Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  VỀ MIỀN XỨ NGHỆ - Bài và ảnh của Việt Anh VỀ MIỀN XỨ NGHỆ - Bài và ảnh của Việt Anh , Người xứ Nghệ Kiev
 

 photo 10574796_712157942212087_739313268_o_zps62a24bb6.jpg

Đường vô xứ nghệ quanh quanh

 Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ

Câu thơ thấm đẫm mầu sắc nằm lòng bao lớp thế hệ chúng tôi từ hồi còn trên ghế nhà trường. Cứ ước ao sẽ có một lần được đi vào xứ Nghệ, không biết trời sai đất khiến thế nào mình lại lấy vợ Hà Tĩnh. Mấy ông bạn ở Việt Nam gọi điện sang bảo: Lấy vợ Hà Tĩnh là tốt lắm đấy vì gái miền Trung vừa chịu khó lại chu đáo “Chè Thái gái Hà”. Gái Hà đây là Hà Tĩnh chứ không phải Hà Nội đâu ông biết không? Mình cho mấy tay này chém gió ghê quá nhưng cũng thấy vui vui... Và rồi cái lần về quê ấy đã để lại trong tôi biết bao cảm xúc năm tháng trôi qua nó vẫn còn nguyên như mới ngày nào. Tôi còn nhớ -  Các tao nhân mặc khách xưa đã ví nơi đây là: (Hoan Châu văn khí ngàn năm vững/Học đạo chính tâm muôn thuở còn).

Hoan Châu - xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh) được người xưa coi là vùng đất "Địa linh nhân kiệt"; là đất có khí thiêng sông núi và sinh ra nhiều hào kiệt, Phan Huy Chú đã có nhận xét:

"Nghệ An núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học... được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền”
Biết bao tinh hoa kiệt xuất của đất nước từ c
ác Lãnh tụ  có Hồ Chí Minh, Trần Phú, Phan Bội Châu... Các nhà Văn hoá như Nguyễn Du, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh... Các văn nghệ sỹ như Xuân Diệu, Huy Cận , Trần Hoàn, Vương Trọng... Đúng là “Nhân tài như lá mùa thu”. Ước là thế mà, mãi đến mùa xuân 2007 tôi mới thực hiện được dự định này. Từ Hải Phòng lên xe ở bến cầu Rào sáng sớm xe chạy qua Nam Định, Ninh Bình rồi Thanh Hoá đến 3 giờ chiều xe bắt đầu đi vào địa phận Nghệ An. Qua thành Vinh một lúc thì khung trời sông nước bắt đầu hiện ra cả xe xôn xao ai cũng cố thò đầu ra cửa kính để chiêm ngưỡng cảnh sắc hương trời xứ Nghệ. Lúc này bác tài đã bật loa to lên và giọng ca Trung Đức - Thu Hiền vang lên bản tình ca bất hủ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý  Có đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh. Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La nhớ biển rộng quê ta ơ ơ ớ o hờ...”.

