Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Ai ơi cùng giống Lạc Hồng! - LÊ BÁ DƯƠNG Ai ơi cùng giống Lạc Hồng! - LÊ BÁ DƯƠNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

Tên bài báo cũng là lời mở đầu và kết thúc đoạn diễn ca quảng cáo cho thương hiệu xà phòng Việt Nam được lưu hành trên mọi nẻo đường quê Việt Nam những năm cuối thập kỷ 1950.

           Ai ơi cùng giống Lạc Hồng

           Thương nhau ta giặt xà phòng Việt Nam

           Hàng nội hoá, ta làm rất tốt!

           Ít hao mòn, chẳng lột da tay

           Nếu đem tắm rửa càng hay

           Thơm lâu mà lại không cay, không nồng

          Ai ơi cùng giống Lạc Hồng!

 

        Ai ơi cùng giống Lạc Hồng

          Thương nhau ta giặt xà phòng Việt Nam

          Đừng vì  thấy ngoại mà ham

         Tiếp tay hàng ngoại giết hàng Việt Nam

         Hàng ngoại bang đổi vàng trong nước

         Họ gánh vàng  họ tếch sông Ngô *

         Gánh xong họ lại cười cho

         Con nhà Nam Việt dại khờ lắm thay

         Bảo nhau khắp đó cùng đây

     Dùng hàng nội hoá, chung tay đồng lòng

        Ai ơi cùng giống Lạc Hồng ! 

                  *  Sông Ngô là con sông ở bên nước Ngô, tức nước Tàu. Gánh vàng đi đổ sông Ngô nghĩa đen là gánh của cải đi đổ xuống sông bên Tàu. Nghĩa bóng là đem tiền bạc làm giàu cho người ngoại quốc. Đại ý câu này khuyên người ta không nên dùng hàng hóa nước ngoài, để tiền bạc, của cải khỏi lọt ra ngoại quốc. Sở dĩ có câu tục ngữ này là vì ngày xưa, cha ông ta thích dùng đồ Tàu (Ngô), bất luận cái gì cũng phải mua cho được đồ Tàu mới chịu, thành ra tiền của dốc vào túi của người Tàu tất cả. Để tiền bạc lọt cả vào túi người Tàu, như vậy có khác gì gánh vàng đi đổ sông Ngô.

            Thời đó, ở quê tôi, một thị trấn heo hút thuộc miền tây xứ Nghệ, việc giao thương từ đồng bằng lên nhờ 2 chuyến xe đò chạy bằng nồi hơi đun bằng than củi. Một chiếc của ông Cả Tài, chiếc kia của ông Cu Lượng. Cả hai chiếc xe đều ngược xuôi ngày lên, ngày xuống từ thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh ) lên miền tây xứ Nghệ với những chặng dừng ở chợ Giàn,  chợ Sy, Ga Yên Lý  thuộc Phủ Diễn Châu rồi lên chợ Hiếu, chợ Dinh, chợ Bãi thuộc Phủ Quỳ (nay là các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp). Thường lúc lên thì mang theo gạo cá mắm muối, hàng tạp hoá... xuôi thì chở về lâm sản, yến nấm, tạ măng. Nhất cử lưỡng tiện, ngoài chuyện hành nghề vận tải hành khách, hàng hoá,  hai ông tài xế già cũng kiêm luôn cả việc phát tờ rơi quảng cáo đến tận tay khách trên xe cũng như tận sạp hàng lớn, hàng nhỏ của các bà, các cô ở chợ.

Có điều lạ, tuy tờ rơi quảng cáo in thủ công theo lối in thạch, mộc mạc và đơn giản trên giấy bồi, mực đen, song vẫn được những người buôn to, bán nhỏ ở chợ đón nhận vui vẻ, pha chút háo hức. Lạ hơn, sau khi đọc và nắm bắt các thông tin về chất lượng sản phẩm, những dòng thông tin ngắn về thương hiệu từ chai dầu khuynh diệp, hộp cao con hổ, đến tấm lụa Hà Đông... Tờ rơi còn được các bà, các chị dùng làm tài liệu xoá mù chữ bằng cách đố nhau đánh vần từng chữ quốc ngữ.

