Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  ĐẢO SONG TỬ TÂY KÝ (Nhật ký Trường Sa của nhà thơ Lê Huy Mậu) ĐẢO SONG TỬ TÂY KÝ (Nhật ký Trường Sa của nhà thơ Lê Huy Mậu) , Người xứ Nghệ Kiev
 



Mờ sáng, ngày 30/4, tàu HQ 996 thả neo cách đảo Song Tử Tây chừng 100 m. Trong ánh bình minh rực rỡ, trước mũi tàu, đã thấy nhiều người cầm máy ảnh chờ sẵn. Hòn đảo đầu tiên mà đoàn công tác dừng chân trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là đảo Song Tử Tây. Trên mặt biển lặng sóng, hòn đảo trông tí hon như một bãi bồi, nổi lềnh bềnh trên mặt biển như một khóm bèo tây, độ cao chừng một mét hay một mét rưỡi là cùng. Ngọn hải đăng nhô cao, vững chãi giữa biển trời mênh mông, thấp thoáng mái ngói đỏ tươi, cột đèn chiếu sáng băng pin mặt trời bao quanh đảo, chong chóng điện mọc tua tủa, xa trông, đã thấy đảo phồn vinh và hiện đại.
Ca- nô lần lượt đưa đoàn công tác lên đảo. Những người lính hải quân đón đoàn trọng thị. Với họ, mỗi ngày có tàu từ đất liền cặp đảo là một ngày hội. Có thể sẽ chẳng có người thân nào của họ trên chuyến tàu ra, nhưng, mỗi người đến với đảo đều là một người thân . Một lời hỏi han động viên, một gói quà gửi từ đất liền đến đảo đều mang nặng nghĩa tình. Những người trên đảo, không đơn giản thuộc một đơn vị, một phiên chế công tác, một chức trách hành chính nào, mà họ đứng đây để khẳng định chủ quyền Việt Nam cho Tổ quốc!


Mới 8h mà nắng đã chói chang. Dưới cái nắng mùa hạ gay gắt, mọi người nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng. Không ở đâu lại thấy cảm động khi chào cờ tổ quốc như ở đây. Không có nhạc ghi âm quốc ca. Quốc ca hát bè, lỗ đỗ, người trước, người sau, người hát to, người hát bé, nhưng sao nghe xúc động thiêng liêng lạ thường!


