Đặng Bá Tiến (Nhân đọc tập thơ Giọt nắng Cao nguyên – NXB Hội Nhà văn – của Nguyễn Duy Xuân)
Yêu nàng thơ đắm đuối từ thuở còn là sinh viên; bắt đầu run rẩy cảm xúc và trải lòng bằng những dòng thơ giản dị, mộc mạc cũng đã 30 năm có lẻ; đã có thơ in rải rác trên báo chí trung ương và địa phương và trong các tuyển tập thơ (như Lục bát tự chọn, Sáu và tám…) kể cũng đã vài mươi năm; nhưng đến cuối năm 2013, Nguyễn Duy Xuân mới cho ra mắt tập thơ riêng đầu tiên mang tên Giọt nắng Cao nguyên – một đứa con tinh thần mà anh đã ấp ủ, thai nghén với biết bao tình cảm và hy vọng. Vì vậy, có thể nói Giọt nắng Cao nguyên cũng là những Giọt tình – những giọt tình của chính anh, được chắt lọc qua biết bao năm tháng, qua biết bao trải nghiệm về vợ con, bạn bè, nghề nghiệp, cuộc đời với bộn bề những lo toan, vui, buồn thế sự.
*
Là người sống chân thật, giàu lòng yêu thương, luôn luôn trân trọng những gì gần gũi thân thuộc nhất, dĩ nhiên đầu tiên và bao giờ Nguyễn Duy Xuân cũng dành những dòng thơ chứa chan tình cảm của mình về cha mẹ, vợ con, bản quán của mình. Và vì vậy ở mảng thơ này Nguyễn Duy Xuân có nhiều bài thơ, câu thơ làm ta xúc động thực sự.
Trở về cái thuở trong nôi
Bàn tay mẹ ấm nụ cười yêu thương
Nửa đời tóc ngả màu sương
Vẫn yêu cái thuở vịn giường tập đi…
(Trở về với mẹ ta thôi)
Ấy là khi anh viết về mẹ, vừa là cội nguồn của đời ta, vừa là người nâng đỡ, cho ta “vịn” để đứng vững và tiến bước suốt cả cuộc đời. Còn khi anh viết về vợ:
Tảo tần mua ngược bán xuôi
Khi cân gạo, lúc rổ khoai, mớ cà
Tối về bánh trái bày ra
Chong đèn bán gạo sương sa mái đầu…
(Vợ tôi)
Ai đã sống qua những năm tháng đất nước chưa đổi mới, ắt sẽ thấu hiểu tận gan ruột những câu thơ tự sự về cái thời gian khổ đang bao trùm và len lỏi vào mọi nhà, mọi người; và trong nỗi gian khổ chung đó, thì những người mẹ, những người vợ vẫn là những người gian khổ, cực nhọc nhất. Họ không chỉ phải làm chức năng thông thường của người mẹ, người vợ, mà nhiều người còn phải gồng gánh cả chức năng của một “đầu tàu” kéo cả đoàn tàu gia đình vượt qua con dốc thời cuộc đầy khốn khó. Vì thế những câu thơ trên tuy mộc mạc, nhưng thấm đẫm tình cảm, tình thương của người chồng đối với vợ và còn sâu nặng hơn thế, đó là sự tri ân, khiến ta rơi nước mắt.
Là người con quê Bác (Nam Đàn, Nghệ An), từ đáy lòng của Nguyễn Duy Xuân luôn luôn dạt dào tình cảm kính trọng, yêu thương và tự hào đối với Bác và quê Bác:
Sáng hè nắng đẹp làm sao
Xanh trên nhà Bác trời cao, mây hồng
Lặng nhìn giếng Cốc xanh trong
Bao nhiêu suối mát khơi dòng từ đây!
(Thăm quê Bác)
“Bao nhiêu suối mát khơi dòng từ đây!” là một câu thơ có tính khái quát cao, thể hiện được cảm xúc của tác giả, gợi cho người đọc nhiều ngẫm nghĩ về cuộc đời của Bác, về công lao của Bác đối với đất nước, dân tộc, gợi ta nhớ về câu thành ngữ ngàn đời của cha ông “uống nước nhớ nguồn”; qua đó, ta càng thấm thía hơn ơn nghĩa của Bác với đất nước, quê hương.
