Rằm thượng nguyên tháng giêng Canh Dần - Ngày thơ Việt Nam cả nước vừa 8 "tuổi", thì đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên đã vừa chẵn 30 rằm.Và, khi chen bước trong dòng người Phú Yên vượt con đường dốc lên đỉnh núi Nhạn sừng sững ngôi tháp cổ để dự đêm thơ Nguyên Tiêu Canh Dần 2010, tôi cứ ngỡ như mình vừa trải qua một chặng đường thơ để "chạm" vào cái cột mốc linh thiêng của một thánh địa thi ca. Vâng, một ngôi tháp cổ được thắp sáng như dát vàng, càng lánh vàng hơn trong ánh trăng rằm thượng nguyên giữa khối người ken nhau quanh ngôi tháp cổ, đúng là thánh địa thi ca, mà mỗi người dân Phú Yên là một tín đồ thơ! Có thể nói, những thi nhân Phú Yên là những người hạnh phúc nhất khi được xây thánh địa thơ trong sự ngưỡng vọng hiếm có của các tín đồ thơ.
Thượng Sơn thưởng thi.
Đã gần như theo đủ 30 đêm thơ Nguyên Tiêu, trong đó có 20 đêm thơ được đăng đàn tại sân tháp cổ trên đỉnh Nhạn Tháp, nhưng tôi vẫn bất ngờ trước một không gian đêm thơ Nguyên Tiêu núi Nhạn - sông Đà đẹp đến mê hồn, cùng tình yêu thơ như một tín ngưỡng của người dân Phú Yên được chứng minh một cách thuyết phục qua dòng người nô nức, rồng rắn nối nhau từng bước lên đỉnh núi Nhạn Tháp để dự đêm thơ.
Với khoảng hơn 1 km đường núi, thường ngày có thể chạy xe máy lên tận nơi. Nhưng đêm Nguyên Tiêu Canh Dần, kỷ niệm 30 năm đêm thơ Nguyên Tiêu, trước lượng người "trẩy " hội thơ vượt xa dự kiến, các "khách thơ" và những người yêu thơ đã vui vẻ gửi xe dưới chân núi. Âu cũng là thêm một chút yên lành hơn, thánh thi hơn cho đêm "thượng sơn thưởng thi". Cứ vậy, giữa giọng ngâm thơ dịu ngọt của các nghệ sỹ, lênh lang từ những chiếc loa ẩn trong búi cỏ, lùm cây ven đường, những "tín đồ" thơ ken vai, vừa đi vừa thưởng thức những "tuyệt thơ" của các thế hệ thi nhân Việt Nam được in như tạc một cách trang trọng trên các tờ phướn treo dọc đường thơ. Là người có thâm niên dự các đêm thơ Nguyên Tiêu từ "thuở" mới nhen trong không gian thư viện Hải Phú - Tuy Hoà trong khoảng 10 năm đầu, và tiếp 20 năm được dựng thành tháp thơ trên núi Nhạn, tôi có thể khẳng định một cách tự hào rằng: Chưa bao giờ lượng người đổ về núi Nhạn lại đông đến thế, và chưa bao giờ tháp Nhạn lại đẹp đến thế. Trong ánh sáng lung linh, ngọn tháp hiện ra uy nghi trầm mặc, soi vào cửa sông Đà Rằng lung linh như dát ánh trăng rằm. Trong cái không gian thánh thi đó, những "tín đồ" thơ không chỉ nhẩn nha theo lộ trình "thượng sơn , thưởng thi" để "Mở cửa vườn thơ", thưởng thức những áng thơ tuyệt bút dọc theo "Con đường thơ"; hoặc ghé vào "Quán thơ" để chọn mua một vài tập thơ của các thi nhân trong và ngoài tỉnh Phú Yên vừa mới ấn hành. Trong đêm thơ đó, khách thơ còn có thể dâng hương tại Đài tưởng niệm - nơi ghi danh hàng ngàn anh hùng, liệt sĩ là người dân Phú Yên đã ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc; tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật "Đất nước - con người Phú Yên"...
Quả thật, với tình yêu thơ đã thành tín ngưỡng, những tín đồ thơ của vùng đất "Phú" trời "Yên" đã tạo nên một không gian thơ màu mỡ, nuôi dưỡng cả địa đàng thơ Phú Yên suốt hơn 30 mùa Nguyên Tiêu, làm nên một "huyền thoại" về không gian thơ Núi Nhạn- Sông Đà.
