Ảnh minh họa - Internet
“Tuổi thơ bắt dế đi cày/Trâu nhà chẳng có, dế cày thay trâu/Sân nhà chẳng dám cày sâu/Đường ngang ngõ tắt giục nhau đi về/Nay ngồi suy nghĩ ngành nghề/Rộn nghe tiếng dế mùa hè kêu vang”. Bài thơ này đoạt giải nhất một cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc hay toàn quốc cách đây nhiều thập kỷ. Trong một lần về quê nghỉ hè, tôi được các bác nông dân đọc cho nghe và bàn luận sôi nổi ở sân hợp tác xã nông nghiệp bấy giờ. Bài thơ ấy, tôi thuộc ngay và lâu lâu nó lại vang lên trong lòng tôi. Đêm đó, tôi cứ buồn một nỗi buồn vô cớ. Nỗi buồn mung lung ấy chìm nổi mãi trong vô vàn cảm xúc và tâm trạng của tôi, suốt bao tháng năm biến thiên của cuộc đời. Có điều, nỗi buồn ấy không dẫn tới bi lụy hay nản lòng, mà chỉ khiến chúng ta mạnh mẽ và vững vàng hơn lên, qua những gợi nhắc thâm trầm và thấm thía.
Chưa có điều kiện tìm hiểu lại thời kỳ bài thơ nhỏ ra đời, và thân phận của tác giả của kiệt tác ám ảnh, tôi vẫn nghĩ, bấy giờ, nông nghiệp và nông thôn hẳn được xem là cốt tử của vận mệnh dân tộc. Tác giả bài thơ, chắc là một chú bé đồng quê mà ông bà cha mẹ đều luôn luôn châm lấm tay bùn, đã cảm nhận được điều hệ trọng ấy. Số phận và đường đời về sau của cậu có thể lý giải thú vị và thuyết phục thật nhiều về điều cốt tử vừa nêu, điều cốt tử mà hạt nhân là hồn quê vốn tiềm ẩn tất yếu trong mỗi người Việt Nam dù họ sống ở Đất mẹ Việt Nam hay ở bất kỳ chân trời góc bể nào. Xin thưa ngay rằng hồn quê đây là sự “biết điều thiên thu”, nói theo dân gian, hoặc sự “hiền minh cao cả”, theo ngôn ngữ bác học. Đã hẳn, “Biết điều” hoặc “Hiền minh” được đề cập ở đây mang dấu ấn Việt Nam vô cùng sâu đậm. Dấu ấn có một không hai đang nói là cái đức đói cho sạch rách cho thơm và sự phổ biến cha truyền con nối của tinh thần tương thân tương ái và đùm bọc lẫn nhau qua nối tiếp không ngừng mưa nắng cõi người. Chưa hoàn toàn trở thành lẽ sống của mọi công dân mọi thế hệ như mơ ước bao đời của nhân dân lao động, phẩm chất nền tảng đó là điều kiện tiên quyết và kim chỉ nam trong mọi quan hệ con người, không chỉ trong đời thường và nội bộ một cộng đồng, một đất nước mà còn trong hoạt động tư tưởng và chính trị tương tác của mỗi thể chế, của tất thảy các xã hội dù muốn dù không cũng phải kết hợp thành nhân loại. Không khó nhận thấy, hầu như văn nghệ sỹ Việt Nam nào cũng ít nhiều đả động đến hồn quê thiêng liêng ấy. Hồn quê, cái nôi của tính cách, ngôi nhà của hạnh phúc và yên bình, vốn là gan ruột nhất đối với mỗi con người. Cho nên nó cần được nêu lên với một sự nâng niu và trọng thị tối đa và một nghệ thuật diễn đạt điêu luyện và tinh tế tuyệt đỉnh. Thơ ca vì vậy có ưu thế vượt trội cho sứ mệnh kích hoạt gian nan này.