Quả không thể ấn tượng hơn về một không gian chợ quê, chợ tỉnh vốn đã ấm hơi người lại thêm nao nức những cuộc thi đố chữ giữa các bà các chị bán hàng với nhau một cách hồn nhiên với đủ phương thức "sư phạm, thị phạm". Lúc là nhặt chữ, ghép vần, khi là chọn hình đọc chữ đại loại và ngồ ngộ những câu: Chữ o như quả trứng gà/ Đội nghiêng cái móc gọi là chữ ơ/ Thêm huyền thì khỏi ỡm ờ/ Thương nhau chín đợi mười chờ ai ai...  cứ vậy, từng lời, từng mảnh câu chữ, khi ghép mạch, lúc nối vần mà lên bổng xuống trầm theo lối diễn nôm làm người ta mau nhớ nội dung, lại nhất cử lưỡng tiện cho người ta nhớ lâu mặt chữ. Và độc đáo hơn, "Bản sắc" hơn khi cũng chính từ những mẩu quảng cáo viết bằng văn vần ấy còn được các bà, các chị... à ơi theo từng nhịp nôi chao giữa trưa hè trong  chợ quê, đung đưa những lời ru đằm thắm với từng câu từng chữ bài diễn ca với câu mở đầu và kết thúc đầy ắp niềm tự hào dân tộc nhằm quảng bá, cổ suý cho thương hiệu xà phòng Việt Nam - Loại xà phòng thời bấy giờ được sản xuất từ nguyên liệu dầu dừa được cô đặc đóng trong cái lon nhôm hoặc đóng thành bánh nặng chừng một phần tư kg và tuy không có được bao nhãn để gói kín cái màu thẫm đen đặc trưng, song với những người dân quê vốn quen giặt chay nước ao chuôm thì  đó thực sự là một chế phẩm rất chi là cao cấp.

Còn nhớ hồi đó ở quê tôi, do hiếm xà phòng, nên người ta vẫn hay dùng trái găng để giặt đồ. Trái găng rừng tròn tựa như trái ổi, đập dập chừng năm, ba trái là có cả một thau nước nhờn nhờn, nhơn nhớt,  đủ vò đến sủi bọt vài vài bộ quần áo. Của trời cho không mất tiền, cũng bọt, cũng sạch nhưng không cẩn thận khi giặt áo màu sáng  thì không chừng lem màu... Vì vậy đến khi có được loại xà phòng Việt Nam - loại xà phòng nội hoá rẻ, tốt lại được nhắn nhe rằng "ít hao mòn lại chẳng lột da tay..." thì sự chuyển giao công nghệ giặt bỗng bước lên ngôi thương hiệu Lạc Hồng và  toả vào từng nhà người tiêu dùng.

Chuyện xưa qua quá  nửa thế kỷ với bao vật đổi sao dời. Hàng hoá sau này mỗi ngày một đa dạng, phong phú với đủ kiểu dáng bắt mắt hơn. Không kể muôn vàn loại hàng hoá, vật phẩm lớn nhỏ đã và đang tràn ngập thị trường. Chỉ tính mỗi cái tên thương phẩm xà phòng thôi cũng đã  là một tập đoàn đủ các chủng loại, từ xà phòng giặt, xà phòng tắm, dầu gội... mỗi loại lại bao gồm nhiều mặt hàng với đặc tính, hình thức khác nhau thi thố, chiếm lĩnh thị phần. Cứ theo những trang quảng cáo dày dày trên mặt báo viết, ken kín thời lượng trên báo hình, báo nói và xanh xanh đỏ đỏ trên những tờ bích chương, cùng những tấm Baner to đùng ngất nghểu trên nóc nhà cao tầng ở các mặt phố, gốc đường... Cho thấy  tầm "Vĩ mô" cuộc đua của cái anh xà phòng giặt với đủ  chủng loại, từ siêu tẩy, siêu sạch, đến chuyên gia giặt tẩy, chuyên gia chống bám bụi, chuyên gia loại trừ các loại nấm, loại mốc...