Bìa sách Giọt nắng Cao nguyên của Nguyễn Duy Xuân.
Tác giả bài viết, Nhà thơ Đặng Bá Tiến hiện là Phó Tổng biên tập tạp chí ChưYangSin
Xa quê xứ Nghệ, đến với Dak Lak - xứ sở của cà phê, xứ sở có nền văn hóa bản địa độc đáo và đặc sắc, có thiên nhiên hùng vĩ, mộng mơ - Nguyễn Duy Xuân cũng yêu quê mới như chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Anh ca ngợi và tự hào về cà phê: Chắt chiu từ đất cay nồng/ hương thơm vị đắng quyện trong hoa này/ nắng mưa ấp ủ tháng ngày/ sắc nâu quyến rũ mê say hồn người (Hương cà phê Ban Mê). Anh đắm đuối với tiếng cồng, tiếng chiêng, với những sinh hoạt văn hóa của đồng bào Ê đê, M’nông…: Tiếng cồng ngân gió chông chênh/ bước chân em nhảy thậm thình nhà rông/ lửa hun đôi má em hồng/ cần cong vít nhẹ rượu nồng chơi vơi. Anh hòa nhập vào thiên nhiên để thanh lọc hồn mình, nhằm có sự cân bằng trong cuộc sống: Thả hồn về với thiên nhiên/ phiêu diêu trong tiếng nhạc huyền ngân nga/ bụi trần giờ đã lùi xa/ chỉ còn ta giữa bao la đất trời (Đray Sáp).
Không chỉ mang cảm hứng ngợi ca, Nguyễn Duy Xuân còn có cái nhìn trực diện, không né tránh về những điều bất thường trong đời sống xã hội hôm nay để cảnh tỉnh, phê phán bằng thái độ của một “công dân làm thơ” có trách nhiệm; nên dù “bút nhọn” mà ta vẫn thấy sự thân tình, bao dung. Viết về nạn phá rừng, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, anh có những câu thơ khá ấn tượng: Bến Sêrêpôk/ nước đục ngầu/ bóng dáng đại ngàn/ còn đâu? trong cổ tích/ chiếc áo rừng bươm rách/ những mảnh vá thời gian… (Tháng ba Tây Nguyên). Hay khi viết về những đứa trẻ ở Háng Đồng đi học trong điều kiện thiếu ăn, thiếu mặc, các em phải bẫy chuột làm thức ăn, Nguyễn Duy Xuân sử dụng lối nói trực diện với những người có trách nhiệm quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành của địa phương: Các vị ở đâu?/ trong chăn ấm nệm êm/ trong tiệc tùng hoan lạc/ hay trong những hợp đồng, những áp phe hốt bạc… rất thẳng thắn, nhưng không hề đao to búa lớn, những ngôn từ bình dị, nhưng đủ sức xoáy sâu vào lương tâm con người.
Có thể nói hầu hết các sự kiện lớn của đời sống đều được bộ lọc thông tin của anh tiếp nhận và nhiều sự kiện trong đó được viết thành thơ với những rung cảm thực sự của trái tim.
*
Nhìn chung, Giọt nắng Cao nguyên chủ yếu được thể hiện bằng hình thức thơ truyền thống, cách sử dụng ngôn từ mộc mạc, giản dị, bố cục của hầu hết các bài thơ khá chặt chẽ, ý tưởng rõ ràng. Vì thế đọc thơ Nguyễn Duy Xuân ta dễ tiếp nhận những cảm xúc và thông điệp của tác giả. Đây là một ưu điểm, nhưng theo tôi đồng thời cũng là hạn chế. Giá như Nguyễn Duy Xuân tăng thêm được chất say của cảm xúc, bớt đi một chút sự tỉnh táo của lý trí, của lối tư duy sự kiện, để câu chữ bảng lãng hơn, mờ ảo hơn, thì anh sẽ còn thành công hơn nữa trên con đường thi ca...
Đặng Bá Tiến
Nguồn: Báo Đắc Lắc
|