TRÊN BOONG TÀU HQ 996
28 tháng 4. Khi bờ bãi đã khuất sau đuôi tàu, cũng là lúc đêm buông xuống. Bốn phía biển mịt mùng một màu đen thẫm. Chợt nhớ, hôm nay là 29 tháng 3 ta. Không có trăng.
Tiếng máy tàu kêu vè vè. Nó dịu dàng, êm ái chứ không thét gào như tiếng máy tàu cánh ngầm!
Sau bữa cơm đầu tiên trên tàu, không thể gọi là bữa cơm đạm bạc được! Lại có cả một lon bia 333 cho khách. Mọi thứ không có gì để phàn nàn, để trách móc, để kêu ca cả!
Đến giờ này, tôi có thể đưa ra một lời khuyên, rằng, thưa các bạn, nếu cơ hội đến với bạn, bạn cứ hăng hái mà ra thăm đảo Trường Sa. Tôi đi được thì bạn cũng đi được!
Nhiều người bảo, “tháng ba bà già đi biển”. Tôi thầm nghĩ, chẳng biết đâu mà lần! Tính khi của biển, nó cũng giống như tính khí của phụ nữ khi thành vợ, nó êm ả hay nổi giận vô cớ lắm. Nhưng hôm nay, xin bạn hãy hình dung, biển êm ả và dễ thương như bà vợ nhà thơ vừa mua được mớ cá rẻ!
Đêm giao lưu văn nghệ trên boong tàu HQ 996 của “Đoàn công tác số 8” bắt đầu lúc 8h. Mặt boong tàu đủ rộng cho khoảng 200 người trải chiếu ngồi làm khán thính giả. (tổng diện tích mặt boong là gần 1000 mét vuông). Tiếc là, trời không trăng sao cho đêm biển thêm phần diễm ảo. Tuy vậy, bù lại, đêm tối trùm lên boong tàu lại cho ta cảm giác như đang ngồi trong phòng kín, như trong nhà hát ấm cúng chứ không phải đang hát giữa trời, giữa biển mênh mông.
Giàn âm thanh quá chuẩn! Nghe sướng cả lỗ tai!Tiếng máy tàu khẽ lặng, nhường cho tiếng hát, tiếng đàn vang ngân. Không khí này khiến tôi nhớ lại thời lính xa xăm. Thời ấy, sao mà hồn nhiên đẹp đẽ thế. Chẳng văn công, văn kẹo gì, lính hát và lính nghe. Những bài hát đầy khí phách anh hùng, lời ca như khẩu hiệu, vậy mà vẫn nghe say mê, cuốn hút đến lạ thường!
Lại có thể rút ra một điều, rằng, thưa các bạn! Tuổi trẻ là vô giá! Xin hãy vui vẻ! Dù bạn chẳng có gì ngoài tuổi trẻ cả!
MC cho đêm nay, là một nam ca sĩ của đoàn ca múa Khánh Hòa, và nhà thơ nữ Phạm Vân Anh xinh đẹp của đoàn Hội nhà văn VN. Thành thạo, chuyên nghiệp! Phần biểu diễn và phần giao lưu đều hay. Trưởng đoàn công tác - Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa quần cộc, áo thun phát biểu và hát. Phát biểu cũng được, ngắn và có lý, và hát cũng được, có giọng và biết hát. Lúc ở Cam Ranh, Văn Công Hùng gọi điện bảo, bí thư Khánh Hòa, trưởng đoàn, học Văn đại học Huế, với VCH. Mình thầm nghĩ, học một khóa rồi giờ làm to thiếu giống gì! Rõ là...!
Các sĩ quan, chiến sỹ tàu HQ 996, các đoàn công tác đều có người hát hay, đều có chuẩn bị tiết mục giao lưu văn nghệ. Nói chung, các tiết mục hát múa đạt trên mức văn nghệ quần chúng, chắc chắn thế, đấy là chưa kể còn 8 nhạc sỹ gạo cội, chưa tới phiên lên sân khấu, “gào” tác phẩm của mình nữa đấy!
