Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  ĐẤT NƯỚC NHÌN TỪ BIỂN BỜ - Bài và ảnh Lê Bá Dương ĐẤT NƯỚC NHÌN TỪ BIỂN BỜ - Bài và ảnh Lê Bá Dương , Người xứ Nghệ Kiev
 

ĐẤT NƯỚC VIẾT TRONG NHỮNG NGÀY BIỂN ĐỘNG



Đất nước!
Tôi đã mở đầu mạch cảm xúc của mình bằng hai đại từ thiêng liêng đó khi hướng ống kính máy ảnh vào khoảnh khắc cuộc tiễn đưa các chiến sỹ ra làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Nhìn những người lính lần lượt bước qua khoảng cách mớp bờ cảng để lên boong tàu, chợt dào lên trong tôi ý nghĩ: Thì ra, cái khoảng cách giữa mớp bờ cảng với mớp boong tàu nối bằng khoảng cách một cái bắt tay cũng chính là khoảng cách giữa Đất và Nước. Ngỡ xa vậy mà hiện hữu trước mắt tôi thực gần. Rất gần! chỉ cần nửa tầm với, đủ để người đi ra biển với sóng và nước, người ở lại với bến, với bờ nắm tay nhau trong lưu luyến. Bởi ngoại trừ cánh nhà báo chúng tôi là khách theo hải trình ra thăm đảo rồi về theo tàu, còn lại những người trẻ trung líu tíu, hồn nhiên sau những cái bắt tay qua cái khoảng cách bến bờ đó là một khoảng thời gian 2 năm chẵn 730 ngày giữa trùng khơi biên đảo Tổ quốc.


Đất nước!
Đó là tiếng còi tàu kéo từng hồi dài trong thời khắc con tàu rời bến bờ ra biển. Trên boong tàu đang rùng rùng chờm ra cửa biển, những người lính của mọi miền quê Bắc Trung Nam kết vào nhau thành hàng huơ tay vẫy chào những đồng đội và người thân đang lưu luyến phía bến, phía bờ. Tiếng những người lính trên tàu vượt qua tiếng gió, tiếng máy mà oà lan vào không gian cảng vịnh: Chào đất mẹ!
Vâng, đã có một lời chào giản dị mà thiêng liêng như vậy của trong một chiều cuối năm. Và đó không chỉ là lời chào, bởi hơn thế còn là một lời thề của những người con dứt từ núm ruột của những bà mẹ Việt Nam trong hải trình ra làm nhiệm vụ nơi biên đảo Trường Sa - tuyến biên đảo chắn sóng phía cực đông, một phần máu thịt trong hình hài Tổ Quốc.


Đất nước!
Là đêm không ngủ với dư cảm của buổi chiều xa bến, xa bờ. Là buổi sáng ngày mới, biển bỗng oà ra mênh mang những sóng, những nước. Giữa bốn bề không gian biển khơi, ngẩng đầu hướng về phía trước, ta bỗng cảm nhận cái cảm giác được tựa vào sau lưng vững chãi những bến, những bờ. Để rồi, thay cho lời chào ngày mới giữa trùng khơi biển đảo, mỗi người lính bỗng đặt tay lên ngực trái mà hướng về phía bờ mà áp mình vào hình hài của Đất Nước thiêng liêng, hiền hiện mở ra theo chiều sóng nước khơi xa mà vẫn gần như bến, như bờ.


Đất nước!
Là một đêm chia thư của những người lính đảo Phan Vinh. Cả chiều đón tàu từ bờ ra đảo, ai cũng biết kèm theo gạo, mắm, rau trái là những lá thư gửi từ hậu phương gửi ra cho những người lính đảo. Biết vậy nên vừa bốc hàng lên đảo, vừa háo hức, nóng lòng chờ đến đêm cả đảo quây quần bên cột mốc chủ quyền dõi nghe đảo phó chính trị đọc tên từng người lên nhận thư. Thư riêng có tên người nhận sẽ giao đúng tên, đúng người. Đó là những người có may mắn như trúng số, còn những ai không có thư riêng thì niềm vui dĩ nhiên có giảm chút xíu khi được đọc tên lên nhận những lá thư hậu phương gửi chung cho những người ở đảo. Từng một thời... Đói cơm, đói cả thư nhà... trong chiến tranh trước đây đã giúp tôi cảm nhận đầy đủ và thấm thía về sự hoan hỉ, hồn nhiên của những người lính đảo qua câu chuyện được ghi lại bằng hình ảnh về một đêm chia thư giữa trùng khơi.