Thơ Việt Nam hiện đại có thể tự hào đã cống hiến cho công chúng, xung quanh thần đồng Trần Đăng Khoa (mà chúng ta sẽ bàn kỹ trong một dịp khác), ba tiếng thơ đồng quê đích thực. Đó là Nguyễn Bính, Trần Nhuận Minh và Nguyễn Huy Hoàng. Tằm mới nhả được tơ, nhà thơ không yêu thương tận đáy lòng ruộng đồng, làng xóm và người nông dân lam lũ nhưng nhân từ phúc hậu, không cần mẫn đồng hoá muôn vàn điều hay lẽ đẹp từ môi trường ngàn đời tất bật và vãt vả đó, thì không thể bật lên những “được lời như cởi tấm lòng”. Tình quê đã hoá thành máu thịt, ba thi sỹ đi đâu, làm gì, “trái tim cũng chỉ đập về nơi đồng sâu xóm vắng”. Mối tình của những mối tình ấy bao giờ cũng thôi thúc các thi sỹ sống và lao động hết mình, xúc cảm và suy ngẫm hết mình, khiến họ trở nên bạn tri kỷ và người ruột thịt của đồng loại hữu hình và vô hình ở các nẻo trần gian mà họ đặt chân tới, dù đó là nông thôn hay thành thị, xứ bắc hay xứ nam (Nguyễn Bính), trong nước hay ngoài nước (Trần Nhuận Minh), châu Âu hay châu Mỹ (Nguyễn Huy Hoàng). Từ Thời Đổi mới 1986, thơ Nguyễn Bính được tái bản liên tục và được bạn đọc mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi đón nhận trên cả nồng nhiệt, có lẽ chưa thi nhân Việt Nam nào được ngưỡng vọng đến thế. Chính Nguyễn Bính, cũng chưa khi nào được sủng ái đến vậy. Dung dị làm sao: trong bối cảnh Việt Nam mở cửa và hội nhập, thơ ông nhắc nhở xúc động rằng người Việt Nam xin cứ là người Việt Nam, xin cứ sống chân chất như ông bà tiên tổ, thế mới là tự trọng, không trọng mình thì sẽ bị người khác coi rẻ, bị coi rẻ có nghĩa là lệ thuộc và rơi vào tình thế nô bộc. Cơn sốt Nguyễn Bính chứa chan chất nhân văn và tính cộng đồng ấy đã đi vào Lịch sử văn chương và Lịch sử dân tộc như một kỷ niệm ấm lòng bậc nhất. Nó cho thấy hùng hồn nhu cầu to lớn chừng nào của quần chúng đối với văn chương thứ thiệt, văn chương như tiếng lòng của họ, cũng như vai trò thiết cốt biết bao của văn chương trong sự nghiệp thức tỉnh lương tri và lẽ phải vì sự tiến triển khoa học và lành mạnh của xã hội.
Trần Nhuận Minh bản lĩnh hơn người ở chỗ ông không theo thời thượng, tuôn ra những thi phẩm một mặt ra vẻ cao sâu bằng những triết lý vu vơ vừa nông cạn vừa khôi hài, nếu không muốn nói là trống rỗng, mặt khác ra vẻ nhân bản bằng những thương vay khóc mướn xa lạ với hiện tình xã hội và tâm hồn dân tộc. Ông cung kính độc giả, vững tin vào cái tâm của họ và của mình, cho nên không tìm cách quảng bá thơ mình bằng các kiểu hội thảo và giới thiệu thơ ầm ỹ và xa hoa quá độ, mà ở đó, hình như sự ngạo nghễ của tiền bạc và quyền lực chính trị đồng nhất với giá trị tác phẩm, học hàm học vị là chân lý và đỉnh cao cảm nhận cái hay cái đẹp. Ông nhất quyết không tự dối và dối người, nghĩa là vẫn tuân thủ nghiêm ngặt cái “thành thực” (chữ của Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam) trong sáng tác và phục vụ công chúng. Không cần in ấn thật sang, tới cả gần triệu đồng một bản, thơ Trần Nhuận Minh được tái bản liên tục, cứ lặng lẽ đến với những bạn đọc vô danh, như chính tiếng lòng của họ, mà lâu lâu họ lại nêu lên, không phải trên truyền thông nhà nước, mà trên