Ảnh nguồn - Internet
Trưa ngày 29 tháng 6 năm 1966, lần đầu tiên máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, đốt cháy kho xăng Đức Giang. Mặc dù trước đó, đã có lệnh sơ tán ra khỏi Thủ đô, nhưng một số cơ quan còn lình xình, thì sau sự kiện này, hầu như đồng loạt, các cơ quan, đơn vị đều tìm cho mình một nơi nào đó để ra đi. Dạo đó chúng tôi đang dự khoá 9 lớp đào tạo mã thám ở Hà Nội, đóng trong pháo đài Láng. Đây là một công việc tuyệt mật, thời chiến tranh không một ai được nhắc đến hai chữ mã thám, nên trong xã hội chẳng mấy ai biết tồn tại một nghề như vậy: có một đội ngũ khá đông người (trước chúng tôi đã có 8 khoá) chuyên làm nhiệm vụ thám dịch mật mã của địch để khai thác thông tin, phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lớp chúng tôi gần bốn chục sinh viên vừa mới tốt nghiệp khoa toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được điều vào quân đội để làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trước khi làm việc thì phải theo học một lớp huấn luyện gần một năm, nhưng mới học được mấy tháng thì phải sơ tán ra khỏi Hà Nội, lúc đầu chuyển lên Tam Hiệp, và khi khoá huấn luyện kết thúc thì sơ tán ở một bản sát chân núi Ba Vì. Ngày nay Ba vì đã trở thành một khu du lịch sinh thái, đường sá đi lại dễ dàng nên ai cũng có cảm giác gần gũi, chứ dạo đó, nói đến Ba Vì là nói đến heo hút, xa xôi. Đơn vị chúng tôi di chuyển trong đêm về đóng quân tại một bản người Mường. Bản chưa đầy trăm hộ, ở trong những mái nhà sàn, bao quanh vườn mọi nhà và dọc hai bên đường đi là những cây trẩu, nên thời đó để bảo đảm bí mật nơi đóng quân, chúng tôi gọi bản này là bản Trẩu. Nhà sàn của đồng bào ở bản này không to lắm, nhưng cũng đủ cho chúng tôi ở nhờ, mỗi nhà ba người, chỉ có nhà ăn còn nơi làm việc là bộ đội phải lao động để dựng lên. Một lý do quan trọng nữa buộc chúng tôi phải làm lán làm việc biệt lập vì phải giữ bí mật, nên phần lớn các lán đều nép mình dưới bóng trẩu, ở một góc vườn vắng vẻ xa lối đi lại của dân bản. Gỗ làm kèo, cột, nứa làm rui, phên, cỏ gianh làm mái lợp… đã có Ba Vì cung cấp. Tôi xuất thân nông dân nên quen gánh vác, chỉ tội mấy anh vốn dân thành phố, chưa từng quen việc nặng, vật lộn với gỗ nứa, tay rộp, chân phồng khi lán đã làm xong hàng tuần vẫn chưa khỏi. Dạo ấy chúng tôi còn rất trẻ, tuổi mới ngoài hai mươi, nên khó khăn, gian khổ chóng qua, không ai kêu ca, than vãn, luôn tìm niềm vui trong cuộc sống thường ngày.Tôi nhớ, hầu như vườn nhà nào cũng trồng sắn, những vườn sắn cuối mùa trụi lá, phơi thân bạc trắng, không cần đào, chỉ cần hai tay cầm cây lôi lên là được trọn một chùm củ. Mặc dù gần một năm làm lính, không đói khát như hồi sinh viên, nhưng ai cũng mê món sắn nướng, đêm lạnh ngồi quanh bếp vừa sưởi, vừa nướng sắn, trò chuyện với con cái chủ nhà để học tiếng Mường, tạo nên không khí thật thân thiện, ấm cúng.
Khi sơ tán về Ba Vì, các cơ quan, đơn vị mang biệt danh. Trung đoàn bộ gọi là K, bộ phận chuyên nghiêng cứu, thám dịch mật mã địch gọi là Ban H. Trừ hai đồng chí trưởng và phó ban là sĩ quan lâu năm, đã có vợ con ở quê, số còn lại gần bốn chục nhân viên gồm những sinh viên vừa mới tốt nghiệp là “lính phòng không”, hầu như chưa anh nào có người yêu, và trong điều kiện thời chiến không có chế độ nghỉ phép, có lẽ cái cảnh “phòng không” này còn kéo dài theo cuộc chiến. Một hôm có một tin vui làm cả đơn vị bàn tán xôn xao: trung đoàn sắp được bổ sung mấy trăm nữ tân binh vừa qua khoá huấn luyện và chính Ban H cũng được bổ sung thêm hai chục đồng chí nữ. Nói về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, đó là một điều thực sự cần thiết vì với mấy chục “cử nhân toán”, công việc làm không xuể, nếu có thêm một số đồng chí chỉ cần tốt nghiệp phổ thông góp sức, thì tốc độ mã thám chắc chắn sẽ tăng thêm, phục vụ hiệu quả cho cuộc chiến tranh trên chiến trường miền Nam cũng như hậu phương miền Bắc.
