Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  CẢM HỨNG TƯỢNG ĐÀI TRONG KHÁT VỌNG TRƯỜNG SƠN CỦA NGUYỄN HỮU QUÝ - Lời bình của nhà thơ Anh Ngọc CẢM HỨNG TƯỢNG ĐÀI TRONG KHÁT VỌNG TRƯỜNG SƠN CỦA NGUYỄN HỮU QUÝ - Lời bình của nhà thơ Anh Ngọc , Người xứ Nghệ Kiev
 


KHÁT VỌNG TRƯỜNG SƠN
Nguyễn Hữu Quý

          

               Ảnh nguồn Internet


Nằm kề nhau
Những nấm mộ giống nhau
Mười nghìn bát hương
Mười nghìn ngôi sao cháy
Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng
Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn
Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn
Mười nghìn đôi tay mở rừng xé núi
Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm
Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều...
Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão
Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh
Mười nghìn cơn mưa, mười nghìn cơn nắng
Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh
Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi
Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi
Mười nghìn vết đau, mười nghìn vòng trắng
Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần...
Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn
Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn
Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc
Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta
Mười nghìn con đò thương về bến đợi
Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...

Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa
Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn
Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương
Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng
Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...

Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!

N.H.Q.


Nếu tôi không nhầm, khu Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được khánh thành vào trung tuần tháng Tư năm 1977. Hôm đó, tôi may mắn được cùng các nhà thơ Phạm Tiến Duật và Phạm Ngọc Cảnh có mặt trong ngày lễ trọng đại này. Ngày lễ đón mười ngàn di cốt của các liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn về nằm bên nhau trong một Nghĩa trang chung ấy đã diễn ra vô cùng thiêng liêng và đầy cảm xúc. Nói như nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nôben, V. Xưmborxca: Những con số quá lớn thường gây cho ta cảm giác mơ hồ, khó nắm bắt và mất phương hướng... – con số mười ngàn nấm mộ dường như đã vượt quá sức hình dung của những bộ não bình thường như chúng tôi. Chỉ thấy chập chùng những nấm mộ giống hệt nhau như những viên gạch lớn, nằm san sát và bạt ngàn khắp các triền đồi miên man, bất tận. Những nấm mộ có tên hay không tên đều lẫn vào trong cái biển cả vô danh của những gạch đá, bê tông và cỏ cây hoa lá. Nếu có một hình ảnh gì có thể đủ sức gom hết ấn tượng của người viếng thăm vào một điểm thì đó chính là bức tượng đài đồ sộ, nơi chung đúc anh linh của tất cả những người đã khuất vào trong một hình bóng, một tư thế, một gương mặt thân thuộc và sống động của con người... Và nếu có ai đó muốn về thắp một nén nhang chung cho tất cả anh hồn các liệt sĩ, thì nén nhang đó cũng phải được thắp lên trong cái đài hương chung đặt dưới bức tượng đài.
Ở đây, nghệ thuật, bằng sức mạnh của thứ ngôn ngữ đặc thù đã làm được cái công việc to lớn và khó khăn là vừa khái quát hóa lại vừa cá thể hóa vào trong một hình tượng toàn bộ cái biển cả khổng lồ của cuộc sống, với hàng vạn vạn cuộc đời đã từng sống, từng yêu ghét buồn vui, từng chiến đấu và hy sinh trong một thời kỳ lịch sử hào hùng, bi tráng và dài dặc của dân tộc.
Tôi cho rằng nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khi đến thăm khu Nghĩa trang này và nhất là khi đặt bút viết bài thơ nói trên hẳn cũng luôn sống trong cái cảm hứng tượng đài như thế. Bởi vì, cũng như nghệ thuật tạo hình, thơ ca luôn phải đi từ cái toàn thể đến cái cá thể và lại từ cái cá thể chung đúc lên thành hồn vía của cái toàn thể - một quy luật sáng tạo thẩm mỹ thuộc loại bất biến và xưa như trái đất. Đề tài và chất liệu của bài thơ này chính là mảnh đất tốt nhất để Nguyễn Hữu Quý vận dụng quy luật sáng tạo này, và anh đã thực hiện nó một cách vừa hứng khởi vừa riết róng, chặt chẽ mà tươi tắn, cô đúc đến từng lời nhưng vẫn rộng mở cho trí tưởng tượng và tâm hồn bay bổng...
Nằm kề nhau
Những nấm mộ giống nhau

Với vẻn vẹn hai dòng mở đầu gồm tám âm tiết, nhà thơ đã làm xong cái việc giới thiệu mà tôi đã phải dài dòng nói tới ở trên kia: Ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ nhất của những ai đặt chân tới nơi đây chính là ấn ượng về số lượng. Một ngàn, mười ngàn, hay một trăm ngàn ở đây dường như không còn khác gì nhau. Tất cả là bạt ngàn, là vô tận trong mắt trong lòng người đến viếng. Và hỗ trợ cho cảm giác vô tận chính là sự giống nhau như đúc của các ngôi mộ. Đã nhiều mà còn giống nhau thì đó là sự thách thức với trí nhớ, với nhận thức, sự nhạt nhòa của cảm xúc, và như chúng ta vẫn nói – sự đơn điệu luôn là trở ngại thường trực của mọi thứ nghệ thuật. Bởi vậy, gần như ngay lập tức, người làm nghệ thuật, mà ở đây là nhà thơ, đã phải làm cái việc chuyển từ lượng sang chất, tức là thổi hồn vía vào cái khối bạt ngàn gạch đá im lặng ấy bằng cách liên tục làm sống lại những cuộc đời đang nằm dưới lòng đất kia mà mỗi cuộc đời sinh thời là cả một thế giới luôn sôi động và bất an:
Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn
Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn
Mười nghìn đôi tay mở rừng xẻ núi
Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm
Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều...
Những ngôi mộ thì giống nhau, nhưng những con người sống thì vừa có nét giống nhau dĩ nhiên, nhưng cũng vô hạn khác nhau:
Mười nghìn cơn mưa, mười nghìn cơn nắng
Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh
Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi
Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi
Mười nghìn vết đau, mười nghìn vòng trắng
Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần...

