BÂY GIỜ ĐÃ CUỐI MÙA ĐÔNG
Bây giờ đang cuối mùa đông
Làng bao cô gái lấy chồng đi xa
Chút chiều hoa nắng ngõ nhà
Tôi đi, tôi đứng để mà vu vơ.
Bây giờ lấm tấm lộc mơ
Lưa thưa lộc khế, lơ thơ lộc đào
Tình tôi có chút lộc nào
Nẩy xanh qua tiếng thét gào bão mưa
Bây giờ cải đã thành dưa
Làng bao cô gái cũng vừa lớn lên
Ra đường gặp tiếng xưng “em”
Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau.
Thế rồi ngày tháng qua mau
Lại nghe pháo nổ ở sau ngõ mình
Chồng em có ở xóm đình
Để tôi tránh lối rập rình đón dâu…
Cuối đông, 1983
NGUYỄN QUANG THIỀU
Lời bình NGUYỄN HỮU QUÝ:
Bây giờ đang cuối mùa đông. Mùa cưới. Mùa những cô gái "theo chồng bỏ cuộc chơi" như trong xa xăm của thơ Hàn Mặc Tử, mùa bâng khuâng tiếc nuối của các chàng trai như trong xốn xang Nguyễn Bính "Từ ngày cô đi lấy chồng/ Gớm sao có một quãng đồng mà xa/ Bờ rào cây bưởi không hoa/Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo". Và nay, lại đến một Nguyễn Quang Thiều cũng đầy tâm trạng khi "Làng bao cô gái lấy chồng đi xa".
Những người bạn gái thôn quê, chắc cùng từng lê la đuổi bướm hái hoa thời thơ ấu và biết đâu cái bím tóc đuôi gà tuổi dậy thì cũng đã từng làm cho cậu bé vỡ giọng tương tư mơ tưởng ngày nào nay đã thuộc về ai khác nên khi ngó "Chút chiều hoa nắng ngõ nhà" mới "Tôi đi, tôi đứng để mà vu vơ". Hết đi lại đứng, vu vu vơ vơ kiểu này nếu không mong thầm nhớ trộm thì cũng tiếc nuối bồi hồi.
Bây giờ đang cuối mùa đông. Xuân chưa về nên trong se lạnh gió mùa mới chỉ có lấm tấm lộc mơ và lưa thưa lộc khế rồi lơ thơ lộc đào. Mơ, khế, đào toàn thứ trái hoa con gái thích cả. Chao ôi, nhìn cây lại nhớ người, trông cảnh thêm buồn và ngẫm ra trong chuyện tình duyên này thì hình như mình không phải là người tốt duyên, may mắn. Thế mới có chút bùi ngùi đáng yêu: "Tình tôi có chút lộc nào/ Nẩy xanh qua tiếng thét gào bão mưa". Cái lộc yêu của mình, nếu có chút nào đó thì cũng bật lên từ muôn vàn giông tố cuộc đời. Truân chuyên, nhọc nhằn và muôn vàn nghiệt ngã.
Bây giờ… “Tiếng thở dài” lặp lại trước những thổn thức giải bày không giấu nổi được buông ra: "Bây giờ cải đã thành dưa/ Làng bao cô gái cũng vừa lớn lên/ Ra đường gặp tiếng xưng “em”/ Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau". Đã thành niên, đã đặt chân vào chặng đầu đời với thật nhiều khát khao và mộng mơ rồi đó nhưng xem ra trong chuyện yêu đương chàng trai này vẫn còn quá lộc ngộc vụng về nên mới phải lẻ loi cô đơn như vậy. Từng đêm, từng đêm đi qua, bên lề những xôn xao lứa đôi, những nõn nà óng nuột, lặng lẽ tôi, âm thầm tôi với ngọn đèn nhìn nhau. Chợt nhơ nhớ ca dao "Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt…" Ngọn lửa đèn mang những tâm sự yêu dấu của người con trai chưa gặp duyên lành.
Bây giờ đang cuối mùa đông. Mùa cưới rộn rã tưng bừng. Hết đám này đến đám khác. Ngày tháng trôi nhanh, các cô bé kịp lớn thành cô gái và theo dòng chảy ào ạt của cuộc sống cô bé ngày xưa ấy, cô gái bây giờ ấy lại nối tiếp đàn chị mình “sang ngang”. Thêm một cô láng giềng đi lấy chồng. Lại thêm những bâng khuâng khó tả. "Thế rồi ngày tháng qua mau/ Lại nghe pháo nổ ở sau ngõ mình". Tiếng pháo cưới giòn vang vọng qua nhà chàng trai và ai bảo rằng nó không làm cho chàng trai có đôi chút ghen thầm: "Chồng em có ở xóm đình/ Để tôi tránh lối rập rình đón dâu…"
Chuyện lấy vợ lấy chồng thực ra chả có gì mới, nó cũ xưa như trái đất nhưng bao giờ, thời nào cũng chứa đựng những ràng buộc díu dan dùng dằng bí ẩn. Đến được với nhau và sống được với nhau âu cũng là duyên phận. Đố ai tránh được duyên phận của mình. Biết thế, biết vậy mà sao lòng người không phẳng lặng được khi "Làng bao cô gái lấy chồng đi xa" như Nguyễn Quang Thiều thể hiện trong bài thơ lục bát mang nhiều âm hưởng ca dao này.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hữu Quý -
Hội nhà văn Việt Nam - Hội nhà báo Việt Nam
|