Vì chuyện tối mật, không mấy ai biết được nội dung hai chữ mã thám, nên nhiều người cứ tưởng đó là một bộ phận của ngành cơ yếu. Sự thật hoàn toàn khác và có khi còn ngược nhau. Cơ yếu là ngành dùng mật mã để mã hoá các bức điện trước khi chuyển đi đến các cơ quan đơn vị, nơi nhận đã có chìa khoá mật mã nên dịch ra bản rõ một cách dễ dàng. Ta có ngành cơ yếu, địch cũng có ngành cơ yếu. Ngành mã thám tìm nhận những bản mật mã của đối phương truyền đi trong không gian, rồi tìm cách khai thác, tức là tìm cách biến thành bản rõ, trong khi không có chìa khóa mật mã. Có thể nói rằng ngành mã thám (của ta) là ngành phản cơ yếu ( của địch). Đó là một công việc cực kỳ khó khăn, nên cần những người thông mình, và chúng tôi vừa tốt nghiệp khoa Toán, được quân đội tuyển vào để sức cùng với lực lượng mã thám đã có từ trước để tiếp tục nghiên cứu, khai thác. Tôi nhớ có lần chúng tôi thám dịch ra một bức điện có nội dung là: vào giờ nọ, ngày nọ, Mỹ nguỵ sẽ chuyển quân qua đèo Hải Vân, lập tức nội dung bức điện được chuyển vào chiến trường miền Nam. Vài ngày sau, đọc báo Quân Đội Nhân dân thấy bài và ảnh về chiến công của quân Giải phóng phục kích bắn cháy đoàn xe địch trên đèo Hải Vân, chúng tôi sung sướng lạ lùng, vì thấy mình trực tiếp góp công vào cuộc giải phóng miền Nam. Đó chỉ là một đơn cử, chuyện tương tự khá nhiều. Cuộc chiến tranh ở miền Nam càng ác liệt thì công việc đơn vị tôi càng nhiều, nhiều ngày liền thức suốt đêm đến sáng để thám dịch, khai thác tin tức địch. Công việc bề bộn, có thêm người giúp sức, có gì quý bằng. Đó là nói về mặt chuyên môn, còn về đời thường, sự xuất hiện của hai chục cô tân binh trong quân phục mùa đông, lưng thẳng, ngực nở, đầu đội mũ mềm làm thay đổi hẳn không khí của Ban H. Trước đây toàn cánh đàn ông, sinh hoạt tuềnh toàng, tôi nhớ có lần tốp ca nam của một tiểu đội lên hát, khi đến câu “Túi đây em may, may yêu may quý” thì mỗi người hát đưa ra cho khán giả thấy những cái túi tự tạo của mình để đựng hộp thuốc đánh răng: đường may thô vụng, xiên xẹo…và dây túi là dây…điện thoại! Bây gìơ được bổ sung thêm hai chục nữ, những cái túi kiểu kia chắc sẽ không tồn tại được. Vâng, có nữ về hay thật, sinh hoạt văn nghệ vui hẳn lên, đóng kịch không còn phải giả nữ nữa. Những anh cù lần nhất đơn vị cũng đã biết chải đầu và ngắm vuốt. Nhưng có một khó khăn không lường trước đối với hai ông trưởng phó ban là tình yêu nẩy nở trong Ban H. Mặc dù ông trưởng Ban đã nhấn mạnh rằng, trong thời kỳ nghĩa vụ, nữ quân nhân không có chuyện yêu đương, và ông nhắc các “cử nhân” nên giúp đỡ để các chị em thực hiện được điều đó. Lời của ông trưởng ban không một ai phản đối, nhưng hình như mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Đối với cánh nam chúng tôi, trong hoàn cảnh chiến tranh, thật khó tìm được một nơi nào có các cô gái phù hợp để chọn vợ như ngay trong đơn vị mình. Và đối với các cô, đám “cử nhân” chúng tôi là lý tưởng: có trình độ, tuổi tác chênh nhau vừa phải, lại gần nhau, hiểu nhau ngọn ngành. Thế là không được yêu công khai thì họ yêu bí mật, chỉ vài tháng sau, đâu vào đấy, tất cả đã thành đôi thành cặp. Chuyện tình yêu này khá dài và phức tạp, tôi không kể ở đây, chỉ biết rằng cuối cùng chỉ có dăm cặp thành vợ chồng mà thôi.
