Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  TẾT NHÀ QUÊ - Tạp văn của tác giả Hoàng Văn Luận (Phần I) TẾT NHÀ QUÊ - Tạp văn của tác giả Hoàng Văn Luận (Phần I) , Người xứ Nghệ Kiev
 

Kính thưa Quý vị độc giả!

Mùa Xuân đang về trên Quê hương yêu dấu.

Nơi giá băng, tromg cái lạnh 20 độ âm - những người con xứ Nghệ nói riêng

và cộng đồng người Việt tại Kiev - Ukraine cũng như kiều bào khắp nơi trên thế giới

cùng hướng về Quê hương. Hoài niệm NHỮNG MÙA XUÂN QUÊ HƯƠNG 

trong sự chia sẻ thân tình của tác giả HOÀNG VĂN LUẬN.

Xin trân trọng cám ơn tác giả đã gửi tới tấm lòng

của Quê hương sưởi ấm lòng người nơi xa xứ!

Luan Van Hoang

Tác giả Hoàng Văn Luận

Bút danh Hoàng Thảo Chi

Sinh năm 1952 tại Nam Định

Từ 1969-1972 học tại Trường sân khấu Việt Nam

Từ 1981-1986 học tại MGU (Matxcơva) và Đại học Văn hóa Kharkov.

Viết các thể loại: Thơ, Truyện ngắn, Tạp văn...

                                              TẾT NHÀ QUÊ

     Còn hàng tháng nữa mới Tết, mà sáng nay, đi ngang mấy cửa hàng sách, thấy đỏ rực, vàng chói cơ man là lịch tờ, lịch quyển, lịch blốc năm mới 2014 đã được bầy bán. Một bìa lịch to tướng, vẽ bức tranh Mã Đáo Thành Công, biết năm mới sẽ là năm Ngọ. Nhìn tám con ngựa, vó tung cao, bờm dựng lên trong gió, trong lòng nghe như có tiếng ngựa hý rền vang, và nao nao bao kỷ niệm của những mùa xuân xưa cũ tràn về. Đó là những mùa xuân và những cái Tết không thể nào quên, Tết ở nhà quê, Tết của những ngày ấu thơ, xa xưa yêu dấu…

          NẤU RƯỢU TẾT

      Dạo ấy, không khí tết đến với tôi từ rất sớm, ngay từ lúc bắt đầu phụ giúp Thày tôi nấu rượu. Cái đoạn Bu tôi nấu cơm, trộn men rồi ủ…tôi không để ý lắm. Nhưng đến lúc nấu rượu, thì tôi thấy mùa xuân đã về, mơn man trong mùi rượu thơm ngát giữa bếp nhà tôi. Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng tôi vẫn thấy tôi ngồi kia, bên cạnh bếp lửa hồng rừng rực, đốt bằng gốc tre, còn Thày tôi thì tất bật chuẩn bị nấu rượu.

     …Trước tiên Thày tôi bắc cái nồi đồng ba mươi lên bếp, (gọi là nồi ba mươi, chắc là nó chứa được ba mươi lít nước thì phải) đổ vô đó khoảng nửa nồi cơm rượu. Tiếp theo ông đặt cái nồi hông bằng đất nung không đáy lên trên. Giữa thân cái nồi hông, có khoét một lỗ nhỏ để cho rượu chảy ra, qua một cái máng bắc bên trong nồi. Cái nồi hông này khum khum hình quả bí ngô, chụp khít cái miệng nồi ba mươi phía dưới. Phía trên đặt một cái bù đài bằng tôn (giống như cái nón lật ngửa). Cái bù đài này, phải đặt sao cho, cái chóp nhọn của nó, chỉ đúng vào lòng cái máng phía dưới, mới mong thu được rượu khi nấu. Trong bù đài, phải giữ cho nước luôn mát, để ngưng đọng hơi rượu bốc từ phía dưới lên. Rượu theo độ dốc của bù đài chảy xuống cái máng rồi ra ngoài. Tôi được giao nhiệm vụ thay nước ở cái bù đài ấy. Đó là một công việc chẳng nặng nhọc chi, nhưng cứ phải chạy ra, chạy vô lấy nước, chân tay chẳng được nghỉ ngơi.

