Mỗi độ Tết đến, xuân về cùng với hoa đào đỏ thắm, hoa mai vàng rực, đất - trời và người lại tưng bừng, hân hoan mở hội. Năm mới nồng ấm, tươi tắn và nhiều hứa hẹn đến với muôn nẻo đất nước. Tết là sự kiện đặc biệt của xã hội Việt Nam.
Ảnh minh họa - Internet
Như một hằng số văn hóa, trong không gian tết con người hòa đồng, nhất thể với thiên nhiên, nồng nàn, đằm thắm với đồng loại. Tết là dịp mọi người trở về với gia đình, quê hương, cội nguồn để gặp người thân, họ hàng, cúng vái ông bà tổ tiên, tham gia lễ hội truyền thống và tìm lại bóng dáng tuổi thơ trong sáng của mình.
Tết đó là Tết nguyên Đán hay giản đơn là Tết Ta, Tết Âm lịch. Tết là từ chữ Tiết - một cách phân chia chu kỳ vận chuyển của vũ trụ. Nguyên là bắt đầu, đầu tiên. Đán là buổi sớm. Tết nguyên đán là điểm bắt đầu buổi sớm đầu tiên. Khởi thủy. Đó là sáng mồng 1 tháng giêng hằng năm. Trong cảm quan nhân sinh người Việt, Tết vừa là sự khai mở hanh thông một chu kỳ vận hành mới của trời đất, vạn vật vừa là lễ hội đầu tiên mở ra vận hội tốt đẹp, may mắn, thịnh vượng mới của mỗi sinh linh, cuộc đời.
Tết trong tâm thực người Việt là tết của gia đình. Vì vậy mọi lễ tục, tập quán đều diễn ra hội tụ xoay quanh gia đình và quan hệ thân tộc, làng xóm. Tết có nhiều tục lệ cổ truyền như: treo cuốn thư, câu đối đỏ, tranh dân gian, hoa đào, đốt pháo, dựng cây nêu, biếu quà, mừng tuổi; chọn người xông đất, chọn giờ xuất hành, khai bút, khai ấn, khai trương, động thổ; kiêng kỵ ma tang, dọn rác, nói điều gở, xin lửa, vay, đòi nợ, cãi cọ, đổ vỡ; kiêng không ăn thịt chó, ba ba, thịt vịt, cá mè, mực, mắm tôm... Tết được bắt đầu bằng lễ cúng Táo quân - 23 tháng chạp. Ông Táo là Tổng quản bếp núc, no đủ của gia đình, vì vậy, mọi nhà làm cỗ cúng tiễn ông và không quên sắm cho ông cá chép để ông cưỡi cá hóa rồng bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng thiên đế một năm vui buồn của mỗi gia đình nơi hạ giới.
Sau ngày đó, gia đình dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, lau rửa đồ thờ, mâm nồi, bát đĩa, treo tranh, câu đối, cắm hoa. Trên bàn thờ gia đình nào cũng có đèn, hương, gạo, muối, bánh trưng, rượu, tiền vàng và mâm ngũ quả. Ngũ quả miền Bắc gồm: chuối xanh, bưởi, cam, hồng, quất; ngũ quả miền Nam là: dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung... Ngũ quả biểu tượng của ngũ hành, màu sắc phải rực rỡ bởi nó không chỉ thể hiện tấm lòng của con cháu dâng cúng ông bà tổ tiên mà còn hàm nghĩa là lộc trời, vượng khí, là tượng trưng cho khát vọng muôn đời của người Việt về no đủ, sung túc, thịnh vượng.