mạng, diễn đàn của họ và họ dễ được mời, để bàn luận về văn chương và lẽ đời. Ta có thể mạnh dạn ghi nhận rằng thơ chân dung của ông, theo cách diễn tả của Vương Trí Nhàn, là một “đặc sản văn chương Việt Nam” hiện đại. Thơ ấy khắc họa tài tình nhiều kiểu người điển hình ở nông thôn hay từ nông thôn mà ra, do đó nắm bắt được nhiều tâm trạng xã hội điển hình thời mở cửa, và vô tình khái quát được một cách đáng kinh ngạc sự vận động với nhiều bất ngờ thường xót xa của nông thôn nói riêng và của xã hội ta hôm nay nói chung. Hiện thực được đào sâu tới tận cùng từ chi tiết tới toàn cục hé mở những bất an và bất ổn không thể làm ngơ hay ngoảnh mặt. Tất cả dẫn tới trăn trở trọng điểm là phải bảo vệ bằng được hồn quê đang bị vi phạm, thậm chí bị tiêu diệt. Có vẻ thiên về đặc tả những mặt xấu, chuyện buồn, thơ ấy thực chất khẳng định và ngợi ca sức sống hào hùng của nông dân, nông thôn, của hồn quê. Cái hồn quê vốn là nền tảng của nhân phẩm. Nhân phẩm là nền tảng không thể xao lãng của chung sống hợp lý và lành mạnh của mỗi cộng đồng và của toàn xã hội. Phát hiện đáng giật mình của Trần Nhuận Minh, sức sống ấy thể hiện rõ nhất ở những con người thua thiệt nhưng bao dung, những con người ở nấc thang thấp nhất của cộng đồng, ở chỗ khuất nhất của đáy sâu bất kỳ xã hội nào.
Ấy là những người lao động “mạt hạng”, thường bị coi như cỏ rác, song bao giờ cũng “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; những dì Nga nhất thiết sống đúng tư cách con người, chỉ thành vợ chồng khi có tình yêu đích thực; những cụ Hãn, một cựu nhân viên bảo vệ, lúc sắp chết, ân hận đã không phải với lũ trẻ ham xem phim, song chúng vì không có tiền mà phải giở trò gian lận; những ông Vọng suốt đời đánh giậm, luôn chân thật với đồng loại, không than thân trách phận, bằng lòng với cuộc sống quá đạm bạc; những bá Kim, mẹ của hai liệt sỹ, một thời chống Pháp, một thời chống Mỹ, suốt đời làm nghề bắt cua đồng, luôn luôn đúng mực trong mọi hoàn cảnh, chỉ sống bằng thực lực của bản thân, luôn luôn tự trọng và tôn trọng đồng loại, không lợi dụng hay lạm dụng bất cứ tình thế nào, kể cả do phẩm giá của mình khởi tạo, không hoa hòe hoa sói, không ảo tưởng và quá đà, có lẽ thông suốt mọi lẽ dâu bể, đĩnh đạc giữa cõi người lắm rủi ro trắc trở như một vị thánh “một mình biết một mình mình hay”…Bá Kim là một trong triệu triệu con người bé nhỏ cổ kim đông tây đã, đang và sẽ chi chút gây dựng nên thế giới này, qua mồ hôi, nước mắt, máu xương vô cùng tận, thế giới ngày một văn minh và đáng sống. Nếu ai trong xã hội, đặc biệt là những người điều hành, cũng được như bá Kim, hình tượng người lao động nói riêng và con người nói chung, chân thực và đáng kính chưa từng thấy không chỉ trong văn học Việt Nam, nhân loại đã tránh được biết bao phiền hà, lãng phí, khốn khổ, mỗi sinh linh đã ngày một được sống đúng là một con người. Với Bá Kim, một trong những bài thơ đẹp nhất của Trần Nhuận Minh, cũng như của Thơ Việt Nam, cái đẹp tổng hòa và toàn diện hiếm gặp, nhà thơ vùng mỏ đã chỉ rõ chìa khóa để mở vào thiên đường thực sự trên mặt đất: đó là sự hiền minh hay biết điều, mà ai cũng có thể làm được.
