Hồi niệm tuổi thơ, trong tôi không thể nào quên được tấm áo mới và đồng tiền mừng tuổi sáng mồng một Tết. Giao thừa, mấy đứa con nít chúng tôi ngủ sâu rồi không nghe được tiếng pháo nổ râm ran làng trên xóm dưới. Sáng mồng một, tôi và thằng em mắt nhắm mắt mở chạy ra sân nhặt mấy viên pháo xịt cho vào túi. Mạ gọi: “Mấy đứa vô đây mặc áo mới và nhận tiền lì xì nghe!”.
Mỗi năm, có một lần được may áo mới. Thường là chỉ một lần thôi. Từ đầu Chạp mạ đã lấy tiền gom góp bấy nay may cho mỗi đứa một bộ áo quần. Con trai, thường là áo trắng quần xanh, con gái một bộ hoa. May xong, mạ cất trong rương, chiều ba mươi Tết vẫn chưa cho mặc vì sợ chúng tôi mê ngủ đái dầm làm bẩn áo. Tôi và mấy đứa em hong hóng chờ mặc áo Tết từ nửa tháng nay. “Ui chà, áo thơm hè!”. Cầm bộ áo quần mạ đưa, tôi chưa mặc ngay, giơ lên mũi hít hà, hít hà. Mấy đứa em tôi cũng thế, thằng Hóa, con Liên, con Hùng bắt chước tôi, ngọng líu “U à, áo ơm è!”.
Mạ không qua được cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của Mỹ, đi xa đã gần bốn chục năm rồi; mỗi bận Tết về tôi lại rưng rưng nhớ tới những tấm áo Tết mạ may cho. Những tấm áo vải sợi thô thô đó mang lại sung sướng cho chúng tôi nhưng cũng là niềm vui vô bờ bến của mạ. Tôi nhớ đôi mắt mạ dìu dịu những ánh cười khi thấy chúng tôi vân vê tà áo mới. Hạnh phúc của người mẹ mới bình dị và đơn sơ làm sao.
Vui chưa hết vì được mặc áo mới anh em chúng tôi lại đón nhận thêm lộc mới đầu năm. Thắp hương khấn vái trên bàn thờ xong, bà nội tôi quay xuống ngắm nghía mấy đứa cháu xúng xính trong áo quần mới, giọng trầu cau nồng ấm cất lên: “Cháu mệ, đứa mô cũng đẹp cả hè. Mệ mừng tuổi cho đây nì”. Tờ một hào đỏ màu cờ hớn hở trong tay. Sau bà là đến ba mạ lì xì cho chúng tôi. Thêm hai tờ một hào nửa. Sướng, ui chao là sướng. Trên bàn tay trẻ nhỏ, những tờ bạc một hào tươi rói thơm phức như giấc mơ đẹp của tuổi thơ đã thành hiện thực.
Ba ngày Tết, túi áo lũ trẻ phập phồng những tờ bạc một hào. Con nít trong xóm gặp nhau, đem khoe tíu tít. Đứa mua pháo tép đốt chơi. Đứa mua kẹo chanh bọc giấy bóng xanh đỏ tím vàng mút chèm chẹp. Đứa mang về nhờ ông bà giữ hộ kẻo sợ mất. Tôi bí mật cất dưới cái hộp giấy là “nhà” của chú dế mèn mà con Hợi bên hàng xóm cho tôi chiều ba mươi. Nói là bí mật nhưng sáng mồng hai tôi đã rủ rỉ với cô láng giềng bé nhỏ xinh xinh: “Hợi nì, ra Tết tau với mi ra quán mệ Ròn mua sách tranh xem hè”. Hợi chun chun mũi: “Bọ mạ tau cũng cho tau mấy hào, cho tau góp với nghe”. Tôi cười toe: “Tau với mi xem chung”.
Tết xưa, lũ trẻ con đứa nào cũng mong được lì xì nhưng hầu như không có ý đứng chờ khách đến thăm mừng tuổi. Và, nói thật cái chuyện lì xì nó cũng nhẹ nhàng và hồn nhiên. Hào bạc thay cho lời chúc, lời mong con trẻ khỏe mạnh, chăm ngoan. Thế thôi. Chứ lì xì không nhằm vào các bậc phụ huynh của lũ trẻ như một số trường hợp bây giờ.
Tết thời nay, chuyện lì xì cũng nhiêu khê và rắc rối ra phết. Hình như người ta không quan niệm đồng tiền mừng tuổi cho trẻ là để mang khước, mang may lại cho chúng nó nữa. Tiền lì xì vì những cái khó nói khác. Tùy mối quan hệ giữa người lì xì với bố mẹ của bọn trẻ mà mệnh giá nằm trong hồng bao khác nhau. Tiền Việt, tiền Âu, tiền Mỹ có cả.
Tiền mừng tuổi, đương nhiên không còn là hào nữa. Tờ một hào đỏ màu cờ xinh xinh của thời thơ ấu chúng tôi đã lui vào dĩ vãng. Xa, rất xa, xa lắm rồi. Bây giờ, tôi thấy tờ 500 đồng hao hao giống tờ 1 hào ngày xưa ấy nhưng nếu ai đó mang nó đi mừng tuổi thì chắc sẽ xấu hổ lắm. Vì, không ai mang 500 đồng đi lì xì cả. Tôi nghĩ, nếu muốn lì xì cho trẻ thì ít nhất cũng phải rút ra 20 tờ như thế. Thay số tiền lì xì tối thiểu ấy bằng tờ 10 nghìn cũng được thôi nhưng màu sắc của tờ bạc này theo tôi không tươi tắn mấy.
Cũng là chuyện vi vu trong mấy ngày Tết. Dù sao thì xuân cũng về và Tết cũng đến. Dù khó khăn đến mấy thì con trẻ đáng yêu của chúng ta vẫn rất cần được nhận lì xì trong dịp Tết với ý nghĩa truyền thống là để lấy may, lấy khước. Đừng lợi dụng lì xì mừng tuổi để toan tính những lợi lộc khác. Nên trả lại sự hồn nhiên trong sáng cho trẻ em.
Và, chúng ta, những người lớn không phải bận tậm nhiều đến cái bao lì xì. Món quà năm mới đẹp nhất dành cho nhau là sự trong sáng. Vậy thì, Tết ơi, lì xì... nhé!
Nhà thơ, Nhà báo Nguyễn Hữu Quý
Hội nhà văn Việt Nam - Hội nhà báo Việt Nam
|