Với tôi, hơn bốn mươi năm phục vụ trong quân đội có bao cái tết đáng nhớ, nhưng tết rừng đầu tiên trong bản Mường dưới chân núi Ba Vì là khó quên nhất. Lá dong trên núi cực nhiều, ngày thường đi lấy củi chúng tôi đã biết chỗ nên chỉ cử người lên đó cắt gánh về. Tôi được đơn vị giao nhiệm vụ làm báo tường đón tết. Nhiều thơ đến thế! Không hiểu mùa xuân gọi hồn thơ thức dậy hay bởi hai mươi “đồng chí nữ” kia mà cả đơn vị ai cũng sắp thành nhà thơ! Bộ phận tất bật nhất là làm thịt lợn, gói bánh chưng. Khi ngồi gói bánh, có một anh nào đó nhắc lại chuyện quê anh, khi gói bánh chưng để cúng tết, người nhà thường gói cho mấy đứa trẻ mỗi đứa một chiếc bánh nhỏ…Thế là mấy đồng chí nữ đồng thanh:
- Gói cho em một chiếc! Gói cho em một chiếc!
Ông trưởng ban cũng có măt ở đó, ông vui vẻ nói:
- Ừ, hay đấy, gói cho mỗi cô một chiếc, coi như em út trong nhà!
Ý kiến của trưởng ban không những được các đồng chí nữ hoan nghênh mà cánh nam chúng tôi cũng thấy thú vị. Chuyện này cũng thành thơ trên báo Tết đơn vị:
Năm xưa đón tết ở nhà
Cháu đòi bánh nhỏ làm quà đầu xuân
Năm này ăn tết trong quân
Mấy “cô đồng chí” nhận phần bánh con!
Hai chục nữ quân nhân sung sướng, đợi nồi bánh chín, mỗi cô nhận một chiếc bánh nhỏ xách toòng teng ra nhà giao ban để chuẩn bị đón giao thừa. Nhà giao ban là phòng họp của Ban, phên nứa, mái gianh, có thể chứa được ngót trăm người. Ngày thường, đây là phòng họp của Ban, nhưng hôm nay trang trí nhiều giấy xanh đỏ, và đặc biệt là cây đào trông thật hoành tráng. Đó là cây đào tết to nhất của đơn vị mà tôi từng chứng kiến. Ở bản này, vườn nhà nào cũng có mấy cây đào, chủ nhà nào cũng sẵn sàng cho bộ đội một vài cành để đón tết. Nhưng chúng tôi không nhận cành đào nào của dân bản vì hai lý do: một là không muốn làm phiền dân, hai là muốn cả cây đào, chứ không phải một cành đào, mà chẳng phiền một ai, khi đi lấy củi đã phát hiện ra sâu trong núi Ba Vì có những cây đào “vô chủ” vừa to, dáng đẹp, nhiều hoa…Thế là trưởng ban cử bốn đồng chí vào chặt mang về, vừa để đón xuân, vừa là nơi treo những đoá “hoa dân chủ”. Hái hoa dân chủ là một trò chơi văn hoá bộ đội ta thường tổ chức những năm chống Mỹ. Trên cành đào được treo lên những yêu cầu cho người tham gia, yêu cầu đó được viết vào các mảnh giấy, xếp kín lại như hình một đoá hoa rồi treo lên cành cây.Mỗi lần một người lên hái hoa trứơc sự chứng kiến của toàn hội trường. Nội dung các đoá hoa đó thường là: Bạn hãy hát một bài hoặc đọc một bài thơ. Có khi yêu cầu kể một chuyện vui. Thậm chí có bông hoa yêu cầu người hái cười lên một tràng thật giòn! Phần lớn là yêu cầu hát. Các nữ quân nhân rất thích hái hoa dân chủ vì họ đều biết hát và có người còn hát khá hay. Tôi nhớ đêm ấy sau khi binh nhì Đồng Kim Lan hát xong bài “Đường cày đảm đang” được cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Trước khi về chỗ, Lan có quyền chỉ định một người lên hái hoa, cô nhìn khắp phòng, bất ngờ gọi tên thượng sĩ Đặng Chiểu làm mọi người cười to. Đặng Chiểu lên hái hoa và được yêu cầu: “Đồng chí mời một đồng chí nữa lên hát song ca”. Ai cũng nghĩ Đặng Chiểu mời một nữ quân nhân hát giỏi lên hát để anh hát theo vì anh không mấy khi hát và không thuộc một bài nào.
