... Ngày ấy gia đình cô Lam chẳng còn ai sống sót trong trận bom B52 của Mỹ ném xuống xóm Cồn; Lam ở với ông chú ruột tên là Thư làm xã đội trưởng Vĩnh Sơn. Hai đứa phải lòng nhau rồi thương nhau thật nhưng đội 4 chúng tôi là lính “Cơm bắc giặc Nam” trận mạc triền miên đâu có điều kiện mà nói chuyện cưới xin. Sau khi Ngọc hy sinh, Lam đi lấy chồng và mau mắn sinh con... cô ấy sinh con gái! Tôi còn biết bé gái ấy tên là Thương... nó là giọt máu của Ngọc để lại đó chú ạ...
Tôi như không tin vào tai mình nữa – Kìa, ông nhạc sỹ, ông có thể tưởng tưởng ra một câu chuyện ly kỳ đến mức này sao? Tôi nhìn ông không giấu được vẻ nghi ngại.
-Chú cứ tin những điều anh nói, nhưng nếu có đi nhận cháu nội cho mẹ vợ thì hãy cân nhắc cho kỹ đấy nhé, bốn mươi năm rồi chứ đâu phải ngày một ngày hai... Nhớ đấy, hãy tìm gặp ông Thư trước, ông chú của cô Lam ngày ấy thương Ngọc lắm...
Tôi cố nán ông Hồng lại để biết thêm đôi điều về chuyện cô Lam và bé Thương nhưng ông nhạc sỹ đã đứng lên và nhìn tôi như ngầm khích lệ: “Cứ tìm về xóm Cồn.. .gặp cho được ông Thư thì mọi chuyện sẽ rõ”!
*
* *
Câu chuyện của nhạc sỹ Quốc Hồng làm cho mọi người trong gia đình mẹ vợ tôi mừng khôn tả nhưng thoạt đầu không một ai dám tin - Sao lại không tin, ông nhạc sỹ nguyên là y tá của đội 4 ở nhà ông Thư cùng với anh Ngọc mà. Mẹ tôi nghe hết câu chuyện, bà không nói gì mà chỉ ngồi nhìn trân trân lên hai tấm di ảnh của hai đứa con liệt sỹ. Đã bốn mươi năm mẹ chờ đợi một ngày sẽ tìm được tung tích phần mộ của các con mình nhưng đều vô vọng. Đã qua cái tuổi “chuối chín cây”, tóc mẹ bạc trắng và không thể bạc thêm được nữa mà ngày ấy vẫn chưa đến. Vậy mà giờ này, cái ngày mà mẹ không hề nghĩ tới lại dun dủi đến - Mẹ có một đứa cháu nội, mẹ đã được làm bà nội... “Tau biết mà, ông trời có cướp hết của ai bao giờ...”- Mẹ cười! Hơn ai hết, tôi nhận ra niềm hạnh phúc của mẹ không gì sánh được dù đã quá ư là muộn màng!
*
* *
Tôi xuống xe đò ở ngã ba Hồ Xá lúc trời đã xế chiều. Một bà chị xế xe ôm mập mạp tuổi trạc ngoài bốn mươi nhanh nhẹn liệng chiếc “cúp 81” cà tàng lấm lem đất đỏ cặp đến sát nơi giục tôi:
- Lẹ lên khỏi tối, bác về xóm Cồn, xóm Bàu hay thôn Tây, thôn Nam?
Không đợi tôi trả lời hết câu, bà rồ máy, chiếc cúp khực khực lấy đà rồi trườn vèo vèo. Tôi cố bíu lấy hai cái lườn núc ních của bà xe ôm vì sợ bị quẳng xuống đường mỗi khi chiếc cúp chồm qua ổ gà. “Cứ ôm chặt vào, đừng sợ... một thời là lính xế Trường Sơn đấy nhé... mà bác về xóm Cồn tìm nhà ai vậy tôi chỉ cho... em chạy xe ôm từ lúc tóc còn xanh, nay đầu đã phơ phơ... hơ hớ hớ...” – bà xế xe ôm làm tôi cũng phì cười theo.
-Về nhà ông Thư, chị biết chớ?
-Trời đất, nhà ai mà tui không biết, ông Thư chồng bà Thái chứ gì, năm nay tuổi khoảng bảy mươi rồi.
-Có biết bà Lam không?
- Ái chà chà! Bác quen hả, mụ Lam lấy chồng về thôn Tây rồi chớ. Hồi chiến tranh đóng quân ở đó hả, hỏi thật nhé, ngày ấy đã kịp gởi đứa nhỏ nào cho mấy o du kích chưa? không khéo bữa ni bác đi tìm con, nhận cháu cũng nên... hi hi hi...”.