Tôi chẳng ghi chép gì. Chụp hình cũng ít. Có cái iphone thì bỏ quên trên tàu. Máy ảnh xạc đã đời, tưởng đầy, hóa ra chụp mấy nhát là hết pin. Dạo quanh đảo, chân theo đoàn mà đầu để tận đẩu, tận đâu. Phong cảnh Song Tử Tây đẹp mơ màng. Cây Phong Ba, cây Tra, cây Bàng Vuông là những thứ cây chủ yếu trên đảo. Gốc cây cổ thụ. Có gốc một người ôm không xuể. Cây không cao, thậm chí nhiều cây bò trên cát, xòe nhành cây lên trời, tạo dáng như được nghệ nhân tạo dáng. Mùa này, hoa Phong Ba nở rộ. Màu hoa và màu lá gần giống nhau. Phải chăng, cây ở đảo nó hiểu rằng, nó phải nhờ gió mà thụ phấn, chứ ong bướm đâu đây mà cần sắc với hương!
Đảo Song Tử Tây có diện tích 1,2 ki lô mét vuông. Nhìn những công trình trên đảo, từ bờ kè bao quanh đảo, từ vịnh trú bão, hệ thống đường giao thông trên đảo, hệ thống phòng thủ chiến đấu vv…đủ thấy, cả nước đã dồn sức, dồn lực cho Trường Sa thân yêu biết nhường nào. Có thể nói, “Trường Sa gọi, cả nước đáp lời!” Tinh thần của thời chống Mỹ cứu nước khi xưa lại được thể hiện sinh động với biển đảo của Tổ quốc hôm nay.
Tôi ghé thăm một nhà dân đảo. Hai cháu là người Khánh Hòa. Có một con nhỏ 31 tháng tuổi. Hỏi đời sống thế nào? Dạ tạm đủ.! Gạo, thực phẩm, do đảo cung cấp và trừ vào lương. Hỏi nhà cháu có tivi, tủ lạnh không? Dạ, có đầy đủ! Căn nhà cấp 4, xây kiên cố, có hai phòng ngủ, một phòng khách, có nhà bếp riêng, có hầm dự trữ nước ngọt, có chỗ chăn nuôi gà vịt và cá, nguồn thực phẩm tự nhiên dồi dào, vô tận ở ngay trước mặt. Không nhớ lắm, hình như đảo Song Tử Tây có hai chục hộ gia đình, có nhà trẻ, nhà mẫu giáo và một lớp tiểu học. Lại chợt nghĩ, nếu chưa có chủ nghĩa cộng sản cho cả nước, thì cả nước lo cho xã đảo này lên chủ nghĩa cộng sản trước tiên.
Cái gì cũng vậy, hiếm thì quý. Với người dân xã đảo Song Tử Tây, cái quý nhất có lẽ là hàng xóm láng giềng. Bạn hãy hình dung, khi đoàn công tác về rồi, trên đảo, chỉ còn hai chục hộ dân, mà đa phần là những cặp vợ chồng trẻ, họ nương tựa vào nhau mà vượt qua cái khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng, gió bão giữa biển khơi. Tôi thầm nghĩ, hạnh phúc, hiểu theo một nghĩa nào đó, là “ núi rừng chỉ có hai người yêu nhau!”. Hoàn cảnh càng khắc nghiệt, con người càng gắn bó, thương yêu nhau hơn! Tôi biếu 2 cháu bịch cà phê mang theo và tập thơ. Tôi nói với các cháu: Sách ở đây không thiếu, nhưng đây là tình nghĩa, nó có chữ ký của “ông” các cháu ạ!, “ông” đề tặng tại nhà các cháu, tại xã đảo Song Tử Tây này đấy nhé!
Chúng tôi nghỉ trưa tại đảo. Không có phòng khách, bộ đôi nhường giường cho khách nghỉ trưa. Tôi và Định Hoàng (FB) đang lớ ngớ hỏi nhà Ban kỹ thuật chỗ nào, thì một thượng úy kéo vào nhà, chỉ cho 2 cái giường. Đi suốt ngày, mỏi mệt, được ngả lưng giây lát thật sung sướng. Một cháu đại úy về nhà sau, biết tôi là Lê Huy Mậu, cháu mừng lắm. Thì ra cháu ở lữ đoàn 171, đóng tại Vũng tàu. Cháu đang có vợ con tại Vũng tàu, bởi vậy, cháu “đọc” lý lịch tôi vanh vách. Tôi trăn trở không ngủ được, bèn xách cà phê, trà mang theo ra ngồi cùng các cháu . Cháu thượng úy, vội đi làm việc gì đó, tha thiết mong bác chép cho bài thơ vào sổ tay làm kỷ niệm. Và, trên cái bàn uống nước ngoài trời, dưới tán cây Phong Ba trên đảo Song Tử Tây, tôi ngồi chép nguyên bài thơ Khúc hát sông quê vào cuốn sổ nhỏ. Tự nhiên ríu tay, viết không được đẹp như mọi ngày, lại lính quýnh quên mất một đoạn dài, nhưng đành vậy! Cháu thượng úy tên gì tôi cũng còn chưa hỏi. Trong lúc tôi ngồi chép thơ, các cháu đem máy ảnh ra, thay nhau ngồi canh để chụp với bác nhà thơ làm kỷ niệm. Thật thương quá đi! Không biết rồi, đường đời vạn nẻo, tôi có được gặp lại các cháu nữa không? Thật khó mà biết được!
Trên hành trình chuyến đi thăm Trường Sa lần này, tôi cố tìm cái gì đó riêng cho mình để viết một bài thơ. Chất liệu sống ngồn ngộn. Nhưng chừng đó là chưa đủ. Để làm nên tác phẩm còn cần độ rung cảm của tâm hồn. Và lần này, tôi thấy mình như đứng trước một món nợ tình cảm với Trường Sa, trả được món nợ này thật không dễ một chút nào!
Từ Trường Sa, tôi nghĩ, biên cương không chỉ là lãnh thổ, biên cương còn là văn hóa. Mỗi người Viêt nam, đều phải bảo vệ, giữ gìn biên cương văn hóa Việt nam như các chiến sĩ ở Trường Sa đang bảo vệ, giữ gìn biên cương lãnh thổ của Tổ quốc trên biển Đông . Không biết có quá lên không, nhưng tôi nghĩ, văn hóa Việt Nam mở rộng tới đâu, thì biên cương của Tổ quốc Việt Nam sẽ mở ra tới đó!
Viết xong lúc 10h52 ngày 30/4 trên đường tới đảo Sơn Ca.

Theo Nhà thơ Lê Huy Mậu


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65202819

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July