Chiếc cầu vẫn thản nhiên đứng giữa trời chiều tĩnh lặng. Nắng rơi đầy, hòa lẫn bụi hồng nhàn nhạt và màu vôi trắng ngả xanh. Trông nó như một cái cầu vồng bị hạ thấp, bắc ngang dòng sông nhỏ.
Tôi thẫn thờ nhìn về phía chân trời. Nơi có vài bóng chim hối hả vỗ cánh. Nơi mà trời và đất tưởng chừng như gặp nhau, quyện chặt, nắm níu, và gần gũi vô cùng. Nơi mà thuở nhỏ tôi đã từng lén mẹ tìm đến để khám phá. Lạ lùng làm sao! Khi đứng dưới hàng cây mà tôi tưởng nó chạm trời thì đất như lùi lại và bầu trời bát ngát xa. Tôi đi mãi, đi mãi. Đến khi trời sụp tối, tôi mới dừng lại, ngồi bệt xuống vệ cỏ ven đường. Tựa vào gốc cây, tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường, đầu đắp khăn tẩm giấm. Mẹ vội vàng hỏi:
- Con đi đâu vậy?
- Con tìm đường lên trời.
Mẹ hốt hoảng ôm chầm lấy tôi:
- Con lại mê sảng nữa rồi!
Để mẹ an lòng, tôi nói cho mẹ biết ý nghĩ của mình. Bà vuốt tóc tôi và giải thích:
- Trời và đất chẳng bao giờ gặp nhau đâu con. Con đường con tìm chỉ có trong cổ tích mà thôi. Hãy quên nó đi!
Dù vẫn nhớ câu chuyện ấy nhưng tôi không còn đi tìm chân trời nữa. Tôi thích đứng yên trên cầu nhìn bóng mây ôm lấy hàng cây, mái lá phía xa và mơ ước.
… Từ khoảng không bao la ấy, một chiếc cầu vồng bảy màu rực rỡ hiện ra, thả con dốc dài thoai thoải. Tôi sẽ leo lên đó, đưa cao tay, chắc chắn chạm được da trời. Tôi sẽ hái một ngôi sao sáng nhất đem về làm quà tặng cho Tịnh Đông, cô bạn nhỏ láng giềng học chung một lớp với tôi.
Tịnh Đông rất thích cài hoa lên tóc. Trên đường đến lớp, gặp hoa gì đẹp, cô bé cũng hái một đóa cài lên tóc. Cánh hoa mềm mại, mơn mởn tươi trên những sợi tóc lưa thưa, hoe vàng tội nghiệp, nhìn cứ như giữa những cọng rơm khô một loài hoa đâm chồi, trổ nụ. Để bạn vui, tôi cũng hay xâu những cái hoa dại thành một vòng hoa rực rỡ tặng cho Tịnh Đông. Vậy là cô bé mắt nai ngơ ngác hay đội hoa đi học.
Thấy vậy, mấy anh chị lớp lớn hơn hay chế giễu:
Hỡi cô má đỏ hây hây
Đội hoa như thể đội mây về trời
(Ca dao)
Tôi ức lắm nhưng Tịnh Đông vẫn làm ngơ, tiếp tục cài hoa lên tóc. Lâu dần thành quen, chẳng còn ai để ý, ngoài tôi. Và cũng chỉ có mình tôi nhận ra tóc cô bé dần dần dài óng ả, đen mượt và hai gò má ửng hồng mịn màng làm sao! Đôi mắt Tịnh Đông dường như to hơn, thăm thẳm sâu. Đôi khi tôi ngẩn ngơ tự hỏi:
- Hoa đẹp hay người đẹp?
Bây giờ, câu ca dao ấy hợp với Tịnh Đông lắm. Nàng như cô tiên lạc bước đến vùng quê nghèo nàn này. Từ đó, hình như tôi thay đổi. Tôi không còn mê đánh đáo, thả diều hay bất kỳ trò chơi tếu táo nào nữa. Tôi ngồi trầm ngâm hàng giờ để suy nghĩ vẩn vơ. Và tôi hay mơ hái sao trời để cài lên tóc Tịnh Đông. Nhưng, giữa hai đứa tự nhiên có một khoảng cách như người lạ. Nói chuyện với nhau e dè hơn. Nàng chẳng còn nắm tay, bá cổ. Nàng cũng chẳng còn cho tôi cõng khi mỏi chân. Tựa như trời và đất, tưởng gần mà tít tắp xa.
