Ảnh minh họa - Internet
Mấy hôm trước, lang thang vào Fây (facebook), lần vào trang của nhà văn Mai Tiến Nghị. Thấy ông đăng một văn ngắn: Mít chấm vừng... thấy là lạ. Nghĩ bụng chắc là kiểu mít non luộc, chấm vừng như dân miền Trung vẫn ăn. Nhưng đọc rồi mới biết không phải. Đó là những múi mít chín, bóc ra chấm với những hạt vừng, rang chín vàng không giã. Không được chén, nhưng mình cũng tưởng tượng ra cái mùi vị đặc biệt của nó. Vị ngọt thanh của mít, vị bùi của vừng, cái giòn sần sật của mít, cái lép bép của các hạt vừng... Một cách ăn mít hơi khác thường, nhưng thú vị.
Tuy mình và nhà văn Mai Tiến Nghị cùng đồng hương Nam Định với nhau, nhưng khác huyện (Ông ấy ở huyện Hải Hậu, còn mình ở huyện Mỹ Lộc), nên cách ăn của mỗi vùng cũng khác. Cách ăn mít chấm vừng như vậy, ở quê mình không có. Nhưng vì liên quan đến mít chấm vừng, nên bỗng nhiên nhớ lại câu chuyện: GÀ XÉ PHAY... của ngày xửa ngày xưa, mình đã kể cho ông Nghị nghe, và hôm nay, nhân lúc “Nông nhàn”... cũng kể luôn để mọi người cùng vui cười một chút:
...Năm 1972, chúng tôi vào chiến trường phục vụ quân Giải phóng. Khi tới Vĩnh Linh, đoàn được bố trí nghỉ trong địa đạo Vịnh Mốc. Cái địa đạo này quả là một kỳ tích của của người dân nơi đây. Cả một xóm làng sống sâu trong lòng đất mấy chục mét, nhưng cũng có đủ các thứ, y hệt như trên mặt đất vậy.
Một tên trong đoàn (người Hà Nội) đi tắm về, ghé tai tôi thì thào:
- Đặc khu Vĩnh Linh sang lắm mày ạ. Sống trong địa đạo mà cơm chiều có cả gà xé phay!!!
Tôi chẳng hiểu hắn nói cái gì, nhưng đang mệt, nên không hỏi lại. Đến lúc đi ăn cơm, trong ánh nến mờ ảo, chập chờn giữa lòng đất, tôi nhìn thấy trên bàn ăn có bầy mấy món gì đó không rõ. Nhưng có một đĩa to, bầy chính giữa bàn, đựng món “gà xé phay” mà thằng bạn tôi đã khoe. Trước khi ăn, tay phụ trách nhà ăn của địa đạo xoa tay nói:
- Thưa các anh! Rất vui được đón các anh tại đây. Ngày mai các anh vô chiến trường phục vụ, nhà khách địa đạo xin chiêu đãi một vài món đặc sản địa phương. Chúc các anh sức khỏe, lập được nhiều thành tích xuất sắc...
Chúng tôi đang đói, và bị món gà xé phay kích thích, nên vội vàng vỗ tay rào rào, cốt để chấm dứt bài đít cua lằng nhằng của tay phụ trách nhà ăn. Hình như cũng biết ý, hắn thôi không nói thêm nữa, mà nở một nụ cười rất khó diễn tả. Nó vừa như ngượng ngùng ái ngại, vừa như có lỗi, vừa như cười cợt... cúi đầu chào , rồi chui tọt vào một ngách địa đạo... mất hút.
Chỉ chờ có thế, chúng tôi cầm đũa, nhào vào đĩa gà xé phay, gắp một gắp to tướng, đưa vội lên mồm nhai lấy nhai để. Nhưng: “Tham thì thâm... các cụ nói cấm có sai. Vừa cho vào mồm, chúng tôi đồng loạt lè vội ra. Bởi đó không phải là gà xé phay, mà là mít xanh gọt vỏ, thái nhỏ luộc lên, chát xít... chấm với muối vừng!!! Đúng là món đặc sản địa phương thật. Bây giờ, thì tôi đã giải mã được hết sự bí ẩn của nụ cười, mà tay phụ trách nhà ăn khi nãy đã tặng lại.
Chúng tôi cười váng cả địa đạo! Tay người Hà Nội mất luôn tên cúng cơm. Chúng tôi nhất loạt, và ngay lập tức gọi hắn là: GÀ XÉ PHAY!
... Đã mấy chục năm đã trôi qua, không biết ông bạn GÀ XÉ PHAY của tôi giờ ở đâu? Làm ăn, sinh sống thế nào? Bởi cuộc sống mưu sinh khó khăn, chẳng mấy khi chúng tôi nhớ lại chuyện xưa. Nhưng hôm nay, tình cờ đọc Mít chấm vừng, lòng tôi bỗng cồn cào nhớ đến hắn, nhớ đến những đồng đội, một thời trai trẻ bên nhau, trong cái thời đạn bom, khói lửa thưở nào!
Cảm ơn: Mít chấm vừng... của nhà văn Mai Tiến Nghị thật nhiều!
Huế tháng 7/2014, Hoàng Thảo Chi.
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn,
ngày đăng 18/07/2014
|