 photo 10494185_712158068878741_58028109_o_zps4f371fce.jpg

 photo 10429767_712158148878733_47670849_o_zpscbcd0c71.jpg

Tôi níu ngay cụ già bên cạnh chỉ ra rặng núi phía xa hỏi: Thưa cụ kia có phải núi Hồng Lĩnh không ạ? Cụ cười mắt típ lại, tay xua nhè nhẹ chính nó đấy nhưng cậu phát âm sai rồi phải nói là Hồng Lịnh rứa. Trời, vậy mà từ trước đến nay tôi nào có biết!… Rồi bài hát lại chuyển qua “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Chắc bác tài kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch mở toàn bài ca đi cùng năm tháng về quê hương mình. Tôi lại hỏi: - Ông ơi thế Kẻ Gỗ là đâu hở ông? Hay nhạc sỹ người ta viết thế cho có vần điệu? Có chứ cháu. Đúng là lần đầu về đây rồi! Hồ Kẻ Gỗ phải đi tiếp đến Cẩm Xuyên cách thành Vinh 70 km nữa, cháu vẫn thắc mắc tại sao lại gọi là Kẻ Gỗ – Vì nó mang tên một làng Việt cổ ở xã Mỹ Duệ... Và cứ thế không khí trong xe vui như hội, các câu chuyện rôm rang như pháo nhiều người lôi máy ảnh ra chụp. Trong những câu chuyện lõm bõm nghe được thì toàn chuyện quê mình nào là chợ Nhe bánh đúc Lạc vừa  ngon vừa rẻ, Bảy Vọt dạo này mắm được mùa nhiều vô kể… nào là ngã ba Đồng Lộc chuẩn bị khánh thành tượng đài Mười cô gái, nào là chùa Hương Tích Hà Tĩnh được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” đã trùng tu xong… Mấy bà sau tôi còn nhắc nhau khi nào ra đàng ngoài nhớ  mua ít cam Vinh và kẹo Cuđơ cho bọn trẻ... Đang mải mê nghe lỏm các mẩu chuyện về Hà Tĩnh thì xe đã đến cầu Hạ Vàng tôi phải xuống rồi. Từ đây tôi sẽ đi về xã Can Lộc cách đường quốc lộ khoảng 7 km nữa.

 photo 10643277_712158215545393_184408174_n_zps2d5a2324.jpg

Ngồi sau chiếc xe máy do thằng cháu ra đón xe bắt đầu đi qua các cánh đồng nối tiếp nhau mạ vừa mới cấy, những con mương nối nhau ngoằn nghèo như con trăn khổng lồ, những cây cầu bằng tre được bắc qua mương đã sạm màu cùng năm tháng. Người tôi cứ lâng lâng, có một cái gì rất khó tả cứ dâng lên trong lồng ngực và tôi hiểu ra một điều tại sao những người con xa quê luôn khôn nguôi nhớ về  những nơi mình sinh ra và lớn lên qua năm tháng nó cứ lớn dần lên đáu đáu, canh cánh bên lòng, và hễ có dịp là trở về với  đất Mẹ. Quên sao được hình ảnh trong  ráng chiều những cột khói xám lan toả bảng lảng sau luỹ tre, những triền đê xa kia lũ trẻ đang lùa những đàn bê mập ú về chuồng. Đâu đó tiếng gọi nhau í ới của mấy bác nông dân đang tát nước be bờ để ngày mai cấy sớm. Mùi hương mạ non. Mùi hương đất phả vào mặt, cả mùi phân trâu phân bò, mùi cám lợn hoà quện vào nhau đánh thức tiềm thức ta trở về miền ký ức xa xăm của cái ngày xưa ấy.