     Khi những giọt rượu đầu tiên chảy ra, Thày tôi hứng chúng vào cái chén mắt trâu rồi nếm thử. Sau khi nếm, ông điều chỉnh ngọn lửa để sao cho, rượu đạt được nồng độ mong muốn, nhất là phải có vị hơi khê khê, chứ không phải là bị khê. Cái này là bí quyết, chúng tôi chẳng ai tiếp thu được. Mỗi khi Thày tôi nếm xong, bao giờ tôi cũng lấy cái chén ấy, kề vào miệng dốc ngược lên, và lần nào cũng kiếm được vài giọt cay xé lưỡi. Hàng chục năm, phụ Thày tôi nấu rượu như vậy, tửu lượng của tôi âm thầm đạt tới hàng “Huyền đai” mà chính tôi không biết.

        Qua bao tháng năm, những vò rượu Tết, được nút bằng lá chuối khô, vẫn xếp hàng ngay ngắn trong trí nhớ của tôi đến tận bây giờ. Thỉnh thoảng tôi vẫn quay về với thuở xưa, mở những cái nút lá chuối ấy ra. Mùi rượu nếp, lại lừng thơm hương Tết tuổi thơ, xa mù trong dĩ vãng.

         MUỐI DƯA HÀNH.

 

              

                           Ảnh minh họa - Internet

    Cách Tết khoảng mươi lăm ngày, Bu tôi bắt đầu chuẩn bị muối dưa hành. Tôi được phân công rửa sạch cái vại sành, cái vỉ nén đan bằng tre và một cục đá khá to. Bu tôi mua về mấy cân hành củ màu trắng, loại sàn sàn nhau, cho hết vào một chậu men, đổ ngập chúng bằng nước vo gạo cùng một nắm muối. Ngâm một đêm thì gạn hết nước vo gạo, thay vào đó bằng nước lã hòa cùng tro bếp, và cũng thêm một ít muối, ngâm một ngày nữa thì đổ ra. Bu tôi rửa sạch hành, bóc vỏ ngoài, để cho ráo nước. Chờ hành ráo, Bu tôi nướng mấy gióng mía, tước hết vỏ rồi tiện thành từng khúc khoảng 3 phân, chẻ tư rồi xếp xuống đáy cái vại tôi đã chuẩn bị, và đổ hết hành lên trên. Tôi đun một nồi nước sôi, để gần nguội, Bu tôi cho vô đó ít đường, muối, dấm khoắng đều rồi đổ ngập hành khoảng một đốt ngón tay. Tôi nén cái vỉ xuống, đặt cục đá lên rồi đậy nắp vại lại. Thế là hai Bu con chúng tôi, hoàn thành một món rất quan trọng cho ngày tết: Muối dưa hành.

       Không biết món kim chi ngon cỡ nào, mà trong tất cả các phim của xứ Hàn đều ca ngợi thấu trời xanh? Tôi thì cho rằng: Món hành muối của người Việt chúng mình, nhất là món hành muối của Bu tôi làm trong những dịp Tết ngày xưa…tuy giản dị, nhưng nhất định là phải đứng số một. Nó đã trở thành một phần hồn cốt, một hương vị đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền của của dân tộc Việt Nam. Không thế thì làm sao, người sành điệu, nổi tiếng như cụ Nguyễn Bính lại làm thơ về chúng kia chứ:

                       Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

                   Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…

          CÚNG ĐƯA ÔNG TÁO

          

                    Ảnh minh họa - Internet

      Nghi lễ đầu tiên chuẩn bị cho năm mới là lễ: Tiễn ông Táo về trời… vào ngày 23 tháng Chạp. Bu tôi nói:

-       Lễ này rất trọng, bởi vì các vị Táo quân (tức là ba ông đầu rau trong bếp) sẽ bay lên trời, tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế mọi chuyện của gia đình trong suốt năm qua. Nhất là chuyện học hành của mấy anh em chúng mày. (Bu tôi nhìn bọn tôi, nhấn mạnh như vậy). Rồi xin Ngọc Hoàng ban mọi điều may mắn cho gia chủ trong năm mới. Vì sẽ đi rất xa, nên phải có một mâm cỗ, dâng lên cho các ông Táo ăn lấy sức đi đường và cũng là lấy lòng các vị Táo quân.

     Tôi thấy mâm cỗ của Bu tôi cúng các ông Táo, cũng không hoành tráng như tôi tưởng. Có bát gạo, bát muối, đĩa cá kho, đĩa rau lang luộc, đĩa rau xào, một nậm rượu, một miếng thịt luộc nhỏ, một đĩa xôi, vài cốc chè đỗ xanh…một ít tiền âm phủ, vàng mã và một con cá chép bằng giấy. Bu tôi bảo: Sau khi ăn cỗ, các Táo quân mang theo tiền, vàng mã làm lộ phí, rồi cưỡi con cá chép ấy bay lên trời. Nên cúng xong, thì phải hóa vàng mã và con cá chép. Còn nhà nào kiếm được ba con cá chép thật thì phải phóng sinh xuống sông hoặc ao, hồ để chúng đưa các ông Táo đi.

