HÀ NỘI - 30 TẾT GIÁP NGỌ
(Tặng Vũ Quang Tần & Mai Thục)
Ảnh minh họa - Internet
Lượn một vòng chợ tết
Xem thiên hạ bán mua
- Lợn, gà...xem chừng rẻ
"Tạ rau: cân thịt Bò" ! (1)
*
Đào, Quất, Mai... khá đẹp
Ê hề... chẳng ăn thua
Chỉ có "Li - Đà Lạt"
là "giá" lên ngôi Vua...
*
Giầu ùa vào Siêu thị
Nghèo ra "Chợ Cóc" đua
Cánh Doanh nghiệp sập tiệm
Áo quần ế dư thừa...
*
Lũ "Cửu vạn" đã biến
Phố xá đường vắng thưa,
Chỉ Nhà Đài rôm rả
Quảng cáo đón Giao thừa.
*
Bấm máy gọi Bạn Thơ:
"Đã về quê kiếm miếng"?
Nhà Thơ cũng bơ phờ
Đạp xe xem cây "kiểng".
---
(1) Nhà Nông khóc vì Rau quá rẻ (bán 100 Kg rau mới mua được 1 kg thịt Bò),
Đào, quất, Mai... giá rẻ mạt mà cũng ít người mua,
hàng may mặc hạ giá 50%-70% không ít doanh nghiệp sạt nghiệp...
Hà Nội 30-tết Giáp Ngọ -2014
ĐÊM TRỪ TỊCH
"Chong đèn trực tuổi cay con mắt
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai"
- thơ Ức Trai
*
Nào rũ giường, thay chiếu
Tắt đèn... ờ đã đêm
Tối như ba mươi tết
Buồn là tết xa em.
*
Một mình ngồi lặng im
Lắng đất rung trời chuyển
Thầm nghe Xuân đang đến
Thầm gọi lòng ...ơi em.
Quê 30 tết Giáp Ngọ
BỮA CƠM CHIỀU 30 TẾT
(Tặng: Vân Hạc)
---------
"Đói ngày giỗ cha
No ba ngày tết"
-Tục ngữ
Ngoài sân đã Quất vàng, Đào đỏ
Cây Nêu vút cao lồng lộng trời quê
Cả nhà đã quây quần đông đủ
Mừng đón Táo Quân, con cháu xa về.
*
Chị Dâu Cả bưng mâm lên khệ nệ
Đủ giò, nem, ninh, mọc, thịt gà
Nào Cá kho, dưa Hành, thịt mỡ
Bánh Chưng xanh vừa mới bóc ra...
*
Ông thong thả rót ly rượu Cúc
- Chúc cả nhà, con cháu hiển vinh
Riêng chúc Bà "bách niên giai lão"
Ông nhấp "khà"... tiên tổ hiển linh.
*
Thằng cu Tí được phen quấy đảo:
Vuốt râu Ông, hớp ghé rượu xuân
Bà nhỏ nhẹ: nhắc tên Gái Út
Đang "Ô sin - xuất khẩu" Đại Hàn...
*
Bữa no ngon chiều 30 tết
Bữa tất niên đủ nỗi buồn, vui
Thương ai đó xa quê biền biệt
Phải quanh năm sống ở xứ người.
Quê Kinh Bắc, chiều 30 tết
TẾT Ở ĐÌNH BẢNG XƯA
Ảnh nguồn - Internet
Ấy là vào thời trước năm 1945...
Sắp đến tết,bọn trẻ con chúng tôi thích lắm.cứ ngóng đợi từng ngày:thích tết là vì được nghỉ học,tha hồ chạy nhảy vui đùa không bị ai trông nom đe nẹt. Thích tết vì được Mẹ may cho quần áo mới, được theo Mẹ về chúc tết bên ngoại và chắc mẩm là được ông bà ngoại, các dì các cậu "mừng tuổi thằng Cò" những đồng xu đồng kẽm xâu đầy nặng trĩu 2 đầu giải rút quần,còn những đồng hào bằng kền thì phải buộc thắt nút trong một miềng lụa giấu nhờ vào trong cạp váy hay hầu bao của Mẹ.Tiền xu thì để đánh đáo, ăn quà dần và mua quà cho em,mua bánh đa cho ông nội nhắm rượu; tiền hào thì để mua giấy bút mực đi học. Thích tết nữa là vì sáng mùng một, ăn mặc chỉnh tề, sau một tràng pháo chuột khai xuân nổ đì đẹt, khói mù ở giữa sân, tôi theo Thầy tôi-2 bố con lên nhà trên thắp hương trên bàn thờ lễ gia tiên (mà bàn thờ bao giờ cũng hướng ra đường) rồi xuống nhà ngang chúc tết ông bà nội... xong. Thầy tôi bưng mâm cỗ,tôi xách cút rượu lũn cũn chạy theo lên đền Đô dâng "ngự thiện" cúng các bậc tiên Vương (8 vị Vua nhà Lý).
