Năm 2006, tôi có dịp đi trên con đường Hồ Chí Minh lịch sử năm nào. Con đường này giờ đẹp lắm, mịn màng, hút tầm mắt giữa trời mây lộng gió, quanh co nhưng không kém phần thơ mộng và lãng mạn. Khó có thể hình dung đây lại là con đường một thời bom đạn ác liệt, khói lửa ngút trời và những bóng dáng áo sờn, quần xắn cao, gầy gò nhưng rắn rỏi, dồn dập bước chân mạnh mẽ ra tiền tuyến!
Chuyến hành trình của chúng tôi dừng chân tại những địa điểm huyền thoại như Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, những ngôi mộ xếp hàng thẳng tắp, linh thiêng và vẫn văng vẳng đâu đây tiếng các anh hát hò, gọi nhau í ới trong những khoảng lặng thanh bình hiếm hoi trong chiến tranh!
Rồi đến Ngã Ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh khi hầu hết vẫn còn là những trinh nữ. Ấn tượng với tôi hơn cả là giọng thuyết minh trầm ấm và truyền cảm của cậu hướng dẫn viên, rồi cả đoàn nghẹn ngào trong bài hát "Cô gái mở đường" trước khi vào khu nhà thăm lại kỉ vật của các chị. Tôi bần thần và như lơ lửng khi đứng giữa những ngôi mộ chất đầy hoa trắng của các chị Tần, Cúc, Hợi, Xuân, Rạng, Xanh, Nhỏ, Hà, Hường mà như thấy ánh mắt các chị ấm áp và trìu mến bao bọc quanh tôi.
Thương lắm, khi các chị vẫn đang còn những khao khát nơi mưa bom, lửa đạn mà chưa một lần được cảm nhận hơi ấm người đàn ông, những khát khao trần tục nhưng rất con người mà khi sang thế giới bên kia các chị vẫn chưa kịp tận hưởng. Nhưng tôi tin, các chị vẫn vui lắm vì tôi vẫn nghe thấy tiếng các chị cười rúc rích, xấu hổ khi rất nhiều người đến thăm các chị và mang thật nhiều hoa đẹp mà các chị chưa từng thấy, thay cho những bông hoa dại bên bờ suối năm nào!
"Cỏ non Thành Cổ
Một màu xanh non tơ
Bình minh Thành Cổ
Cỏ mềm theo gió đung đưa...!"
Thật chẳng dễ dàng gì khi chân bước nơi Thành cổ Quảng Trị năm nào. Chân bước khẽ lắm, hơi thở thật nhẹ bởi sợ vẫn còn máu thịt các anh ở dưới đó, sợ bước mạnh chân khiến các anh đau...
Dòng sông Thạch Hãn đỏ ngầu sủi bọt máu của các anh năm nào giờ lặng lẽ chảy đưa những vòng hoa với những lời nhắn nhủ các anh hãy yên lòng và thanh thản, bởi Tổ Quốc luôn ôm các anh vào lòng với nỗi thương nhớ và biết ơn không gì tả xiết. Giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi khi đọc lại những bức thư không bao giờ các anh gửi tới được tay người thương, tới mẹ già...những lời động viên "Con vẫn khoẻ, mẹ ạ. Em ơi, đợi anh nhé, thắng trận anh sẽ trở về...!"
Nhớ lại chuyến đi đó thật khó khăn với tôi, khi trong người giờ không khoẻ, nhưng như món nợ văn chương, và cũng như để đáp lại những ân tình mà chàng lính già năm nào luôn gợi nhớ lại cho tôi những bài học về lịch sử, đừng vì những u uất của bản thân mà hãy mạnh mẽ lên để vui sống vì phía trước đời còn dài lắm. Tôi gọi anh là "anh" khi anh hơn tôi gần 2/3 tuổi đời bởi tôi thấy ở "chàng lính già" vẫn còn nét hào hoa nhưng đầy khí phách của người lính đã từng nơi trận mạc và bập bùng gió sương. Và ít nhiều đã từng gắn bó với Tây Bắc của tôi, nhớ da diết từng cơn mưa rừng và những cánh hoa Sim, hoa Ban thân thuộc. Giờ vẫn lặn lội và thiết tha tri ân tới từng đồng đội, tìm lại từng chút kỷ vật chan chứa nước mắt về một thời gian khổ đã qua.
Dù có là người vô tâm hay lơ đãng về một giai đoạn lịch sử đã qua, nhưng lời hát hào sảng thấm đẫm tình đồng đội của những cựu binh trong clip thăm lại Mặt Trận Vị Xuyên trong nghi ngút khói hương và nước mắt của những người lính già năm xưa mà anh gửi tôi xem đã làm rung động cảm xúc trong tôi.
Nhân ngày này, với tấm lòng tri ân, cùng bài viết nho nhỏ, dù không thể nói hết nỗi lòng, nhưng xin xem đây là nén hương gửi tới những người đồng đội đã khuất của anh. Gửi tới anh và các bạn anh cái xiết tay thật chặt, để các anh chị thêm sức khoẻ và sự nhiệt thành để tiếp tục những cuộc hành trình tìm lại đồng đội xưa còn ngơ ngác chưa tìm lại được đường về với quê hương, khi chiến tranh đã qua lâu rồi!
27/7/2014 Trang Hà
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 27/07/2014
|