Tương đồng với thơ Trần Nhuận Minh ở nhiều phương diện chủ yếu, thơ Nguyễn Huy Hoàng là hiện thân xúc động của hồn quê Việt. Thơ ông xuất hiện từ đầu những năm 1990. Ông vốn là giảng viên đại học tổng hợp văn Hà Nội, sau sang Nga làm nghiên cứu sinh, trở thành tiến sỹ rồi ở lại Nga sinh sống và làm việc cho tới bây giờ. Một nỗi đau quá lớn khiến ông quyết định không hoặc chưa về: con gái Nguyễn Quỳnh Nga bỗng mất tích ở Nga, ông tìm kiếm mãi vẫn chưa thấy, “Ai hiểu được nỗi lòng riêng ứa máu/Con nơi nào mà ba vẫn ngồi đây?”. Có điều, bi thương tưởng chừng phi lý và bất công đã không làm yếu đuối hay méo mó tiếng thơ Nguyễn Huy Hoàng. Tiếng thơ ấy được đông đảo người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài nhận làm nỗi lòng của họ. Hồn quê ngàn đời là con tim khối óc, là máu thịt, là muôn vàn dây đàn của ông. Ông đi tới nhiều nơi trên thế giới và ở đâu “con mắt thơ” (Chữ của Đỗ Lai Thúy) của ông cũng nhận ra những niềm vui và nỗi buồn có thực, ở đâu, ông cũng khắc khoải nhói lòng tới quê cha đất tổ. Hiển nhiên, con mắt thơ này, nhờ hồn quê, cũng nhạy bén, thông tuệ, thẳm sâu và thấu lý đạt tình hết mực. Có thể bắt chước một vĩ nhân, chúng ta không sợ quá lời khi nói rằng tất cả những gì liên quan đến con người nói chung và đến người Việt Nam nói riêng đều không xa lạ với thơ Nguyễn Huy Hoàng. Một ưu điểm nổi trội của thơ ông là hiện thực cuộc sống vô cùng đa dạng và phong phú. Phân hóa và hố sâu ngăn cách giàu nghèo, phân biệt đẳng cấp và chủng tộc, thù hận phe phái hay thắng thua, sự tha hóa nhân cách, thảm họa đảo lộn các giá trị, rồi nạn diệt chủng,.., không ít chuyện “tày trời” của thời đại đã được ghi lại cảm động trong thơ người tha hương nặng lòng với xứ sở đã sinh thành và nuôi ông lớn dậy.
Thân phận dân lao động, bộ phận đông nhất trong mọi cộng đồng, được nắm bắt thật nhạy cảm với sự chia sẻ chí tình chí nghĩa. Nếu ở Campuchia, ông nhìn thấy nghịch cảnh: người lính Việt Nam bán đôi giầy chỉ được 50 riên, bằng 5 tô hủ tiếu; cùng lúc, chàng trai sở tại thanh toán một bữa ăn đêm bằng một chỉ vàng, thì ở Nga, đó là chuyện không tin nổi ở thời đại văn minh này, ấy là kiếp nô lệ hiện đại nghẹt thở, khủng khiếp có lẽ hơn cả thời trung cổ! Nô lệ đây là những nữ thợ may người Việt, được dụ dỗ sang Nga, để gia đình mau chóng thoát nghèo đỡ khổ. Song, họ bị nhốt như trong ngục, bị bóc lột tới tận xương tủy, không thể bỏ trốn, bị đối xử như con vật, “Ba năm chưa ra khỏi xưởng/Quẩn quanh bốn bức tường nhà”, và đau xót nhất, “Tiền công chủ cầm không phát”, “Thế nhưng ngàn ngày có lẻ/Một xu không có gửi về/Lãi mẹ lãi con chồng chất/Mất nhà tính nước ra đê!”. Bài thơ giản dị Lời tự thán của một nữ thợ may, viết ngày 20 tháng một 2009, tại thủ đô Liên bang Nga, đề cập một cách day dứt đến xé lòng một vấn nạn phức tạp của đời sống nhân loại hiện tại. Ấy là chủ nghĩa vị kỷ, lợi dụng mọi sơ hở của luật lệ xã hội và của lương thiện đồng loại, quyết chà đạp lên tất cả, để nô dịch con người. Chủ nô trong câu chuyện trên lại là người Việt Nam: cô thợ may “Vái lạy nhiều lần, ông chủ/Mặt mày vẫn lạnh như băng/Cũng là da vàng máu đỏ/Mà sao nó ác vô cùng!”. Câu cảm thán thốt lên từ vô thức cô gái trẻ như một đòi hỏi đau đớn, một nhắc nhở vô vọng về đạo lý cơ bản của cõi đời, nhất là ở những xứ sở từng bị miệt thị, không chế và bòn rút không ghê tay, châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, đạo lý đó là đùm bọc nhau để sống cho phải lẽ, để tất cả cùng được yên ổn. Sự tan vỡ của đạo lý ấy là cái gút của mọi bức bối và suy thoái xã hội. Cũng như Trần Nhuận Minh, Nguyễn Huy Hoàng nhìn rõ cái gút đó, thế nên ông mới cảm nhận xã hội và con người, khoảnh khắc và thời cuộc, một cách chính xác, bao quát và thuyết phục đáng trân trọng.
