Ảnh minh họa - Internet
Lời dẫn: vào một đêm trung tuần tháng 6-1967, đang thời gian máy bay giặc Mỹ "leo thang" đưa chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc, NK tôi trên đường công tác ra Biên giới Việt -Lào (Chiến trường C: Sơn La- Sầm Nứa), trăng sáng ơi là sáng,vài tiếng chim Cú vọng, đường rừng núi vắng vẻ đến rợn người, chân thì đã rã rời, vai nặng ba lô, súng ngắn bên hông... rồi ngoắt vào một hẻm: một ô tô tải bịt mui đứng giữa đường, bên bãi cỏ ven đường là một chiến sĩ lái xe ngồi một mình đang ăn cơm nắm, NK tôi, tiện có bạn đường nên cũng ghé xuống giở cơm nắm ra ăn, rồi khẽ hỏi: "cậu chở gì về thế?"
-"tớ chở Liệt sĩ"... bất giác NK tôi thấy sởn tóc gáy! rồi cả 2 lặng lẽ ăn... Xong. chia tay: cậu ta lên xe nổ máy chạy về phía hậu phương, còn NK tiếp tục đi ra phía Mặt trận... Một "tứ"Thơ nảy lên trong đầu (Không biết mình có ngày về nữa hay chỉ là Gửi hồn về quê?). Cái "tứ" Thơ ấy, sau này Nhà văn Thái Doãn Hiểu biên soạn Bộ sách "Thi nhân Việt Nam hiện đại" đã lấy làm Đầu đề cho bài viết về Nhà thơ Nguyễn Khôi "Trai Đình Bảng gửi hồn về Kinh Bắc"... nay đã 47 năm, NK xin chép lại để bạn đọc cùng thưởng thức:
MIỀN QUÊ KINH BẮC
-----------
Đây miền quê Quan Họ
Qua sông Cầu để yêu
Xa sông Thương để nhớ
Dải yếm hong ráng chiều.
Đây dòng Tiêu sương mờ (1)
Chèo đò Trương Chi hát
Chiêng Trõ gọi trống Chờ (2)
Đợi ai trên Quán Dốc...
Pháo Đồng Kỵ vừa dứt
bổi hổi vào hội Lim
Đình Bảng nổi trống vật
Trai Yên Thế đua chen...
Ngực nào đầy ánh trăng
Môi nào trầu cắn chỉ
Ai đến hẹn lại lên
Đôi mắt đen đến thế!
Tôi đi bao miền quê
Ngày về trông xa lắc
bỗng gặp cánh chim chiều
Gửi hồn về Kinh Bắc.
---
(1) sông Tiêu Tương ở Tiên Sơn gắn với sự tích Trương Chi.
(2)Chiêng làng Trõ, trống làng Chờ, mõ làng Phù Lưu, khánh làng Đình Bảng là "tứ đại khí" của Kinh Bắc xưa.
Biên giới Việt - Lào 6/1967
Nhà thơ NGUYỄN KHÔI - Hội nhà văn Hà Nội
|