 photo 10667701_712158362212045_1524471066_o_zpsf8a6b254.jpg

Trong lần về quê ấy tôi đã gặp may, đó là gặp được ông anh rể. Anh tên Thanh, là thương binh phục viên với quân hàm Trung uý. Anh đã lăn lộn hết các chiến trường từ Quảng Trị tới Khe Sanh rồi bị thương vào chân do đạn pháo, đi lại hơi khó khăn một tý những lúc trái gió trở trời anh phải chống gậy. Người nhỏ nhưng rắn chắc. Đôi vai đã trùng xuống do gánh nặng tuổi tác và thời gian. Từ hồi ra quân anh được phân công làm phụ trách Văn thể xã  ấy thế  mà chỉ có trồng trọt chăn nuôi mà gia đình anh đã nuôi ba người con đỗ đại học. Tôi không thể tưởng tượng ra nỗi khó khăn vất vả mà anh cùng vợ phải trải qua để lo cho ba đứa học đại học. Chính vì thế mà qua anh tôi cũng nhận ra phần lớn những người con của xứ Nghệ có một đức tính cần cù chịu khó không đâu bằng. Anh có cái chòi làm bằng gỗ mít lợp rạ, tường thì trát bằng đất nhồi rơm. Bên trong có bộ bàn ghế sần sùi đủ cho 5-7 người ngồi, làm tôi có liên tưởng tới cái chòi bằng lá của nhà văn Phùng Quán bên cạnh Hồ Tây là nơi tiếp các bạn văn. Ở đây có cái khác là xung quanh tường có rất nhiều giá, kệ, xếp toàn báo có tờ thì còn nguyên có tờ thì bị cắt nham nhở các góc. Anh thận trọng lôi từ trong hộc một cái tủ giống cái chạn đựng bát đĩa đã bỏ đi một quyển sách to dày hơn gang tay và trịnh trọng giới thiệu: trong này cũng tương đối tư liệu để em tìm hiểu về mảnh đất này. Đúng là anh đã làm tôi hết sức ngạc nhiên đến thế kỷ 21 thông tin bùng nổ khắp nơi trên hành tinh này mà ở một góc làng quê nhỏ bé vẫn có người cần mẫn làm cái công việc như kiến tha mồi này. Trong đó anh đã sưu tầm hơn 15 năm từ khi rời quân ngũ tất cả những bài báo mà anh tìm được nói về quê hương Nghệ Tĩnh của mình, anh cắt chúng ra cẩn thận tỉ mỉ gián chúng theo thứ tự từ trước tơi nay tôi chầm chậm lật rở từng trang một

Ngày 12-5-1976 Báo đại đoàn kết:

12.000 quả bom từ trường, 96 bom bi... đã đổ xuống đây, tính bình quân 1m2 phải hứng chịu gần chục tấn bom của giặc Mĩ. Chiều ngày 24.7.1968, máy bay địch đã dội xuống ngã ba này 60 quả...

Khu mộ của Tần, Cúc, Nhỏ, Hà, Hợi, Hường, Rạng, Xanh và hai người tên Xuân nằm ở lưng đồi xanh bóng

lời nhà thơ Vương Trọng gửi đến hương hồn các chị:

"Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang"

Lật tiếp một trang thấy có mảnh báo ghi rõ bút tích của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi Ngày... Tháng... Năm:

1.Trồng thêm 8 cây bồ kết, có ghi tên của 10 nữ TNXP (các Vụ, Cục đảm nhận).

2.Thêm 1 cây bưởi để có hoa gội đầu, cùng bồ kết, mỗi khi có hoa nở sẽ đặt lên mộ 10 nữ TNXP.

3. Ban Quản lý Khu di tích đóng gói bồ kết vào gói hộp đẹp để làm quà lưu niệm. Trên mỗi hộp bồ kết đó có tóm tắt sự kiện anh hùng ngày 24/7/1968. trong đó có 1 trang viết về 1 trong 10 nữ TNXP, có in ảnh và địa chỉ gia đình của từng người.

Tôi bắt đầu háo hức thực sự hỏi anh dồn dập: có bài nào nói về khu tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du không anh. Anh hấp tấp đeo cái kính đã bị vỡ một mắt và bắt đầu lật tìm một lúc rồi anh kêu lên đây rồi: Lại vẫn nhà thơ Vương Trọng một bài báo viết rất hay kể về câu chuyện chỉ vì bài thơ của Vương Trọng thổn thức được đăng trên các Báo chính quyền mới vào cuộc huy động kinh phí để Trùng tu tôn tạo khu Tưởng niệm lăng mộ thi hào giờ mới khang trang thế này

Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày...

 

Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non

Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi...

Anh còn hồ hởi khoe cơ may đã tìm được hai bài thơ của nhà báo kiêm nhà thơ Hoài Phong nhân dịp về thăm mộ cụ Nguyễn đã cảm thán.

Trời chiều sương ảm giữa ngàn không

Hương lúa nương theo ngọn gió đồng

Hồng Lĩnh mây vờn năm đỉnh trắng

Sông La nước trải một dòng trong...