Ảnh minh họa - Internet
Nguyễn Huy Hoàng nhận chân chuẩn xác bản chất hiền minh và sáng tạo của người lao động. Bên cạnh, ví dụ, Thầy tôi và Người hàng xóm công dân Nga, là những công dân Việt Nam bao giờ cũng nhất quyết sống lương thiện và vững tin vào chất thiện ấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trên đất người là một bài tiêu biểu. Những người đến trước lại như một áng thơ lạ. Lần tới tận miền cực bắc Nga, tác giả tưởng chỉ các nhà thám hiểm như mình mới cất công làm vậy. Hóa ra, mười mấy năm rồi, một số người Việt trẻ đã đến đây, chí thú khai phá, gây dựng cuộc sống yên ấm cho mình và cho dân sở tại. Chân quê vô địch như thế, người lao động đáng lẽ phải được yên ổn và hạnh phúc. Song phi lý và bất công vẫn quá nhiều. Cay đắng nhất là “Nhà nông đánh mất nghề nông bao đời”; “Nhà lầu ngất ngưởng mọc lên/Bóng che đổ xuống vách phên liếp gầy”, và “Làng quê bỏ hết cày bừa/Tha hương kiếm bát cơm thừa người ta”! Không kìm nén được nữa, nhà thơ đã bức bối thốt lên: “Thế gian chẳng lẽ xót đau thế này?”. Câu hỏi nhức nhối nhất ấy kết tinh những vấn đề nóng bỏng nhất của thời đại. Nguyễn Huy Hoàng đã lý giải, đã đề xuất…, cuối cùng, hẳn không chủ ý, ông đã khẳng định giải pháp tối ưu là mỗi người hãy chung sống đúng mực. Đúng mực như chính công dân và thi sỹ Nguyễn Huy Hoàng! Ông không ngần ngại bị chê là “cải lương”(?), để thương cảm và đấu tranh cho những người thấp cổ bé họng, thực chất là nền tảng của văn hóa và của cõi thế hiện vẫn quá nhiều “nan khúc” (chữ của Ngô Thế Oanh). Ông thuộc số vài ba nhà thơ Việt Nam hôm nay, coi mình như mọi người dân lương thiện, mà nhân phẩm phải là cốt tử. Như họ, Nguyễn Huy Hoàng là nghệ sỹ ngôn từ toàn diện, bộc trực và chan hòa, bao dung và thiết thực. Sức lôi cuốn của chủ nghĩa hiện thực cổ điển được ông kế tục một cách hồn nhiên và cảm động. Hai mảng thơ chính của ông, về Việt Nam và về nước Nga, phảng phất hồn thơ của các bậc thầy muôn thuở, ví như Puskine bất tử.