Đến đầu xóm Cồn cũng vừa trời tối. “Đây, ngõ vào nhà ông Thư, đúng trăm phần ngàn rồi đó. Lần sau vào nữa nhớ đi xe tui mà ôm eo miễn phí nghe... hi hi hí” -Bà chị xe ôm vừa cua xe trở lui vừa tếu với tôi.
*
* *
Trong ngôi nhà nhỏ chỉ thấy có hai người già tuổi trạc ngoài bảy mươi. Bữa cơm tối của họ vừa dọn ra đành tạm nép vào vì có khách lạ đường đột tới nhà, chủ và khách đều ngỡ ngàng bối rối.
- Dạ thưa.. .đây là nhà ông Thư, bà Thái...?
- Ai chỉ cho mà vô trúng nhà rồi đó, tui là Thư đây, kia là... mụ Thái đó. Mà chú là... ai vậy hè?
- Cháu là... là em rể của anh Ngọc.. .ở Nghệ An vào, hồi chiến tranh.. .anh Ngọc ở nhà ta đó bác.
Cả ông Thư và bà Thái ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì.
- Đơn vị của anh Ngọc là đội 4 đoàn 609... anh Ngọc ở nhà ta mà.
-Ngọc nào... thằng Ngọc đội 4 hả... có mà... nó hy sinh hồi bảy hai rồi mà?!
Ông Thư luống cuống quay sang nhìn bà Thái vẻ nghi ngại. Bà vợ của ông Thư cũng tỏ ra hoang mang khó xử không kém gì chồng mình.
-Đúng rồi ạ, anh Ngọc quê Nghệ An, ngày anh Ngọc ở nhà hai bác... ở cùng với cả o Lam nữa... gần đây cháu mới gặp được anh Hồng... anh Hồng làm y tá của đội 4 đã kể lại và chỉ vẽ cho cháu vào đây mà... Anh Hồng, anh Ngọc ngày ấy cùng ở nhà ta mà.
Vậy là ngoài đó họ đã biết hết, chắc lần này họ vào là để tìm con, nhận cháu đây! Bốn mươi năm rồi, trong tâm tưởng đã có lúc ông Thư cũng mong ngóng có một ngày sẽ được đón gặp người thân của thằng Ngọc vào đây; mà có lúc ông lại mong cho cái ngày ấy đừng bao giờ xẩy ra. Vậy mà giờ này cái ngày ấy, cái ngày mà ông Thư vừa mong đợi vừa không muốn có lại bất ngờ ập đến làm ông không kịp trở tay! Ông Thư cố giấu một tiếng thở dài vì đã cố nén, rồi ông hắng giọng như thể lấy đà để nói ra điều hệ trọng nhất mà ông biết là không thể lẫn tránh được nữa.
-Chú là em rể của Ngọc, tên chi rứa?
-Dạ cháu tên Văn, là con rể của mệ ngoài nớ, mệ chỉ còn ba người con gái...
- Trời! mệ không còn... con trai... giá mà hồi đó... con Lam sanh con trai...
Ông Thư biết mình lỡ lời, nhưng rồi ông nghĩ cũng chẳng cần quanh co nữa mà làm chi:
-Thằng Ngọc hiền như đất, lại siêng năng chịu khó không ai bằng, con Lam thương nó lắm; hai đứa quyết nên vợ nên chồng mà bom đạn dữ quá...
- Trước ngày đi trận, thằng Ngọc còn dặn để dành cho nó mấy con gà tơ để hết chiến dịch thì về soạn mấy mâm cỗ... chắc là nó muốn thưa chuyện... nhưng rồi lần đó hắn đi luôn không về nữa – Bà Thái từ nãy ngồi im giờ cũng lên tiếng.
- Vậy là vẫn chưa tìm được mộ thằng Ngọc...? Sau giải phóng Quảng Trị, chú Hồng có ghé lại một lần rồi bặt tăm luôn, không biết đội 4 ai còn ai mất... mà thôi, chuyện đâu còn đó nói sau. Bà Thái ơi, dọn cơm ra, có chi ăn nấy, chắc chú cũng đói hung rồi hỉ?
*
* *
Tôi cùng ông Thư ngồi đợi gần hết cả buổi sáng, xế trưa rồi mà vẫn không thấy tăm dạng bà Thái đâu cả, bụng dạ tôi như lửa đốt! Sáng nay tôi để ý thấy ông Thư dậy sớm lắm, sau khi ông bà thì thầm chuyện chi đó rồi bà Thái lật đật cắp nón ra khỏi nhà.