Không ngở Đặng Chiểu nhìn khắp lượt hội trường rồi gọi “ Trịnh Văn Canh” làm nhiều tiếng cười đến sặc sụa, vì Canh còn hát kém hơn cả Chiểu, giọng thuốc lào khản đặc, thế thì hai ông ấy song ca bài gì? Khi Canh bất đắc dĩ lên sân khấu, hai người gật đầu hội ý với nhau vài câu, rồi ngửng lên nhìn về phía khán giả. Đặng Chiểu giới thiệu:
- Hai ca sĩ Đặng Chiểu và Trịnh Văn Canh xin phép quý vị được song ca hai bài…
- Ghê thế, tưởng một bài cũng khó, ai ngờ…
- Các đồng chỉ trật tự, trật tự…
- Vâng, các đồng chí trật tự để chúng tôi song ca hai bài nhưng bảo đảm không mất nhiều thời gian đâu! - Trịnh Văn Canh tiếp lời.
Khi hội trường yên lặng trở lại, Chiểu và Canh bắt đầu song ca hai bài, điều khác thường là hai bài khác nhau nhưng hát cùng lúc, Chiểu hát “Vì nhân dân quên mình”, còn Canh hát “Giải phóng miền Nam”. Chẳng thể nghe hai đồng chí hát như thế nào, chỉ riêng song ca hai bài theo kiểu đó đã làm cả hội trường vỗ tay tán thưởng, vì xưa nay chưa ai được từng nghe…
Sắp đến giao thừa, tốp ca nữ hát giở chừng bài “ Bạch Long Vĩ đảo quê hương”, khi chờ dạo nhạc để hát lời hai, thì bắt đầu là cô Hồng Tiến, tiếp đến Minh Nguyệt, rồi cả Đồng Kim Lan tự nhiên rời khỏi sân khấu và khóc thút thít làm cho mấy anh nhạc công chửng hửng. Trưởng Ban hỏi vì sao thì đều được trả lời vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Đúng rồi, đây là cái tết lần đầu tiên các cô xa nhà, ngày thường công việc túi bụi, lại có các đồng chí bên cạnh nên khuây khoả nỗi nhớ, còn khoảnh khắc giao thừa sắp tới, cô nào cũng nhớ lại giờ này năm ngoái đang làm gì với người thân trong gia đình rồi không cầm được nước mắt. Nước mắt là thứ hay lây, chỉ một lúc sau, cả hai mươi cô gái đều khóc. Phí Trân là tay tếu nhất đơn vị nói lớn:
- Đề nghị cả hai mười đồng chí nữ đi lên sân khấu, chúng ta có tiết mục tiết mục mới, thay tốp ca bằng “đồng khóc”!
Ông trưởng ban cử người cầm đèn pin soi đường cho các cô gái về từng mái nhà sàn của dân mà họ ở nhờ, vì sợ các nữ quân nhân quá buồn rồi làm điều gì dại dột.
Cứ tưởng các cô buồn hết tết, không ngờ sáng mồng một chúng tôi lên sân kho để tham gia hội ném còn với đồng bào địa phương, đã thấy mấy nữ quân nhân đang tham gia hội thi cải trang với thanh niên địa phương, vừa chạy vừa thay quần áo, mặt đó ửng, cười như nắc nẻ. Với các cô lính trẻ, nước măt và nụ cười gần nhau lắm!
Thế là bốn mươi lăm cái tết đã trải qua từ tết rừng năm ấy. Đám “cử nhân” chúng tôi về hưu với quân hàm Đại tá. Còn các nữ quân nhân sau năm 1975 đều chuyển ngành, tất cả lên ông, lên bà từ lâu rồi. Có một điều lạ là không mấy nữ quân nhân ấy lấy chồng bộ đội, nhưng tình cảm chúng tôi vẫn ấm áp như ngày cùng đơn vi.
Vừa qua, kỷ niệm ngày nhập ngũ, chúng tôi thuê xe về thăm bản Mường mình từng đóng quân năm ấy. Tất cả thay đổi: nhà sàn thay hết bằng nhà xây, đường sá, vườn tược hoàn toàn khác, riêng cây đa cổ thụ thì vẫn như ngày ấy. Giá như năm nay chúng tôi cùng nhau ăn tết ở nơi ấy thì khó tìm được hơi hướng của bản Mường như cái tết bốn mươi lăm năm về trước.
Vương Trọng - Hội nhà văn Việt Nam
|