Giữa những đau đời và nghiền ngẫm thế sự, nhà thơ – công dân thế giới, nhờ hồn quê vững vàng, làm chủ được mọi tình huống. Với một Việt kiều ở Mỹ hay Đêm Valentine là đôi ví dụ ngẫu nhiên, cho thấy hiền minh là chìa khóa vạn năng cho hóa giải, hòa hợp và hạnh phúc yên bình. Ông cho thấy cõi đời ẩn chứa muôn vàn chất thơ bất tận, giúp khám phá và hưởng thụ chúng vừa say mê vừa thâm thúy. Thiên nhiên, đặc biệt là thiên nhiên Nga, hiện ra muôn hình muôn vẻ trong thơ ông, khá quyến rũ. Độc giả được chiêm ngưỡng không ít những bức tranh ấm áp, tựa như “Bà mẹ Nga bên bếp lửa ngồi đan/Mái tóc trắng vương theo làn khói tỏa/Mùi khoai chín thơm lừng căn nhà gỗ/Mặc ngoài kia tuyết phủ kín cánh đồng” (Ngày đông giữa làng Nga). Thật hiếm thi sỹ hôm nay còn vui những niềm vui giản dị nhưng thánh thiện, chẳng hạn, “Ngửa tay hứng hạt mưa xuân” (Tết này lại nhớ Tết xưa) hoặc “Giữa mưa trắng, ngẩng đầu trần háo hức/Rơi nhẹ nhàng những đóa trắng phất phơ” (Nỗi sợ trắng). Mưa trắng đây là tuyết đầu mùa ở Xứ người bí ẩn. Có nhận thức được “Quầy sách cũ/bảo tàng/hồn nước Pháp ngàn xưa” (Quán sách ở Paris), Nguyễn Huy Hoàng mới bần thần với Phố đêm đất Việt: “Quán trà bụi, căng lên tấm nhựa/Ngọn đèn dầu che gió ống bơ/Chén rượu trắng vơi vơi đĩa lạc/Người xa về ngồi xót phố xưa” đến vậy. Hồn cốt của “ngổn ngang trăm mối” trong thơ ông vì vậy mới hiện ra sâu thẳm, chan chứa đồng cảm và cổ vũ. Ông đúc kết thâm trầm ví dụ về văn hóa, “Miếng quà ngon, thú ăn chơi, lễ hội/Phải chắt chiu, thanh lọc tự ngàn đời”. Từ đó, bao đau đáu của ông về quê cha đất tổ được cất lời nhỏ nhẹ mà da diết như lời chàng trai yêu cô gái hết lòng hay người cha hấp hối trăng trối cho con mà ông yêu thương quặn thắt. Ông có những hình ảnh về đồng bào mình khắc mãi vào tâm trí người đọc, “Đất quê hương cháy sém mảnh lưng trần” (Bên bờ Bantich), “Người Việt đâu cũng máu chảy ruột mềm” (Trên đất người) hay “Mặt đẫm tràn nước mắt, vẫn bao dung” (Người Việt)…Không bỗng dưng, Nguyễn Huy Hoàng viết nhiều về Tết, vũ trụ không cùng của yêu thương thánh thiện tuyệt kỳ, trong đó, những gì tốt đẹp nhất của mỗi người được nâng niu và thăng hoa tột bậc, thời cơ của đoàn tụ, ghi công, tri ân và hứa hẹn chân thực tột cùng, không gian của chia sẻ, giao hòa và khích lệ sáng suốt và xúc động tuyệt đỉnh. Tết là biểu tượng của một xã hội khoa học và văn minh, trong đó quan hệ giữa người với người, giữa thiểu số cầm trịch và số đông chung lòng chung sức được “thiết kế” hợp quy luật nhân văn vĩnh cửu: số đông quyết định. Khát vọng này vẫn âm ỷ nung nấu lương tri và nghị lực của tất cả các dân tộc.
Khát vọng ấy đã thành máu thịt của sự nghiệp sáng tác của Trần Nhuận Minh và Nguyễn Huy Hoàng. Nó định hướng thơ của hai ông. Với thơ Nguyễn Huy Hoàng, định hướng ấy bộc lộ ngay từ “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Chúng ta cùng đọc lại một bài gan ruột của ông, đăng báo Văn Hóa, số 607, ngày 10 tháng chín năm 2000.
Nguyễn Huy Hoàng
(Mátxcơva)
BẾN CỦA HỒN TÔI
Mắt bâng quơ tìm một ngọn khói chiều
Chỉ bắt gặp những nhà cao, tháp cổ
Xe vun vút nối dòng trên đại lộ
Tiếng còi tàu xé toạc sắc hoàng hôn.
Muôn ngọn đèn đẩy bóng tối về đêm
Cả thành phố như bước vào vũ hội
Xa lắm lắm vệt đèn dầu le lói
Mẹ lưng còng nhặt gạo giữa hàng nia.
Chuông đồng hồ trầm vọng tháp đêm khuya
Như lay động dải ngân hà ngái ngủ
Thương cha yếu, gió đổi mùa khó thở
Tựa bên giường, vắng một bóng tay con.
Rạng đông về, khuôn mặt phố thoa son
Sông như lụa vắt ngực trần lơi lả
Lòng gửi trọn chốn quê nghèo vất vả
Tấm vai gầy nước Việt của ta ơi!
|