Đây là tác phẩm mới nhất của tôi, viết về biển đảo Việt Nam. Thông qua cái nhìn của một chiến sĩ hải quân trẻ (nhân vật chính của trường ca) lịch sử - văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc hiện lên như là năng lượng quá khứ tiếp sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Dấu ấn khắc ghi quan trọng nhất trên một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước: biển đảo, chính là văn hóa dân tộc.
Trường ca không đi vào các sự kiện mà chủ yếu nhấn sâu ở văn hóa truyền thống, coi đó là nền tảng tinh thần cho sự nghiệp giữ nước hôm nay và mai sau. Tháng 12. 2012, Nhà xuất bản Lao động đã khởi in trường ca "Hạ thủy những giấc mơ." Trường ca có 9 khúc. Tác giả xin được chọn lọc giới thiệu với bạn bè gần xa và mong được góp ý.
Khúc 1
Chim Lạc xoãi cánh về Đông
phía mặt trời lên bao la biển cả
tổ tông tôi tắm mặn thời xưa cổ
những tượng hình từ sóng vút lên.
Biển
hạ thủy những giấc mơ đầu tiên
những khát khao giong buồm vượt sóng
lấm láp bơi trên thời gian thăm thẳm
sấp ngửa
ru nhau
mặn muối cay gừng.
À ơ…
muối mặn gừng cay
một nửa ca dao đất nước tôi là biển
thủy triều vơi đầy lục bát
những hải lưu sáu tám chở vui buồn.
Xoay nhịp trống đồng
gõ vang sấm biển
chớp bão khơi xa nhay nháy canh gà
có khuya khoắt ao làng nổi sóng
canh gió đồng ướt át nghìn năm.
Nghìn năm, nghìn năm
ánh chớp thiên hà
bão máu thành hồn Việt
kẽo kẹt kẽo cà mái tranh vách đất
bóng sông in trên mỗi đấu chiêm mùa.
Lang Liêu ở rừng
An Tiêm ra biển
cổ tích ngược xuôi theo những con thuyền
tôi hiểu vì sao chuyện cổ thường có hậu
dân tộc tôi hạ thủy giấc bình yên.
*
Tôi cúi xuống thời gian
nghe con sóng hóa thạch cùng lịch sử
trong mảnh buồm đã vỡ
có bước ấu thơ của ngọn gió nồm.
Tôi tin vào lửa
và tin vào giấc mơ màu đỏ
bổ ra từ vườn cổ tích của bà
những trái hè lăn lốc trên cát
Chẳng có gì gần hơn cát
biển tìm tôi theo dấu dã tràng...
Tôi một chấm hồng hoang
trong năm mươi người con của mẹ
theo cha đi về phía bể
lập trình tương lai!
Tôi một giọt Lạc Hồng
mẹ gieo trên bán đảo
vóc dáng Việt nhỏ nhoi, ngón chân cái hình lưỡi hái
gặt bóng mây trên cỏ mặt trời.
Tôi vẫn tin tôi là gió sông Hồng
là nước Cửu Long
là hồn Linh Giang đấy
tôi chảy bao đời như sông tuôn về biển
tôi hát bao đời như sông vì biển hát
tôi mồ hôi sông
tôi máu sông
tôi nước mắt sông...
Không thể nào không mặn, biển Đông ơi!
*
Đất nước có Phù Đổng
cơm nong cà vại nuôi anh hùng
nuôi chúng tôi cũng cơm cà của mẹ
mẹ dạy tôi biết tin cậy thánh thần
tôi từng làm Ông Gióng
ở một nơi rất xa Sóc Sơn
ngựa mo cau phi nhong nhong tuổi thơ
phì phò mây trắng
roi tre vun vút gió
“giặc” sạch làu, tôi nghe mẹ gọi
về ăn cơm, về ăn cơm...
Đất nước có Sọ Dừa
lông lốc đi chăn dê
lông lốc đi đánh giặc...
tôi từng ghé vào đảo đá để cứu nàng Ba
xinh đẹp hiền lành bé nhỏ
như em Hợi ở cạnh nhà mình
sau lễ cưới có rất nhiều hoa tía tô, chuồn chuồn và bươm bướm
tôi nghe mẹ gọi
về ăn cơm, về ăn cơm...
Đất nước có Trần Bình Trọng
không sợ gươm sắc giáo nhọn
mắng giặc xâm lăng sa sả
tôi từng làm quỷ nước Nam
không thèm làm vua đất Bắc
“quỷ con” nghe mẹ gọi
về ăn cơm, về ăn cơm...
Đất nước có Bế Văn Đàn
kê súng lên cao ngang tầm Điện Biên Phủ
ở một nơi rất xa Mường Thanh
tôi cũng làm giá súng
cho thằng bạn bắn bùm bùm
sau trận đánh giặc giả
mẹ gọi
về ăn cơm, về ăn cơm...
Ở bên cửa sông Gianh
tôi mượn mũ tai bèo, ba lô cóc của bố
qua sân nhà cu Tẹo
làm chú giải phóng quân
đuổi “giặc” chạy vòng quanh, vòng quanh
được mười vòng mẹ gọi
về ăn cơm, về ăn cơm...
*
Tôi nhớ chiếc kiềng ba chân
đặt trên sự bằng phẳng thôn quê
ăn củi ăn rạ
vẽ lên sự bập bùng êm ấm.
Nhà nông mong cầu êm ấm
trong ấm ngoài êm
không nói chuyện cao sang
chỉ thích láng giềng lành
để có nhau khi tắt đèn tối lửa
mua láng giềng là mua che chở
mua thuận hòa cho dậu mồng tơi
đèn nhà này sáng qua sân nhà ấy
ới nhau bát nước chè xanh
giỗ chạp chủ khách xếp bằng chiếu lác
cỗ ngon bởi câu mời thật
rượu rót từ ánh mắt trong veo...
Tôi yêu đất nước tôi nghèo nhưng trọng nghĩa
làm đức làm phúc mấy ai kể công
chỉ nhớ ơn người khác
trời cao biển rộng sánh lòng mẹ cha
nguồn nào cũng về mênh mông
giao hòa trong biển.
Đi hết sông là biển
trong bao la tôi vẫn gặp ru hời...
*
Sau đêm dài biền biệt
quả trứng tròn nở ra bình minh
hạ thủy
tấm chiếu son trải hồng trên biển
dập dờn bến
dập dờn thuyền
ò ó o
tiếng đảo
này chồng này vợ, lênh đênh.
Đêm trên sóng úp thìa
nghe biển dênh dang, nghe biển nồng nàn
thính giác mặn từng hồng cầu ngư phủ
những công dân biển cả
tượng hình trong thăm thẳm xa xăm.
Hạt gieo giữa muôn trùng biển biếc
đợi ngày thành quả ngọt
hoang vu thành xóm mạc
sum vầy lộng khơi.
Những thiên kỷ san hô đắp đảo
đảo thành Tổ quốc linh thiêng
cha đặt tên cho con
đất nước đặt tên cho đảo
đảo và con đều dòng giống Lạc Hồng!
Bên tâm bão con thuyền neo bán đảo
đất nước mình
thiên kỷ nào cũng hướng biển Đông
nước mắt thành sông
sông thành biển mặn
mẹ là quê ngóng đợi cha về.
Vọng mai sau tiếng chèo cắt sóng
và cánh buồm chửa gió phồng căng
hải trình xưa chấm sao đưa lấp lánh
đảo không còn vô danh…
Nhà thơ - Nhà báo Nguyễn Hữu Quý
Hội nhà văn Việt Nam - Hội nhà báo Việt Nam
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 16/06/2014
|