Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Tết quê hương - Tản văn của Nguyễn Phan Hách Tết quê hương - Tản văn của Nguyễn Phan Hách , Người xứ Nghệ Kiev
 

 BBT Nguoixunghekiev.vn hân hạnh giới thiệu cùng độc giả
Bản sắc văn hoá Việt Nam trong:
Tết quê hương - Tản văn của Nguyễn Phan Hách.
Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách!

           Ảnh minh họa - Internet

 

Mẹ đi chợ tết mua về bức tranh Đông Hồ vẽ đàn lợn con quấn quýt bên bầu sữa mẹ, bảo tôi dán lên tường.

-         Năm nay là năm Hợi. Cầu mong nhà ta nuôi được đàn lợn đẹp thế này - Mẹ bảo.

Tôi đi bóc những tờ tranh cũ. Năm ngoái vẽ những con chuột nhỏ xinh xinh. Năm ngoái là năm Tý.

Mỗi năm âm lịch được người xưa đặt cho một cái tên, ứng với một con vật thân thiết - Ông tôi nói - Trí tưởng tượng của người xưa thật lạ. Cách lấy những con vật để gọi tên, để tượng hình những quãng thời gian cố định

 của người xưa thật kỳ diệu, giản đơn đấy nhưng chứa trong đó bao nhiêu ẩn số cao siêu.

Thời gian trôi hết năm này sang năm khác, vô tận. Ngày nào cũng sáng trưa chiều tối triền miên. Thời gian là giống nhau, lặp đi lặp lại. Biết chặt ra từng quãng, đặt tên cho nó, ước lệ cho nó một đặc điểm, thổi vào trong nó những dung mạo khác nhau, và rồi huyền bí hóa nó trong quan hệ với mỗi đời con người... quả là một kỳ tài của người xưa...

Ông tôi ngày ấy là một nhà Nho. Người không thỏa mãn với những tờ lịch in chữ quốc ngữ bán ngoài chợ. Cuối chạp, ông thường trịnh trọng mở cuốn sách cổ Hán tự tính lịch lấy cho mình. Giờ phút ấy nghiêm trang lắm. Ông ngồi tựa tay trên tráp, đọc rất lâu. Tôi vận áo gấm đỏ, khoanh tay đứng hầu bên cạnh. Khi ông dừng sách tôi vội lấy thỏi mực Tàu mài trong nghiên. Tấm vải điều đặt trước mặt. Ông vén tay áo thụng, cầm bút lông, phóng những nét như “rồng bay phượng múa”. Ông ghi tên năm mới mà ông vừa tính được trong sách cổ. Rồi vừa nhấp rượu, rung đùi, ông trầm ngâm nghĩ câu đối nghênh xuân:

Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ

Đức mãn càn khôn, phúc mãn môn.

Câu đối được treo lên, bên cạnh tờ tranh Đông Hồ. Hai ước vọng trong năm mới!

Những ngày tết tuổi thơ tôi sao mà êm dịu.

Đêm 30 mẹ ngồi đính khuy áo tết cho tôi bên nồi bánh chưng sôi xình xịch. Củi gộc tre phơi nỏ giờ lên than hồng rực.

Tiếng pháo nổ lác đác. Bánh vớt ra chờ đúng đến giao thừa đặt lên bàn thờ sáng trưng đèn nến hoa đào. Chiếc bánh chưng vuông, vật phẩm thiêng liêng ngày tết.

Gạo nếp hoa vàng hương thơm đồng nội ngày mùa. Nhân thịt lợn đỗ xanh béo ngậy. Sắc lá dong xanh ngấm vào gạo trắng lên màu cốm. Chiếc bánh gợi ý nghĩa về thành quả lao động trồng trọt chăn nuôi cả năm của người dân quê. Ăn miếng bánh chưng đêm giao thừa trong phút giây đầy nhiệm màu của năm mới như thực hiện một nghi lễ. Không cắt bánh bằng dao. Mà xắt bằng chính sợi lạt buộc bánh. Đưa miếng bánh lên môi cảm nhận được hương vị đất đai, nắng gió quê nhà.

Tiếng pháo nổ sáng mồng một tết gây cảm giác hưng phấn náo nức. Xác pháo đỏ trên hè như cánh hoa đào rụng. Từ đây người ta chỉ còn mê đi trong cái khoảnh khắc thiêng liêng nhất của thời gian.

Cả nhà lần lượt mừng tuổi cho tôi. Tiền mừng cho tôi chóng lớn. Mười đồng, mười tuổi.

Ít đứa trẻ dám tiêu ngay tiền mừng tuổi. Thường là dành dụm nâng niu.

Phút vui sướng của ngày đầu năm là mẹ dẫn tôi về thăm bà ngoại. Mẹ mặc áo dài tứ thân, yếm xanh hoa lý, xà tích bạc lủng lẳng, tóc vấn đuôi gà, môi ăn trầu cắn chỉ. Chúng tôi đi trên con đường cỏ mượt, trai thanh gái lịch dập dìu du xuân. Mẹ về lại ngôi nhà tuổi thơ của mẹ. Ngày mẹ là cô gái con ve vé việc nhà. Pháo nổ, dây tơ hồng chăng, mẹ lạy thày mẹ, cắp nón đi làm dâu nhà người. Sáng mồng một tết, không được trở về nhà mẹ đẻ - nơi cội nguồn, tất cả những người đàn bà đều muốn khóc. Chỉ có sau khi về đấy rồi, họ mới thanh thản vui xuân.

