TRƯỜNG CA “ĐIỆP KHÚC VÔ DANH” –
BỐN KHÚC “TỰ SỰ”.
Chào quý bạn!
Như đã tâm sự, trong những ngày đất nước ta đang chào đón những ngày kỷ niệm long trọng liên quan đến chiến công chống ngoại xâm, giành và giữ nước, tôi thực lòng muốn góp một tiếng nói gì đó về chủ đề tôn vinh vai trò của những con dân vô danh của Đất Việt, một chủ đề bất tận dành cho văn học, nghệ thuật.
Với ý thức ấy, từ năm 1983, tức là cách nay hơn 30 năm, tôi đã dành tâm huyết để viết bản trường ca nhan đề “Điệp khúc vô danh”.
Trường ca này gồm có bốn chương: Sơ sinh – Tuyên ngôn – Vô danh – Chân trời.
Mỗi chương như vậy, sau những chất liệu thơ chủ yếu, đề cập đến rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc của tôi về chủ đề chính của tác phẩm, ở phần cuối tôi đều kết bằng một phần thơ (chủ yếu là thơ lục bát) mà tôi đặt cho chúng một cái tên chung là “TỰ SỰ”. Có thể tạm coi những phần này như một thứ vĩ thanh của từng chương - tức là cái đuôi, cái phần vừa gói lại, vừa mở ra… và người viết được phép chạy lang thang, tùy hứng một chút!
Bây giờ, xin mời các bạn bắt đầu:
ĐIỆP KHÚC VÔ DANH
(trường ca – trích)
TỰ SỰ 1
Tôi là người lính vô danh
Tôi qua suốt cuộc chiến tranh trở về
Thân kề hòn đạn mũi lê
Ngực bên họng súng, chân kề rào gai
Áo xanh mấy độ sờn vai
Bao nhiêu nắng gió dặm dài tôi đi
Đâu dừng lại đấy là quê
Tóc xanh đi mãi đến khi bạc đầu
Tôi qua lũng thấp đèo cao
Cách mây treo một vì sao đỉnh rừng
Ngủ hầm hơi đất lạnh lưng
Bao nhiêu kỷ niệm thức cùng cỏ cây
Suối sâu thấm mạch đất dày
Nhớ thương là suối vơi đầy trong tôi
Từ khẩu súng đến vành nôi
Tuổi thơ đi ngược những lời mẹ ru
Cành xoan giấu tiếng chim gù
Khúc dân ca gió mùa thu... dặt dìu
Tôi mơ trên ổ rơm nghèo
Xót đau một thuở, khát khao ngàn đời
Biết bao gương mặt khóc cười
Vầng trăng sum họp, mặt người lìa xa
Lênh đênh thương kiếp ông bà
Nhọc nhằn thương nỗi mẹ cha đói nghèo
Tôi đi ngày tháng đi theo
Nhớ quê hát một câu chèo gặp quê
Buồn vui có lá rừng nghe
Võng giăng vách núi bờ khe tròng trành
Tôi là người lính vô danh
Mấy câu thơ chẳng làm thành tuổi tên
Cây rừng từ đất mọc lên
Tôi như cây giữa bốn bên bạn bè
Áp vào lòng đất tôi nghe
Bước chân một thuở vọng về hôm nay
Ai người trước đã qua đây
Thịt xương vùi dưới đất dày lãng quên
Bốn ngàn năm mấy khi yên
Bao người lính đã ngã trên đất này
Chín lần gươm báu trao tay (1)
Câu thơ cùng với bụi bay một màu
Rợp trời cờ đỏ đất nâu
Áo người ra trận nhuộm màu cỏ non
Xả thân nào tính mất còn
Chết rồi tay vẫn ôm tròn núi sông
Trước tôi bao lớp anh hùng
Sau tôi điệp điệp trùng trùng những ai
Suối sâu nối với sông dài
Tôi vô danh nối với người vô danh.
1983, A.N.
(1) Thơ Chinh phụ ngâm.
TỰ SỰ 2
Tôi là người lính vô danh
Tôi qua suốt cuộc chiến tranh trở về
Mùa thu ấy chúng tôi đi
Núi cao lũng thấp sá gì gian lao
Từ nay tôi có trên đầu
Một ngôi sao lửa sáng vào thời gian
Áo nâu đổi lấy áo chàm
Bập bùng bếp lửa nhà sàn chiến khu
Bắc Sơn núi khuất sương mù
Tiếng ai cùng gió mùa thu qua đèo
Tôi qua bao mái tranh nghèo
Mắt em mắt mẹ dõi theo tháng ngày
Hang đá nhỏ, lán tranh gầy
Những năm trứng nước, những ngày đầu tiên
Sau lưng sáng một ngọn đèn
Tôi – người lính gác chính quyền công nông
Đơn sơ một lá cờ hồng
Mà nghe muôn núi ngàn sông gọi về
Những người lính khắp trăm quê
Mũ nan súng kíp đầu che lá rừng
Đói cơm rách áo đã từng
Có khi cháo bẹ canh măng qua ngày
Bàn chân toạc máu không giày
Thanh kiếm cũ, khẩu súng dài thô sơ
Niềm riêng giấu dưới ba lô
Nhớ thương thì ngắm bóng cờ vàng sao
Tôi đi từ ấy Tân Trào
Bàn chân dẫm đã nát bao bốt đồn
Bàn chân thuộc hết lối mòn
Những triền núi dựng, những con sông dài
Bàn chân dẫm nát chông gai
Tôi mang sông núi trên vai nhọc nhằn
Như mang bóng mẹ yêu thương
Bóng cha với bóng quê hương đói nghèo
Tôi qua bao núi bao đèo
Đôi vai gánh nặng bấy nhiêu ân tình
Tôi là người lính vô danh
Mấy câu thơ chẳng làm thành tuổi tên
Mặt người thì lẫn với đêm
Tên tôi thì lẫn với tên bao người
Quê hương cách mấy phương trời
Hai đầu tuổi trẻ một thời đạn bom
Mười năm không biết ngủ dường
Bước chân thì ngắn con đường thì xa
Vầng trăng soi lá thư nhà
Tóc xanh tứ xứ hóa ra bạn bè
Những thằng lính trẻ xa quê
Bút nghiên xếp lại học nghề súng gươm
Mười năm bạn với cây rừng
Tuổi xuân thì lấy chiến trường làm quê
Nước còn giặc vẫn còn đi
Áo xanh áo lại thường khi bạc màu
Duy ngôi sao sáng trên đầu
Nắng mưa vẫn giữ một màu đỏ tươi
Như dòng máu tuổi đôi mươi
Chảy trong tim suốt một thời chiến tranh
Trải bao cay đắng ngọt lành
Trải bao sống chết mà thành tình yêu
Buồn vui đời lính dẫu nhiều
Mấy câu thơ nói được điều gì đâu
Suối dài nối với sông sâu
Tôi đi làm một nhịp cầu vô danh.
1983,
Nhà thơ Anh Ngọc - Hội nhà văn Việt Nam
|