Được sự đồng ý của nhà báo HOÀNG LÊ, xin trân trọng giới thiệu thiên phóng sự nhiều kỳ trên báo BÀ RỊA VŨNG TÀU về chuyến đi thăm và làm việc của đoàn nhà văn, nhà báo tỉnh BRVT tại Liên bang Nga từ ngày 16 đến 25-6. Chuyến đi trong những ngày hè tươi đẹp, mát mẻ đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm về tình cảm chân thành, sâu sắc của những người Việt xa xứ, những tình cảm trong sáng của những người bạn Nga và đặc biệt là những kỳ quan của nước Nga tại hai thành phố cổ kính: Matxcơva và Xanh Peterbua.
Bài 1: Chiều bên sông Matxcơva
Đôi bờ sông Matxcơva những ngày hè tháng 6-2014
Từ sân bay Tân Sơn Nhất, sau chặng đường hơn 9 giờ bay, chúng tôi đã có mặt ở sân bay quốc tế Domedodevo-Matxcơva. Lệch múi giờ 3 tiếng, đặt chân xuống sân bay lúc 20 giờ 45 phút, anh Lê Huy Mậu sửng sốt: gần 9 giờ đêm rồi mà vẫn còn nắng, thật lạ kỳ.
Đón chúng tôi tại cửa ra sân bay, tiến sĩ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng - Hội VHNTVN tại Liên bang Nga, thông báo ngắn gọn: Thời tiết ở Matxcơva và Xanh Peterbua hơi se lạnh, 14-16 độC, nhưng sẽ là những ngày hè tuyệt vời. Khoảng 1 giờ nữa chúng ta sẽ dự bữa cơm tối cùng với Đoàn cán bộ của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nôi, do GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng nhà trường dẫn đầu nhân chuyến công tác tới Liên bang Nga, tại một nhà hàng nổi tiếng bên bờ sông Matxcơva - nhà hàng “Ngàn lẻ một”
Từ nhà hàng “Ngàn lẻ một” trong ánh nắng phớt vàng của chiều muộn, dòng sông Matxcơva hiện lên thật rực rỡ. Không biết từ bao giờ, đôi bờ của con sông gắn liền với bao biến cố thăng trầm của lịch sử nước Nga đã được xây kè hoành tráng. Những tuyến đường ven sông luôn tấp nập những dòng xe xuôi ngược. Việc tìm chỗ đậu xe để vào nhà hàng quả là một khó khăn. Chúng tôi phải đi bộ gần 1 km mới tới điểm cần đến. Ở Nga hay ở nhiều nước châu Âu khác, việc đi bộ vài trăm mét có khi cả cây số từ tàu điện ngầm, từ chỗ đậu xe để tới nơi làm việc, gặp gỡ là chuyện thường tình. Do vậy, trước lúc đi sang Nga, theo kinh nghiệm, mọi người trong đoàn đều mua một đôi giày thể thao, hoặc là giày da đế thấp để cuốc bộ dài ngày. Vì đã có không ít người phải dở khóc, dở cười từ sự cố của những đôi giày làm đẹp không đúng chỗ, không hợp thời tiết. Cái thì gẫy đế, cái thì há mõm vì bong keo dán và khổ nhất là phải tập tễnh mang chân đau đi theo đoàn.
Gần 30 năm học tập và sinh sống ở nước Nga, tiến sĩ-nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng có một kiến thức rất sâu về lịch sử, địa lý của nước Nga và với trí nhớ tuyệt vời, anh đã giúp chúng tôi biết thêm nhiều điều về nước Nga sau biến cố lịch sử năm 1991. Hơn 10 năm trở lại đây, đời sống của người dân Nga được nâng lên rất nhiều lần. Thu nhập của người lao động khá ổn định, với mức thu nhập trung bình: 30-40.000 rúp đối với nhân viên văn phòng; 40.000 rup đối với giáo viên tiểu học (tỷ giá hiện tại: 1USD = 34-35 rup). Đặc biệt, chính sách ưu việt được Chính phủ Nga tiếp tục duy trì và thực hiện là khám chữa bệnh của người dân được miễn phí hoàn toàn; Học sinh và sinh viên được Chính phủ Nga nuôi ăn học cho đến khi ra trường. Những người về hưu, cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, các lực lượng vũ trang (quân đội, hải quân, công an, biên phòng), người tàn tật, cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải … cùng khoảng 60 đối tượng khác, chiếm khoảng 40% số lượng hành khách được sử dụng các phương tiện giao thông công cộng miễn phí (như: tàu điện ngầm, xe buýt, ô tô điện, xe điện…). Ước tính, chỉ riêng tàu điện ngầm tại Matxcơva đã dành gần nửa triệu USD/ngày để phục vụ miễn phí cho các đối tượng nêu trên.
Bản nhạc du dương “Chiều Matxcơva” trong phòng ăn của nhà hàng “Ngàn lẻ một” như đưa chúng tôi trở về với những ký ức thuở mới làm quen với tiếng Nga, tập hát bài hát này theo lời Nga và lời Việt: “Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào…”. Bên dòng sông Matxcơva dù chiều đã muộn, nhưng dòng người vẫn không ngừng đổ về bến tàu du lịch cạnh nhà ga Kiép để du ngoạn trên sông và ngắm Matxcơva khi thành phố đã lên đèn.
