MƯỜI HAI NGÀY KHÔNG QUÊN
Tháng mười hai anh đi cùng em
Bè bạn, gái trai đều bận rộn
Chiếc mũ sắt nghiêng che vầng trán
Ánh mắt nhìn sáng trong
Tháng mười hai Hà Nội vào đông
Điềm tĩnh và cảnh giác.
Còi báo động suốt mười hai đêm thức
Cháy trong lòng bao cảm xúc lớn lao
Những mắt người, mắt súng ngẩng cao
Thành phố đứng tựa lưng vào lịch sử
Dáng kiêu hãnh khiến quân thù khiếp sợ
Hà Nội thành “tọa độ lửa” kiên trung.
Vườn ta yêu vắng suốt tuần trăng
Hươu sao nhỏ theo đàn sơ tán
Những mảnh xác pháo đài bay cháy sém
Thay cho bầy thú lạ đón người xem
Tháng mười hai anh đến cùng em
Tạm gác lại những niềm vui bình dị
Ta không thể cùng nhau nghe nhạc nhẹ
Trong tiếng gầm B.52
Áo khăn hoa em xếp lại rồi
Và cả cách chăm thương nhau cũng khác:
Căn hầm vững, gói lương khô, túi thuốc
Chiếc hôn dài mừng tủi nửa ngày xa…
Thành phố ta yêu rất mực hào hoa
Và chiến đấu lại gọn gàng, đơn giản
Cửa hàng lớn bây giờ phân tán
Những quầy con vào bán tận ngõ sâu
Người bận nhiều, dòng chữ nhắn tin nhau
Nét nguệch ngoạc ấm từng khung cửa gỗ
Tổ phục vụ nấu cơm cho cả phố
Thư viện mở theo giờ phóng không
( Anh dành ghế cho em, buổi sáng người đông)
Mười hai ngày trong tiếng bom rung
Tim ta đập với trái tim thành phố
Bom ném An Dương – bờ sông tuổi nhỏ
Mắt anh nhìn xa xót nỗi đau em
Bãi phù sa sóng cát trôi êm
Nơi em hái chùm dâu ngày thơ bé
Nơi bỡ ngỡ ngói hồng khu tập thể
Mái trường xinh nát giữa vệt bom dài!
Đi cùng nhau qua tháng mười hai
Những người yêu không nói lời tình tự
Soi trong nhau nỗi buồn vui thành phố
Hiểu bao điều sâu nặng giấu sau môi…
Phan Thị Thanh Nhàn
( Trích “ Thành phố tôi yêu”)
“Thành phố tôi yêu” là một bài thơ dài của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết về Hà Nội, trong đó có phần “Mười hai ngày đêm” cuối tháng mười hai năm 1972, khi đế quốc Mỹ đem B.52 ném bom Thủ đô của chúng ta và chính là nơi chôn rau cắt rốn của chị. Bạn đọc quá quen thuộc với bài thơ “Hương thầm” và yêu chất thơ giàu nữ tính, sự tinh tế…của tác giả. Đó là thế mạnh của Phan Thị Thanh Nhàn, và chính chị cũng nhận ra điều đó, nên ngay cả khi viết về sự ác liệt của chiến tranh, khi B.52 ném xuống Hà Nội, thì chị cũng dùng giọng thơ trữ tình diễn đạt lời của một cô gái Hà Nội tâm sự với người yêu, qua đó làm sống lại mười hai ngày không quên ấy. Thuận lợi của Phan Thị Thanh Nhàn khi viết phần này, như đã nói, chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, và trong mười hai ngày đêm ấy chị lăn lộn từ các khu phố đến trận địa phòng không, những đêm cùng nam nữ dân quân đi lùng bắt phi công Mỹ nhảy dù…Hình ảnh các cô dân quân “ Chiếc mũ sắt nghiêng che vầng trán/ Đôi mắt nhìn sáng trong” quá gần gũi và thân thương với chị. Là thơ nên chỉ tả điểm xuyết vậy thôi, nếu là văn xuôi thì chắc có thể tả đầy đủ hơn thời trang con gái Hà thành ngày ấy: mặc áo gụ, áo xanh, thắt lưng da to bản vừa để đeo bao đạn vừa tôn dáng lưng ong, chân đi giày vải màu tím than, sẵn sàng nhập vào ụ súng khi nghe còi báo động. Mà mười hai ngày ấy, “Còi báo động suốt mười hai đêm thức”, bộ đội, dân quân thức để bắn máy bay, dân thức để xuống hầm trú ẩn hoặc reo hò khi máy bay Mỹ bị tên lửa của ta đốt cháy thành đuốc trên bầu trời Hà Nội. Tôi may mắn được chứng kiến cảnh ấy: có người lúc đầu còn sợ, nghe còi báo động là xuống hầm ngay, nhưng khi thấy máy bay Mỹ cháy thì nhảy lên reo hò. “Cháy trong lòng bao xúc cảm lớn lao” là tác giả nhớ lại những hình ảnh như thế.