Đất nước!
Là một khoảnh khắc nhìn gương mặt cương nghị của người lính trẻ nổi trên nền lá cờ tổ quốc đã sờn bạc, ngạo nghễ ở điểm đảo Tóc Tan. Bất chợt nhớ lại trận chiến đấu trên cao điểm 544 ở tây bắc đường số 9 Quảng Trị vào tháng tháng 6 năm 1971. Tôi cùng 3 chiến sỹ của mình đối mặt với 2 đại đội bộ binh nguỵ. Suốt một ngày phơi lưng cho hàng chục đợt ném bom của không quân Mỹ cùng hàng trăm trái pháo cấp tập huỷ diệt trận địa. Những người lính chúng tôi đã đẩy lùi hàng chục cuộc tấn công của bọn địch đông gấp hàng trăm lần. Cuộc chiến không cân về lượng đã làm cả 4 chúng tôi bị thương nặng, cơ số đạn cũng chỉ còn cầm chừng. Trong tình thế ngặt nghèo, tôi đã lấy tấm ảnh Bác Hồ trong cuốn sổ tay và chấm máu viết vào lưng ảnh lời thề quyết tử rồi đưa cho lần lượt từng người hôn ảnh Bác, thề giữ chốt dến cùng.
Thời đó khi hôn di ảnh Bác Hồ, thực sự chúng tôi đã như được tựa vào hồn đất nước mà chấp nhận hy sinh. Và rồi tôi cũng đã từng nghĩ đó cũng là đỉnh điểm của sự ác liệt của chiến tranh. Bây giờ nhìn gương mặt người lính trẻ trên nền lá quốc kỳ giữa biển Đông, tôi mới chợt nhận ra rằng ngày đó, thế hệ chúng tôi chiến đấu tuy ác liệt gian nan là vậy. Song dẫu gì thì ở phía sau chúng tôi vẫn còn có đất để tựa vào mà chiến đấu. Còn bây giờ, người lính Trường Sa giữa biển khơi, trước mặt, sau lưng chỉ là mênh mông sóng biển. Cái duy nhất để người lính tựa vào mà sống chiến đấu chính là dáng hình Đất Nước hiện hữu trên nền cờ Tổ Quốc thiêng liêng.


Đất nước!
Đó cũng là câu chuyện tôi muốn kể về những cánh chim bồ câu hiền lành chao về tổ ấm trên đảo Sinh Tồn Đông chở theo “Khát vọng Trường Sa” Từng ở trong trận mạc đi ra, chiêm ngẫm và hiểu rõ về chiến tranh. Tôi hiểu cũng như thế hệ chúng tôi đã không một ai tự lựa chọn chiến tranh, bởi chính chiến tranh lựa chọn chúng tôi. Thế hệ đồng đội kế tục chúng tôi bây giờ ở Trường Sa cũng vậy. Chính Trường Sa lựa chọn họ để cầm súng chiến đấu vì khát vọng hoà bình...


Đất nước!
Là câu chuyện tôi chép lại trên doi cát uốn theo hình chữ S ở đảo Len Đao. Lạ thường vì cũng một dáng hình chữ S đó thôi, nhưng doi cát cứ quanh năm vần xoay quanh đảo. Mùa tháng tư, tháng năm, cát tụ theo hình chữ S ở phía Đông Bắc. Mùa giông gió cuối năm, hình hài Tổ quốc lại phát lộ hướng Tây Nam. Cứ vậy với một nhóm chiến sỹ đang đi tuần biển ở khúc eo thắt giữa hình hài đất nước như gợi nhớ khúc hành phương nam tráng hùng một thuở mang gươm đi giữ nước.


Đất nước!
Là bồng bềnh trên từng chuyến xuồng chuyển tải hàng cập đảo, mang theo những tấn hàng được gởi từ sau luỹ tre làng ra với biển khơi. Là niềm vui nhận được từ một trang báo đọc chung, một cánh thư gời gợi từ hậu phương kịp đến với các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên tuyến đảo chắn sóng nơi cực đông. Là những tíu tít dưới tán cây Phong Ba mỗi người một tay gói thành chiếc bánh chưng ngăn ngắt màu xanh quê nhà. Là chút hương trầm thơm bàn thờ tổ tiên, là lốm đốm sắc mai vàng tự làm từ những bàn tay những công dân giữ đảo. Và trên tất cả những nhộn nhịp, nao nức cuộc sống trên các làng đảo Trường Sa là những ca trực chiến ngày đêm với những gương mặt lính kiên hùng trên nền cờ tổ quốc bay ngạo nghễ thành điểm tựa hiện hữu giữa mênh mông 4 bề biển cả nơi tuyến biển đảo chắn sóng uốn mình theo chiều Đất Nước.

Hình ảnh: LỜI NGƯỜI GIỮ BIỂN
Rời bờ ra trấn biển xa
Cùng nuôi  khát vọng Trường Sa yên bình
Ngàn đời  giữ thế nhân tình
Nhưng khi buộc phải đao binh: sẵn sàng !
(Viết từ khoảnh khắc ở Sinh Tồn Đông - Trường Sa)

 

LỜI NGƯỜI GIỮ BIỂN

Rời bờ ra trấn biển xa
Cùng nuôi khát vọng Trường Sa yên bình
Ngàn đời giữ thế nhân tình
Nhưng khi buộc phải đao binh: sẵn sàng!

(Viết từ khoảnh khắc ở Sinh Tồn Đông - Trường Sa)

 

VIẾT TRONG NGÀY BIỂN KHÔNG YÊN

Ngày biển động, người trong bờ thức trắng
Phía biển khơi sóng cũng bạc đầu
Vẫn muốn bình yên, trời nhuộm xanh biển biếc
Mà rồi… tóc trời, mây cứ trắng phau phau

Nhà báo Lê Bá Dương - Văn phòng thường trú báo Văn hóa

      Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

BBT Báo Nguoixunghekiev.vn - Ngày đăng 13/05/2014


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65202998

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July