Cổ tích đêm thơ Nguyên Tiêu Núi Nhạn - Sông Đà
Có thể bắt đầu câu chuyện của ông Dương Thái Nhơn - một trong những người khởi xướng đêm thơ nguyên tiêu Phú Yên bằng cái cụm từ dẫn truyện rằng: Ngày xửa ngày xưa, vào khoảng năm 1980 của thế kỷ trước, một số người yêu thơ tại thư viện Hải Phú (tên viết tắt hai tỉnh kết nghĩa Hải Dương - Phú Yên) mong muốn tạo dựng một sân chơi cho những người yêu thơ đã tổ chức đêm thơ bằng cách tổ chức gặp mặt, điểm lại các bài thơ xuân đặc sắc được đăng trên các tờ báo xuân lúc bấy giờ và đọc cho nhau nghe các bài thơ mới sáng tác của mình. Sau vài lần tổ chức, lượng nhà thơ và người yêu thơ tham dự đêm thơ đông dần, phải đem ra sân sau của thư viện để tổ chức. Trong đêm trăng thanh, thoảng mùi mật cỏ, hương cây, những người yêu thơ đọc cho nhau nghe những sáng tác của mình, nghe ngâm thơ, đọc thơ, bình những bài thơ hay... Không chỉ tạo nên một hoạt động văn hóa bổ ích và lành mạnh, hơn thế còn xới gợi về một không gian về những đêm thơ truyền thống của cha ông. Vỹ thanh từ những đêm thơ Nguyên tiêu gời gợi từ Phú Yên cứ vậy lan toả, thấm dần trong lòng những thi nhân và khách thơ, để rồi những năm sau đó, bạn thơ từ khắp nơi như Giang Nam, Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo, Đỗ Kim Cuông, Đồng Xuân Lan, Thế Vũ... cũng tìm về cùng tham gia đêm thơ Nguyên Tiêu, góp thêm chút hồn thơ để đêm thơ Nguyên Tiêu Phú Yên trở thành một đêm thơ đậm nét văn hoá truyền thống, và là niềm tự hào của người dân Tuy Hòa - Phú Yên.
Và rồi khuôn viên thư viện Hải Phú như cái áo mặc đã chật trong một cơ thể thơ trưởng thành. Năm 1989, sau khi Phú Yên tách ra khỏi tỉnh Phú Khánh, đêm thơ được ngành Văn hóa đứng ra tổ chức. Và, người ta nghĩ đến việc tìm một địa điểm lý tưởng để tổ chức đêm thơ. Và sau một đêm thơ dè dặt ở khuôn viên vườn hoa chân núi Nhạn, "chiểu" thi nguyện của các thi nhân và các khách thơ, những người tổ chức quyết định tổ chức đêm thơ trên đỉnh núi Nhạn - nơi người dân và khách thơ có thể thả hồn mình trong không gian Núi Nhạn - Sông Đà, nơi đất - nước giao hoà để thưởng thức những áng thơ hay. Cũng từ đó, đêm thơ núi Nhạn đã trở thành một biểu tượng, "huyền thoại" về đêm thơ Nguyên tiêu ở Phú Yên. Đến hẹn lại lên, mỗi rằm tháng giêng hàng năm, bạn thơ và người yêu thơ từ khắp nơi lại kéo về núi Nhạn. Dù lúc bấy giờ đường lên núi Nhạn còn rất khó đi và thời tiết thì không phải lúc nào cũng chiều lòng người. Trên đỉnh núi cao ngót trăm mét so với mực nước biển, mùa giêng hai vẫn đẫm sương sa, giá lạnh nhưng cũng như 10 năm đêm thơ Hải Phú, suốt 20 năm tiếp nối, đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn chưa bao giờ vắng khách thơ. Thi cảnh chan hoà, những thi nhân mặc khách khi được thả lỏng mình trong không gian núi Nhạn sông Đà, cứ như được khơi sâu tận cội nguồn thi hứng như nhà văn Nguyễn Gia Nùng trong "Luận án thơ từ núi Nhạn" tại hội thảo thơ năm 2002 tổ chức tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã dẫn ra một cách minh triết khiến cho các nhà thơ khắp nơi phải ngỡ ngàng về "hiện tượng" thơ Nguyên Tiêu núi Nhạn. Để rồi, từ đó, manh nha về một ý tưởng kết nâng đêm thơ Nguyên Tiêu toả thành không gian "Ngày thơ việt Nam" đến nay cũng đã qua 8 thi rằm.
Cũng như món ngon phải được thưỏng ẩm với bạn hiền, không gian đẹp... Dẫu qua 8 mùa Nguyên Tiêu kể từ rằm tháng giêng năm 2003, "Ngày thơ Việt Nam" cho dù được tổ chức trong những hội trường lớn, những nhà hát sang trọng, thậm chí là Quốc Tử Giám, nơi được coi là điện thờ đạo học... Những thi nhân mặc khách yêu thơ vẫn phải thành thật "rất thèm một đêm thơ núi Nhạn", thèm được sống trong không khí đêm thơ và chứng kiến tình yêu thơ đến độ thành tín đồ thơ của người dân Phú Yên!
Và minh chứng cho sự ngưỡng vọng đó, không chỉ đêm thơ Nguyên Tiêu Canh Dần 2010, kỷ niệm 30 năm đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên (1980-2010), mà hầu hết các rằm giêng hàng năm, nhiều khách văn từ nhiều tỉnh thành cả nước cũng vượt qua những chộn rộn ngày rằm, "tết lại" mà "trẩy" về Phú Yên kịp hoà mình vào không gian thơ Núi Nhạn - Sông Đà của vùng đất Phú - trời Yên.
Phú Yên Nguyên tiêu Canh Dần 2010
Nha Trang Nguyên Tiêu Giáp Ngọ 2014
Nhà báo Lê Bá Dương
Văn phòng thường trú báo Văn hóa
Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
|