Cả bài thơ dài ba mươi câu thì chỉ trừ hai câu đầu, còn lại hai mươi tám câu đều mở đầu bằng một điệp khúc mười nghìn. Đây là một trường hợp hiếm có trong thơ nói chung và thơ Việt nói riêng. Nắm bắt được cái chủ tâm kín đáo của người viết khi triển khai cả bài thơ quanh chỉ một điệp ngữ, chúng ta sẽ có được cái chìa khóa để cảm thụ cả bài thơ. Ở đây, chính thực tế cuộc sống đã gợi mở cho người viết lối đi dường như duy nhất đúng: con số mười nghìn nấm mộ tự thân nó đã gồm trong đó cả số lượng và chất lượng của chất liệu thơ, ấn tượng to lớn về số đông chỉ cần được cụ thể hóa và cá thể hóa một cách cẩn trọng và tinh tế là đủ cho ta có được một sinh linh thơ trọn vẹn.
Và tác giả đã triển khai việc đắp da đắp thịt cho cái khung thơ dựng lên bởi một điệp ngữ vững chãi ấy một cách có thể nói là tối ưu. Với hai mươi tám câu thơ chắt lọc, nhà thơ đã đặt vào đấy những chất liệu sống tiêu biểu của đời sống và chiến đấu của các chiến sĩ Trường Sơn, vừa là đời sống cụ thể bên ngoài vừa là đời sống tâm hồn sâu thẳm bên trong, cũng gồm đủ những phấn đấu, hy sinh, lạc quan và mất mát, hy vọng và buồn tủi, phía trước và đàng sau. Chỉ hai mươi tám câu thơ, hai mươi tám ý tứ, hình ảnh được nhà thơ chọn đưa ra dường như đã đủ sức gợi mở cho ta không phải chỉ hai mươi tám trạng huống của cuộc sống và hồn người một thời Trường Sơn hùng vĩ, mà ngỡ như chất liệu ấy mở đến vô cùng, nói cho vui – theo tôi, nhà thơ hoàn toàn có thể cụ thể hóa cho cuộc đời của mười nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ dưới mười nghìn nấm mộ kia không ít hơn mười nghìn chi tiết thơ, mười nghìn chi tiết sống... mà không sợ thiếu ý tứ và ngôn từ, không sợ khô kiệt hay trùng lặp! Và trong khi cụ thể hóa cho con số lớn mười nghìn kia, chính là người viết cũng đã cá thể hóa cho đến tận mỗi số phận, mỗi cuộc đời đang vùi chôn dưới cỏ. Bởi vì, chẳng hạn, khi Nguyễn Hữu Quý nói tới mười nghìn cơn mưa, mười nghìn cơn nắng thì chúng ta cũng hiểu ngay rằng trên đời này chẳng có cơn mưa nào giống nhau, chẳng có màu nắng nào bất biến. Sự sống còn của cảm xúc thơ rốt cuộc chỉ có khi nó động được đến sợi giây thần kinh tinh vi nhất của những số phận con người riêng biệt và bé nhỏ. Và ở bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã động được đến nơi chốn ấy.
Để kết thúc bài viết, trở lại với đầu đề của bài thơ - khát vọng Trường Sơn, thực lòng chính tôi lúc thoạt đọc cũng chưa hiểu rồi ra người viết sẽ giải đáp cho câu hỏi lớn ấy như thế nào: Với những anh hồn liệt sĩ Trường Sơn, khát vọng đó là khát vọng gì vậy? Nếu đặt câu hỏi ấy ra cho mỗi một chúng ta, thì chắc câu trả lời sẽ muôn hình vạn trạng. Bằng mấy câu kết ngậm ngùi và se buồn, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, với sự nhạy cảm và đa cảm của một nhà thơ, sự thấu hiểu của một tấm lòng đồng đội và đồng điệu, đã nhẹ nhàng, và giản dị, rất giản dị, hé mở cho ta hay:
Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa
Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn
Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương
Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng
Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...


Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!

Vâng, giản dị thế thôi. Thác là thể phách, còn là tinh anh. Sự thấu tình đạt lý của lời thơ đã khiến ta không biết là ở đây người sống đang nói hộ người chết hay chính là tinh anh của những người đã khuất đang lên tiếng. Những con người đã sống bên nhau những tháng năm khốc liệt nhất của cuộc đời, đã chia nhau một vùng ánh sáng của lý tưởng, chia nhau sự sống, chia nhau cái chết, thì không còn gì có thể chia rẽ được họ nữa. Những anh linh ấy còn khát vọng gì hơn là được ở bên nhau mãi mãi trong cõi vĩnh hằng. Đó là cuộc đoàn tụ của những người đã khuất hòa trong cuộc đoàn tụ tâm linh bất giệt của những người đi trước với những người đang sống hôm nay và mãi mãi mai sau.

14-3-2008, nhà thơ Anh Ngọc

Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65205147

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July