      Vì các ông Táo lên trời, sẽ báo cáo cả chuyện học hành của mình nên tôi hơi lo. Đêm ấy tôi nằm mơ, thấy mình bay lên giữa trời xanh, xung quanh cơ man là cá chép, nhưng chẳng tìm thấy một vị Táo quân nào.

           LAU DỌN BÀN THỜ

    Tiễn các vị táo quân xong thì bắt đầu trang trí lại nhà cửa. Quan trọng nhất là lau dọn bàn thờ. Đầu tiên là đánh bóng các đồ thờ bằng đồng. Nhà tôi có một cái án thư cổ khá lớn dùng làm bàn thờ. Cứ như Thày tôi nói, thì cái án thư này, ngày xưa nó được sơn son thếp vàng. Nhưng chắc lâu quá rồi, tất cả đã bong hết, chẳng thấy son và vàng đâu, chỉ còn một màu gỗ nâu bóng, nhưng các hoa văn trạm trổ trang trí, thì còn khá đẹp và sắc sảo. Trên bàn thờ nhà tôi có cái lư hương và hai con hạc bằng đồng, cần phải đánh. Nếu như bây giờ, chỉ cần đưa đến các cơ sở đánh bóng, sau ba mươi phút cả bộ đồ thờ ấy đã sáng choang. Nhưng ngày ấy, cha con chúng tôi phải đánh bằng trấu, cát, tro bếp hì hục cả buổi mới xong.

 Thày tôi giao cho tôi, và ông anh trai mỗi đứa một con hạc, hẹn trong ngày phải hoàn thành. Để chiều còn đi học, nên ngay từ sáng sớm, tôi đã bắt đầu công việc của mình. Nói là con hạc, nhưng con hạc lại đứng trên lưng con rùa và mỏ con hạc lại ngậm một bông sen, ngay giữa nhụy của bông sen, có một lỗ tròn để cắm nến…nên đánh bóng được chúng chẳng dễ dàng chút nào.

        Thường ngày, mỗi khi nằm võng ru cháu, trong các bài ru miên man của mình, thế nào Bu tôi cũng hát:

                     Thương thay thân phận con rùa

                  Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia

Câu này và các bài ru của bà, đã ngấm vào tôi tất cả, tôi hiển nhiên công nhận chúng. Nhưng khi đánh bóng cặp rùa đội hạc này, tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao, con hạc lại cứ phải đứng trên lưng con rùa, chứ không phải trên lưng con vật nào khác? Tôi mang điều này hỏi Thày tôi. Nhìn tôi và con hạc, ông mỉm cười giải thích:

-      Các cụ ngày xưa xếp con rùa vào hàng thứ ba trong bốn con vật thiêng: Long, Ly, Quy, Phụng. Quy là rùa, con rùa tượng trưng cho sự trường thọ, trường tồn, vĩnh cửu. Con hạc tượng trưng cho sự tinh túy, thanh cao. Cái tinh túy thanh cao, bao giờ cũng bền lâu…Nên con rùa luôn cõng con hạc là vì vậy!!!

-      Thế còn con nghê là con gì? Tại sao nó lại đứng trên nắp cái lư hương như thế? Tôi thắc mắc tiếp.

-      Con nghê chính là con chó, nhưng được tạc một cách oai nghiêm hơn. Con chó là con vật được con người yêu thương nhất trong muôn loài vật. Nó cũng luôn yêu thương, trung thành bảo vệ gia chủ, nên nó được đứng trên nắp cái lư hương, bảo vệ, canh nhà cho chủ, xua đuổi mọi điều tà ác. Những ngày lễ tết, nó còn được xông trầm hương nữa. Con hạc và con nghê là hai con vật thiêng của người Việt. Con phải nhớ lấy điều đó!

Lúc ấy tôi cũng không hiểu, những điều thày tôi giảng giải cho lắm. Sau này lớn lên, tôi thấy ở nhiều nơi có những tượng chó bằng đá thiệt to. Còn con rùa, không chỉ đội hạc, mà nó còn đội cả những cái bia to đùng ở các chùa, và bia tiến sỹ trong văn miếu Quốc tử giám ở Hà Nội nữa.

-      Chắc các cụ tiến sỹ cũng tinh túy, thanh caonên được đứng trên lưng con rùa! Mình cố học giỏi để được giống như các cụ!!!

Những lúc ấy, tôi đã phởn chí mà ao ước như vậy!

                                (Còn nữa)

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 12
Total: 65208491

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July