Ảnh minh họa - Internet
Mấy ngày hôm nay, nhìn đám sỹ tử nhớn nhác nhập trường dự thi đại học, và nhất là các gương mặt căng thẳng như sắp ra pháp trường của các vị phụ huynh, ngồi vạ vật chờ con nơi cổng trường, mà thấy lòng mình xốn xang, kỳ lạ.. Mình chưa đưa con đi thi bao giờ, nên không biết trong lòng các bậc cha mẹ kia đang đi qua những cung bậc cảm xúc gì. Nhưng tự mình đã đi thi, nên trong lòng các sỹ tử nghĩ sao thì mình rõ lắm.
Trước hết là nỗi sợ hãi. Sợ cái gì? Không biết. Nó mơ hồ, nhưng lại rất cụ thể, và hiển hiện ở khắp mọi nơi trong trường thi. Sợ đang viết hết mực. Sợ đang làm bài bị ốm. Sợ bài khó. Sợ các thày cô giám thị. Sợ tất cả mọi người cùng dự thi với một mặc cảm: Có thể mình là người dốt nhất trong phòng thi này, cũng nên!!!
Thứ hai là lo. Lo thi trượt. Nỗi lo này quả thực vô cùng to lớn. Nó như một tấm dù khổng lồ chùm chặt lấy mỗi thí sinh, làm họ nghẹt thở trong nỗi lo ấy. Có những thí sinh đã tự tử sau khi không làm được bài! Điều đó không khó để giải thích.
Mình đã mang nỗi sợ hãi và lo ngại ấy vào trường thi cách đây 34 năm về trước.
Dạo ấy, mình đã thi đại học tại trường cấp Ba, Đống Đa Hà Nội. Người đưa mình đến trường thi, là một anh bạn lớn tuổi, cùng học văn hóa với mình. Anh ấy lúc đó đang là phó phòng kỹ thuật nhà máy in Tiến Bộ.
Mình bước vào sân trường đông nghẹt những người là người, tự nhiên thấy toát mồ hôi, lúc nóng lúc lạnh. Nhìn sơ đồ hướng dẫn, lên tầng ba và tìm được phòng thi của mình. Liếc mắt tìm chỗ ghi số báo danh, thì thấy nó ngay đầu bàn đầu tiên, đối diện với bàn giám thị. Trời ơi! Mình rơi vào cái chỗ mới kinh hoàng làm sao! Lập cập đi tới, mình nhắm chặt mắt lại, ngồi xuống, hít thật sâu để trấn tĩnh tinh thần.
- Chào chú bộ đội!
Mình chưa trấn tĩnh được chút nào thì vội mở choàng mắt, bởi một câu chào trong veo, như chim hót. Trước mặt mình là một nữ sinh, rạng rỡ như một bông hoa tươi thắm.
- Sao bạn lại gọi mình là chú bộ đội?
Mọi lo lắng như tan biến, sức trẻ hồi sinh mãnh liệt, mình vặn lại cô bé.
- Mặc áo bộ đội, thì là chú bộ đội chứ sao!
Thì ra cô gái này cũng chẳng vừa. Mình phải trên cơ mới được.
- Anh mượn áo này mặc cho oai thôi. Chứ không phải là chú bộ đội!
Cô bé ngồi xuống chỗ của mình, nở một nụ cười bí hiểm, rồi nói như tự sự:
- Đại từ nhân xưng khó mà thống nhất!!! Cháu tên là Liên, là học sinh của trường này. Chú từ đâu tới vậy?
Cô ấy duy trì một cách ngang bướng, cách xưng hô chú chú, cháu cháu… nghe bực cả mình. Mình cũng lỳ theo;
- Anh tên là Luận, đến từ hệ Bổ túc văn hóa trường Lý luận nghiệp vụ Bộ văn hóa.
- Thảo nào!!!
Cô gái dài giọng có vẻ giễu cợt.
- Thảo nào... là sao?
Mình chất vấn lại.
- Không sao! Nhưng chú còn nhớ được nhiều kiến thức không?
Chà, chê bai nhau rồi đây. Mình thấy bắt đầu cay mũi, nhưng cứ tỉnh như không:
- Thì cũng đủ đi thi đây thôi.
Cô bé lại nở một nụ cười. Người chi mà miệng lưỡi như dao cạo... Nhưng được cái xinh thế không biết. Mình kịp liếc cô gái lần cuối và nghĩ như vậy, thì thầy giám thị trẻ măng bước vào, cùng phong bì đề thi, còn niêm phong trên tay. Chúng tôi đứng dậy chào, làm những thủ tục cần thiết, rồi thầy xé phong bì bắt đầu chép đề lên bảng. Mình còn nhớ hai đề thi Văn năm ấy;
Đề 1- Chủ nghĩa yêu nước và chủ đề xã hội chủ nghĩa trong thơ Tố Hữu.
