Vòng trắng
Ảnh nguồn - Internet
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang, vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.
8 - 1974
(in lần đầu trên tạp chí Thanh niên)
PHẠM TIẾN DUẬT
Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI
Bài thơ ra đời gây sự bất ngờ không nhỏ với nhiều bạn đọc vốn yêu thơ Phạm Tiến Duật trong chiến tranh. Quả vậy, khi một tác giả được biết đến với những câu thơ ngời ngời khí thế lạc quan và hăm hở mùi chiến trận: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm/… Xe không kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung…v.v..." Vậy mà nay đột nhiên người ta gặp một bài thơ nói về cái chết, mà lại là "cái chết do chiến tranh" với tính phủ định cao thì tránh sao khỏi ngỡ ngàng, thậm chí thất vọng.
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh
Thơ được cấu tứ từ sự đăng đối hình ảnh của hai màu "đen, trắng" trong một cái "vòng" tạo bởi khói bom. Sự tương phản trắng - đen, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ở đây không gây bất ngờ cho nhận thức, điều bất ngờ chỉ đến với sự xác nhận hậu quả và tính giá trị sau đó. Nói vậy bởi có thời kỳ, trong đời sống xã hội con người, làm việc và chiến đấu chỉ cần với "niềm tin vào ngày mai" mà không cần phải biết "niềm tin" đó đến từ đâu, ngày mai đó, thực chất như thế nào, có cần cho mình không? Cũng bởi vậy, ngay cả trước cái "vòng trắng" chết chóc kia thường cũng được xem "nhẹ tựa lông hồng"… Rồi câu thơ "Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh" xuất hiện, báo hiệu có gì đó bất bình thường. Vì sao? Vì ngay sau đó là cả một vấn đề: "Có mất mát nào lớn bằng cái chết" (?) Câu thơ này mang trong nó hai năng lục khẳng định và phủ định. Đúng là trong đời - sống thì không có mất mát nào lớn bằng cái chết; lại thêm một phủ định: "Khăn tang, vòng tròn như một số không", tới đây tư tưởng thơ lộ rõ, tính lưỡng lự trong việc tiếp cận, lý giải chân giá trị đã không còn nữa. Câu thơ dường như một khẳng định giá trị, là bằng: "không"! Qủa vậy, thật khó có lương tri nào lại không nhiều trăn trở khi định đoạt "giá trị" trên những "vòng trắng" chết chóc của con người! Bởi nhận thức vậy, tác giả mới tiến tới một phẫn nộ, dự báo khi hạ bút kết bài:
Là cái đầu bốc lửa bên trong
Để có được chuyển đổi nhận thức này tác giả, và có thể nói, chúng ta đã phải đi qua nhiều mất mát đau thương, với quãng thời gian không hề ngắn. Bài thơ với những câu thơ có tính phủ định, và sức gợi mở cao nhằm tiếp cận lại vấn đề, bản chất của chiến tranh, giá trị mai hậu của chiến thắng, như trường hợp bài Vòng trắng của người thi sỹ - chiến sỹ lừng danh Phạm Tiến Duật, người vừa bước ra từ hào quang chiến trường (1974), thực là quá bất ngờ, hiếm gặp ở thời điểm đó.
Lẽ thường với sự xuất hiện sáng tác mang trong nó quan điểm nhận thức hoàn toàn mới lạ với quan điểm nhận thức vốn có ở một tác giả đã thành danh, có tư tưởng nghệ thuật, thì đây phải là một mốc giới đánh dấu một lộ trình thi pháp, tư tưởng khác biệt sẽ đến. Vậy sao với trường hợp nhà thơ Phạm Tiến Duật điều đó đã không xẩy ra, bài thơ Vòng trắng chỉ dừng lại sự xuất hiện đơn độc, như một ánh chớp chợt loé lên rồi tắt lịm vào âm u thăm thẳm, hơn thế, về mặt chính trị xã hội với tác giả thì bài thơ lại mang đến những phiền tạp không nhỏ?
Để giải quyết căn rễ điều này, vấn đề gặp phải là rất rộng, mang tính hệ thống, thời đại, ở phạm vi hẹp trong hành trang nghệ thuật một tác giả, một số phận con người, nó chỉ nằm ở chữ tài năng và bản lĩnh nghệ thuật.
ĐTK
|