Tả Thân Vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn, được quần thần triều đình Nhà Tiền - Lê tôn vinh lên ngôi Hoàng đế (ngày qúy sửu, tháng mười năm kỷ dậu - 1009). Mùa thu, tháng 7 năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) từ thành Hoa Lư dời Đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên (có thể là những dải mây vàng như hiện nay thường xuất hiện vào những ngày mùa thu ở Hà Nội), nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long (rồng bay lên). Đổi châu Cổ Pháp gọi là phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư gọi là phủ Trường Yên, sông Bắc Giang (Đuống) gọi là sông Thiên Đức (cùng với sông Cầu gọi là Nguyệt Đức, sông Thương gọi là Nhật Đức).Những năm tháng sau đó là những năm tháng xây dựng đất nước Đại Việt với hùng khí Thăng Long mở đầu thời kỳ nghìn năm văn hiến ngày một hưng thịnh...Nhưng Thiền Sư Vạn Hạnh tuổi tác ngày một cao đến ngày rằm, tháng năm, năm Thuận Thiên thứ mười sáu (1025), Sư không bệnh , gọi học trò lại thuyết kệ:
Thị Đệ Tử
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Nghĩa là:
Bảo (dặn) học trò
Thân như chớp lóe có rồi không
Cây cối xuân tươi, tiết thu lại héo
Đã tu đến trình độ Nhậm vận thì không còn sợ hãi trước sự thịnh suy dời đổi
Thịnh suy như giọt sương đọng trên ngọn cỏ
Tạm dịch:
Bảo học trò
Thân như ánh chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu héo cong
Hiểu vận thịnh suy không sợ hãi
Như trên đầu cỏ hạt sương trong
Thuyết kệ xong , Sư còn tâm sự với các đệ tử" các con muốn đi đâu, về đâu?, thầy không lấy chỗ trụ để trụ , không nương vào chỗ không để trụ " - Sư nói xong giây lát thì tịch, thọ gần 95 tuổi (ta).
Bài thơ thị tịch này là một trong những bài thơ thiền nổi tiếng nhất của thơ ca Việt Nam, nó đúc kết cả một triết lý hành động mà suốt đời Vạn Hạnh theo đuổi.
"Kệ" là loại thơ của Phật, là một thể văn ở trong kinh Phật(người ta thường nói kinh kệ là thế) đó là lời tán tụng, răn bảo, dặn dò, khuyên nhủ - diễn dịch ý từ trong kinh ra "vận" với ý tưởng của người nói (viết ) là một bài văn (thơ) do Sư viên tịch để lại.
Bài kệ "Thị đệ tử" của Vạn Hạnh, kẻ đi qua cầu lịch sử quan 5 triều đại khác nhau từ Dương , Ngô, Đinh, Lê cho đến Lý.Cuộc đời của Thiền Sư đã kinh qua những cảm nhận của một nhà hiền triết, trí thức hàng đầu của thời đại.Sư vào đời bằng Nho , ở lại với đời bằng Lão và đã vươn lên tất cả bằng Phật Giáo.Ở Sư đó là sự tích hợp được tinh hoa của Nho-Phật-Lão giúp Thiền Sư hóa hợp được Tu và Hành gói trong một bản thể yêu mình là yêu người , tự giác là giác tha là thế.
Bài kệ tuy chỉ có bốn câu tứ tuyệt (ở thời điểm thế kỷ thứ X) ấy ở xứ ta chưa có mấy ai đạt như vậy.Bài thơ với 28 chữ, bốn câu hàm xúc vậy thôi mà chứa đủ cả triết cả thơ nắm hết được bí quyết của tạo hóa, hiểu được lẽ đời.Nói theo cách bây giờ là Nó có tư tưởng khai sáng, chỉ đạo mở ra một thời đại mới cho dân tộc.Câu đầu là một cái nhìn về chính bản thân con người xuất hiện trên mặt đất này đúng như một ánh chớp so với thời gian của vũ trụ thì chỉ là một cái lóe lên rồi tan biến(từ cát bụi trở về với cát bụi, từ hiện hữu lại tan biến vào cõi hư không) hình tượng thơ "tia chớp" vừa diễn tả tính tạm bợ (sống gửi ) ngắn ngủi của kiếp nhân sinh, đồng thời nó cũng biểu thị một nét cao sang có tính thần thánh của tia chớp vừa bừng bừng lóe sáng cả góc trời (mà sau này thi sỹ Xuân Diệu đã ao ước"thà một phút huy hoàng rồi chợt tối") thật là tâm đắc. Con người là vậy, nó vừa "bi" vừa "hùng" ở trên thế gian này.
Câu thứ 2 là một sự khái quát hóa về thế giới vạn vật của "đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" nói theo cách nói của thi sỹ Nguyễn Xuân Sanh , đây là cái nhìn(đã hiểu được) quy luật phát triển của thế giới tự nhiên tồn tại xung quanh ta (tươi - héo, sinh - tử là một tất yếu của sự sống).Cách nay 1000 năm mà hiểu được như vậy là rất duy vật, rất biện chứng không phải là dễ!
Câu 3, câu 4 là cái nhìn về quy luật phát triển của xã hội.Xã hội nào, triều đại nào (gia tộc nào) có thịnh rồi cũng có suy (một lẽ biến đổi của âm dương)... câu 3 là câu "chuyển" theo luật của Đường thi là câu quan trọng, chuyển là chuyển sang tứ mới, là câu đột biến... ở đây là "Nhậm vận thịnh suy" xưa nay các bản dịch thường bỏ qua hai chữ "Nhậm vân" là do không hiểu hoặc không dịch nổi câu này?
Nói theo Thiền Sư Thích Mãn Giác thì: Bài kệ "Thị Đệ Tử" với 2 chữ đã gói ghém cái bí quyết liễu ngộ, thành đạt Bồ Đề , ấy là cái bí quyết " Nhậm vận" của Sư. Theo Phật giáo thì thành quả hành Thiền đã được trình bày bóng bảy qua mười giai đoạn trong bức tranh chăn trâu (mục ngưu đồ) gồm mười cấp hành thiền là : Tầm ngưu, kiến tích , kiến ngưu, đắc ngưu, mục ngưu, kỵ ngưu, vọng ngưu tồn nhân (cấp 7 : Nhậm vận ) nhân ngưu cộng vong, độc chiếu (trở lại cội nguồn), song dẫn (xuôi tay nhập trần).
Ở Vạn Hạnh, hình như Sư đã tự đánh giá mình tu mới đạt tới cấp 7 của Thiền, còn 3 cấp nữa, Vạn Hạnh chưa đạt tới 3 cấp cuối cùng của Thiền là: tương vong, độc chiếu, và chân như. Phải chăng Sư chỉ muốn dừng lại cấp 7 của Thiền để Đạo và Đời hòa hợp, để có điều kiện cùng Triều Đình (phò Vua) và đồng bào (giúp đỡ chúng sinh) để cùng lo cái lo của thiên hạ, đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên Đại Việt độc lập - Thăng Long cất cánh rồng bay mở ra nghìn năm văn hiến.
Nhà thơ Nguyễn Khôi
Hội nhà văn Hà Nội - Hội VHDG Việt Nam
|