Đề 2- Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong văn học cách mạng.
Khi thầy chép đề xong, Liên liếc sang mình nói nhỏ:
- Làm đề hai dễ hơn chú ạ. Cháu sẽ giúp.
Chà, thì ra cô bé này cũng tốt bụng, chứ cũng không cay nghiệt như mình nghĩ.
- Cảm ơn! Nhưng anh làm đề một.
Mình thấy cô gái chau mày, nói nhỏ như một làn gió thoảng:
- Đúng là đồ ngoan cố!!!
Mình mỉm cười và bắt đầu tập trung cao độ suy nghĩ. Mất khoảng 20 phút làm xong mở bài và gạch vài dòng thân bài, mình bắt đầu viết với tất cả sự thận trọng cao nhất, và duy nhất trong đời cho từng nét chữ, từng dấu phảy, dấu chấm cho đúng trong mỗi câu văn. Mình thấy những ngày tháng khổ học bây giờ thật hữu dụng. Tất cả kiến thức trào dâng lên ngòi bút. Mình chỉ dùng cảm xúc để sắp xếp chúng lại cho đúng chỗ, chúng lập tức cuộn chảy dạt dào trên mỗi trang giấy của bài thi. Một tiếng trôi qua, khi đã viết hết tờ thứ nhất với bốn trang, mình lập tức lên bàn thầy giám thị xin thêm giấy. Ông thầy trẻ nhìn mình với ánh mắt vô cùng lo lắng:
- Anh viết hỏng à?
- Dạ không, em viết hết tờ thứ nhất rồi.
Ông thầy trẻ thở phào, đầu lắc lắc, rút tờ giấy mới, ký tên rồi đưa cho mình. Đến khi mình xin tờ thứ ba, thì ông thầy không kìm được nữa, liền đi theo mình về chỗ ngồi nói nhỏ:
- Anh cho tôi xem hai tờ trước được không?
Mình đưa hai tờ trước cho thầy. Lật rất nhanh các trang của hai tờ giấy, thấy tất cả các trang kín đặc những chữ, không hề có một nét gạch xóa, thầy giám thị trẻ gật gù:
- Tuyệt lắm, anh làm tiếp đi, chỉ còn gần một tiếng nữa thôi.
Mình cảm ơn thầy rồi lại cắm cúi viết. Thân bài đã xong. Mình ngửng lên một chút để chuẩn bị viết phần kết luận. Bất chợt nhìn ngoài hành lang, thấy anh bạn cùng lớp thi ở phòng bên cạnh đã ôm cặp ra về. Không biết hắn làm thế nào mà ra sớm thế. Một thoáng lo lắng vụt qua trong lòng. Nhưng mình không không còn thời gian để nghĩ về điều đó nữa. Khi chấm dấu chấm cuối cùng của bài văn, mình nhìn đồng hồ thấy còn đúng 15 phút. Dùng 10 phút để đọc lại toàn bài. Một cảm giác hài lòng lan tỏa khắp cơ thể. Ngó sang bên cạnh, cô bé cũng đã viết xong và đang đọc lại.
- Xong chưa Liên?
Mình quan tâm hỏi.
- Dạ... em xong rồi!.
Bất ngờ vì đại từ nhân xưng đột ngột thay đổi. Mình dài giọng:
- Cháu chứ... Sao lại em?
- Anh muốn được gọi là chú à???
- Không, không... anh hay hơn chứ...
Liên lại nở một nụ cười như hoa thắm.
... Đã 34 năm trôi qua, đã 34 mùa thi, 34 lần phượng đỏ. Không biết cháu Liên của tôi ngày ấy, bây giờ thế nào? Có thể cô đang có mặt ở đâu đó, trong dòng các phụ huynh đang vật vã đợi con nơi cổng trường, giữa mùa thi nóng bỏng này.
Các bạn sỹ tử ơi, hãy cố lên nhé. Cảm ơn mùa thi, cảm ơn các bạn đã mang về cho tôi, những kỷ niệm biếc xanh và một nụ cười như hoa, mãi mãi cháy sáng… trong khung trời hoài niệm của mùa thi xa lắc thuở nào!
Huế mùa thi đại học 2014, Hoàng Thảo Chi
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 09/07/2014
|