Ngoài giờ học, Tịnh Đông không còn cùng tôi thơ thẩn hái hoa dại trên những cánh đồng làng. Nàng trốn biệt trong nhà tập thêu thùa, may vá. Nàng giúp mẹ luôn tà áo bà ba cho khách. Mẹ của Tịnh Đông vốn là thợ may khéo. Bà là bạn thân của mẹ tôi. Mẹ bảo bàn tay mẹ Tịnh Đông đầy hoa tay. Bà cắt may rất vừa vặn. Khi khách ướm chiếc áo bà ba vào thì họ đẹp nền nã và dịu dàng hơn. Còn Tịnh Đông thêu rất khéo. Cô bé thêu những cành hoa lên ngực áo nhìn giống như hoa thật và khiến cho cái áo tăng thêm vẻ sang trọng. Cứ đến mùa tựu trường là Tịnh Đông hay tặng tôi một chiếc khăn tay thêu. Nàng không thêu hoa lên đó mà thêu những cánh bướm hay những chú chim lông vàng ửng xanh, mỏ đỏ tuyệt đẹp. Tịnh Đông bảo do tôi hay kéo vạt áo lên lau mồ hôi trên mặt hoặc chùi đôi bàn tay bẩn vào hai bên mông quần. Vì vậy, hãy dùng chiếc khăn nàng tặng để lau tay, lau mặt khi cần. Nhưng tôi vẫn… lén kéo vạt áo lau mặt và làm hai bên mông quần vấy bẩn. Còn cái khăn tôi để… đắp lên mũi, hít mấy hơi thật dài mỗi khi nhớ đến người thêu khăn. Rõ ràng tôi ngẩn ngơ vì một mùi hương mơ hồ trong chiếc khăn bé tẹo.
Chiến tranh tràn tới quê hương. Bom đạn cày nát ruộng đồng. Xóm làng vắng vẻ, tiêu điều. Lửa đạn ngút trời. Giữa lúc chiến tranh khốc liệt ấy, tôi rời quê hương vào bộ đội. Hành trang của tôi có ấp ủ bóng hình Tịnh Đông trong đó và những chiếc khăn tay mà Tịnh Đông đã thêu tặng. Tôi mang nỗi nhớ đôi mắt to buồn bã và mái tóc cài hoa theo suốt tháng ngày đấu tranh gian khổ. Mơ mộng của thời vừa lớn đã tan. Tôi không còn muốn hái sao trời cho em cài tóc. Tôi chỉ mong hòa bình trở lại, quay về tặng Tịnh Đông chiếc ngôi sao trên bâu áo của mình và những huy chương mà tôi được tặng thưởng sau mỗi lần lập chiến công.
Đất nước thanh bình, tôi trở về quê cũ. Dòng sông xưa vẫn hiền hòa, lặng lẽ, uốn khúc dọc hàng dừa. Chiếc cầu mới xây bắc ngang, nối liền xóm làng và ruộng đồng mênh mông lộng gió. Đi qua cầu, tôi sẽ được gặp Tịnh Đông. Em đã nằm trong nghĩa trang, khiêm tốn, bé nhỏ bên cạnh mộ của mẹ tôi và những ngôi mộ trắng khác. Nơi an nghỉ của những người dân hiền lành, chân chất, chẳng có chút tội lỗi cũng bị chiến tranh vùi dập. Và hương đồng, cỏ nội đêm ngày vây phủ lấy người con gái cài hoa. Tịnh Đông của tôi chẳng lên trời mà lại về cùng đất.
Thời gian vùn vụt trôi qua, đã lấy mất của tôi nhiều thứ: màu xanh trên mái tóc, tuổi trẻ trong cuộc đời. Trí nhớ của tôi cũng dần dần hạn hẹp. Thế nhưng, khi gió chướng phất qua khung cửa rộng, lùa chút se se lạnh đầu Đông len vào gian phòng trống trải, u buồn, tôi da diết nhớ Tịnh Đông. Tôi lại một mình lên tàu hỏa về quê thăm mộ mẹ và em. Đứng bơ vơ trên cầu, giữa trời chiều, tôi lại lấy chiếc khăn tay đã úa màu vàng vọt đưa lên mũi. Rõ ràng tôi nghe trong nắng có mùi hương. Mùi nhớ…
Bùi Đức Ánh (Hội Nhà văn tp HCM)
|