-Tôi và mụ Thái nghĩ cạn lý rồi, mình là cha chú nó, nhưng chuyện của con Thương thì phải để cho mẹ nó tự quyết định... mà thật là khó chú ơi! Tôi cho mụ Thái xuống nói riêng với con Lam rồi, nhà nó tận thôn Tây, tý nữa nó tới, mình nói chuyện cho thật êm chú hỉ.
Ông Thư vừa dứt lời thì bà Thái bước vô sân, cùng đi còn có một người đàn bà, chắc là mẹ của con Thương. Người đàn bà mà tôi đoán chắc là bà Lam có gương mặt gầy vẻ khắc khổ, đôi mắt đượm buồn của chị nhìn tôi vẻ ngượng ngập và như thoáng một chút lo lắng.
-Chào chị...!
-Dạ... chào chú!
-Mụ Lam đó, mạ con Thương đó. Đây là chú Văn, em rể thằng Ngọc... chuyện của bọn bay chú Văn biết cả rồi, ngoài nớ biết cả rồi... chuyện qua rồi... giờ tính sao cho đặng...
Bà Lam chưa nói gì, bà khép nép tới ngồi thu mình chỗ cuối chiếc giường gần nơi bà Thái. Trong lúc bà Lam chưa thể bình tâm để bắt đầu câu chuyện, tôi nhanh tay lục tìm trong cặp lấy ra hai tấm hình chân dung của anh Ngọc và của mẹ tôi đưa cho bà Thái xem. Bà Thái chuyền hai tấm ảnh cho ông Thư, cuối cùng đến tay bà Lam. Bà Lam run run nhìn vào tấm ảnh và mặt bà chợt tái đi, bà len lén đến ngồi lên chiếc ghế đối diện với tôi và đặt tấm ảnh anh Ngọc lên bàn.
- Ngọc... anh ấy đúng là bố của con Thương. Chuyện của tui với anh ấy có người biết, có người không biết... nhưng mà đã bốn mươi năm rồi, mọi chuyện đã yên bề... tui xin chú, nói với mệ nội ngoài nớ cứ yên lòng... xin chú đừng tìm cách gặp con Thương... nó là con gái...
Bà Lam nói mà không hề nhìn vào mặt tôi, đôi mắt bà ngó ra phía cửa vẻ vô hồn nhưng giọng nói thì như nghẹn lại! bà lặp lại, giọng như khẩn cầu:
-Nói với mệ ngoài nớ cứ yên lòng, cho tui gởi lời thăm mệ... tôi xin chú bữa ni khoan đã tìm cách gặp con Thương, tui sẽ gởi ảnh mẹ con nó cho mệ mà. Tui xin chú... tui về...
Bà Lam nói rồi đứng dậy lật đật bước ra khỏi nhà ông Thư rồi lủi nhanh như sợ có ai giữ lại. Tôi bật dậy định chạy theo bà Lam nhưng cứ đứng thế mà ngó theo. Không ngờ câu chuyện của bà Lam lại kết thúc chóng vánh làm tôi hụt hẫng và thất vọng đến thế. Ông Thư bà Thái nhìn nhau bối rối. Hồi lâu, ông bước lại đặt tay lên vai tôi, giọng ông trầm hẳn xuống đầy cảm thông:
- Chú và mệ ngoài nớ lượng thứ cho mạ con nó, con Lam còn chồng, còn có họ nội nữa... chuyện đâu có đơn giản. Hồi đó đang chiến tranh, có những điều có thể tha thứ, khỏa lấp được... Tôi cũng nghĩ là chú chưa nên tìm cách gặp cháu Thương, để thư thả rồi tính tiếp...
-Cháu cũng nhờ bác một việc, một lúc nào đó bác đưa cái này cho chị Lam, cho cháu Thương ...
Tôi nói rồi cầm hai tấm hình của anh Ngọc và của mẹ tôi ấn vào tay ông Thư. Ông Thư giật mình rụt tay lại nhưng rồi cũng run run đón lấy tấm hình...
