Vậy là đã thềm xuân mới, nhìn đường phố bỗng thành đường hoa, chợ hoa xuân, với đủ các loại đào mai, trúc cúc… đã thấy nôn nao Tết về… Chợt giữa những lốm đốm đào mai, là một người đàn ông, khoác bộ quân phục cũ, đang săm soi bên mấy gốc bưởi lúc lỉu quả chờ khách xuân. Bỗng như giữa hương xuân, thảng cái mùi hoa bưởi trong ký ức xuân xưa thoảng về theo lời bài thơ xưa của một người lính già Ngô Minh Hớn, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 27 Triệu Hải, viết trong đầu chiến dịch giải phóng Quảng Trị mùa xuân năm 1972. Một bài thơ ngắn, nhưng khá nổi tiếng như một dự báo về hình thái, quy mô chiến dịch, nhưng cũng rất… lãng mạn hương xuân.
Vâng, bài thơ có tựa đề rất đơn giản: Kho Cây Quýt. Tên bài và cùng là tên một cái kho vũ khí dã chiến của bộ đội giải phóng Bắc Quảng Trị được hình thành tại một góc vườn hoang thuộc xã Tân Kim, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Nguyên đây là một cái làng cũ, dân đã bị địch dồn vào ấp chiến lược, nên vườn đã trở thành rừng hoang với vài ba gốc cam, quýt còn sót lại, vì vậy khi lập kho, các chiến sĩ ta cứ thế nôm na là kho Cây Quýt.
Bài thơ mở đầu bằng nét "ký họa" rất thực - và không thể thực hơn khung cảnh một cái kho dã chiến nằm ngay giữa trận địa với... Ngổn ngang cây đổ cản đường đi. Hẳn rằng khi nghe mô tả kho nằm trong khu vườn có mấy cây quýt mà thành tên, nên nét "ký họa" từ câu thứ hai mộc mạc theo ngữ ngôn miền Trung... Cam quýt ở mô, nỏ thấy chi... cũng chính là tâm trạng ngỡ ngàng của anh chàng lính xứ Nghệ trước một cái kho không giống... cái kho bình thường. Nhưng cũng chỉ vậy thôi, sau vài nét "ký họa" ban đầu về kho Cây Quýt mà không cam, chẳng quýt đó, người lính ngước cái nhìn nhận diện ngay khung cảnh thực của một cái kho thời chiến trong cái không cảnh trận mạc... Chỉ thấy lập lòe đèn pháo sáng / Máy bay rền rĩ vọng âm i... Vậy nhưng chính cái kho thời chiến thu mình giữa ngổn ngang cây đổ vì bom pháo đó lại như cái nồi Thạch Sanh, để rồi... Đầu hôm hàng đến kho đầy ắp/ Rạng sáng quân ra vác sạch lì... Và không chỉ như một cái kho luôn đủ gạo, mắm, súng đạn theo yêu cầu chiến đấu của các đơn vị giải phóng. Qua hình tượng lặp đi lặp lại... Đầu hôm hàng đến kho đầy ắp... Nhưng chỉ sau một đêm, đến... Rạng sáng quân ra vác sạch lì... Cho thấy cả một không gian khẩn trương, hối hả, cái “mùi” của chiến dịch đánh lớn đang định hình trên chiến trường đầu cầu Trị Thiên.
Đến đây, ngỡ như đã quá đủ với sáu câu thơ tả thực khung cảnh và tầm quan trọng của nhà kho dã chiến trước mùa chiến dịch. Vậy nhưng tác giả lại làm người đọc bất ngờ với hai câu kết... Chen giữa mùi bom, mùi thuốc súng/ Thoảng mùi hoa bưởi một đôi khi! Quả là một sự bất ngờ cho cả tác giả và người đọc, bởi đang khi... Chen giữa mùi bom, mùi thuốc súng... lại Thoảng mùi hoa bưởi một đôi khi!
Vâng, chỉ… thoảng một đôi khi cái mùi hương chanh, hương bưởi vương trên tóc của những o Cam, o Chanh... nhưng đã là quá đủ để người lính nhận biết một cách rất tinh tế và lãng mạn về sự xuất hiện của những chị cán bộ cơ sở, các cô du kích trong số bộ đội địa phương tại khu vực kho vũ khí của chiến dịch. Đó cũng chính là sự xuất hiện thêm một yếu tố để nhận biết tầm quy mô của một chiến dịch đánh lớn, rất lớn sẽ diễn ra nay mai với đủ các lực lượng bộ đội chủ lực và cơ sở địa phương cùng tham gia.
Gặp lại một thời
Và đúng vậy! Cuối cùng thì cái giờ G loáng thoáng qua ý tứ của một bài thơ nhỏ của một người lính rồi cũng "lộ" hẳn thành trận đánh mở màn cho chiến dịch Xuân 1972, giải phóng Quảng Trị. Giữa những cánh quân thuộc các sư đoàn chủ lực, bộ đội địa phương đồng loạt tấn công vào các cứ điểm sâu trong sào huyệt quân thù, những người lính vẫn nhận ra giữa mùi bom, mùi thuốc súng đó, còn có mùi... hương bưởi, hương chanh tỏa ra từ sự xuất hiện của các nữ chiến sĩ du kích mật, cơ sở cách mạng trong đội hình tổng tấn công.
Trong cuộc hành hương về lại chiến trường xưa Cam Lộ,
tác giả Ngô Minh Hớn (bìa phải) cùng đồng đội trung đoàn 27
- Triệu Hải gặp lại các O Bưởi, O Cam... một thời không quên
Chiến tranh giờ đã lùi xa. Người lính và là tác giả bài thơ đã gần tuổi bát bát thập niên, giã nghiệp binh đao trở về với đời thường. Vậy nhưng giữa cuộc sống sực nức mùi thị trường, ông và những đồng chí, đồng đội một thời vẫn không thể quên và chắc chắn sẽ không bao giờ quên được cái mùi hoa bưởi, dẫu rằng chỉ... thoảng... một đôi khi thời trận mạc năm nào trên chiến trường Đường 9 Quảng Trị.
Vẫn chưa xa cái thủa nào
Chút hương xưa, vẫn thoảng vào sắc xuân
Bài và ảnh của nhà báo Lê Bá Dương
Văn phòng thường trú báo Văn hoá
Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Kho Cây Quýt
Ngổn ngang cây đổ cản đường đi.
Cam quýt ở mô, nỏ thấy chi.
Chỉ thấy lập lòe đèn pháo sáng
Máy bay rền rĩ vọng âm i.
Đầu hôm hàng đến kho đầy ắp
Rạng sáng quân ra vác sạch lì
Chen giữa mùi bom, mùi thuốc súng
Thoảng mùi hoa bưởi... một đôi khi.
Ngô Minh Hớn
(Tác giả Ngô Minh Hớn, quê ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh (nay là Trung đoàn 27 Triệu Hải- sư đoàn 390 – Quân đoàn 1). Hiện ông đã về hưu với cấp hàm thiếu tá và đang ở với con tại thành phố Vinh, Nghệ An).
|