Những người mẹ già sáng mồng một tết, đều mong con gái của mình trở về. Để bà thấy lại tuổi trẻ tái sinh của mình. Để sống lại tình mẹ con tuổi thơ thân thiết. Để tự hào mình đã dạy con nên người tài đảm “gánh vác non sông nhà chồng”!

Sự hy sinh của người đàn bà phương Đông thật ghê gớm!

Ở nhà ngoại về, chúng tôi thường ra gốc đu xuân. Mẹ xin người ta bắt cho một cái đu - Một mình mẹ áo tứ thân phấp phới dún đu tít bổng, bóng hình in giữa mây xanh. Ngày còn thiếu nữ,mẹ nổi tiếng “nhãi đu”. Vẫn lên đu đôi với những chàng trai. Tiếng cười trong vắt nắc nẻ trên cao.

Giai du gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng

Bốn mảnh hồng quần bay phấp phới

Hai hàng chân ngọc duỗi song song

Tuổi thiếu nữ hồn nhiên còn đâu? Chỉ còn tháng ngày gánh nặng chồng con gia đình trên vai.

Chiếc đu xuân nhẹ tênh hôm nay trút hết mọi lo toan ưu phiền thường nhật. Nhưng mẹ chỉ đánh một cái đu thôi. Một cái! Rồi dắt tôi trở về, với công việc cỗ bàn bận rộn ngày xuân.

Tết quê tôi có lắm hội vui. Trai gái nhà quê đâu có nhiều dịp tiếp cận nhau như trai gái thị thành. Để mà tìm hiểu, sàng lọc, tìm lấy người yêu hợp với mình. Khuôn phép Nho giáo, sự cả thẹn, thụ động tạo nên xa cách. Họ chỉ còn trông cậy vào sự mối lái. Chính nó tạo nên bao khập khiễng hôn nhân, bi kịch gia đình.

Hội “bắt chạch trong chum” đầu xuân là sự “nổi loạn” chống lại lễ giáo ấy. Những con chạch trơn tuột được thả trong chum mước. Một dãy chum đặt trên sân đình. Từng đôi trai gái thò tay bắt chạch.

Hai cái đầu vừa lúc nãy còn xa lạ, thì giờ đã chụm bên nhau trên miệng chum nhỏ bé. Nghe thấy hơi thở của nhau nóng hổi bên tai. Mùi mồ hôi ngây ngất. Nếu cúi sâu, có thể giấu kín hai cái đầu trong lòng chum nhỏ bé. Có thể chạm môi vào má người con gái mà “vô can”, xem như chuyện vô tình. Sự vô tình mang tính “thăm dò”.

Rồi hai cánh tay trần cùng quờ bắt chạch. Chạch trơn tuột khó bắt. Hoặc không làm sao bắt được khi nó bơi trong nước. Người con trai giả vờ quờ chạch mà quờ lấy tay người con gái. Nắm lấy cánh tay nõn nà của người ta, mà vẫn “vô can”. Vẫn xem như vô tình.

Chẳng được thưởng lụa điều vì không bắt được chạch, nhưng đã bắt được “bạn tình” nếu như “đối phương” ưng thuận. Chẳng phải nói một lời nào, chỉ dùng thử “ngôn ngữ” quờ tay “hợp thể thức” của Hội làng. Còn như nếu “đối phương” “không đồng ý” thì thôi ,chẳng bị tẽn tò, chẳng ngượng ngùng, vì đây là trò chơi ngày xuân...

Đêm vào hội, có một khoảnh khắc tắt hết đèn nến cho trai gái tha hồ chen nhau. Con gái kêu oai oái chạy trốn. Hoặc chả chạy trốn gì, mà ngược lại xông vào. Cả năm nam nữ “thụ thụ bất thân”, con gái chỉ “e lệ nép vào dưới hoa”, giờ thả cửa chen, đẩy, húc với con trai. Trời ơi, sao mà vui thế!

Theo lời các cụ, nếu năm nào không có Hội Chen là y như năm đó làng mất mùa, sâu xia, đói kém, dịch bệnh... Tài thế đấy!

Hội làng tôi chỉ có thế thôi! Chẳng nghiêm trang tý nào. Mặc kệ làng tôi! Mặc kệ các làng khác mở hội “đứng đắn” “cổ điển”. Hội đốt pháo bông. Hội hát quan họ. Hội bơi chải. Hội rước thần. Hội của họ sang ơi là sang! Nhưng trai gái làng họ thì cứ thèm rỏ dãi hội của làng tôi...

Mưa xuân lất phất rơi không làm nguội được những đôi má hồng nóng rực của các cô gái dậy thì. Hoa đào tươi thắm ngả đường. “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”, vẳng đâu đây câu Đường thi cổ... Mùa xuân quê hương!

              Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách - Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 12
Total: 65208297

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July