Ảnh nguồn - Internet
Không phải ngẫu nhiên mà câu hát mở đầu cho hai ca khúc "Làng tôi" nổi tiếng đều có hình ảnh cây tre thân thuộc. Với Văn Cao là "Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung" còn Hồ Bắc thì lại là "Làng tôi xanh luỹ tre mờ xa, tình quê yêu thương những nếp nhà"... Thật thanh bình, đẹp đẽ biết bao nhiêu! Từ thuở thiếu thời tôi đã thuộc và hát vang hai ca khúc đó cùng với những áng văn mượt mà, đầy chất thơ trong tuỳ bút "Cây tre Việt Nam" của Thép Mới", trong bài thơ "Tre Việt Nam" của Nguyễn Duy. Sao Nguyễn Duy lại chọn thể thơ lục bát chứ không phải thể thơ nào khác để viết về cây tre? Phải chăng lục bát là quốc hồn, quốc tuý của dân tộc và cây tre lại là hình ảnh thân thuộc nhất, gần gũi nhất với con người Việt Nam?
Từ trong văn thơ, nhạc hoạ, từ thực tiễn cuộc sống, cây tre đã đi vào hồn tôi, một đứa trẻ trâu sau luỹ tre làng cho tới bây giờ trở thành người nửa quê, nửa phố. Còn đó tiếng mẹ, tiếng bà ru tôi bên chiếc nôi tre, võng tre kẽo kẹt giữa trưa hè. Và kia nữa, mấy con trâu cũng đang thảnh thơi nằm nhai bã trầu dưới bóng tre xanh mát rượi nơi đầu ngõ. Quên sao được tuổi thơ tôi vắt vẻo trên lưng trâu, bay bổng tiếng sáo tre, sáo trúc, rượt đuổi cánh diều lúc hoàng hôn những chỉ muốn lên chơi cùng chị Hằng chú Cuội. Cuối làng kia, đàn cò rủ nhau về tổ, đậu trắng cả ngọn tre, con bay lên, con đậu xuống tiếng cãi cọ nhau ầm ĩ cả góc làng. Đêm về, khi "trăng lên lùa cành tre, gió thổi tiếng ru hời"... là lúc cha tôi ung dung tự tại ngồi trên chiếc chõng tre rít điếu thuốc lào khoan khoái thả khói lên trời, ngắm trăng, ngắm sao mà trù tính việc cày bừa cấy hái. Lại nữa, cái không khí háo hức đón chờ Tết đến bằng việc tối tối cha ngồi chẻ lạt, mẹ ngồi nối lạt bánh chưng đọc câu ca dao "Lạt này gói bánh chưng xanh, Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng" thì chẳng bao giờ tôi quên được. Cái lạt tre ấy đã buộc chặt ký ức của tôi với làng.
Tôi lớn lên xa nhà đi công tác, hình ảnh luỹ tre làng vẫn chập chờn ẩn hiện trong giấc mơ của tôi. Mỗi lần về quê từ xa nhìn thấy luỹ tre xanh bao bọc xóm làng là tôi muốn chạy ào tới để được nằm khểnh vắt chân trên chiếc chõng tre, ngay dưới bới tre đầu ngõ mà thả hồn theo tiếng sáo tre, sáo trúc. Làng tôi ơi! Cây tre ơi! Sao mà đáng yêu đến thế!
Giờ đây về làng chẳng thấy bóng tre đâu! Nhà nọ nối tiếp nhà kia, mái bằng, tháp nhọn đủ kiểu. Thả bước trên con đường bê tông của làng, thấy làng quê thay đổi nhiều quá, trong sự mừng vui trong tôi thấp thoáng một nỗi buồn khó gọi thành tên. Tôi cảm thấy như thiêu thiếu một cái gì đó. Chẳng còn bờ tre, rặng chuối đâu nữa, thay vào đó là những bức tường xây kín cổng cao tường. Tre bị chặt phá gần hết để lấy đất xây cất nhà lầu, xây tường rào cắm những mảnh chai sắc nhọn. Chẳng thấy mẹ con con trâu nằm nhai bã trầu, lim dim đôi mắt, ve vảy cái đuôi dưới gốc tre hóng gió mát trưa hè sau một buổi cày bừa mệt nhọc. Cả đàn cò trắng nữa, chúng bay đâu hết cả rồi? Đâu rồi tiếng kẽo kẹt của tre mỗi khi những cơn gió thổi tới.
Tôi ngơ ngẩn ngắm những ngôi nhà hai ba tầng sừng sững kia mà thương cho những cánh dại trước hiên che mưa, chắn gió một thời? Cái chõng tre lâu năm lên nước nâu bóng loáng cũng không còn, thay vào đó là ghế gấp, giường gập các kiểu, các hãng. Cái cối xay tre giờ cũng đã thành cổ tích. Cầm sợi dây nilon để buộc các thứ mà tôi nhớ nao lòng cái lạt tre vàng óng trên gác bếp ngày ấy, nhớ cồn cào cái lạt dang gói bánh chưng xanh của mẹ ngày xưa. Mọi thứ tưởng đủ đầy sao vẫn cứ chênh chao?
Làng tôi giờ vắng lắm những bóng tre. Cây cối nhiều đấy, vườn tược có vẻ quy củ, gọn gàng đấy sao tôi vẫn cứ thấy nhớ cây tre. Những hôm trời nắng oi, làng tôi như một cục xi măng khổng lồ với cái nóng hầm hập. Lại khi bão lớn, gió cứ thông thốc thổi, hoành hành cả phố, cả làng. Những ngày đó, những người tuổi tôi bỗng nhớ luỹ tre xanh hơn bao giờ hết. Giá còn những luỹ tre che chở bao bọc xóm làng thì đâu đến nỗi oi bức, ngột ngạt hay nghiêng ngả trong gió bão như thế! Làng lên phố đồng nghĩa với sự thưa vắng của bóng tre xanh. Trong chói loá của những ngôi nhà khung nhôm kính, vẫn biết "sẽ quen dần với xi măng và cốt sắt" (Thép Mới), quy luật sẽ thế, phải thế song tôi cứ gọi hoài đâu rồi bóng tre?
Để cho đỡ nhớ tre, tự thấy mình lẩn thẩn quá, tôi đành lẩm nhẩm đọc lại trong đầu bài "Cây tre Việt Nam" của Thép Mới, ngâm nga điệu lục bát bài thơ "Cây tre" của Nguyễn Duy. Bất ngờ, giai điệu của ca khúc "Làng tôi" cũng vang lên từ hệ thống loa truyền thanh của phố. Hồ Bắc? Văn Cao? Không hề chi, miễn cứ có làng tôi xanh bóng tre là được. Ơi luỹ tre xanh! Niềm kiêu hãnh, tự hào của tôi!
Đỗ Xuân Thu - Hội LHVHNT Phú Thọ
Hội nhà báo Việt Nam
|