KHAI BÚT GIAO THỪA
Ảnh minh họa - Internet
Anh thấy không, rét mướt đã qua rồi
Mục thời tiết truyền hình đang báo ấm
Trời đã hửng, mở nụ xuân chầm chậm
Theo tay người hồng lại sắc đào hoa
Sẽ hết dần cóng buốt những ngày qua
Em đi đến bù xù khăn quấn cổ
Anh xa xót nắm bàn tay lạnh gió
Ủ hơi tình mạch nóng chạy sang nhau
Đông trễ tràng nhưng rét đã qua mau
Để xuân đến đúng lập trình trời đất
Lại nồng ấm như mùa xuân thứ nhất
Nắng rộn ràng trên cánh thắm đào, mai
Bao năm rồi kỷ niệm chẳng hề phai
Chưa kịp cũ cả niềm vui, nỗi khổ
Tình yêu ơi vẫn đằm đằm thương nhớ
Phút giao thừa, sau cha mẹ là anh
Phút Giao thừa nước mắt lại long lanh.
Mừng đến đích những mùa xuân em có
Chân đã chạm phù sa đồng châu thổ
Thì tin yêu mãi mãi cả cuộc đời.
Nguyễn Thị Mai
LỜI BÌNH CỦA TRẦN VÂN HẠC:
Khai bút đầu xuân là một nét đẹp tự bao đời của người Việt ta, thông qua mỹ tục ấy người ta gửi gắm bao điều tốt đẹp cho một năm mới, cho cuộc đời. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai lại chọn thời khắc thiêng liêng nhất – giao thừa để khai bút đầu xuân và lời tâm sự với “anh” như những hạt mưa xuân thấm nhuần tưới mát hồn người, đất trời cùng cây cỏ. Nhà thơ nói với “anh” mà như nói với chính mình: “Trời đã hửng, mở nụ xuân chầm chậm/ Theo tay người hồng lại sắc đào hoa”. Chờ đợi bao ngày mà vẫn gắng: “mở nụ xuân chầm chậm” một cách cẩn trọng, những từ láy “chầm chậm” “đằm đằm” “mãi mãi” ấy mang cả cái tình và sự trân quí với mùa xuân, với chính mình. Nhà thơ tin khi giá buốt của đất trời và lòng người qua đi, khi xuân về gọi mùa xây tổ, em đến với anh để: “Ủ hơi tình mạch nóng chạy sang nhau”. Sự giao hòa của đất trời và tình người hòa quyện với nhau khi “xuân đến đúng lập trình trời đất”, qui luật muôn đời của taọ hóa. Bao mùa xuân đến rồi lại ra đi, vậy mà với nhà thơ Nguyễn Thị Mai, xuân luôn “nồng ấm như mùa xuân thứ nhất” với bao náo nức, chờ đợi, để rồi “rộn ràng trên cánh thắm đào, mai”. Bởi mỗi xuân về đều tươi mới non tơ nên nhà thơ cảm nhận được: “Bao năm rồi kỷ niệm chẳng hề phai/ Chưa kịp cũ cả niềm vui, nỗi khổ”. Mà làm sao có thể “phai” và “cũ” được khi có một tình yêu “vẫn đằm đằm thương nhớ” như một điểm tựa vững vàng và người phụ nữ luôn biết làm mới những cảm xúc thương yêu... cũng vì vậy mà nhà thơ thốt lên tự đáy lòng: “Phút giao thừa, sau cha mẹ là anh”. Đáng quí thay, trong thời khắc thiêng liêng ấy nhà thơ nghĩ đến bậc sinh thành, những người sinh ra, chắt chiu, tần tảo nuôi dưỡng cả phần xác và phần hồn của mỗi con người và “anh” – tình yêu của đời người, người cùng “em” chung tay vượt mọi khó khăn dựng xây một cuộc sống hạnh phúc. Ẩn sau từ “anh” rất thực ấy là tất cả khát khao, hy vọng của người phụ nữ. Câu thơ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và tinh tế, đầy sự trăn trở làm cho các đấng nam nhi phải giật mình, để rồi mở lòng đón nhận mùa xuân và “em” với tất cả sự chân thành nồng ấm. Mùa xuân và tình yêu cùng những khát khao hy vọng trước thềm xuân mới ùa về với tất cả niềm tin và hy vọng, nhất là những mùa xuân trước đã có những mùa hoa thơm trái ngọt: “Phút Giao thừa nước mắt lại long lanh. Mừng đến đích những mùa xuân em có”. Giọt nước mắt long lanh hạnh phúc bởi những thành quả đã đạt được trong cuộc sống, chính điều đó giúp nhà thơ tin: “Chân đã chạm phù sa đồng châu thổ/ Thì tin yêu mãi mãi cả cuộc đời.”. “Phù sa đồng châu thổ” ấy phải chăng là những hy sinh, phấn đấu lặng thầm của bao người, đặc biệt của những người phụ nữ. Cặp từ “đã” và “thì” như một sự khẳng định niềm vui, hạnh phúc, những thành công sẽ đến cùng xuân mới. Bài thơ nhẹ nhàng như bước đi của mùa xuân, ngôn từ trong sáng, tự nhiên nhưng hàm xúc, mang đầy tâm sự và cả những trăn trở, hoài bão. Đây không chỉ là dòng tự sự phút giao thừa mà hơn thế là những điều ước và niềm tin, hy vọng vào ngày mai bắt đầu từ mùa xuân mới.
Xuân 2014 Trần Vân Hạc
F.201, Nhà.B4, Ngõ.189, Thanh Nhàn
P. Quỳnh Lôi, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội
(Bài đã đăng báo Văn nghệ số tết Giáp Ngọ)
|