Ở nhà... ông nội tôi,sau mấy tuần trà,ông dạo bước trước hiên nhà ngắm giò lan, giò huệ, giò thủy tiên, trông chậu quất, gốc đào mà Bác trưởng mua từ Hà Nội về biếu ông từ hôm 23 tháng chạp. Khi con yểng kêu lên "nhà có khách" là bố con tôi đã đi lễ về. Mâm cỗ được Thầy tôi hạ xuống đúng cái vòng tròn giữa chiếu cạp điều trải trên phản gỗ.
Bà nội tôi đi lấy thêm mấy thứđồ ăn, chai rượu Làng Vân do bác rể gửi tết... Vào mâm, ông nội tôi ngồi trên đúng vị trí số 1, số 2 bên phải là Thầy tôi, rồi tới tôi, bà nội ngồi bên trái phía ngoài đầu nồi. Thầy tôi rót rượu mời ông bà rồi mới rót cho mình.Ông tôi nâng chén chúc bà và các con cháu một năm mới mọi điều tốt lành, hanh thông... Riêng thằng Cò-cháu nội (con của con trai út), ngồi cạnh ông đây thì được"hớp" theo ông một ngụm rượu cay, thơm ngào ngạt bừng nóng cả mặt. Ông tôi trân trọng xem (bói) đôi chân gà, đồng thời giảng giải cho Thầy tôi thế nào là "cát", "hung", là"xái"... và hứng khởi ngâm một câu thơ chữ Hán "tiền lộ định tri thiên hữu nhãn"... rồi rung đùi cùng cả nhà nâng chén mừng xuân mới.
Tết ở Đình Bảng xưa nay không phải là tết để ăn (vì cả năm trong làng có trên 200 ngày cỗ đám khao vọng linh đình. Sự ăn uống của dân làng hàng ngày cơm thịt cá giò chả là chuyện thường).Tết ở Đình Bảng là tết thăm viếng, đi lễ cầu may, cầu tài lộc... Dân Đình Bảng, phải có đến non nửa là đi buôn bán kinh doanh lập nghiệp khăp nơi (kể cả sang Âu Mỹ...). Gia đình và Tổ quốc là rất thiêng liêng... Do vậy, tết là dịp về thăm quê, lễ các Vua nhà Lý. Người Đình Bảng xưa, ngày tết gặp nhau, câu cửa miệng là chào rồi chúc: năm mới... làm ăn phát tài bằng mười năm ngoái. Trời ren rét, nhưng không khí thì đầm ấm vui vẻ...
Ăn tết ở Đình Bảng ngoài các món cổ truyền: giò, nem, ninh, mọc, thịt gà lá chanh, cá chép kho khô, chân giò nấu măng, thịt quấn (mỡ), dưa hành... Phong phú nhất là các món bánh: xu xuê, bánh gio, bánh chưng, bánh gai, bánh mật... rồi chè lam, kẹo lạc, xôi vò chè đường, chè kho, hạt dưa, các loạii mứt... tùy đối tượng khách đến chúc tết mà gia chủ bày ra tiếp.
Về sinh hoạt văn hóa: ban ngày ở bãi sân đình, sân chùa có đánh đu, đánh cờ người, chọi gà, kéo co, đá cầu... có múa rối trên hồ bán nguyệt ở cửa đền Đô, tối có hát tuồng, chèo, diễn kịch ở rạp, sân đình đông vui không khác gì ngày hội - thật là vui như tết là vậy...
Nhà thơ Nguyễn Khôi - Hội nhà văn Hà Nội
|