Kỳ 2:Tấm lòng của những người bạn Nga
Trong những ngày ở Liên bang Nga, chúng tôi may mắn có dịp gặp gỡ, giao lưu với nhiều người bạn Nga. Trong số đó, có người đã từng sống và công tác ở Việt Nam, có người chỉ mới một lần du lịch đến tỉnh Bình Thuận, nhưng cũng có nhiều người chưa một lần đến Việt Nam. Nhưng trong ký ức, trong suy nghĩ của họ đối với Việt Nam là những tình cảm trong sáng, vô tư và thấm đượm tình nghĩa thủy chung giữa hai dân tộc.
Người dân Nga trong một tour du lịch mùa hè.
Vừa ổn định chỗ ngồi trên chuyến bay của hãng Aeroflot, chúng tôi được nghe hai từ “xin chào” từ phía sau vọng lên. Thoạt nghe, cứ tưởng là lời chào của các nữ tiếp viên của hãng Aeroflot gửi tới các hành khách Việt Nam, nhưng ngoái nhìn lại mới nhận ra là một nữ du khách người Nga, về lại Matxcơva sau chuyến du lịch đến Việt Nam. Sau những câu hỏi làm quen, V. Natalia vui vẻ cho biết, chị vừa có những ngày nghỉ thú vị ở Mũi Né, Phan Thiết. Dù phát âm chưa chuẩn các địa danh của Việt Nam, nhưng chúng tôi hiểu là chị đã nghỉ ngơi, du lịch nhiều ngày ở Bình Thuận. V.Natalia thổ lộ, vài năm gần đây, sức khỏe của chị bị giảm sút, hay bị chứng nhức mỏi chân. Được bạn bè giới thiệu, khi du lịch đến Mũi Né chị đã có đợt điều trị bằng các bài thuốc của Đông y và thực hiện châm cứu, bấm huyệt; đến nay thì chứng nhức mỏi đã giảm rất nhiều. Rồi dường như chưa muốn kết thúc câu chuyện, Natalia tâm tình thêm: Các anh biết không, tôi đã đi du lịch tới một vài nước, và dù đây là lần đầu tới Việt Nam, nhưng tôi rất cảm mến đất nước của các bạn; tình cảm thân thương mà những người dân Việt Nam giành cho chúng tôi thật sâu đậm; những nụ cười thật thân thương và trìu mến. Tôi rất muốn học thêm vài câu để chào hỏi, để làm quen. Nhưng thú thực tiếng Việt của các bạn hơi bị khó. Đấy, hơn 10 ngày mà tôi mới chỉ nói rõ được hai từ “xin chào”.
Ngày 22-6, trên Đồi tưởng niệm ở Công viên Chiến thắng, chúng tôi có dịp được chứng kiến các hoạt động của thành phố Matxcơva nhân kỷ niệm ngày Phát xít Đức tấn công Liên Xô. Những bản nhạc hùng tráng cùng những đội quân trong những bộ quân phục của những ngày vệ quốc vĩ đại được tái hiện một cách chân thực về một thời oanh liệt của những người dân Xô viết. Thượng tá A. Ivanovich, trong bộ quân phục trang trọng, trên ngực lấp lánh những huân, huy chương, khi biết chúng tôi mới từ Việt Nam sang Nga công tác, ông đã thân mật hỏi tên từng người . Rồi, với cái bắt tay rất chặt của một người lính, thượng tá A.Ivanovich chỉ nói một từ ngắn gọn: “Vietnam- Hochiminh” và ông vui vẻ cùng chụp hình lưu niệm với chúng tôi. Chỉ chừng đó thôi, chúng tôi cảm nhận được rằng, trong suy nghĩ của những người bạn Nga, đất nước Việt Nam luôn ở trong trái tim của họ.
Tiến sĩ sử học Epghenhi Kobelep, người mà chúng tôi có dịp tiếp xúc và trao đổi nhiều điều về nước Nga, về Việt Nam trong bữa cơm tối bên bờ sông Matxcơva, khá cởi mở và chân tình. Tiếng Việt và giọng phát âm của ông giống như giọng của một phát thanh viên, trầm và ấm đến độ chuẩn. Ông có thể hát được nhiều làn điệu dân ca, kể cả lẫy Kiều trong các buổi đọc thơ nhân ngày thơ Việt Nam. E. Kobelep học tiếng Việt từ năm 1958 tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và đã có nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam, kể cả trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt của đế quốc Mỹ. Tiến sĩ E.Kobelep trầm ngâm nhớ lại: Tôi có vinh dự là đã nhiều lần được gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe Người phát biểu và nói chuyện, được may mắn làm phiên dịch cho Bác Hồ nhân chuyến thăm Liên Xô năm 1962. Năm 1978, cuốn sách “Hồ Chí Minh”gần 400 trang được xuất bản, từ năm 1983 đến nay đã được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Lào, Bungari, Mông Cổ.... Mới đây, tiến sĩ E.Kobelep xuất bản công trình nghiên cứu: “Việt Nam ngày nay: Cải tổ, đổi mới, hiện đại hóa” và Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông dưới nhan đề: “Việt Nam, tình yêu của tôi”.
Tình yêu của những người bạn Nga với Việt Nam luôn hiện hữu, sâu đậm và gợi mở thêm bao điều mới lạ. Chia tay E.Kobelep, nhà thơ Lê Huy Mậu bộc bạch “Tiến sĩ sẽ trở lại Việt Nam chứ”. E.Kobelep tươi cười như xác nhận “Tôi cũng đang có chương trình sẽ trở lại Việt Nam sắp tới đấy anh Mậu ạ. Mà này, hình như tôi đã gặp anh ở Hà Nội thì phải !?”. Nhà thơ Lê Huy Mậu gật đầu xác nhận.
Bài ảnh: HOÀNG LÊ
Nguồn Nhà thơ Lê Huy Mậu - Chủ tịch Hội VHNT Bà Rịa - Vũng Tàu
|