Ba mươi là ngày bận mải nhất. Người đi chợ tết mua sắm đủ thứ từ tranh, nến, hương, tiền vàng, hoa quả đến mắm, muối, măng, nấm, thịt, cá... Người ở nhà mổ lợn, thịt gà, nướng cá, giã giò, gói bánh trưng, làm nem, làm cỗ,... khắp thôn làng vang lừng tiếng chày cối, dao thớt, hương liệu thơm inh ỏi khắp làng trên xóm dưới; phưng phức mùi cá nướng, thịt quay, chả, nem, xôi, giò... Cứ gọi là vô cùng hân hoan ngạt ngào không gian thực phẩm. Người đi biếu tết bố mẹ, ông bà nội, ngoại, trưởng tộc. Người ra nghĩa trang sửa mộ mời ông bà tổ tiên về ăn tết... Trưa ba mươi là lễ cúng tất niên, - lễ đón rước ông bà tổ tiên và các vị phúc thần về nhà ăn tết. Cỗ trưa 30 mươi là ngon và vui nhất bởi đây là buổi đầu tiên hội tụ đông đủ ông bà tổ tiên và con cháu bốn phương trở về tụ hội.
Đêm 30 vào đúng khoảnh khắc chuyển giao hai năm, gia đình nào cũng bày một mâm cỗ giữa sân cúng trời đất, và một mâm cỗ cúng trong nhà gọi là cúng giao thừa. Giao thừa là thời điểm tụ hội, giao hòa trời đất, con nguời và thần linh. Giao thừa chính là khoảnh khắc linh thiêng nhất nên con người và vạn vật bỗng nhiên đều vô cùng cảm động. Cúng xong, con cháu chúc tết bố mẹ, ông bà, trẻ em được nhận tiền mừng tuổi và cả nhà vui vẻ chúc tụng nhau những lời tốt đẹp và thụ lộc. Sau đó mọi người xuất hành ra làm lễ ở đình, chùa hay miếu ở gần nhà mình, nơi thơ phúc thần, thành hoàng làng, những anh hùng dân tộc. Đó cũng là tục xuất hành du xuân và hái lộc năm mới.
Sáng Mồng một, con người và vạn vật bỗng trở nên mới mẻ, thanh lịch, hào hoa. Không gian Tết rộn rã âm thanh và rực rỡ sắc màu - chủ đạo là màu đỏ - đó là màu nóng ấm, may mắn, thịnh vượng. Mọi người mặc quần áo mới, hồ hởi cùng nhau chúc tết ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm với lời chúc năm mới mạnh khỏe, phát tài, phát lộc, an khang thịnh vượng.
Trưa mồng 1 Tết là lễ cúng chính thức ông bà tổ tiên và thần linh thổ địa, táo quân và nghệ sư tại gia đình. Mồng Hai theo phong tục, vợ chồng con cái về bên ngoại ăn tết, mồng Ba là đến chúc tết Thầy và mồng Bốn thường làm lễ hóa vàng. Đây vừa là lễ tiễn ông bà tổ tiên, các vị thần linh về ăn Tết xong tiếp tục đi du xuân, mà đặc trưng là sau khi cúng đốt toàn bộ vàng mã ở nơi thờ - đó là nghi lễ kính gửi tiền, vàng, xe ngựa để ông bà, tổ tiên và các vị thần thượng lộ du xuân. Đây cũng là bữa cỗ chia tay anh em, con cháu đi làm ăn xa về Tết đến ngày trở lại công sở.
Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất của người Việt. Tết, đó là thời khắc hội tụ và lan tỏa của một năm của trời đất, thần linh và con người. Ở đó tích tụ và đồng hiện nhiều lớp tầng văn hóa, tín ngưỡng với những giá trị nhân văn quý báu của dân tộc. Tết đó là một không gian văn hóa nhân sinh độc đáo rực rỡ sắc màu và thiêng linh của người Việt. Mỗi năm khi Tết đến, xuân về con người và trời đất bỗng trở nên mới lạ, tươi trẻ hơn, háo hức hơn, tử tế hơn, nhân văn hơn. Tết là dịp mỗi người được trở về nhà mình sống vui vầy, đầm ấm, yên tâm trong sự che trở, phù hộ của các vị thần linh, ông bà tổ tiên, cha mẹ, anh em họ hàng, làng xóm - và, mỗi người như được tiếp thêm năng lượng, sinh lực và tình yêu để hăm hở bước vào hành trình mới - một lan tỏa mới trong cõi nhân sinh.
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu - Hội nhà văn Việt Nam
|