Năm “Con Rắn” 2013 là một năm bình bình đối với tôi. Ngoài viết báo theo yêu cầu nhiệm vụ hay để kiếm thêm tiền chi phí cho những nhu cầu hàng ngày trong thời bão giá cũng kịp in được các tác phẩm (không phải bỏ tiền và có tài trợ, nhuận bút):
1.Trường ca: “Hạ thủy những giấc mơ” (Nhà xuất bản Lao động). Đây là trường ca viết về biển đảo của Tổ quốc.
Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên đã đánh giá về tác phẩm này như sau: “Đối với “Hạ thủy những giấc mơ”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã dựa vào hai cơ sở khá vững chắc. Thứ nhất là, cấu trúc làng xã của người Việt, với người nông dân hai sương một nắng, suốt ngày oằn mình ra theo mùa vụ gieo trồng, những mong kiếm đủ bát cơm, manh áo. Nhưng chính điều ấy đã tạo nên những giá trị làng ở nhiều cấp độ khác nhau. Và thứ hai là, tiến trình lịch sử dân tộc Việt trong kiến tạo, bảo vệ và dựng xây đất nước. Hai nền móng ấy xem ra là đủ để xây nên một lâu đài thi ca thực sự vững chãi.
Về khía cạnh hài hòa trong bố cục, kết cấu tổng thể của trường ca với 9 khúc, tượng trưng cho 9 con rồng quay về chầu đất tổ Hùng Vương và số câu thơ khoảng 1250 là vừa tầm độ so với nhu cầu bạn đọc hôm nay. Nếu quá dài, e dàn trải về cảm xúc, cũng như ngữ nghĩa của tác phẩm và quan trọng là sẽ làm khó cho bạn đọc khi tiếp cận văn bản tác phẩm. Nếu quá ngắn thì có nguy cơ trở thành “đoản ca”, sẽ không đủ dung lượng chữ và nghĩa cũng như thời gian tồn tại văn bản tác phẩm làm cho nó khó có khả năng chuyển tải những điều cần và đủ theo yêu cầu từ phía chủ thể sáng tạo khiến người đọc bị hụt hẫng hoặc không tiếp nhận được một cách đầy đủ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
Về tính thẩm mỹ của hình tượng tác phẩm, hình tượng nhân vật, hình tượng ngôn ngữ, giọng điệu thơ,...nhìn tổng thể đây là tác phẩm thuộc loại “văn chương sạch”, theo nghĩa không có hoặc rất ít những lỗi cố hữu thường gặp ở các tác phẩm thơ. Vì mãi đuổi theo xúc cảm cá nhân mà người thơ hoặc quên đi những chi tiết nhỏ, hoặc quá sa đà vào những chuyện vụn vặt, hoặc khi “sướng” lên người thơ dễ thường đi quá đà, hay suy diễn những điều không ăn nhập gì nội dung tác phẩm, cũng không đem lại lợi lộc gì cho hình tượng và ngôn ngữ thơ. Điều này Nguyễn Hữu Quý đã tránh được. Trường ca, theo truyền thống từ Iliad và Odyssey của Homer, đến Dam San- Xinh Nha, Dam Tiong của người Tây Nguyên, rồi Đẻ đất- Đẻ nước của người Mường,.. đều có những nhân vật trung tâm. Có thể nói từ một góc nhìn nào đấy, trường ca là loại thể văn chương ca ngợi người anh hùng. Đấy là những con người của cộng đồng, thuộc về cộng đồng và được cộng đồng tôn vinh. Ở “Hạ thủy những giấc mơ”, nhân vật trung tâm chính là những người lính biển đang ngày đêm canh giữ biển đảo cho quê hương, Tổ quốc. Các anh là những người bình thường như bao người con khác của đất mẹ Việt Nam, nhưng các anh được Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho sứ mệnh canh giữ biển trời của Tổ quốc. Sứ mệnh ấy là sứ mệnh anh hùng của những người anh hùng, rất đáng được Tổ quốc và nhân dân tôn vinh. Và họ càng xứng đáng hơn để trở thành nhân vật trung tâm của trường ca đương đại như “Hạ thủy những giấc mơ”. Bởi: Chúng tôi còn rất trẻ / dòng Việt truyền lưu qua bao thiên kỷ nồng nàn / có trở thành vĩ nhân / có trở thành anh hùng / chúng tôi vẫn trở về với mẹ / như con tàu xa xôi nghìn dặm bể / trở về neo bến quê hương. Sự hy sinh cao cả của các anh chính là điểm tựa cuối cùng cho lòng tin của chúng ta rằng ngàn đời vẫn là biển đảo quê hương, biển đảo Việt Nam.
Nếu chỉ xét ở ba khía cạnh này thì “Hạ thủy những giấc mơ” hoàn toàn có cơ may để có thể trở thành một tác phẩm có giá trị, không chỉ về nội dung tư tưởng, mà còn có giá trị cả về thẩm mỹ, nghệ thuật...”
2. “Trong lời mẹ ru” (Nhà xuất bản Kim Đồng in 24.184 bản). Trong phần giới thiệu Nhà xuất bản Kim Đồng đã viết:
“Trong lời mẹ ru là tập tuyển những bài thơ hay cho thiếu nhi của nhiều tác giả và lời bình của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.
Những bài thơ đã hay, lại được nhà thơ bình giảng thật dí dỏm, súc tích, truyền cảm, góp phần giúp các em học sinh hiểu biết thêm cái hay, cái đẹp của thơ.”
3. Trước ngày an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết bài thơ dài 103 câu (trùng với số tuổi thọ của Đại tướng) “Huyền thoại Võ Nguyên Giáp”.
Bài thơ được giới thiệu trên vanvn.net của Hội Nhà văn Việt Nam; vannghequandoi.com.vn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong những ngày Quốc tang; tạp chí Nhật Lệ; tạp chí Hồng Lĩnh và tập thơ “Tiễn Người vào cõi bất tử” do NXB Thông tin & Truyền thông vừa ấn hành).
Năm mới, xin thông báo với anh em bè bạn gần xa. Nguyễn Hữu Quý tôi mong được quan tâm và góp ý.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Hội nhà văn Việt Nam
Hội nhà báo Việt Nam
|