 

Bóng trần nhật nguyệt đã về đâu?

Để lại nhân gian vạn chuỗi sầu

Nối khúc đoạn trường bao thuở trước

Trải pho tình sử đến ngàn sau...

Đến đây tôi không kìm được nữa nổi chí tang bồng đề nghị anh ngay ngày mai anh hãy dẫn tôi đi thăm mộ cụ Nguyến Du anh hào hứng nhận lời ngay.

Sau khi ra Hải phòng phồn hoa đô thị rồi sang lại mảnh đất trời Âu nhiều lúc nằm nghĩ lại tôi vẫn thấy nhớ nao lòng cái chuyến đi về miền xứ Nghệ ấy. Tôi nhớ cái buổi 5 anh em dong duổi đi thăm khu tưởng niệm Mười cô gái Đồng Lộc, đầu óc cứ phiêu du đi trong khói hương nghi ngút. Thăm mộ Trần Phú ở Đức Thọ, Lời thề năm xưa còn khắc ghi “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” rồi thăm Khu quần thể di tích cụ Nguyễn Du ở  Hương Sơn, sao cái làng Tiên Điền của cụ nó phong thuỷ hữu tình đến vậy, có đầm sen xanh ngát cạnh đồi thông vi vu... Nhớ cái giọng nói ngô nghê của thằng cháu học thoát ly ngoài Hà Nội tôi bắt hắn đi theo để làm thông dịch viên vì anh Thanh nói đặc tiếng Nghệ nhiều từ tôi không hiểu “Mô chi răng rứa?”. Buồn cười nhất là trên đường đến Khu di tích trời đã về chiều nổi cơn mưa lớn mấy thằng cháu ướt như chuột chúng đã nản chí bàn lùi “Về thôi dượng, mấy hôm nữa cháu thuê taxi cho dượng đi chứ đi xe máy thế này lạnh lắm không chịu nổi”. Tôi phải kéo chúng vào quán Cháo lươn ở Bảy Vọt khao chúng một trận tơi bời chúng mới chịu đi tiếp. Nhớ những buổi trưa ra đồng bắt cua về rang muối, buổi tối đi bỏ lờ bắt lươn về nấu cháo, rồi lên đồi hái rau lang về xào tỏi, cả nhà cứ ngồi nhìn tôi ăn cả rổ rau  mà cười ngất - Tôi bảo: cái món này ra đến Hải Phòng là đặc sản chỉ trong Nhà hàng mới có còn sang đến Ukraina thì 15 Đô la 1kg quy ra tiền mình là 300 nghìn mua được bốn cân thịt lợn đó cả nhà lại trợn mắt bảo tôi nói xạo -  Tôi nhớ nhất là anh Thanh - Là người nhẫn nại và cần cù. Anh tin tưởng một cách thành thật rằng cái công việc anh làm sau sẽ để lại cho đám con cháu hậu thế ở cái làng ấy hiểu được truyền thống Lịch sử, văn hoá, con người của miền đất này, trong bụng tôi  thầm nghĩ... Với tốc độ Công nghệ phát triển như hiện nay thì chỉ vài năm nữa cái xóm nhỏ của anh sẽ được phủ sóng Internet rồi Wifi lúc đó chỉ cần nhấp chuột một cái thì bất kỳ thông tin nào cũng được cập nhật. Có lúc tôi đã ngh đến cái công sức của anh như con dã tràng... Nhưng may thay cái ý nghĩ đó chỉ để ở trong đầu mà không nói  ra. Nói ra làm gì khi  đó chính là niềm đam mê và  lòng tin của một con người, cuộc sống của con người có tồn tại cũng nhờ hai thứ đó, mà thiếu nó thế gian này trở nên vô nghĩa lắm thay.

                                                        Việt Anh viết tại Kremenchuk, 2/2014


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65188866

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July