Nương theo mạch phiêu bồng lãng du trở về dĩ vãng của hồn thơ Nguyễn Tường Văn, ta bắt gặp những vỉa thơ đầy thú vị và cảm động về tình bạn độc đáo của họ một thời trẻ trung. Bài Thăm bạn – một lần nữa nhà thơ cho chúng ta thấy một sự đói tình bạn triền miên đến mức nào, mà anh phải:
Nói dối vợ, tao đi công tác
Báo dối cơ quan vợ ốm nhà
Hun hút hai ngày tìm thăm bạn
Núi đồi tiếp biển tận trời xa…
Tôi có cảm tưởng rằng: Nếu Nguyễn Tường Văn thiếu mất tình bạn trong lòng mình – thì hẳn anh sẽ … Đau đớn lòng ta chết nửa con người… (Theo ý nhà thơ Giang Nam ) chăng? Máu nghệ sĩ và chất lãng du đã ngấm vào anh từ tiền kiếp rồi – chính vì thế anh sống đúng theo những gì mà tạo hoá đã mã hoá vào số phận của anh mà thôi - Mà đó cũng là một hình thái của hạnh phúc đấy – hạnh phúc tinh thần – hạnh phúc sáng tạo của một người nghệ sĩ chân chính.
Trong cuộc hành trình trở về với dĩ vãng của hồn thơ Nguyễn Tường Văn, tôi thấy sâu đậm nhất là chùm thơ viết về cảnh sắc và tình người lắng sâu của Đà Lạt mê hồn. Ôi Đà Lạt, Đà Lạt mộng mơ đối với bao du khách mới đến tham quan. Và người ta choáng ngợp trước vẻ đẹp kiêu sa ảo huyền lãng đãng mờ sương thần tiên của xứ sở này. Song đối với Nguyễn Tường Văn những nét huyền diệu ấy của thành phố và con người xứ này từ ngày xưa – nay đã hoá thành những vỉa vàng sâu nặng của tình người. Đọc lên là thấy rưng rưng, bởi vì tác giả đã nạp dòng điện của tình cảm lòng mình vào những câu thơ đầy lửa ấy rồi:
Em rong ruổi trên đường đời phiêu bạt
Đêm chuyển mùa nghe mưa đổ rừng thông
Cầm đồng bạc chị cho thời lưu lạc
Em rưng rưng một thuở nao lòng…
Vâng, hồi trẻ Vầng lãng du lôi cuốn anh đi hăm hở tới bao chân trời xa đến nghẹn lòng… Và giờ đây khi mái tóc trắng như sương, anh lại trở về mà sưởi ấm lại nguồn xưa, mà nghe lại tiếng nói cười rộn rã ánh lên như kim cương, kim cương của một trời kỷ niệm không bao giờ phai trên cõi đời này:
Căn nhà gỗ, ôi, sao ấm áp
Tiếng nói cười rộn rã bên nhau
Tuổi sáu mươi quay về thành phố cũ
Tóc huyền chị xưa, giờ mây trăng ngang đầu…
Đúng vậy… người lớn tuổi chỉ sống chủ yếu bằng tinh thần thôi. Nghe tiếng nói cười ấm áp ấy và vầng tóc trắng như mây ấy của chị - mà nước mắt cứ tự nhiên tuôn ra dàn dụa rồi. Đó cũng là những khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc đời – Hạnh phúc của sự đoàn viên với kỷ niệm mờ xa…mà cháy bùng lên như núi lửa phun trào…
Trở về với Đà Lạt, nơi nhà thơ từng học hành gắn bó thời trẻ trung – anh
thấy như trở về với thanh tân. Đây là một tứ thơ rất hay. Và anh trả nợ thành phố này theo cách rất riêng của một nghệ sĩ, một nhà thơ giàu ân nghĩa:
Anh trở lại thành phố này làm thơ trả nợ
Nợ những bạn bè sinh viên cùng bá vai hát về
“Một ngày mai khi hoà bình” trước lúc nhận phần ăn nơi quán cơm xã hội
Nợ quán cóc chị Sáu đô-mi-nô một đờ-mi đen ngày chủ nhật trời mưa
Nợ em nụ hôn và cành dã quỳ bên lề đường về Dinh Một
Nợ những chiều ngắm hồ Xuân Hương khi hoàng hôn xuống
Nợ bao lần chơi trò ú tim đuổi nhau trên đồi cù…
Khi đọc những vần thơ có vẻ sang sảng tự hào về món nợ của mình như vậy của anh, tôi mỉm cười buột miệng: Trời ơi, nợ nặng như thế thì làm sao mà trả nổi đây, hỡi nhà thơ Nguyễn Tường Văn thân mến của tôi?
Có thể là do anh thành thực kể “tội” nợ của mình như vậy – mà làm cho Một Đấng tối cao vô hình nào đó của sự mơ hồ bảng lảng rất đỗi xa xăm, mủi lòng – mà phán rằng: Chính vần thơ thú tội của ngươi có vẻ như lắm lời kia, đã xoá hết nợ cho ngươi rồi đó – để ngươi có thể bình tâm mà đi chơi trò ú tim đuổi nhau trên đồi cù…như thời thanh xuân ấy.
Trên đây là sự giãi bày cảm xúc của tấm lòng một bạn đọc là Triệu Lam Châu mạo muội nêu lên vậy thôi. Song một điều chắc chắn rằng: Thơ Nguyễn Tường Văn được chưng cất lên từ những vỉa vàng ròng của cuộc đời anh – do đó nó có lửa và có sức neo đậu lại trong lòng người.
Tuy Hoà – Đà Lạt – Đất nước Việt Nam - Vầng phiêu bồng lãng du của tạo hoá đã cho chúng ta, những bạn đọc yêu thơ chân chính – một hồn thơ Nguyễn Tường Văn giàu nghĩa tình đối với lịch sử, nhân dân và Tổ Quốc – như vậy thật đáng quý.
Chúng ta chân thành chúc nhà thơ luôn mạnh khoẻ và gặt hái nhiều thành công mới trong công việc làm thơ đầy nặng nhọc mà cũng rất đỗi vinh quang giữa cuộc đời này.
Tuy Hoà 9/2014, Nhà thơ - Nhạc sĩ - Dịch giả Triệu Lam Châu
Hội nhà văn Việt Nam
* Mênh mông trước biển – Thơ Nguyễn Tường Văn – Nhà xuất bản Hội nhà văn – 2013.
|