Chiến tranh là chuyện không bình thường của xã hội, nhất là khi chiến tranh đã hiện diện ở Thủ đô, nó làm thay đổi nhiều thói quen vốn có, định lại giá trị các thứ theo thời chiến:
Ta không thể cùng nhau nghe nhạc nhẹ
Trong tiếng gầm B.52
Tác giả muốn nêu sự tương phản âm thanh của nhạc nhẹ và B52. Không chỉ vì bận phục vụ chiến đấu mà không thể dự đêm hòa nhạc, mà sự thật, những đêm hòa nhạc cũng không còn, Nhà Hát Lớn, điện tắt, cửa đóng, chỉ làm chức năng nâng cao chùm loa để báo động, báo yên. Sự quan tâm đối với người mình yêu cũng thay đổi so với thời bình:
Căn hầm vững, gói lương khô, túi thuốc
Chiếc hôn dài mừng tủi nửa ngày xa
“Những người yêu không nói lời tình tự”, yêu nhau thì quan tâm tới căn hầm của người yêu mình đã vững chắc chưa, quan tâm tới “gói lương khô, túi thuốc”, đề phòng khi bị thương hoặc do hoàn cảnh phải xa đồng đội, xa sự cung cấp lương thực, thực phẩm…là những chuyện thường xẩy ra.
Trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972, trẻ con và người già đã sơ tán khỏi thành phố, nhiều căn nhà im lìm cửa khóa. Dạo ấy chưa có điện thoại di động, điện thoại bàn của gia đình cũng chưa có, thư từ gửi thì rất lâu mới nhận được, thế là ngay những cánh cửa im lìm đó trở thành nơi nhắn tin:
Người bận nhiều, dòng chữ nhắn tin nhau
Nét nguệch ngoạc ấm từng khung cửa gỗ.
Có những anh bộ đội hành quân, phút chốc được ghé qua nhà, nhưng gia đình đã đi sơ tán, cũng để lại dòng chữ trên cánh cửa đóng đó, đợi sang năm 1973, khi không còn bom đạn nữa, cha mẹ trở về mới hay đứa con bộ đội của mình đã ghé về nhà mà không gặp được một ai!
Là bài thơ trữ tình, thể hiện dưới dạng lời tâm tình của cô gái nói với chàng trai, tác giả không nói nhiều về mất mát, đau thương do bom đạn giặc đã đem đến như phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, làng Uy Nỗ... Tác giả chỉ nhắc tới thôn An Dương, chính quê của mình:
Tim ta đập với trái tim thành phố
Bom ném An Dương – bờ sông tuổi nhỏ
Mắt anh nhìn xa xót nỗi đau em…
Mái trường xinh nát giữa vệt bom dài.
Bản thân tôi đã chứng kiến nỗi đau ở thôn An Dương. Đêm B52 dội bom, sớm mai thi thể người chết xếp hàng dọc bờ đê Yên Phụ trước khi đi mai táng. Người qua đường nhìn cảnh ấy khó cầm nước mắt, huống chi tác giả chính quê ở đấy, những người xấu số chết vì bom lại là những người quen. “ Mắt anh nhìn xa xót nỗi đau em” là vì thế!
Đau thương chỉ nêu một trường hợp, chiến công cũng không nói nhiều, không nói chuyện máy bay Mỹ rơi ( trong 12 ngày đêm đó, ta bắn 34 chiếc B52 và nhiều máy bay khác), mà tác giả chỉ nói chuyện người dân Hà Nội về vườn Bách Thảo để xem xác B52. Dạo ấy chưa có vườn Bách Thú ở Thủ Lệ, vườn Bach Thảo cũng là vườn Bách Thú, nhưng đề phòng bom đạn giặc, vườn trở nên trống vắng vì các loài thú đã được sơ tán, nhưng có một thứ mới hấp dẫn người xem đó là xác những chiếc B52 chất đống ở Bách Thảo. Một chiếc B52 có độ dài 48,5 thước, sải cảnh 34 thước, có sức chở gần 30 tấn, nên dùng đến lượng sắt thép “khổng lồ”, dù khi đã trở thành “xác” rồi, thì số lượng sắt thép vẫn làm kinh ngạc người xem. Trên thân B52, người Mỹ kiêu hãnh in hình bàn tay nắm tia sét, trên mu bàn tay có in mấy chữ US AIR FORCE ( không lực Hoa Kỳ), ý nói không lực Hoa Kỳ mạnh hơn sấm sét, nhưng chính mảnh tên lửa của chúng ta đã xé bàn tay biểu tượng đó thành mấy mảnh! Điều này làm hả dạ mọi người khi đến vườn Bách Thảo cách đây bốn mươi năm, những người từng đi qua mười hai ngày ác liệt khó quên, những người vốn ít lời, “Soi trong nhau nỗi buồn vui thành phố/ Hiểu bao điều sâu nặng giấu sau môi”.
Cuối tháng 12- 2012
Nhà thơ Vương Trọng - Hội nhà văn Việt Nam
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 20/07/2014
|