Nhà văn Võ Thi Xuân Hà (FB Cầm Kỳ) trưởng đoàn nhà văn được mời lên giao lưu. MC Phạm Vân Anh “ca” chị Trưởng ban Nhà văn trẻ của mình nghe sướng cả lỗ tai. Võ Thị Xuân Hà nhanh trí, chuyển lửa sang đồng đội, “ca” một bài dài, đầy đủ danh tính của 10 nhà văn trong đoàn. Lại giới thiệu thêm, một nhà văn nữa, không trong đoàn, nhưng nổi tiếng, là mình. Chưa hết, Hà mời hết lên, cho cả đoàn công tác coi mắt. Hữu Việt và mình trốn, không lên. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đọc thơ, Nhà thơ Đặng Huy Giang đọc thơ. Cám ơn hai nhà thơ!
Lại có thể rút ra một kết luận, rằng, ở những buổi giao lưu thế này, cần phải dạn dĩ một chút, ào ào một chút, khôn quá, tỉnh quá cũng không hay lắm. Mình không lên sân khấu là vì, đang mặc quần cộc, thấy kỳ quá. Chứ không phải do khôn ! Võ Thị Xuân Hà nhanh nhẹn và lưu loát, có vẻ rất quen với lên sân khấu. Ở Hà, chất thi sĩ nhiều hơn chất văn sĩ. Nói trộm, những “ tên” văn xuôi thường khôn hơn những “tên” làm thơ.
Dù có còn trở lại Trường Sa nữa hay là không, thì đêm nay vẫn là đêm đáng nhớ. Gần 200 con người cả nước họp nhau trên boong tàu, họ đang gắn kết, tồn tại cùng nhau bằng một sự ngẫu nhiên hy hữu. Họ đang làm vui nhau. Họ đang quên hết mọi địa vị, mọi hoàn cảnh sống của mình trên bờ. Họ đang bay biến mọi ưu sầu thường nhật…Và vui vẻ. Và dễ gì mua được một đêm vui thế này, thưa các bạn!
Không sóng di động, không sóng 3G, chì còn có mối quan hệ trên chuyến hải hà không dễ ai cũng có được một lần trong đời này.
Cuộc đời cũng giống như một cuốn tiểu thuyết. Người viết nên những cuốn tiểu thuyết cuộc đời là tạo hóa. Có bao giờ có hai cuộc đời giống hệt nhau đâu! Con ong Chúa tuy được cung phụng, chuộng chiều, trong tháp ngà cung cấm nhưng, cuộc đời ong Chúa làm sao phóng khoáng, mơ mộng, phong phú được như con ong thợ. Ong Chúa có nhiệm vụ sinh đẻ, sản xuất ra lực lượng sản xuất. Nhưng, nếu cho mình được quyền lựa chọn, mình sẽ chọn làm kiếp ong “thường dân”, “ong thợ”, ngày ngày bay lượn trên những cánh đồng hoa, trong những khu rừng hương sắc... Há như thế chẳng tốt hơn làm ong Chúa hay sao! Trời chẳng để ai phải chịu thiệt thòi cả. Làm Chúa ong có cái sung sướng của Chúa ong, làm ong lính, ong dân có cái tự do bay bổng của mình do công việc lao động mang lại. Và hòa nhau cả thôi!
Khi một “chiến sỹ” to đùng lên sân khấu ca bài “Hành khúc ngày và đêm”, tất cả cùng đứng dậy, cùng hát và lặng lẽ rút lui. Lẫm chẫm bước xuống cầu thang, theo hành lang tàu về lại phòng mình. Nhìn xuống biển, mới hay con tàu đang xé sóng lao về phía trước, trực chỉ đảo Song Tử Tây, hành tiến!…
Nằm ôm máy láp-tốp vào lòng, gõ gõ… Mong có sóng là khoe ngay! Trường Sa ư! Tôi đã đặt chân tới đó rồi đấy! Nhưng đó là khi bài này lên FB, còn bây giờ thì chưa, bây giờ thì tàu đang lênh đênh, lênh đênh trên biển...
Đêm 28 và chiều 29/4 trên tàu HQ 996.
Nhà thơ Lê Huy Mậu
BBT Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 15/05/2014
|