“CÓ VẠT NGỜI TÂY BẮC ĐẬU TRÊN VAI”
Triệu Lam Châu
Anh mang hồn Bài chòi của biển miền Trung (1)
Lên hát giữa Điện Biên lịch sử
Lần theo từng dấu chân những đoàn quân thuở ấy
Bấy năm ròng chói lọi giữa tâm can
Mùa xuân này lại bừng nở hoa ban
Trắng rộn rã khắp non ngàn Tây Bắc
Giọng Ing lả ơi, điệu xoè, điệu khắp (2)
Tự năm nào hoà tiếng kéo pháo: Hò dô…
Cô gái Thái chiều nay đẹp đến sững sờ
Tinh chất của non ngàn dồn tụ lại
Một ánh mắt, nụ cười tươi rói
Cứ gợi về thời mở đất xa xăm
Những trập trùng đèo núi Pha Đin
Những đồng Mường Thanh thơm lừng hồn Thái cổ
Những dập dìu tiếng sáo, đàn, tiếng pí (3)
Kết thành Sơn La – Điện Biên – Lai Châu, một dải biên thuỳ
Những ngày xưa thăm thẳm bước người đi
Gửi lại một trời ban Tây Bắc
Gửi lại một nụ cười trong veo như nước
Phía thượng nguồn lấp loáng ánh trăng soi
Điệu Bài chòi anh cứ rạo rực lòng người
Em gái của rừng ơi, ta lại xoè nữa nhé
Để ngày mai anh lại về cuối bể
Có vạt trăng ngời Tây Bắc đậu trên vai…
Mùa xuân Tây Bắc 2014
(1) Bài chòi: Hình thức hát dân ca ở miền Nam Trung bộ
(2) Ing lả ơi, điệu xoè, điệu khắp: Các hình thức hát dân ca và dân vũ ở Tây Bắc
(3) Pí: Một loại nhạc cụ ở Tây Bắc
ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN CỦA TRẦN VÂN HẠC:
Bài thơ có một cấu tứ lạ, hình ảnh Tây Bắc cùng Điện Biên lịch sử, hào hùng vừa mang âm hưởng của núi rừng Tây Bắc chan chứa bao nỗi niềm tâm huyết của nhà thơ, vừa mang hơi thở của những làn điệu dân ca miền Trung, nơi nhà thơ đang công tác hòa quyện, đan xen đem lại một hiệu quả thẩm mỹ trong sáng.
Nhà thơ trải lòng cùng nhân vật trữ tình: “Em” theo lối riêng của mình “Anh mang hồn Bài chòi…/ Lên hát giữa Điện Biên lịch sử”. Chiến thắng Điện Biên mở ra một trang sử mới cho cả dân tộc, tiếng hát mang “Hồn Bài chòi” ấy như một hòa ca của tâm hồn Việt. Nhà thơ “lần theo từng dấu chân” của “những đoàn quân thuở ấy” tiến về Điện Biên, trong đó có bàn chân của người cha yêu kính từng bị tù đày ở nhà tù Sơn La và người chú đã hy sinh trên chiến trường Điện Biên. Bao năm rồi nhà thơ khao khát được tìm trong thớ đá xám đâu dấu vân tay của người cha cùng bao đồng đội và dấu chân của người chú. Cái riêng và cái chung hòa quyện thật là tinh tế.
Mùa xuân Tây Bắc với sắc trắng hoa ban “rộn rã” cùng những điệu xòe, câu khắp “dập dìu tiếng sáo, đàn, tiếng pí” hôi hổi một sức sống như đua nhau thúc giục khoe sắc, đua hương, đâm chồi nẩy lộc trong nhịp sống mới hòa cùng tiếng hò kéo pháo “tự năm nào”. Câu thơ như nối liền hai cõi âm dương, linh hồn các chiến sĩ Điện Biên năm xưa hóa thân trong mỗi bước chuyển mình của dân tộc, trong mỗi con người, trong mỗi chồi xanh non tơ. Ý thơ được thúc đẩy lên một cung bậc mới khi bắt gặp hình ảnh “Cô gái Thái chiều nay đẹp đến sững sờ”. Vẻ đẹp thuần khiết: “Tinh chất của non ngàn dồn tụ lại”, vẻ đẹp tinh khôi giữa đất trời Tây Bắc như đem đến sinh lực cho muôn loài, tác giả như lạc vào miền cổ tích, “gợi về thời mở đất xa xăm”. Ý thơ: “Những đồng Mường Thanh thơm lừng hồn Thái cổ” sao mà sâu sắc đến thế, cuộc sống mới không chỉ ấm no hơn mà hồn cốt văn hóa dân tộc được trân trọng, giữ gìn và phát huy. Chính điều đó khi kết thành “một dải biên thuỳ” sẽ là lũy thép không kẻ thù nào phá được. Từ: “Gửi” được nhắc lại hai lần như một sự ký thác tin cẩn của thế hệ cha ông với thế hệ cháu con.
Điệu “Bài chòi” ngân lên ở khổ thơ cuối trong nồng say của vũ điệu xòe: “Để ngày mai anh lại về cuối bể”, chia tay Tây Bắc, chia tay Điện Biên “Có vạt trăng ngời Tây Bắc đậu trên vai…”. Hình tượng thơ thật đẹp, hình ảnh “vạt trăng ngời” và “đậu trên vai” kia phải chăng như tiếp thêm nghị lực, niềm tin trên đường đời không chỉ cho riêng tác giả.
Bài thơ nhẹ nhàng, chặt chẽ trong cấu tứ, mỗi câu thơ không chỉ có màu sắc, nhạc điệu mà có cả âm thanh rạo rực trước mùa xuân, chan chứa ân tình.
Hà Nội 5.2014, Trần Vân Hạc
BBT Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 23/05/2014
|