*
* *
Câu chuyện ở xóm Cồn, chuyện về đứa cháu nội chưa biết mặt khiến cho cả họ mạc bên nhà vợ tôi buồn tức tưởi! Mẹ tôi không khóc vì nước mắt mẹ không còn? hay lòng mẹ can trường?! Người ta kể rằng hồi kháng chiến, mẹ tôi từng làm giao liên cho cơ sở cách mạng; trong chiến tranh chống Mỹ mẹ đã từng giữ chức xã đội trưởng chỉ huy dân quân du kích được mệnh danh là nữ tướng của làng Tiền - xóm Gạo. Nhưng rồi tiếp sau nỗi đau mất con, lại tiếp nguy cơ sẽ mất đứa cháu nội duy nhất, liệu mẹ tôi có quỵ ngã trước cái bi kịch nghiệt ngã này...?
kỳ lạ thay, mẹ tôi như “chuối chín cây” cứ mỗi ngày một chín vàng...! nhưng rồi chuối không thể chín mãi trên cây được nữa – ngọn đèn đã cạn dầu không thể cháy thêm được nữa... mẹ tôi sửa soạn ra đi! Con gái, con rể túc trực ngày đêm bên mẹ; mười một đứa cháu và tám đứa chắt ngoại gần như đã về đông đủ bên bà.
-Con... con Liên, con Oanh mô rồi... chưa về...?
Mẹ tôi đã yếu lắm nhưng vẫn tỉnh táo lạ thường; mẹ vẫn biết hai đứa cháu ngoại nhỏ tuổi nhất của mẹ đang học ở mãi tận trong Nam chưa về kịp. Phút lâm chung của mẹ đang đến gần, ngày như dài bất tận, ai nấy đều ngóng ra phía cửa nóng lòng chờ đợi hai đứa cháu yêu. Tôi cũng đứng ngồi không yên, lòng dạ như lửa đốt. Dường như mẹ tôi không thể chờ thêm được nữa; chỉ còn tôi là chưa nản lòng, tôi vẫn nung nấu một điều ước, vẫn cố bấu víu vào một chút hy vọng mong manh: Giá như có một dòng tin từ xóm Cồn, một tấm hình của đứa cháu nội chưa biết mặt để mẹ tôi có được một chút an ủi mà yên lòng đi về miền cổ tích!... Nhưng rồi tất cả dường như chỉ là ảo vọng, chỉ còn là sự chờ đợi cái thời khắc để mẹ tôi rời khỏi trần gian nữa mà thôi!
Nhưng một lần nữa ông trời lại rủ lòng với mẹ tôi! Đúng vào cái thời khắc tất cả dường như buông xuôi, cái thời khắc cuối cùng mẹ tôi còn nuối lại với dương thế thì những đứa cháu yêu ở xa đã về kịp. Chiếc Tăcxi vừa đỗ xịch trước ngõ, mọi người chen nhau ùa ra để đón con Liên, con Oanh cho chúng kịp vào nhìn mặt bà nhưng rồi họ chưng hửng quay lại. Những người chạy ra cửa không một ai nhận ra hai người phụ nữ lạ đang lẩy bẩy xuống xe.
-Chị Lam... cháu... Thương... mẹ ơi!
Tôi dường như không tin vào mắt mình – không tin vào chuyện mẹ con chị Lam lại hiện về đúng vào cái thời khắc chót, cái thời khắc mà mẹ tôi sẽ không bao giờ được làm bà nội nữa (!) Không nén được, tôi gọi thật to tên mẹ con chị Lam rồi chạy nhào ra ôm chặt đứa cháu gái vào lòng. Mọi người nhanh chóng dạt ra lấy đường cho mẹ con chị Lam đi đến bên chiếc giường nơi mẹ tôi đang trong cơn lâm chung. Chị Lam kéo đứa con thụp xuống nửa ngồi nửa quỳ bên chiếc giường của mẹ.
-Mệ...!
Chị Lam gọi thầm, tiếng gọi bật ra như cố nén đợi đã lâu lắm! Rồi chị cầm lấy tay của đứa con gái cùng đặt lên bàn tay người mẹ.
-Nội ơi... cháu là Thương... của nội...!
Đôi mắt mẹ nhắm nghiền bỗng giật nhẹ rồi nhướng lên như cố mở ra để nhìn mặt người đang gọi.
-Nội ơi... ba Ngọc ơi...!
Tiếng gọi của đứa cháu lưu lạc đã trở về như làm cho nỗi đau và hạnh phúc cùng một lúc vỡ òa... Căn phòng nơi mẹ tôi đang chờ để về với cõi tiên chìm trong tĩnh lặng bỗng bật lên những tiếng thút thít, những tiếng nấc nghẹn ngào. Không ai kìm được nước mắt...! Hãy để cho mọi người được khóc – Hãy khóc cho vơi nỗi đau ly tán... Hãy khóc vì hạnh phúc của ngày đoàn tụ – Dù có muộn màng nhưng chưa phải là tận cùng – bởi cái mà người đời thường gọi là “nghĩa tận” lại chính là sự còn lại, sự bắt đầu cái lương tri đẹp nhất của con người!
Quảng Trị - 2012, Trần Cảnh Yên
|