Ngoài tập văn xuôi "Đảo chìm" được tái bản hàng chục lần, Trần Đăng Khoa có chùm thơ về biển đảo khá ấn tượng với "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn", "Lính đảo hát tình ca trên đảo", "Đồng đội tôi ở đảo Thuyền Chài" và "Thơ tình người lính biển". Trong đó, tôi thích nhất vẫn là "Thơ tình người lính biển" dù cái “tứ”, cũng là câu hay nhất của bài: "Biển một bên và em một bên" nguyên gốc hoàn toàn không phải của Trần Đăng Khoa. Nhà thơ Tế Hanh, từ trước đã có bài thơ "Sóng" gồm 4 câu thế này: "Biển một bên, em một bên/ Ta đi trên bãi cát êm đềm/ Thân buông theo gió hồn theo mộng/ Sóng biển vào anh với sóng em". (In trong tập Theo nhịp tháng ngày, năm 1974)
Bám theo cái “tứ” tuyệt vời đó, Trần Đăng Khoa đã khai triển thành một thi phẩm trữ tình sâu lắng, với những hình ảnh đẹp về người lính biển. Ta cùng đọc lại bài thơ đó:
Ảnh minh họa - Internet
THƠ TÌNH NGƯỜI LÍNH BIỂN
Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên…
Biển ồn ào, anh lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên…
Ảnh minh họa - Internet
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên…
Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên
Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên…
Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên…
Ảnh minh họa - Internet
Mở đầu bài thơ là cảnh chia tay giữa chàng lính biển tuổi còn rất trẻ với người yêu của mình. Họ rảo bước bên nhau trên bến cảng, dưới những vầng mây treo ngang trời những cánh buồm trắng. Trong mắt người lính thủy sắp ra với mênh mang biển cả mây trời giống như cánh buồm trắng phiêu du. Phút ra khơi của người lính càng lãng mạn hơn khi anh được đi dạo giữa biển và em. Hạnh phúc thật đơn sơ nhưng cũng rất hiếm hoi với người lính biển. Từ khoảnh khắc dịu dàng đó lời ca yêu dấu đã ngân lên: "Biển một bên và em một bên"... Sau dấu chấm lửng sẽ có rất nhiều điều chưa nói ra, là khoảng không gian bao la, là những tháng ngày xa cách biền biệt của đôi lứa.
Biển và em ở bên anh, một ồn ào và một dịu êm nhưng đều gần gũi thân thiết với người lính. Biển, đấy là Tổ quốc; em, đấy là Tình yêu - cái rộng lớn và cái nhỏ bé - đều cùng vun đắp cho anh những yêu dấu, niềm tin và khát vọng. Lưu vào trái tim người lính biển hình ảnh "Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ". Bên chân sóng ồn ào, người lính không nghe rõ lời em nói chỉ thấy nụ cười khiêm lặng của cô gái. Phảng phất nét buồn xao xuyến của người ở lại. Người lính đi giữa hai gần gũi thân yêu, giữa chung và riêng: biển (Tổ quốc) và em để trong bâng khuâng xao xuyến hóa thân thành "con tàu lắng sóng từ hai phía". Thêm lần nữa trái tim người lính ngân lên câu: "Biển một bên và em một bên…"
Như bao thế hệ đi trước, người lính hôm nay vẫn phải gánh vác nghĩa vụ giữ gìn bảo vệ Đất nước. Tổ quốc là dải đất cong cong hình chữ S cùng với biển đảo mênh mang xấp xỉ triệu cây số vuông và bầu trời bao la vời vợi. Tổ quốc sau hàng chục năm chinh chiến chống giặc ngoại xâm đã có độc lập tự do hòa bình nhưng vẫn gian nan, chưa yên hàn bởi còn có thế lực ngoại bang cậy mạnh cậy giàu tham lam nhòm ngó toan tính. Mang trong mình tình yêu Đất nước và cả tình yêu đôi lứa nồng nàn, trong trẻo những người lính biển ra khơi, có mặt trên tàu, trên đảo nổi, đảo chìm gác canh giữ gìn bờ cõi: "Ngày mai/ ngày mai khi thành phố lên đèn/ Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc/ Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc/ Biển một bên và em một bên…/ Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên/ Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên…"Theo tôi, đây chính là phần hay nhất của bài thơ. Hai khổ thơ có những thi ảnh vô cùng ấn tượng; tràn đầy cảm xúc: vừa sâu lắng vừa mãnh liệt; giàu nhạc tính: khi vút cao, khi trầm lặng, khi nhanh, khi chậm để rồi mở ra mênh mang da diết với điệp câu "Biển một bên và em một bên". Biển đảo đấy, giữa thời bình đã mặn thêm bao nước mắt và máu của nhân dân và người lính. Có thêm bao người dân, người lính bị bão tố dập vùi, bị kẻ xâm lấn bắn chết khi bám trụ trên biển đảo xa xôi. Phải thấm đau thương với nhân dân, với đồng đội đến độ nào mới viết được câu thơ xoáy xiết thế này: "Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng". Và, không thể không tâm phục kiểu chấm câu (ngắt nhịp) như: "Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng" của Trần Đăng Khoa. Có thể viết: “Anh đứng gác, trời khuya, đảo vắng” lắm chứ nhưng cách dùng dấu chấm của Khoa rõ ràng có hiệu quả biểu cảm hơn. Khoảng lặng giữa các khóm từ kéo dài ra, lâu và sâu hơn như tình cảm của người lính biển vậy.
Đồng hành cùng anh, hôm nay và mai sau, mãi mãi vẫn là tình yêu Đất nước và tình yêu em. Dù có thể xảy ra biến cố gì chăng nữa thì tình yêu ấy vẫn mãi mãi tồn tại, vẫn xanh tươi nảy nở trong anh. Đó là tình yêu vĩnh hằng thiêng liêng của người lính biển, giúp anh vượt qua muôn vàn gian nan thử thách. Tình yêu ấy làm cho anh không bao giờ cô độc, trái lại Tổ quốc và em luôn ở bên anh, trong anh: "Vòm trời kia có thể sẽ không em/ Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ/Cho dù thế thì anh vẫn nhớ/ Biển một bên và em một bên…"
Muốn nói thêm một chút sự giống và khác giữa hai câu thơ của Tế Hanh và Trần Đăng Khoa. Tế Hanh: "Biển một bên, em một bên". Trần Đăng Khoa: "Biển một bên và em một bên". Có thể nói ý nghĩa chung, bao trùm của cả hai câu thơ là khá giống nhau nếu tách riêng ra. Cũng nói về tình yêu, cũng có các đối tượng biển và em trong đó. Nhưng theo tôi, cái đích của Tế Hanh nhằm tới chỉ là em, chỉ là tình yêu trai gái. Còn Trần Đăng Khoa khi đặt trong toàn bài với sự lặp lại ở cuối mỗi khổ câu "Biển một bên và em một bên" thì tình yêu ấy bao gồm cả tình yêu Tổ quốc và tình yêu đôi lứa. Biển không còn là một đối tượng miêu tả đơn thuần nữa mà biển đã thành biểu tượng của Tổ quốc. Biển của Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên, biển của những người lính nơi thăm thẳm nước trời và dưới những chùm sao xa lắc… Khác nhau thêm ở chỗ một dấu phẩy và một chữ "và". "Biển một bên, em một bên" hình như đang có một chút ngăn cách ngập ngừng nào đó. "Biển một bên và em một bên" thì có vẻ như đã gần gũi thân thiết lắm rồi. Liên từ "và" nối hai nhân vật biển và em lại với nhau trong mối đồng cảm xuyên thông chia sẻ chung riêng nhất quán. Tuy vậy, tôi nghĩ, nếu cẩn trọng hơn thì Trần Đăng Khoa khi in bài thơ này nên chú thích dưới câu thơ "Biển một bên và em một bên" là dựa theo câu thơ "Biển một bên, em một bên" của Tế Hanh.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hữu Quý
Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam
MỜI QUÝ VỊ NGHE CA KHÚC:
THƠ TÌNH NGƯỜI LÍNH BIỂN -
Sáng tác Phan Huỳnh Điểu
Thơ Trần Đăng Khoa, trình bày ca sỹ Trọng Tấn:
http://www.youtube.com/watch?v=3dqDG7faaM4
Nguồn YouTube
|