Là một trong những người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin, tôi cũng đã từng thử các loại "Chuyên gia..., siêu tẩy, siêu sạch..."  để cuối cùng rút ra một bài học rất chi là thiết thực là: hãy chỉ tin vào những gì mình đã làm. Đó là sự thật mười mươi rằng, không có bất cứ một loại xà phòng nào có thể làm trắng cái cổ áo thấm bẩn của người có mồ hôi dầu. Lắm lúc bực mình vì ngâm mãi, vò mãi mà không sạch cái cổ áo, gấu quần trong đậm đặc loại xà phòng được quảng cáo là siêu, là chuyên gia, chuyên xương mà các nhà sản xuất khoe là được chế tạo bằng nguyên liệu, công nghệ ngoại nhập... tôi đã định đứng ra kêu gọi một cuộc tỉ thí với các nhà sản xuất xà phòng rằng: Cái hãng xà phòng nào mà làm sạch được cái cổ áo của tôi chỉ bằng chính loại xà phòng của hãng đang lưu hành trên thị trường thì tôi sẽ nguyện suốt đời dùng và cổ suý cho chỉ riêng loại xà phòng đó.

Tính vậy, nung nấu là vậy nhưng không biết khi nào mới có được một phương thức kiểm chứng thực hư chất lượng hàng hoá cho người tiêu dùng khỏi nghịch cảnh vừa tiêu, vừa dùng vừa anh ách bực mình vì cái sự nói điêu, nói đứng không đúng sự thật của các nhà sản xuất. Buồn lòng hơn, để tăng thêm hiệu quả của cái sự nói thêm, nói quá, tô vẽ quá mức chất lượng sản phẩm... Rất nhiều xen quảng cáo từ loại hàng ăn uống vặt vãnh như chai dầu ăn, gói bột nêm, chai bia, lít mắm đến đồ mặc lót vệ sinh như "Cô Tếch" cô tiếc, siêu mỏng, có cánh, cùng nhan nhản những dầu gội đầu, sạch gàu mượt tóc, những kem dưỡng da chứa nhiều dưỡng chất... Và lớn hơn là các loại dầu mỡ, xăng nhớt, xe cộ... đều được thổi hồn Trương Ba với  những điệp khúc kết thúc một hơi na ná nhau: Sản phẩm được chế tạo bằng nguyên liệu và công nghệ ngoại nhập. Hoặc để hoành tráng hơn, oai hơn, người ta còn đại ngôn: Hàng hoá của chúng tôi được sản xuất bởi các thiết bị tiên tiến do những chuyên gia hàng đầu thế giới điều hành.

Không riêng hàng hoá, bởi xa hơn, rộng hơn trong lĩnh vực đời sống xã hội, người ta cũng gồng mình đăng đàn... đại ngôn. Thể thao thì huấn luyện viên ngoại, cầu thủ "ngoại nhập". Giáo dục thì có trung tâm này, lớp chuyên ngành kia do giảng viên, giáo sư "ngoại" dìu dắt. Và nữa, trong một lần dự một hội thảo chuyên về một Tuồng, tôi đã không thể tin vào đôi tai của mình khi nghe những học giả, giáo sư tiến sỹ khả kính của chúng ta trong bản tham luận của mình đã dẫn lời ông Xơ-Mít, ông A - Lếch - Xăng, bà Xít - Cai - A - Nô Va nô viếc gì đó tận trời tây, coi đó như một khuôn vàng thước ngọc cho loại hình dân gian chỉ có ở Việt Nam (?)

 Trở lại với thương hiệu họ xà phòng, dầu gội. Tôi đã từng nghe cái âm điệu có cánh trên màn hình qua những một xen quảng cáo với lời hiệu triệu đại loại: "Hãy lắng nghe tóc bạn nói gì". Vâng tôi đã cố nghe, nhưng chẳng nghe được tóc nói gì, chỉ thấy bằng mắt, nghe bằng tai các xen quảng cáo trên báo, trên đài những sô, những xen quảng cáo đại ngôn đầm đầm chất liệu ngoại nhập nghe đến ngượng. Càng ngượng và xót xa hơn khi bất chợt trong tôi xa lắm vọng về lời ru chứa chan niềm tự hào dân tộc của chị bán tạp hoá chợ Hiếu quê tôi ngày nào rằng...

À... ơi, Ai ơi cùng giống Lạc Hồng... Thương nhau ta giặt xà phòng Việt Nam... À... ơi, ai ơi cùng giống Lạc Hồng...

Nhà báo Lê Bá Dương

Văn phòng thường trú Báo Văn hóa

Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 15
Total: 65205975

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July